Phân tích quyền nhân thân theo Bộ luật Dân sự

phan-tich-quyen-nhan-than-theo-bo-luat-dan-su

Quyền nhân thân đóng vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ sự tồn tại của cá nhân với tư cách là một thực thể và chủ thể độc lập trong xã hội. Là một thành tố then chốt của quyền dân sự, quyền nhân thân sở hữu đầy đủ các đặc điểm chung của nhóm quyền này. Tuy nhiên, nó cũng mang một số đặc điểm riêng biệt để phân biệt với quyền tài sản. Cùng Luật Dương Gia phân tích vấn đề về quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự qua bài viết sau.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2005;

Bộ luật Dân sự 2015.

1. Quyền nhân thân là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền nhân thân như sau: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”

Trong một số trường hợp, việc xác lập hoặc thực hiện các quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân không thể do chính cá nhân đó thực hiện. Thay vào đó, việc này phải được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của họ. Cụ thể:

– Đối với quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.

– Đối với quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Đặc điểm của quyền nhân thân

2.1. Quyền nhân thân mang tính chất phi tài sản

Khác với quyền tài sản, đối tượng của quyền nhân thân là một giá trị tinh thần, do đó, quyền nhân thân không biểu hiện bằng vật chất, không quy đổi được thành tiền và mang giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá. Do vậy, quyền nhân thân không thể bị định đoạt hay mang ra chuyển nhượng cho người khác.

Một người không thể kê biên quyền nhân thân của con nợ. Pháp luật quy định cho mọi chủ thể đều bình đẳng về quyền nhân thân. Mỗi một chủ thể có những giá trị nhân thân khác nhau nhưng được pháp luật bảo vệ như nhau khi các giá trị đó bị xâm phạm.

2.2. Quyền nhân thân gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển dịch

Mỗi một chủ thể sở hữu giá trị nhân thân riêng biệt, dẫn đến quyền nhân thân luôn gắn liền với từng chủ thể nhất định. Tuy nhiên, quyền nhân thân không phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào như tuổi tác, trình độ học vấn, giới tính, tín ngưỡng, địa vị xã hội,…

Quyền nhân thân không thể chuyển dịch cho người khác, tức là, quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó hoặc trong một số trường hợp do chủ thể khác được pháp luật quy định thực hiện. Quyền nhân thân không thể trở thành đối tượng trong các giao dịch như mua bán, trao đổi, tặng, cho,…

Nhiều giao dịch liên quan đến quyền nhân thân được thực hiện trong thực tế, điển hình là hợp đồng giữa người mẫu và công ty quảng cáo cho phép sử dụng hình ảnh của người mẫu cho mục đích quảng cáo. Vậy, quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu trong trường hợp này có được xem là đối tượng chuyển dịch? Thực chất, đối tượng chuyển dịch trong trường hợp này chính là những bức ảnh của người mẫu đã được chụp mà không phải là quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu.

Như đã phân tích ở trên do giá trị tinh thần vốn có, quyền nhân thân không thể định đoạt hay chuyển giao cho người khác. Theo một nghiên cứu mới về quyền nhân thân, các nhà nghiên cứu phân loại quyền này thành hai nhóm: quyền nhân thân cơ sở (hay còn gọi là quyền nhân thân gốc) và quyền nhân thân phái sinh. Quyền nhân thân cơ sở là những quyền gắn liền với bản chất con người và không thể chuyển nhượng.

Quyền nhân thân phái sinh là quyền cho phép cá nhân khai thác danh tiếng của bản thân với mục đích thương mại. Đối với hình ảnh cá nhân, quyền nhân thân đối với hình ảnh nói chung được coi là quyền nhân thân cơ sở. Tuy nhiên, quyền đối với từng bức ảnh cụ thể của cá nhân trong trường hợp ký hợp đồng với công ty quảng cáo được xem là quyền nhân thân phái sinh.

3. Các quyền nhân thân của cá nhân trong Bộ luật Dân sự

Hiện nay, tại BLDS năm 2015 ghi nhận quyền nhân thân của cá nhân bao gồm các quyền cụ thể sau: Quyền có họ, tên (Điều 26); Quyền thay đổi họ (Điều 27); Quyền thay đổi tên (Điều 28); Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29); Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30); Quyền đối với quốc tịch (Điều 31); Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32);

Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33); Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35); Quyền xác định lại giới tính (Điều 36); Chuyển đổi giới tính (Điều 37); Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38) và Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39).

Các quyền nêu trên chính là các quyền nhân thân của cá nhân nhằm xác định tư cách của chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự (ví dụ: quyền về họ, tên, dân tộc, nơi cư trú..) và có tính đặc thù trong quan hệ dân sự, chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp (ví dụ: quyền được khai sinh, khai tử,..) hoặc dễ bị phân biệt đối xử do các định kiến xã hội (ví dụ: quyền xác định lại giới tính). Xét từ vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự, mối quan hệ của Bộ luật này với Hiến pháp, các luật khác có liên quan và sự thay đổi không ngừng của các lợi ích tinh thần của cá nhân trong đời sống xã hội thì việc BLDS năm 2015 tập trung quy định các quyền này cũng là phù hợp.

– Quyền có họ, tên: Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi.

Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng. Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

– Quyền thay đổi họ: Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây: Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi; khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ; thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

– Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi (đây là một trong những điểm mới được bổ sung nhằm giải quyết kịp thời những bất cập phát sinh từ đời sống xã hội); thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ; trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

– Quyền thay đổi tên: Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây: Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi; thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính; trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

– Quyền xác định, xác định lại dân tộc: Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn (đây là một trong những điểm mới quan trọng của BLDS năm 2015 liên quan đến các quy định quyền nhân thân của cá nhân).

– Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

– Quyền được khai sinh, khai tử: Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. Cá nhân chết phải được khai tử. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

Quyền đối với quốc tịch: Cá nhân có quyền có quốc tịch. Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam quy định. Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật.

– Quyền của cá nhân đối với hình ảnh: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã bổ sung một quy định mới là: Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể: Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

– Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Đây là một trong những điểm mới tiến bộ của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 nhằm bảo đảm cho các cá nhân tự mình bảo vệ quyền của bản thân khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác: Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

– Quyền xác định lại giới tính: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Chuyển đổi giới tính: Một trong những điểm nổi bật về quyền nhân thân của cá nhân trong BLDS năm 2015 chính là việc chuyển đổi giới tính. Điều 37 BLDS năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Mục đích của quy định này là thiết lập khuôn khổ pháp lý để chống lại sự phân biệt đối xử với người chuyển giới. Nhờ đó, họ sẽ được đảm bảo quyền lợi bình đẳng như mọi người khác, đồng thời được bảo vệ quyền nhân thân và tài sản một cách minh bạch trong các quan hệ dân sự. Đây là một bước tiến mang tính đột phá, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có quy định pháp lý cụ thể về bảo vệ quyền của người chuyển giới, cũng như quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+ nói chung. Quy định này cũng phù hợp với Nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2014 về nhân quyền, xu hướng tình dục và giới tính.

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình: Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

Như vậy, quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự bao gồm nhiều quyền đa dạng, liên quan đến mối quan hệ giữa cá nhân với các cá nhân khác, tổ chức và Nhà nước. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể các quyền này một cách chặt chẽ hơn, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của cá nhân, khắc phục những hạn chế trong việc thực thi pháp luật về quyền nhân thân trước đây và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon