Bộ luật Dân sự năm 2015 nhìn từ góc độ pháp điển hóa

bo-luat-dan-su-nam-2015-nhin-tu-goc-do-phap-dien-hoa

Dẫn nhập vấn đề

BLDS 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 tại kỳ họp thứ 10. Ngày 08 tháng 12 năm 2015 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 20/2015/L- CTN công bố Luật, BLDS 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

Trong quá trình xây dựng, sửa đổi BLDS, các nhà soạn Luật Việt Nam đã có nhiều nỗ lực về mọi phương diện làm cho BLDS ngày càng được hoàn thiện cả về nội dung và hình thức thể hiện. BLDS năm 2015 thể hiện bước đổi mới về quan điểm pháp lý nhằm xây dựng nền tảng pháp lý chung, thống nhất và ổn định cho hệ thống pháp luật tư tại Việt Nam. Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là “xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch”[1] .

1. Pháp điển hóa – một yêu cầu tất yếu của quá trình hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam

Cho đến nay, nhu cầu pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam đã được ghi nhận trong nhiều văn bản về chính sách và văn bản pháp luật. Chảng hạn, “Quy phạm pháp luật phải được rà soát, tập hợp, sắp xếp thành bộ pháp điển theo từng chủ đề. Việc pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định”[2]

Để xác định mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam, Cơ bản là căn cứ vào các tiêu chí:

– Tính toàn diện, 

– Tính  nhất quán,

– Tính đồng bộ, 

– Tính phù hợp,

– Tính Kỹ thuật xây dựng pháp luật về diễn đạt câu, từ ngữ và thuật ngữ

– Tính khả thi của hệ thống pháp luật.

Với các tiêu chí này, nhìn vào hệ thống các văn pháp luật được ban hành, từng giai đoạn thực hiện việc đánh giá và cố gắng xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện cần phải rất dày công, mất rất nhiều thời gian, trí tuệ và với một lịch trình của nhiều công đoạn khác nhau.Trong đó, pháp điển hoá là một yêu cầu tất yếu trong quá trình hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ:

Pháp điển hoá góp phần bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật

Trước tiên, làm cho các văn bản riêng lẻ được sắp xếp theo một trật tự bằng cách trình bày theo những lĩnh vực liên quan vào một bộ tập hợp có nhiều tập, giảm bớt các thiếu khuyết cho hệ thống pháp luật, góp phần tiến tới hoàn thiện hơn.

– Pháp điển hoá là một điều kiện thiết yếu đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho con người. Thông qua hoạt động pháp điển hoá, những quy phạm pháp luật lỗi thời, lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo sẽ bị loại bỏ và thay vào đó là những quy định mới. Pháp điển hoá giúp cho các nhà soạn luật biết được những lĩnh vực nào trên thực tế mà tồn tại những thiếu khuyết vê  quy phạm điều chỉnh để tiến hanh phải ban hành bổ sung các quy phạm pháp luật mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh liên quan đến việc thực hiện quyên và vấn đề đảm bảo quyền cho từng chủ thể trong xã hội. Chính điều này củng cố thêm niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

– Pháp điển hoá giúp cho việc tìm kiếm, tra cứu và áp dụng pháp luật được dễ dàng, hay nói cách khác, chính là nhằm hoàn thiện và nâng cao giá trị điều chỉnh của pháp luật trên thực tế. Với ý nghĩa này, bộ pháp điển có giá trị sử dụng cao đối với tất cả các đối tượng liên quan, từ các nhà nghiên cứu, giảng dạy, học tập, nhà soạn luật, luật sư, cán bộ nhà nước, hoạt động thực tiễn đến người dân.

– Pháp điển hoá, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình soạn luật

Xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch dễ tiếp cận là một bộ phận quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Đây là đòi hỏi cơ bản của việc thực hiện chủ trương dân chủ, theo đúng đường lối “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đảng và Nhà nước ta.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật thì việc pháp điển hóa các quy phạm pháp luật là một trong những biện pháp hữu hiệu. Lợi ích của pháp điển hóa là sẽ làm cho việc tiếp cận và tìm hiểu, áp dụng pháp luật trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh tất cả quy phạm pháp luật đã được sắp xếp một cách hệ thống trong các bộ pháp điển thì việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn trên cơ sở các quy định của bộ pháp điển mà không phải tiến hành rà soát, kiểm tra các văn bản phân tán trong hệ thống pháp luật như hiện nay.

– Pháp điển hoá tạo điều kiện cho các chủ thể có thể tiếp cận pháp luật một cách dễ dàng, thuận tiện nhất; góp phần đấu tranh chống lại hiện tượng lợi dụng tính thiếu rõ ràng của pháp luật để trục lợi. Hoạt động pháp điển hoá tạo ra hệ thống pháp luật minh bạch, toàn diện và đồng bộ sẽ tạo điêu kiện thuận lợi cho cho từng người dân trong việc cập nhật và tìm hiểu văn bản pháp luật, họ dễ thấy được mọi quy định hiện hành về một lĩnh vực trong cùng một văn bản, khắc phục tình trạng lúng túng, khó khăn của các chủ thể trước “khối” văn bản đồ sộ.

Bộ luật khác với các văn bản pháp luật khác về quy mô, về tính toàn diện, tính hệ thống, tính ổn định lâu dài, tính bao quát và tính giá trị pháp lý  cao của Bộ luật. Có được bộ pháp điển lớn về dân sự, hoàn chỉnh để sử dụng lâu dài, ổn định là mong muốn của rất nhiều người trong mọi tầng lớp dân cư. Nhiều năm gần đây việc định hướng xây dựng các pháp điển được chú trọng phát triển tương đối mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có thể hiểu, “pháp điển” là Bộ luật, hàm chứa trong đó hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ cụ thể. Đa phần các nhà nghiên cứu cũng như các học giả ở Việt Nam quan niệm pháp điển hoá được hiểu là một hoạt động lập pháp và kết quả cuối cùng của nó là các văn bản có mức độ tổng hợp cao, thường là các bộ luật hoặc các đạo luật có phạm vi quy định tương đối rộng (như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động…).

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu, các học giả, các chuyên gia cũng có nhiều cách lý giải và quan niệm  khác nhau về thuật ngữ pháp điển hoá. Đa phần trong số họ đều cho rằng, pháp điển hoá, đồng thời với tập hợp hoá là hai hình thức của hoạt động hệ thống hoá pháp luật: “Hình thức pháp điển hoá là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó không những tập hợp các văn bản đã có theo một trình tự nhất định, loại bỏ những quy phạm lỗi thời, mà còn xây dựng những quy phạm mới để thay thế cho các quy phạm đã bị loại bỏ và khắc phục những chỗ trống được phát hiện trong quá trình tập hợp văn bản, sửa đổi các quy phạm hiện hành, nâng cao hiệu lực pháp lý của chúng… Kết quả của công việc pháp điển hoá là một VBQPPL mới ra đời. Đó là một bộ luật ứng với một ngành luật nhất định hay một văn bản điều lệ tập hợp các quy phạm cho một lĩnh vực nhất định, trong đó các quy phạm pháp luật được sắp xếp một cách logic, chặt chẽ và nhất quán. Nói chung kết quả của nó là một văn bản pháp luật mới, hoặc có hiệu lực pháp lý cao hơn, hoặc rộng hơn, tổng quát hơn về phạm vi điều chỉnh, hoàn chỉnh hơn về kỹ thuật lập pháp, hoặc đồng thời đạt được tất cả các yếu tố đó. Như vậy, hoạt động pháp điển hoá rất gần với khái niệm sáng tạo pháp luật (hay hoạt động xây dựng pháp luật)[3]Từ điển Luật học do Nhà xuất bản Từ điển bách khoa xuất bản năm 1999 giải thích: “Pháp điển hoá là làm thành một pháp điển (bộ luật), tức là tập hợp, hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành, xem xét nội dung loại bỏ những điều kiện không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo, bổ sung những điều kiện còn thiếu, những điều cần dự liệu đáp ứng yêu cầu phát triển các quan hệ xã hội để ban hành thành bộ luật. Pháp điển hoá là hoạt động lập pháp khác với hệ thống hoá pháp luật là một hoạt động có tính chất chuyên môn hành chính”[4]Từ điển Bách khoa Việt Nam đưa ra khái niệm: “Pháp điển hoá là xây dựng bộ luật, đạo luật trên cơ sở tập hợp, hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành, loại bỏ các quy định không phù hợp, bổ sung, dự liệu những quy định đáp ứng sự điều chỉnh pháp luật đối với những quan hệ xã hội đang phát triển”[5] Trong Từ điển thuật ngữ Lý luận nhà nước và pháp luật năm 2008 thì “Pháp điển hoá là hình thức hệ thống hoá pháp luật trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật, các chế định luật, các VBQPPL trong ngành luật theo trình tự nhất định, loại bỏ những mâu thuẫn chồng chéo, các quy định lỗi thời và bổ sung những quy định mới. Kết quả của pháp điển hoá là VBQPPL mới trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy phạm pháp luật cũ mà điển hình là bộ luật”[6].

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đi đến cách hiểu về pháp điển hoá như sau: Pháp điển hoá là hình thức cao nhất của hệ thống hoá pháp luật theo đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tập hợp, sắp xếp những văn bản đã có theo một trình tự nhất định; đồng thời loại bỏ những quy phạm pháp luật lỗi thời, lạc hậu, chồng chéo, xây dựng những quy phạm pháp luật mới; khắc phục những chỗ trống đã được phát hiện trong quá trình tập hợp văn bản, sửa đổi các quy phạm pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý của chúng. Do vậy, kết quả của công tác pháp điển hoá thông thường là bộ luật, trong đó thể hiện một cách cơ bản nội dung của vấn đề mà pháp luật cần điều chỉnh. Nhờ đó, sau khi pháp điển hoá, chúng ta có một văn bản không những lớn về phạm vi điều chỉnh mà còn có cơ cấu bên trong hợp lý và khoa học. Việc pháp điển hoá sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ và thống nhất.      Đây chính là những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thiện hệ thống pháp luật của một quốc gia nhất định. Pháp điển hóa được thể hiện qua hai hình thúc, đó là pháp điển hóa hình thức và pháp điển hóa về nội dung. Pháp điển hóa hình thức là cách thức tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp luật thành các bộ luật theo từng chủ đề với những sửa đổi, điều chỉnh cần thiết (chủ yếu về mặt kỹ thuật) nhằm làm cho các quy định này phù hợp với nhau nhưng vẫn đảm bảo trật tự pháp lý của các quy định.

Pháp điển hóa về mặt nội dung là cách hiểu về pháp điển hóa mang tính truyền thống. Theo đó, pháp điển hóa là việc xây dựng một bộ luật trên cơ sở tập hợp các quy định hiện hành, loại bỏ các quy định không phù hợp; bổ sung, dự liệu những quy định mới để đáp ứng sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội đang phát triển. [7]

Xuất phát từ yêu cầu của thực tế là cần phải tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận các quy định pháp luật thành văn do nhà nước ban hành, việc pháp điển hoá hình thức rất được chú trọng ở Mỹ và có quá trình phát triển lâu đời. Từ những năm cuối của thế kỷ XIX, những bộ pháp điển chính thức đầu tiên tập hợp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực do Quốc hội Mỹ ban hành đã bắt đầu được xây dựng.[8]

Hiểu theo ý chung nhất, pháp điển hóa là hoạt động của cơ quan công quyền trong đó không những tập hợp những văn bản đã có theo một trình tự nhất định, loại bỏ những quy phạm lỗi thời, chồng chéo mà còn bổ sung them những quy phạm mới nhằm thay thế cho những quy định bị loại bỏ và khắc phục những khoảng trống của pháp luật. [9]

2. Tái pháp điển hóa BLDS

Pháp luật mang tính quyền lực nhà nước, mang tính bắt buộc chung, mang tính quy phạm phổ biết, mang tính hệ thống và tính xác định chặt chẽ về hình thức. Bởithế,không phải ngay từ khi ra đời, pháp luật đã được hoàn thiện cả về nội dung, hình thức mà nó từng bước được hoàn thiện phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng nhận thức cũng như tư pháp lý của con người, đặc biệt là các nhà soạn luật. Do đó, con đường hình thành pháp luật phản ánh quá trình vận động đa dạng, hàm chứa sâu sắc đặc tính của văn hoá, văn minh pháp lí và sáng tạo của nhân loại. Mỗi kiểu pháp luật, mỗi hệ thống pháp luật và từng quốc gia cụ thể đã tạo nên tính sống động cho quá trình hình thành phát triển của pháp luật từ xưa đến nay. Theo Mác, “nhà lập pháp phải coi mình như là nhà khoa học tự nhiên, ông ta không làm ra luật, không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên, biểu hiện những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức[10]

Luật này không khắc lên đá, lên đồng mà khắc vào lòng công dân, tạo nên hiến pháp chân chính của quốc gia. Luật này mỗi ngày lại có thêm sức mới, khi các thứ luật khác đã già cỗi hoặc tắt ngấm thì luật này thắp cho nó lại sáng lên hoặc bổ sung thay thế nó duy trì cả dân tộc trong tinh thần thể chế, lẳng lặng đưa sức mạnh của thói quen thay sức mạnh của quyền uy”.([11])

“Pháp điển” là một từ Việt cũ, một danh từ dùng để chỉ một bộ luật[12]. Nếu pháp điển hóa BLDS nhằm xây dựng một BLDS mang tính toàn diện, đồng bộ, khoa học và hệ thống thì tái pháp điển hóa BLDS là quá trình ban hành một BLDS mới để thay thế cho BLDS hiện hành, Điều đó, tái pháp điển hóa sẽ dẫn đến việc xóa bỏ hiệu lực của BLDS cũ, thay bằng một BLDS mới với những quy phạm mới được kết cấu theo cấu trúc hợp lý hơn dựa trên nền tảng những nguyên lý cơ bản của BLDS cũ. Từ việc nghiên cứu chuẩn bị, xác định phạm vi của pháp điển BLDS, tập hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đến việc nghiên cứu và phân tích và xây dựng cấu trúc chi tiết của bộ pháp điển phác thảo dự thảo BLDS và thảo luận công khai, tiến hành chi tiết hóa các điểu khoản của BLDS cho đến giai đoạn giải trình dự thảo cũ và đưa ra dự thảo hoàn chỉnh, nhìn từ góc độ tái pháp điển hóa, BLDS năm 2015 thể hiện qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất, về hình thức:

Bố cục của BLDS

* Về bố cục, có sự sắp xếp lại và chỉnh tên của từng chế định, cụ thể:

– BLDS 2015 chỉ còn 06 phần so với BLDS 2005 có 07 phần. Cụ thể:

– Phần thứ nhất trong BLDS 2005: Những quy định chung đổi thanh Quy định chung trong BLDS 2015

– Phần thứ hai về Tài sản và Quyền sở hữu trong BLDS 2005đổi thành Quyền tài sản và các quyền khác đối với tài sản trong BLDS 2015,

– Phần thứ ba về Nghĩa vụ dân sự và Hợp đồng dân sự trong BLDS 2005đổi thành Nghĩa vụ và Hợp đồng trong BLDS 2015,

– Phần thứ tư về Thừa kế trong BLDS 2005 được giữ nguyên trong BLDS 2015

– Phần thứ bảy về Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong BLDS 2005 thay bằng Phần thứ năm về Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong BLDS 2015

– BLDS 2015 bố cục thêm Phần thứ sáu về Điều khoản thi hành mà trước đây được thiết kế  riêng trong Nghị quyết của Quốc hội.

* Phương cách thực hiện nhìn nhận dưới góc độ tổng quát

* Loại bỏ hai chế định trong BLDS năm 2005 ra khỏi BLDS năm 2015

– Phần thứ năm về Quy định về quyền sử dụng đất (đã có Luật Đất đai – luật chuyên ngành điều chỉnh). Tuy nhiên, trong Bộ luật năm 2015 từ Điều 500 đến Điều 503 vẫn quy định về khái niệm hợp đồng, hình thức hợp đồng, nội dung hợp đồng mang tính nguyên tắc chung.

– Phần thứ sáu về Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (đã có luật sở hữu trí tuệ- Luật chuyên nghành chỉnh).

* Loại bỏ một một hợp đồng cụ thể là hợp đồng bảo hiểm ( đã cóluật kinh doanh bảo hiểm – Luật chuyên nghành điều chỉnh)

* Loaị bỏ một số điều luật không còn phù hợp với thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật. Ví dụ, vấn đề di chúc chung của vợ chồng,…

* Quy định mới chế định: Quyền bề mặt, quyền hưởng dụng, quyền ưu tiên, càm giữ tài sản, …

* Quy định mới Điều luật Điều 37 về chuyển đổi giới tính, Điều 420 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Điều 14, theo đó:

1. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.

Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.

Có thể nói đây là điều luật mang tinh đột phá thể hiện xuất sắc về tư duy pháp lý phù hợp với quy định của pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới…

* Bổ sung từ ngữ và thuật ngữ vào từng điều luật

* Thứ hai, về nội dung

Tái pháp điển hóa BLDS Việt Nam nhằm hướng tới sự đồng bộ và  thống nhất hệ thống luật tư, tạo khung pháp lý toàn diện và vững chắc cho nền kinh tế thị trường và đời sống dân sự ở Việt Nam ổn định và phát triển, trên cơ sở cụ thể hóa các nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình bình đẳng trước pháp luật mang tính hiến định.

Chính phủ, với tinh thần chỉ đạo thể hiện trong Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 20 tháng 08 năm 2013: “Việc sửa đổi BLDS lần này cần bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước; cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phù hợp với Hiến pháp; có tính thừa kế và phát triển các quy định còn phù hợp; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm nguyên tắc Bộ luật dân sự là Bộ luật nền, có vị trí, vài trò là luật chung của hệ thống pháp luật tư, theo đó, Bộ luật quy định các vấn đề có tính nguyên tắc, các luật chuyên ngành quy định về các vấn đề có tính chuyên ngành”. Với trọng trách này, tái pháp điển hóa BLDS, phải là một quy trình lập pháp đặc thù với tính sáng tạo cao và thời gian đủ để thực hiện các công đoạn”. Cụ thể:

– BLDS năm 2015, đã có việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước, những tư tưởng mới trong Hiến pháp.

– Để thực hiện pháp điển hoá thống nhất với luật chuyên ngành tránh trùng lắp, chông chéo, loại trừ, phủ định lẫn nhau… Có rất nhiều các quy định được loại bỏ.

– Nhiều các quy định được thiết kế mới, được sửa đổi, thực hiện thể chế hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013.

– Nhiều các quy định mới được thiết kế áp dụng luật có yếu tố nước ngoài thể hiện sự cải cách lập pháp của Nhà nước. Các quy định trong phần này đưa ra các nguyên tắc lựa chọn và áp dụng hệ thống pháp luật đối với một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Bộ luật dân sự 2015 không quy định về nội dung quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như Bộ luật Dân sự 2005.

– Có rất nhiều quy định mới được hình thành xuất phát từ thực hiện và bất cập từ thực tiễn áp dụng giải quyết tranh chấp của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Có những chế định được sửa đổi nhiều: chế định thừa kế, chế định nghĩa vụ hợp đồng, Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản. .

3. Hạn chế của Bộ luật dân sự năm 2015 nhìn từ góc độ tái pháp điển hóa

Tái pháp điển hóa BLDSđánh dấu bước một giai đoạn phát triển mới trong đời sống dân sự của người dân Việt Nam, dẫu rằng kế thừa khá nhiều qui định của BLDS năm 2015.BLDS “đóng vai”là luật chung cho hệ thống luật tư điều chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự phổ biến, phong phú đa dạng và có tính ứng dụng cao . Soi vào từng khía cạnh của BLDS năm 2015 để có cách nhìn nhận và đánh giá những thành công và những hạn chế, từ đó có giải pháp cho “sự sống”của Bộ luật này. Nghiên cứu toàn văn của bộ luật này chúng tôi nhận thấy nhứng hạn chế của một số Điều luật ở các khía cạnh sau:

– Chưa đảm bảo tính toàn diện, 

– Chưa đảm bảo tính nhất quán,

– Chưa đảm bảo tính phù hợp,

– Chưa đảm bảo tính kỹ thuật xây dựng pháp luật về diễn đạt câu, từ ngữ và thuật ngữ

– Chưa đảm bảo tính khả thi pháp luật.

[1][1]https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2010/04/07/bo-co-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-nghin-c%E1%BB%A9u-v%E1%BB%81-php-di%E1%BB%83n-ha/

[2]Điều 93 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

[3] Lê Minh Tâm, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 408, 409

[4]Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 1999, tr 351

[5]Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng, 1998, tr. 419.

[6]Từ điển giải thích thuật ngữ Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 203, 204  

[7]Lê Minh Tâm, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 378

[8] Nguyễn Anh Sơn, pháp điển hóa BLDS và luật chuyên nghành, kỷ yếu hội thảo BLDS Tháng 7 năm 2015

 

s..Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 232

([11]).Xem: Jean – Jacques Rousseau, Bàn về khế ước xã hội (Thanh Đạm dịch), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 90.

[12] Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng, 1996, tr. 741.

 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon