Đại diện là gì? Căn cứ xác lập quyền đại diện

dai-dien-la-gi-can-cu-xac-lap-quyen-dai-dien

Trong đời sống hàng ngày, để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, con người bắt buộc phải tham gia vào rất nhiều các giao dịch dân sự khác nhau. Có những trường hợp các chủ thể sẽ tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự. Hoặc có trường hợp các chủ thể không thể hoặc không muốn tự mình tham gia vào một số giao dịch nhất định và họ cần đến một người có thể nhân danh và vì lợi ích, thay mặt họ xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự của họ. Do đó, pháp luật dân sự đã ghi nhận quan hệ đại diện cũng như các cơ chế để thực hiện quan hệ này. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về đại diện và căn cứ xác lập quyền đại diện.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Đại diện là gì? Phân loại đại diện

Trong giao lưu dân sự, các chủ thể có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhưng trong những trường họp nhất định có thể thông qua hành vi của người khác là người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của mình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Thuật ngữ người đại diện trong tiếng Anh là “representative”.

Đại diện là một quan hệ pháp luật. Chủ thể của quan hệ đại diện bao gồm người đại diện và người được đại diện.

– Người đại diện là người nhân danh người được đại diện xác lập quan hệ với người thứ ba, vì lọi ích của người được đại diện. Người đại diện có thể là cá nhân, có thể là pháp nhân. Trong đó, nếu cá nhân là người đại diện theo pháp luật thì phải là người có năng lực pháp luật dân sự và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

– Nếu pháp nhân là người đại diện thì phải có năng lực pháp luật phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện vì lợi ích của người được đại diện. Nếu cá nhân là người đại diện theo ủy quyền thì phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập, thực hiện vì lợi ích của người được đại diện.

– Người được đại diện là người tiếp nhận các hậu quả pháp lí từ quan hệ do người đại diện xác lập, thực hiện đúng thẩm quyền đại diện. Người được đại diện có thể là cá nhân không có năng lực hành vi, chưa đủ năng lực hành vi nên theo quy định của pháp luật phải có người đại diện trong quan hệ pháp luật. Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi có thể uỷ quyền cho người khác là đại diện theo uỷ quyền của mình. Pháp nhân hoạt động thông qua hành vi của những người nhất định có thẩm quyền đại diện cho chủ thể đó.

2. Căn cứ xác lập quyền đại diện

Điều 135 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).”

Theo điều luật trên thì đại diện bao gồm hai loại: Đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật.

– Đại diện theo ủy quyền được xác lập từ sự ủy quyền của người được đại diện cho người đại diện. Nói cách khác, quan hệ đại diện theo ủy quyền chỉ hình thành khi trước đó, giữa người được đại diện và người đại diện đã xác lập với nhau một quan hệ ủy quyền, trong đó người được đại diện là người ủy quyền, người đại diện là người được ủy quyền.

– Đại diện theo pháp luật được xác lập theo một trong các căn cứ sau đây:

+ Theo quyết định của các cơ quan nhà nước: Trong trường hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chỉ định người đại diện cho cá nhân. Chẳng hạn, Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện. (Đoạn 2 khoản 1 Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2015)

Đối với pháp nhân phi thương mại thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Theo Điều lệ của pháp nhân: Đối với các pháp nhân thương mại thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người được xác định theo điều lệ của chính pháp nhân đó. Ví dụ như đối với công ty cổ phần thì trong điều lệ thường xác định người đại diện theo pháp luật, người này có thể là Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị.

+ Theo quy định của pháp luật: Theo quy định của pháp luật thì người đại diện theo pháp luật của cá nhân là: Cha, mẹ đổi với con chưa thành niên (Khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự năm 2015); Người giám hộ đổi với người được giám hộ (Khoản 2 Điều 136 Bộ luật dân sự năm 2015).

3. Phạm vi đại diện

Phạm vị đại diện là giới hạn có thể, được xác định thông qua quyết định của cơ quan có thẩm quyền, điều lệ của pháp nhân, nội dung ủy quyền hoặc quy định khác của pháp luật mà trong đó, người đại diện được quyền xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.

Điều 141. Phạm vi đại diện

1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Điều lệ của pháp nhân;

c) Nội dung ủy quyền;

d) Quy định khác của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, phạm vi đại diện được xác định theo các căn cứ sau:

– Xác định thông qua quyết định của cơ quan có thẩm quyền: Nếu đại diện được xác lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và trong quyết định đó đã xác định phạm vi đại diện thì người đại diện chỉ được nhân danh người được đại diện xác lập, thực hiện công việc trong phạm vi đó.

– Xác định thông qua điều lệ của pháp nhân: Phạm vi đại diện đối với quyền đại diện của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được xác định theo điều lệ của chính pháp nhân được đại diện.

– Xác định thông qua nội dung ủy quyền: Đối với đại diện theo ủy quyền thì phạm vi đại diện luôn được xác định theo nội dung ủy quyền đã thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền hoặc đã được xác định trong văn bản ủy quyền hành chính. Phạm vi ủy quyền có thể được coi là một trong các loại điều khoản cơ bản trong hợp đồng ủy quyền hoặc một nội dung quyết định giá trị của giấy ủy quyền.

– Xác định thông qua quy định khác của pháp luật: Phạm vi đại diện còn có thể được xác định theo quy định của pháp luật trong trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp không xác định được phạm vi đại diện theo các căn cứ trên thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện.

4. Thời hạn đại diện

Điều 140 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 140. Thời hạn đại diện

1. Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

a) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

b) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

Thời hạn đại diện là khoảng thời gian mà trong đó, người đại diện có quyền nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

Theo quy định tại khoản 1 của điều luật trên thì khoảng thời gian này có thể được xác định theo văn bản ủy quyền, có thể được xác định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, có thể được xác định theo điều lệ, có thể được xác định theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp không thể xác định được thời hạn đại diện theo khoản 1 thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

– Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó. Ví dụ: A ủy quyền cho B nhân danh mình để xác lập, thực hiện với C một hợp đồng gia công nhưng hợp đồng ủy quyền không xác định thời hạn thì thời hạn đại diện trong trường hợp này được tính đến thời điểm hợp đồng gia công chấm dứt.

– Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện. Ví dụ: A ủy quyền cho B nhân danh mình để đòi một khoản nợ mà trong hợp đồng ủy quyền không xác định thời hạn đại diện, trong trường hợp này thời gian đại diện là một năm tính từ thời điểm ủy quyền có hiệu lực pháp luật.

5. Người đại diện theo pháp luật của từng loại hình doanh nghiệp

Loại hình doanh nghiệp Người đại diện theo pháp luật
Doanh nghiệp tư nhân Chủ doanh nghiệp tư nhân
Công ty hợp danh Các thành viên hợp danh
Công ty TNHH một thành viên – Trường hợp tổ chức là chủ sở hữu:

+ Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

+ Trường hợp Điều lệ công ty không quy định: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Trường hợp cá nhân là chủ sở hữu:

+ Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì thông thường Chủ tịch công ty sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty.

+ Công ty nên quy định chi tiết người đại diện theo pháp luật trong Điều lệ công ty, pháp luật không có quy định hạn chế hay chỉ định đối với người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH MTV do cá nhân là chủ sở hữu.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên – Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

– Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Công ty cổ phần – Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật: Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Trường hợp Điều lệ chưa có quy định: Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật: Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về đại diện và căn cứ xác lập quyền đại diện. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon