Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

thoi-hieu-khoi-kien-yeu-cau-boi-thuong-thiet-hai

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể phát sinh từ hợp đồng dân sự hoặc ngoài hợp đồng. Chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên gây thiệt hại không tự nguyện thực hiện.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo Điều 584 Bộ dân sự 2015 thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

– Thứ nhất,  Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

– Thứ hai, Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Thứ ba, Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vây, căn cứ theo điều 584 bộ luật dân sự 2015 thì người nào gây thiệt hại xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại ngoài trừ việc chứng minh được đó là trường hợp bất khả kháng thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hai.

1.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Trên thực tế, thiệt hại có thể do một người hoặc nhiều người gây ra. Nếu thiệt hại do nhiều người cùng gây ra thì những người gây thiệt hại phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.

Tại Điều 587 Bộ dân sự 2015 có quy định:

Điều 587. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Theo đó, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu một trong những người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Khi giải quyết các vụ việc có liên quan đến nhiều người gây thiệt hại, Tòa án phải xác định cụ thể mức bồi thường của từng người gây thiệt hại trên cơ sở mức độ lỗi của họ. Tuy nhiên, điều này không phải là căn cứ để xác định những người gây thiệt hại phải bồi thường liên đới hay bồi thường riêng rẽ, mà nó là cơ sở để người đã bồi thường toàn bộ thiệt hại yêu cầu những người khác phải hoàn trả cho mình phần đã bồi thường thay.

1.2. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường là liên đới hay riêng rẽ

Thực tế, có thể nhiều người gây ra thiệt hại cho một người, nhưng giữa họ không tồn tại bất cứ mối liên hệ nào trong việc gây thiệt hại thì việc xác định trách nhiệm bồi thường là liên đới hay riêng rẽ cần phải xem xét các điều kiện sau đây:

Một là, phải có sự thống nhất về mặt ý chí của những người gây thiệt hại. Tức là những người gây thiệt hại đã có sự bàn bạc, thống nhất ý chí sẽ gây thiệt hại có một người nào đó. Đây là yếu tố thể hiện tính có tổ chức của việc gây thiệt hại.

Hai là, phải có sự thống nhất về hành vi của nhiều người gây thiệt hại. Tức là phải tồn tại hành vi gây thiệt hại của nhiều người. Mỗi người có thể thực hiện một hoặc một vài hành vi theo sự bàn bạc trước đó, nhưng phải có đầy đủ hành vi của nhiều người (từ 2 người trở lên) thì thiệt hại mới có thể xảy ra. Nếu chỉ cần hành vi của một người đã có thể gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường sẽ là trách nhiệm độc lập chứ không phải trách nhiệm liên đới.

Ba là, tất cả những người gây thiệt hại đều phải có lỗi. Nghĩa là khi nhiều người cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại thì tất cả những người đó đều có lỗi trong khi thực hiện hành vi của mình. Tức là bản thân những người thực hiện hành vi gây thiệt hại đều phải có nhận thức khi thực hiện hành vi. Do vậy, nếu nhiều người cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại mà trong đó có người không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình thì họ không bị coi là có lỗi và không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo tinh thần của Điều 587 Bộ luật dân sự 2015, vấn đề bồi thường liên đới chỉ đặt ra đối với trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, tức là thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra. Đối với trường hợp tài sản gây thiệt hại, vấn đề liên đới bồi thường hiện nay chỉ được quy định trong trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do súc vật gây. Nếu giữ nguyên quy định như trong Bộ luật dân sự năm 2015, mà trong trường hợp các loại tài sản khác gây thiệt hại, nhiều chủ thể cùng có lỗi, việc xác định trách nhiệm liên đới phải dựa vào nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật. Theo đó, thay vì phải vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, nên sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp, đồng thời nên có quy định chung cho cả trường hợp hành vi gây thiệt hại và tài sản gây thiệt hại.

2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Theo quy định của pháp luật,Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 585. việc thực hiện bồi thường thiệt hại phải tuân theo các nguyên tắc sau:

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời

Nguyên tắc chung là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Khoản 1 Điều 585 quy định “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Giảm mức bồi thường

Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định của tòa án, phù hợp với những điều kiện thực tế của các đương sự trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Khoản 2 Điều 585 quy định “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.”

Quy định này không quy định về việc giảm mức bồi thường là bao nhiêu. Việc giải quyết mức bồi thường phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại (vô ý nặng, nhẹ) Tòa án phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giảm mức bồi thường

Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắc và lâu dài của người gây thiệt hại là cơ sở để giảm mức bồi thường. Cần phân biệt giảm mức bồi thường với việc tạm hoãn thi hành án. Trong thi hành án, người không có khả năng kinh tế trước mắc có thể được tạm hoãn thi hành án

Trường hợp mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Mức bồi thường thiệt hại có thể do các bên thỏa thuận hoặc tòa án quyết định. Tuy nhiên, mức bồi thường đã thỏa thuận và quyết định có thể bị thay đổi nếu mức bồi thường ” không còn phù hợp với thực tế” Việc xem xét các điều kiện thực tế và xác định sự phù hợp căn cứ vào yêu cầu của các bên, thực tế cần phải thay đổi mức bồi thường như người được bồi thường tăng thu nhập, phải chi phí thêm để chữa bệnh,.. Việc xem xét tăng hoặc giảm mức bồi thường do tòa án xác định theo yêu cầu của các bên

Trường hợp bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại

Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Đối với bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm

Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

3. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là gì?

3.1. Thời hiệu khởi kiện là gì?

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Tại Điều 149 Bộ luật dân sự và Điều 181 Bộ luật tố tụng dân sự đều quy định Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Thực tiễn tại Tòa án vẫn còn quan điểm khác nhau, một bên là Thẩm phán phải giải thích và một bên là Thẩm phán không được giải thích cho đương sự biết việc đương sự được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu nếu biết thời hiệu khởi kiện đã hết. Vì hậu quả pháp lý hoàn toàn khác nhau. Nếu Thẩm phán giải thích mà đương sự yêu cầu thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hoặc đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu Thẩm phán không giải thích và đương sự không biết được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu thì Tòa án sẽ giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Tại khoản 1 và Điểm a khoản 4 Điều 210 BLTTDS năm 2015 quy định tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải quy định Thẩm phán phổ biên cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của BLTTDS và các quy định của pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án. Như vậy, các đương sự khi tham gia tố tụng là hoàn toàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và đương sự phải được Tòa án giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Vì vậy, Thẩm phán phải giải thích cho đương sự biết quyền được yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu.

Tại Điều 156 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định như sau: Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

3.2. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Tại Điều 588 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định:

” Điều 588. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Trong Bộ luật dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm thay vì quy định 2 năm như trong Bộ luật dân sự cũ. Sự thay đổi này là phù hợp với một số quy định có liên quan (thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế).

Thời điểm tính thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại cũng có sự thay đổi. Theo quy định trong Bộ luật dân sự trước đây, thời điểm đó là “thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm”. Theo quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, thời điểm đó là thời điểm “biết hoặc buộc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Sự thay đổi này là phù hợp, bởi vì không phải trường hợp này người có quyền yêu cầu cũng có thể biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm ở thời điểm nào. Do đó, nếu quy định trước đây, rất nhiều trường hợp khi người có quyền yêu cầu biết hoặc buộc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì thời hiệu khởi kiện có thể đã hết.

4. Ví dụ bản án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bản án 04/2018/DS-PT ngày 10/01/2019 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau:

* Nội dung vụ việc:

Vào ngày 22/07/2018 giữa chị Nguyễn Ngọc T1 (Ngọc Thảo) và chị Trần Thị T2 (Thị Thảo) có xảy ra mâu thuẫn cự cãi qua lại dẫn đến xô xát, chị Thị Thảo dùng ghế nhựa đánh vào đầu chị Ngọc Thảo gây thương tích ở vùng cổ và đầu, chị có đến bệnh viện để điều trị. Sau sự việc được cơ quan Công an xã Tắc Vân mời hai bên về làm việc để hòa giải mâu thuẫn nhưng kết quả không thành. Chị Nguyễn Ngọc T1 khởi kiện yêu cầu chị Trần Thị T2 bồi thường thiệt hại về sức khỏe gồm các khoản sau:

– Chi phí điều trị tại bệnh viện Quân – Dân y tỉnh Cà Mau là 461.920 đồng.

– Chi phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau là 653.516 đồng.

– Chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện Quân Y 121, Thành phố Cần Thơ là 2.176.174 đồng (Tiền chi phí khám chữa bệnh, tiền xe đi lại 2 lượt, tiền ăn uống của chị và mẹ chị).

– Tiền mất thu nhập của chị trong 03 ngày là 900.000 đồng.

– Tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh là 300.000 đồng.

– Tiền bồi dưỡng sức khỏe cho chị là 5.000.000 đồng.

Tổng cộng số tiền chị yêu cầu bồi thường làm tròn số là: 9.490.000 đồng.

Bản án dân sự sơ thẩm số: 142/2018/DS-ST ngày 18/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau quyết định:

– Căn cứ các Điều 584, 590 của Bộ luật dân sự; căn cứ vào Điều 12, Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn là chị Trần Thị T2 bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho chị Nguyễn Ngọc T1 số tiền 1.788.920 đồng (Một triệu bảy trăm tám mươi tám ngàn chín trăm hai mươi đồng).

Không chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường số tiền 7.701.080 đồng (Bảy triệu bảy trăm lẻ một nghìn, không trăm tám mươi đồng).

* Phán quyết của Tòa phúc thẩm:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Nguyễn Ngọc T1. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 142/2018/DS-ST ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 19006568 

Hoặc gửi qua Email : Danang@luatduonggia.vn Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Dương Gia.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon