Khung pháp lý cho tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ

khung-phap-ly-cho-tai-tro-von-dam-bao-bang-tai-san-tri-tue

Tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ hiện nay được coi là một kênh có triển vọng lớn để giải quyết khó khăn trong tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời góp phần khai thác được tối đa giá trị của tài sản trí tuệ. Do đó, vấn đề này ngày càng thu hút sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam khởi đầu muộn hơn và khá chậm chạp, một phần là do chưa có một khung pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động này. Bài viết bước đầu phác thảo mô hình lý luận của khung pháp lý cho tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ trên cơ sở nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm một số nước trên thế giới, từ đó đánh giá thực trạng khung pháp lý này ở Việt Nam và gợi mở phương hướng hoàn thiện.

1. Khái quát chung về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ

Khởi đầu từ Hoa Kỳ cuối thế kỷ 19,1 tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ hiện nay đã lan rộng ở nhiều nước trên thế giới và trở thành một kênh tài trợ vốn mới có triển vọng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong bối cảnh nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế thế giới chuyển dịch sang kinh tế tri thức, kinh tế dữ liệu, tài sản trí tuệ ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị tài sản của mỗi doanh nghiệp, cần được khai thác một cách tối đa nhằm giúp các SME có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với chi phí thấp (tín dụng có bảo đảm) để duy trì sự tồn tại và tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, cũng như ở các nước trên thế giới, tại Việt Nam, tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ là một xu hướng mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến các tổ chức cho vay e ngại, không dám phát triển sản phẩm tín dụng mới này, mà vẫn chủ yếu dựa vào các tài sản bảo đảm truyền thống như bất động sản và động sản hữu hình.[1] [2] [3] Nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần xây dựng một hệ sinh thái, trong đó có khung pháp lý, nhằm thúc đẩy và khuyến khích hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ.

Trên thế giới, có nhiều mô hình khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ; các mô hình này khác biệt chủ yếu về mức độ can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước đối với giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ. Ở Hoa Kỳ – quốc gia tiên phong về cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, khung pháp lý dựa trên hai trụ cột là mô hình pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại kết hợp với hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh mẽ. Trong mô hình Hoa Kỳ, Nhà nước hầu như không can thiệp vào hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, mà để cho thị trường tự điều chỉnh, pháp luật chứa đựng rất ít các quy chế đặc thù về giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ. Trong khi đó, các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore có xu hướng đề cao vai trò chủ động trợ cấp, hỗ trợ, thúc đẩy của Nhà nước và xây dựng các quy định chi tiết, cụ thể, đặc thù về giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ.[4] Trên bình diện quốc tế, Ủy ban Luật thương mại quốc tế Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) – một thiết chế có vai trò quan trọng trong tiến trình hài hòa hóa luật tư nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới những thập kỷ qua – cũng đã ban hành Phụ lục hướng dẫn về giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ năm 2010 (bổ sung Hướng dẫn lập pháp về giao dịch bảo đảm năm 2007 của tổ chức này), nhằm đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia trong xây dựng khung pháp lý thúc đẩy hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ. [5]

Bài viết sẽ khái quát mô hình lý luận của khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của UNCITRAL, từ đó đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị.

2. Mô hình lý luận của khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia đi trước và khuyến nghị của UNCITRAL, có thể rút ra rằng mô hình khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ dựa trên nền tảng là pháp luật về giao dịch bảo đảm (có xem xét đến một số điểm đặc thù của tài sản trí tuệ được dùng làm tài sản bảo đảm), kết hợp với một hệ thống pháp luật bảo hộ quyền SHTT mạnh mẽ, có hiệu lực, hiệu quả và các quy định mang tính chất bổ trợ như định giá tài sản trí tuệ. Trong mô hình đó, pháp luật về giao dịch bảo đảm đóng vai trò là luật chung, cơ bản, cung cấp các nguyên tắc và quy tắc pháp lý điều chỉnh toàn bộ các giao dịch bảo đảm bằng tài sản, trong đó có giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ; pháp luật SHTT đóng vai trò luật chuyên ngành và trong trường hợp có mâu thuẫn giữa pháp luật giao dịch bảo đảm và pháp luật SHTT, pháp luật SHTT được ưu tiên áp dụng.[6]

Kinh nghiệm Hoa Kỳ cho thấy trong lĩnh vực tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, mức độ can thiệp của luật chuyên ngành (luật SHTT) càng ít thì các giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ càng được diễn ra một cách thuận lợi, bởi luật SHTT thường có một số quy định hạn chế quyền tự định đoạt của các chủ thể quan hệ tư và đặt ra các yêu cầu khắt khe về hình thức để đạt được mục tiêu cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo và lợi ích công cộng, cũng như để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ở các quốc gia có truyền thống đề cao vai trò của Nhà nước và chưa thể chuyển đổi ngay sang mô hình pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa pháp luật giao dịch bảo đảm và pháp luật SHTT, phát huy vai trò tích cực của cơ quan SHTT, đồng thời cần có các quy định ở cấp độ dưới luật mang tính chất hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy giao dịch tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ.

3. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm theo mô hình hiện đại

Trước tiên, cần nhận thức rõ rằng khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ là một bộ phận của khung pháp lý về giao dịch bảo đảm ở mỗi quốc gia. Do đó, muốn thúc đẩy hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ thì trước tiên phải có một khung pháp lý về giao dịch bảo đảm tương đối hoàn thiện, thông thoáng, thuận lợi. Lý luận và thực tiễn cải cách pháp luật giao dịch bảo đảm trên thế giới trong mấy thập kỷ gần đây đã chứng minh rằng mô hình pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại theo khuyến nghị của UNCITRAL trong Hướng dẫn lập pháp về giao dịch bảo đảm năm 2007 và Luật mẫu về giao dịch bảo đảm năm 2016 (trên cơ sở tham khảo mô hình pháp luật giao dịch bảo đảm của Hoa Kỳ) là mô hình phù hợp với nền kinh tế các quốc gia trong thế kỷ 21, có khả năng khai thác tối đa giá trị mọi loại tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các hoạt động tài trợ vốn, cấp tín dụng, trong đó có các loại tài sản mới nổi như tài sản trí tuệ.[7] Mô hình pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại có các đặc điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, không phân biệt các biện pháp bảo đảm theo hình thức, tên gọi, mà nhận diện giao dịch bảo đảm theo bản chất, chức năng của giao dịch, tôn trọng tối đa sự thỏa thuận của các bên.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng và ít tốn kém nhất để xác lập giao dịch bảo đảm, hạn chế tối đa những rào cản và chi phí cho việc xác lập giao dịch bảo đảm.

Thứ ba, đảm bảo tính công khai, minh bạch của giao dịch bảo đảm, hạn chế rủi ro cho các chủ thể liên quan bằng các quy định về xác lập hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với bên thứ ba, yêu cầu bên nhận bảo đảm công khai hóa quyền lợi của mình trên tài sản bảo đảm. Trong đó, đăng ký là phương thức xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba phổ biến nhất, bởi nó tạo cơ chế công khai hóa thông tin rộng rãi nhất, đơn giản nhất về quyền lợi bảo đảm, bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu đăng ký và tra cứu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm

Thứ tư, quy định rõ ràng, chi tiết, toàn diện về thứ tự ưu tiên giữa bên nhận bảo đảm và các chủ thể có quyền, lợi ích xung đột với bên nhận bảo đảm để nâng cao tính có thể dự đoán trước của giao dịch bảo đảm, trong đó, quy tắc chung, cơ bản nhất để xác định thứ tự ưu tiên giữa các bên cùng nhận bảo đảm là quy tắc ưu tiên theo thời điểm đăng ký hoặc thời điểm xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Thứ năm, xây dựng một hệ thống quy định chặt chẽ, đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi cho bên nhận bảo đảm chủ động xử lý tài sản bảo đảm một cách hiệu quả, nhanh chóng, với sự can thiệp rất ít từ phía nhà nước nhưng đảm bảo không dẫn đến lạm quyền, không ảnh hưởng đến trật tự công cộng, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên bảo đảm và các bên thứ ba có liên quan.

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy một khung pháp lý hiện đại về giao dịch bảo đảm nêu trên sẽ có khả năng điều chỉnh hiệu quả các giao dịch bảo đảm liên quan đến các loại tài sản mới trong nền kinh tế tri thức, kinh tế số mà không cần có quá nhiều quy định đặc thù, chi tiết dành riêng cho giao dịch bảo đảm bằng tài sản trí tuệ. Các chủ thể trên thị trường có thể dựa vào khung pháp lý đó để xác lập, thực hiện các giao dịch tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ mà không phải lo ngại về việc giao dịch của mình phải gọi tên là cầm cố hay thế chấp, hay lo ngại việc tài sản trí tuệ có thể được dùng làm tài sản bảo đảm hay không.

4. Xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ, mạnh mẽ, có hiệu lực, hiệu quả

Trụ cột thứ hai trong khung pháp lý về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ là một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh mẽ, có khả năng bảo vệ chủ thể quyền một cách có hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện cho quyền đó được hiện thực hóa ở tất cả các khâu: xác lập quyền SHTT, khai thác giá trị của quyền và thực thi, bảo vệ quyền. Các khâu này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu không có quyền SHTT được xác lập ngay từ đầu, không thể nói đến việc khai thác giá trị do quyền đó mang lại và đưa tài sản trí tuệ vào lưu thông trong các giao dịch. Nếu bảo vệ quyền SHTT tốt trước các hành vi xâm phạm sẽ nâng cao giá trị của tài sản trí tuệ, giúp cho việc khai thác quyền được hiệu quả hơn và tạo động lực mạnh mẽ hơn để các chủ thể tiếp tục sáng tạo, tiếp tục tạo lập tài sản trí tuệ. Quyền SHTT sẽ hoàn toàn vô giá trị và không thể trở thành tài sản bảo đảm hấp dẫn đối với bên tài trợ vốn nếu như các đối tượng được bảo hộ bị người khác sao chép, sử dụng trái phép một cách dễ dàng mà không có cơ chế hữu hiệu để xử lý. Đồng thời, nếu khai thác tốt giá trị của quyền SHTT, đem lại lợi ích kinh tế cao hơn cho chủ thể quyền cũng sẽ tạo động lực để các chủ thể tiếp tục sáng tạo và tiếp tục xác lập quyền, giúp cho bên tài trợ vốn nhận diện, đánh giá được giá trị của tài sản bảo đảm là quyền SHTT để khuyến khích họ cấp tín dụng.

Độ mạnh của hệ thống bảo hộ quyền SHTT được thể hiện ở hai tiêu chí chủ đạo: “tính đầy đủ” của hệ thống pháp luật về SHTT và “tính hiệu quả” của hệ thống thi hành pháp luật về SHTT. Theo đó, hệ thống SHTT phải là hệ thống “đầy đủ”, nghĩa là bảo hộ đầy đủ các đối tượng quyền SHTT, đồng thời bảo đảm đầy đủ sự bảo hộ các quyền SHTT đó về nội dung, phạm vi và thời hạn trong mối quan hệ với lợi ích của xã hội; mặt khác phải là hệ thống bảo đảm tính “hiệu quả”, nghĩa là các quy phạm pháp luật phải hợp lý, khả thi, quyền SHTT phải được bảo vệ thực thụ, mọi hành vi xâm phạm quyền SHTT phải được pháp luật xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời, công bằng.[8]

* Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. 

[2]   Nguyen Xuan Thao. “Financing Innovation: Legal Development of Intellectual Property as Security in Financing, 1845-2014.” Indiana Law Review 48 (2014): 509.

[3] Handbook on IP Commercialisation, Strategies for Managing IPRs and Maximising Value, ASEAN Secrstariat November 2019, 

[4]  Kono, Toshiyuki, ed. Security Interests in Intellectual Property. Springer, 2017, pp. 18-21; Xem thêm: Martin Brassell, Báo cáo thuyết trình tại Hội thảo Tài chính Sở hữu trí tuệ, Hà Nội, 17/6/2021.

[5]  UNCITRAL, Legislative Guide on Secured Transactions: Supplement on Security Rights in Intellectual Property (2010), 

[6] UNCITRAL Supplement, đoạn 61.

[7]   Kieninger, Eva-Maria. “Security Rights in Intellectual Property: General Report.” In Security Rights in Intellectual Property, Springer, Cham, 2020, p. 3.

[8]  Nguyễn Hữu Cẩn, Chất lượng của hệ thống sở hữu trí tuệ ở Việt Nam so với một số nước ASEAN, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 1+2 (2021).

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon