Thời hiệu khởi kiện là gì? Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện

cac-truong-hop-khong-ap-dung-thoi-hieu-khoi-kien

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn do pháp luật quy định mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Khi thời hạn đó kết thúc, đương sự sẽ mất quyền khởi kiện và chỉ được khôi phục lại nếu lí do bỏ qua thời hiệu được tòa án công nhận là chính đáng theo quy định của pháp luật. Việc quy định về thời hiệu khởi kiện vừa có ý nghĩa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm, vừa đòi hỏi các chủ thể này phải biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong một thời gian nhất định, không để tranh chấp kéo dài. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về thời hiệu khởi kiện và các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Thời hiệu là gì?

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Thời hiệu được chia làm 5 loại cụ thể:

– Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự;

– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc nó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ đó;

– Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hiệu đó kết thúc thì chủ thể mất quyền khởi kiện.

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

2. Thời hiệu khởi kiện là gì? Ý nghĩa của việc quy định thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan.

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp từ chối đó nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Thời hiệu khởi kiện tiếng Anh là: “Statute of limitations for lawsuits”.

Việc pháp luật quy định về thời hiệu khởi kiện mang lại một số ý nghĩa nhất định, cụ thể:

– Quy định của pháp luật về thời hiệu sẽ giúp giảm tải được cho Tòa án những vụ việc đã xảy ra trước đó một khoảng thời gian dài và không còn ảnh hưởng nhiều đến các chủ thể tham gia. Lúc này Tòa án sẽ có thời gian tập trung giải quyết những vụ việc mới xảy ra, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

– Việc quy định thời hiệu khởi kiện sẽ là động lực thôi thúc các chủ thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc, tích cực trong việc thu thập và cung cấp chứng cứ chứng minh cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc được nhanh chóng, kịp thời.

– Việc quy định thời hiệu sẽ giúp các bên chủ động hơn, yên tâm hơn trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Mặt khác, việc quy định thời hiệu cũng giúp nâng cao trách nhiệm của chủ thể có quyền. Họ phải cố gắng để thực hiện quyền khởi kiện, quyền yêu cầu của mình trong một khoảng thời gian nhất định nếu không muốn mất quyền khởi kiện, quyền yêu cầu. Đối với chủ thể bị kiện (bị đơn), việc quy định thời hiệu khởi kiện cũng tạo cho họ những thuận lợi trong việc đưa ra chứng cứ phản bác lại yêu cầu của người khởi kiện (nguyên đơn).

3. Cách tính thời hiệu khởi kiện

– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

+ Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

+ Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; + Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp: người đại diện là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại; người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

4. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện được hiểu là những trường hợp mà trong đó quyền khởi kiện không phụ thuộc vào thời gian.

Tại Điều 155 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu:

Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

4. Trường hợp khác do luật quy định.

– Thứ nhất, yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho người khác. Khi bị xâm phạm thì cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ bất kì lúc nào.

Quyền nhân thân bao gồm: quyền có họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín; quyền đối với bí mật đời tư, quyền kết hôn, quyền ly hôn; quyền có quốc tịch; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyển tự do sáng tạo, quyền của tác giả đối với tác phẩm; quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.

– Thứ hai, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu: Quyền sở hữu là quyền đối với tài sản và luôn tồn tại khi tài sản còn. Vì thế, không áp dụng thời hiệu đối với việc khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu.

Tuy nhiên, nhằm ổn định các quan hệ dân sự và bảo đảm quyền, lợi ích cho người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai, pháp luật dân sự đã quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu.

Theo đó, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu sẽ bị hạn chế nếu quyền sở hữu đã được xác lập theo thời hiệu. Điều này có nghĩa rằng trong trường hợp một người đã chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai đối với tài sản thì chủ sở hữu của tài sản chỉ có thể khởi kiện yêu cầu bảo về quyền sở hữu của mình nếu việc chiếm hữu của người kia chưa đủ 10 năm đối với động sản, chưa đủ 30 năm đối với bất động sản. Cụ thể theo Điều 236 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

– Thứ ba, tranh chấp về quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì quyền khởi kiện không áp dụng thời hiệu.

– Thứ tư, các trường hợp khác do luật quy định.

5. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp dân sự trong một số trường hợp cụ thể

– Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự là 03 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm;

– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích của mình hợp pháp bị xâm phạm;

– Thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản (Khoản 1, Điều 623 BLDS năm 2015);

– Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là 03 năm (Điều 429 BLDS năm 2015).

– Thời hiệu đối với yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm (Khoản 2, Điều 623  BLDS năm 2015);

– Thời hiệu đối với yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (Khoản 3, Điều 623 BLDS năm 2015);

– Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó (Điều 671 BLDS năm 2015).

– Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa là 01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng (Điều 169 Luật Hàng hải Việt Nam);

– Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 02 năm, kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm…(Điều 195 Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015)

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về thời hiệu khởi kiện và các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon