Xác định quan hệ cha con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp

xac-dinh-quan-he-cha-con-khi-cha-me-khong-co-hon-nhan-hop-phap

Nhu cầu xác định quan hệ cha con là rất lớn, nhất là trong xã hội hiện đại. Thực tiễn phát sinh các trường hợp yêu cầu xác định quan hệ cha con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp. Bài viết phân tích việc xác định quan hệ cha và con trong trường hợp cha mẹ của con không có hôn nhân hợp pháp tại Tòa án qua giải quyết yêu cầu hoặc tranh chấp về việc xác định quan hệ cha con. Đồng thời, đưa ra một số nhận xét về thực tiễn áp dụng pháp luật, những vướng mắc và kiến nghị giải quyết.

1. Các trường hợp xác định quan hệ cha con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp

Xác định quan hệ cha và con được hiểu là việc xác định cha cho con hoặc xác định con cho cha. Theo qui định của BLTTDS, xác định quan hệ cha con tại Tòa án có thể là vụ án dân sự69 nhưng cũng có thể là việc dân sự. Xác định quan hệ cha – con có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với đứa con mà còn đối với cả người được xác định là cha. Việc xác định có quan hệ cha – con giữa một người đàn ông với một người khác với tư cách cha – con là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa cha và con, bao gồm các quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản giữa hai bên.

Điều đó không chỉ có ý nghĩa khi cả hai bên còn sống mà có ý nghĩa ngay cả khi một trong hai bên đã chết. Với sự kiện pháp lý xác định quan hệ cha – con được cơ quan có thẩm quyền công nhận còn làm phát sinh mối quan hệ huyết thống tự nhiên giữa người người được xác định là con với các thành viên khác của gia đình người cha, tức là làm phát sinh quan hệ giữa ông bà nội với cháu, giữa cháu với các anh, chị, em ruột của người được xác định là cha trong quan hệ cháu với cô, chú, bác ruột; giữa các con của người cha với người được xác định là con trong quan hệ anh, chị, em ruột.

Xác định quan hệ cha và con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp tức là giữa hai người được xác định là cha mẹ của người con không có quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận. Đó là các trường hợp sau:

  • Giữa cha, mẹ của người con không có đăng ký kết hôn, nhưng chung sống với nhau như vợ chồng và sinh con. Việc chung sống như vợ chồng giữa hai bên nam, nữ có thể không trái pháp luật hoặc có thể vi phạm các qui định cấm của pháp luật. Trường hợp này còn bao gồm cả trường hợp hai bên là vợ chồng đã ly hôn nhưng lại chung sống với nhau và sinh con mà không đăng ký kết hôn lại với nhau.
  • Giữa hai bên nam, nữ đã kết hôn trái pháp luật và bị xử hủy.
  • Người được xác định là cha đã có hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm người mẹ và sinh ra đứa trẻ.

2. Thẩm quyền giải quyết quan hệ cha con thuộc tòa án nhân dân

Việc xác định quan hệ cha – con trong những trường hợp này được hiểu là xác định cha cho con sinh ra ngoài hôn nhân (còn gọi là con ngoài giá thú). Trong trường hợp xác định quan hệ cha – con mà có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Tranh chấp trong việc xác định quan hệ cha – con được hiểu là tranh chấp về quyền làm cha hoặc tranh chấp về quyền làm con. Tranh chấp về quyền làm cha có thể phát sinh khi có nhiều hơn một người cùng có yêu cầu được xác định là cha của người con hoặc người nghi ngờ là cha của đứa con phủ nhận mình là cha của đứa con đó. Tranh chấp về quyền làm con xảy ra khi có từ hai người trở lên cùng yêu cầu xác định là con của một người đàn ông.

Việc xác định cha cho con hay con cho cha là một quyền nhân thân gắn liền với chính bản thân các chủ thể này mà không liên quan đến cha, mẹ, vợ, chồng, con của họ. Do đó, nếu những người thân thích của người có yêu cầu xác định quan hệ cha – con mà phản đối việc xác định quan hệ cha – con thì không thể coi đó là tranh chấp và việc phản đối của họ cũng không có ý nghĩa đối với việc xác định quan hệ cha – con.

Việc xác định quan hệ – con thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân, bao gồm cả trường hợp “người được yêu cầu xác định là cha, con đã chết”. Quyền yêu cầu xác định cha cho con hay con cho cha không phụ thuộc vào việc người được xác định là cha hay là con còn sống hay đã chết.

Việc xác định quan hệ cha và con làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa hai bên về nhân thân và về tài sản ngay cả trong trường hợp người được xác định là cha hoặc là con đã chết. Do đó, qui định này là hợp lý, bảo vệ được lợi ích chính đáng của các bên đương sự.

Trrường hợp “người được yêu cầu xác định là cha, con đã chết” thì đây là loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vì khi một bên đương sự đã chết thì không thể thể hiện được ý chí của mình về việc xác định quan hệ cha – con, đồng thời để xác định được quan hệ cha – con giữa một bên còn sống và một bên đã chết cần có những chứng cứ xác đáng và không dễ thu thập, đối chứng nên cần đến vai trò xét xử của Tòa án.

Xác định quan hệ cha – con trong trường hợp người được xác định là cha hoặc là con đã chết có thể là việc dân sự nhưng cũng có thể là vụ án dân sự, như trong trường hợp hai người cùng yêu cầu xác định một người đã chết là cha mình (hoặc là con mình).

Bên cạnh các tranh chấp xác định cha cho con hoặc xác định con cho cha, Tòa án còn giải quyết các yêu cầu về xác định quan hệ cha – con theo qui định tại khoản 10 Điều 29 BLTTDS. Các yêu cầu xác định quan hệ cha – con là những việc không có tranh chấp, không có mâu thuẫn trong việc xác định quan hệ cha – con. Người yêu cầu chủ động yêu cầu xác định một người là cha hoặc là con của mình trên cơ sở tự nguyện và cũng không có ai xen vào tranh chấp quyền làm cha hoặc quyền làm con.

Các loại việc này cũng có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND theo qui định tại khoản 1 Điều 101 Luật HN&GĐ năm 2014. Với các qui định giữa luật nội dung và luật hình thức như vậy, sự phân định thẩm quyền giải quyết loại việc xác định quan hệ cha – con giữa Tòa án và UBND cần có qui định rõ ràng, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, ảnh hưởng tới quyền của người dân.

3. Một số kiến nghị

Qua phân tích thực tế giải quyết các vụ việc xác định quan hệ cha – con tại Tòa án, chúng tôi có một số kiến nghị sau:

3.1. Kiến nghị thứ nhất

Cần có căn cứ phân định về thẩm quyền giải quyết các trường hợp yêu cầu xác định quan hệ cha con giữa UBND và TAND. Theo qui định tại khoản 10 Điều 29 BLTTDS, Tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về xác định cha cho con hoặc con cho cha theo qui định của pháp luật hôn nhân và gia đình, tức là việc xác định quan hệ cha – con không có tranh chấp, không có mâu thuẫn. Loại việc xác định quan hệ cha – con này cũng có thể thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân. Theo quan điểm của chúng tôi, căn cứ để xác định thẩm quyền của tòa án giải quyết các yêu cầu xác định quan hệ cha – con bao gồm hai trường hợp:

i) yêu cầu xác định quan hệ cha – con khi một trong hai bên đã chết;

ii) yêu cầu xác định quan hệ cha cho con hoặc con cho cha khi người con đã có giấy khai sinh. Yêu cầu xác định quan hệ cha – con tại Tòa án là cơ sở pháp lý để thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch đối với Giấy khai sinh của người con tại cơ quan hộ tịch đã đăng ký khai sinh cho người con trước đây.

3.2. Kiến nghị thứ hai

Pháp luật tố tụng dân sự cần có qui định cụ thể về quyền của người thân thích của người có yêu cầu xác định cha cho con hoặc con cho cha trong trường hợp người có yêu cầu chết theo qui định của Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2014 để đảm bảo sự tương đồng và thống nhất giữa luật nội dung và luật hình thức.

Theo quan điểm cá nhân, trong trường hợp người có yêu cầu xác định cha cho con hoặc con cho cha mà người có yêu cầu chết thì những người thân thích của người đang có yêu cầu mà chết có quyền tiếp tục thực hiện việc tố tụng để xác định quan hệ cha – con. Những người thân thích của người đang có yêu cầu mà chết được xác định theo qui định của Luật HN&GĐ, trên cơ sở quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng và quan hệ huyết thống, bao gồm những người có quan hệ cùng dòng máu về trực hệ, nuôi dưỡng và những người có họ trong phạm vi ba đời. Theo tôi, tư cách tố tụng của những người này được xác định trên cơ sở kế thừa quyền, nghĩa  vụ tố tụng theo qui định tại khoản 1 Điều 74 BLTTDS.

Bởi vì, người đang yêu cầu xác định cha cho con hoặc con cho cha mà bị chết thì những người thân thích của người yêu cầu cũng là những người thuộc diện thừa kế tài sản của người yêu cầu đã chết và việc xác định một người là cha hoặc là con của người đã chết sẽ dẫn tới hậu quả pháp lý về quyền thừa kế tài sản của người yêu cầu đã chết.

Vì vậy, mặc dù yêu cầu xác định quan hệ cha – con là quyền gắn liền với nhân thân của các bên chủ thể, nhưng việc xác định được quan hệ cha – con sẽ làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ tài sản, trong đó có quyền thừa kế tài sản. Pháp luật tố tụng cũng đưa những người thân thích của người được xác định là cha hoặc là con mà đã chết vào tố tụng với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan vì việc xác định quan hệ cha – con sẽ ảnh hưởng đến quyền thừa kế của họ.

Từ đó có thể thấy, những người thân thích của người yêu cầu xác định quan hệ cha – con cũng là những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người yêu cầu đã chết. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn và qui định cụ thể trong pháp luật tố tụng dân sự về vấn đề này để đảm bảo sự thống nhất và tương thích giữa luật nội dung và luật hình thức.

Pháp luật tố tụng cần qui định nghĩa vụ của các bên có liên quan trong việc cung cấp chứng cứ chứng minh quan hệ cha và con, đặc biệt cần qui định rõ nghĩa vụ của các bên có liên quan trong việc hợp tác thực hiện giám định gen theo quyết định trưng cầu giám định của Tòa án cũng như chế tài phải gánh chịu khi không chấp hành quyết định trưng cầu giám định của Tòa án.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon