Để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội, chống các hành vi bức cung, dùng nhục hình từ phía Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên khi tiến hành các hoạt động điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra các hoạt động điều tra của Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra (Khoản 1 Điều 36 BLTTHS năm 2015), Viện trưởng Viện kiểm sát có nhiệm vụ quyền hạn kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS nói chung, trong giai đoạn điều tra nói riêng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên (Khoản 1 Điều 41 BLTTHS năm 2015). Kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015).
1. Phát hiện, xử lý người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội
Về phía người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác (tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội), khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của mình (người bị buộc tội) thì có quyền khiếu nại đối với các quyết định, hành vi tố tụng đó (Điều 469 BLTTHS năm 2015).
Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên… người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra (Khoản 1 Điều 470 BLTTHS năm 2015). Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên… người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra (Khoản 2 Điều 470 BLTTHS năm 2015). Như vậy, trong giai đoạn điều tra, khi xác định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có các hành vi như tra tấn, bức cung, dùng nhục hình đối với mình thì người bị buộc tội có thể khiếu nại đối với các hành vi đó.
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc tiếp nhận khiếu nại của người bị buộc tội (hoặc người đại diện hợp pháp, người bào chữa của người bị buộc tội) mà phát hiện nhân viên thực thi pháp luật đã thực hiện hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình trong khi tiến hành các hoạt động điều tra thì người có thẩm quyền cần áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý kỷ luật đối với các nhân viên thực thi pháp luật đã có hành vi vi phạm.
Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức, viên chức bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Theo đó, công chức, viên chức thực hiện những việc công chức, viên chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 thì bị xử lý kỷ luật. Công chức là người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn thì bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức (Điều 12 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP).
2. Đối với Cơ quan điều tra
Nhân viên thực thi công vụ bị cáo buộc đã thực hiện hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội thì cũng áp dụng nguyên tắc xử lý này. Đối với các ngành khác nhau, tuỳ thuộc là công chức hay viên chức, nếu vi phạm pháp luật thì sẽ bị áp dụng các biện pháp kỷ luật theo quy định.
Điều 56 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định Điều tra viên đương nhiên bị mất chức danh Điều tra viên khi bị kết tội bằng bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân, buộc thôi việc.
Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, Điều tra viên có thể bị cách chức chức danh Điều tra viên nếu thuộc một trong các trường hợp: Vi phạm trong công tác điều tra vụ án hình sự; vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong đó có các hành vi bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bị kỷ luật bằng hình thức cách chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; vi phạm về phẩm chất đạo đức.
3. Đối với Viện kiểm sát
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (Điều 59 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014). Kiểm sát viên đương nhiên bị cách chức chức danh kiểm sát viên khi bị kết tội bằng bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Tuỳ theo mức độ vi phạm, kiểm sát viên có thể bị cách chức chức danh kiểm sát viên khi thuộc một trong các trường hợp: vi phạm trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; vi phạm về những điều kiểm sát viên không được làm quy định tại Điều 84[1] Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; vi phạm về phẩm chất đạo đức; có hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngoài ra Khoản 5 Điều 183 BLTTHS năm 2015 còn quy định Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Đối với những người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, họ có thể là công chức hoặc viên chức. Vì vậy, họ cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP. Điều đó có nghĩa là nếu những người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị tội thì họ cũng bị xử lý kỷ luật theo quy định.
4. Kiến nghị
Hiện nay Việt Nam đang là thành viên của Công ước quốc tế về Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (UNCAT), do vậy, chúng ta có nghĩa vụ phải tuân thủ các cam kết quốc gia khi gia nhập Công ước này. Điều đó có nghĩa, bên cạnh ICCPR, Việt Nam cũng phải tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo hiệu quả thực thi chúng cho phù hợp với UNCAT.
Số liệu thống kê số vụ án liên quan đến hành vi tra tấn[2] cho thấy, từ nằm 2010 đến năm 2015 Toà án nhân dân chưa thụ vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; đã thụ lý và xét xử 10 vụ án với tổng số 26 lượt bị cáo về tội dùng nhục hình, cụ thể: năm 2010 là 0 vụ với 0 bị cáo; năm 2011 là 0 vụ với 0 bị cáo, năm 2012 là 04 vụ với 08 bị cáo; năm 2013 là 01 vụ với 02 bị cáo; năm 2014 là 03 vụ với 07 bị cáo; năm 2015 là 02 vụ với 09 bị cáo.
Như vậy, thực tế vẫn còn một số Điều tra viên, Cán bộ điều tra còn tâm lý quá coi trọng lời nhận tội của người bị buộc tội mà không tích cực thu thập chứng cứ từ những nguồn khác và khi người bị buộc tội sử dụng quyền không buộc phải chứng minh là mình vô tội thì những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sử dụng các biện pháp bức cung, dùng nhục hình hoặc các hành vi trái pháp luật khác để có lời nhận tội bằng mọi giá.
Bức cung, dùng nhục hình hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác đối với người bị buộc tội được thực hiện bởi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nên để ngăn chặn hành vi này, trước hết phải thay đổi nhận thức của họ về bức cung, dùng nhục hình. Người có thẩm quyền tiến hành cần xoá bỏ các suy nghĩ lệch lạc như “không đánh thì không khai”, đồng thời cần nhận thức rằng việc sử dụng bạo lực trong quá trình điều tra không những không đề cao quyền lực của họ, mà chỉ thể hiện sự bất lực của những người được pháp luật trao cho sứ mệnh xác định chân lý của vụ hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân[3].
Việc sử dụng các biện pháp bạo lực có thể giúp cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có được lời nhận tội của người bị buộc tội, hoàn tất hồ sơ vụ án, đảm bảo hoàn thành việc điều tra trong thời hạn luật định, giải quyết được vấn đề “bệnh thành tích”, nhưng nó có thể gây những hậụ quả nghiêm trọng đối với người bị buộc tội. Họ sẽ mất niềm tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật, dẫn đến oan sai trong TTHS.
Ngoài mục đích sử dụng hành vi bức cung, dùng nhục hình đối với người bị buộc tội để lấy lời khai nhận tội của những người này, thực tế cũng có những trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra dùng nhục hình đối với bị can chỉ vì “bực tức do bị can có thái độ không hợp tác, có lời lẽ xúc phạm cán bộ”[4].
Việc sử dụng bạo lực hay các hành vi khác xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội trong quá trình điều tra còn không thể đạt được mục đích quan trọng của TTHS là giáo dục người phạm tội ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật.
Do đó, để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội ngoài việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải được bồi dưỡng kiến thức về chính trị, văn hoá pháp lý, tâm lý, tâm lý xã hội, đạo đức nghề nghiệp để có thể luôn vững vàng, kiềm chế cảm xúc kể cả khi phải đối diện với những tình huống phức tạp nhất. Mỗi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải nhận thức rõ về nhiệm vụ của mình là xác định chân lý của vụ án hình sự, có thái độ trân trọng nghề nghiệp, khi tiến hành các hoạt động tố tụng nói chung, các hoạt động điều tra nói riêng phải thể hiện bản chấy nhân văn của pháp luật, tôn trọng quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội.
Mặc dù pháp luật quy định Thủ trưởng Cơ quan điều tra có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra nhưng cũng cần khắc phục hiện tượng Thủ trưởng Cơ quan điều tra “khoán trắng” cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra mà không có sự kiểm tra, uốn nắn kịp thời các sai phạm xảy ra, dẫn đến tình trạng truy bức, dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo[5].
Do vậy, những người đứng đầu trong Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng phải xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mình, sát sao trong chỉ đạo, điều hành cấp dưới khi thực hiện các hoạt động điều tra, tránh việc xâm hại đến các quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội.
Pháp luật TTHS cần có hướng dẫn cụ thể để người bào chữa được thực hiện đầy đủ quyền của mình, tham gia vào các hoạt động tố tụng, đặc biệt là hoạt động điều tra theo quy định; nhanh chóng triển khai hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó cần tiếp tục công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thực thi công vụ, các cán bộ điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên, kiểm tra viên…;
Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền con người; cần đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội đối với các cơ quan và cán bộ thực thi công quyền, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển…; Tiếp tục duy trì và phát triển công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục đến người dân về các quyền con người trong TTHS.
[1] Điều 84. Những việc Kiểm sát viên không được làm
- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.
- Tư vấn cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
- Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.
- Đưa hồ sơ, tài liệu của vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
[2] Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi công ước của Liên hợp quốc về Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 2017, tr.26-27.
[3] TS. Trần Quang Tiệp, sđd, tr. 83.
[4] Xem Nguyễn Thành (2018), Ninh Thuận: xét xử vụ án dùng nhục hình gây chết người, Thể thao và Văn hoá online, truy cập ngày 13/9/2018, <https://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/ninh-thuan-xet-xu-vu-an-dung-nhuc-hinh-gay-chet-nguoi-n20180913155042929.htm>
[5] TS. Trần Quang Tiệp, sđd, tr. 85.