Cách tính thời hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự

cach-tinh-thoi-hieu-theo-quy-dinh-cua-Bo-luat-Dan-sư

Thời hiệu là một sự kiện dẫn đến hậu quả làm phát sinh quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền được bảo vệ quyền dân sự bị vi phạm. Thời hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự. Vậy cách tính thời hiệu được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cũng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

1. Khái niệm thời hiệu

Khác với thời hạn, thời hiệu chỉ do pháp luật quy định, các bên không có quyền thỏa thuận như thời hạn. Vì vậy, thời hiệu mang tính bắt buộc. Mọi sự thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự nhằm thay đổi thời hiệu hoặc cách tính thời hiệu đều bị xem là vô hiệu và việc áp dụng thời hiệu cũng mang tính bắt buộc với Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết các yêu cầu của người khởi kiện.

Căn cứ theo Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thi phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”. Thời hiệu là một sự kiện dẫn đến hậu quả làm phát sinh quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền được bảo vệ quyền dân sự bị vi phạm.

2. Cách tính thời hiệu

Theo Điều 151 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

2.1. Đối với thời hiệu hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự

Trong trường hợp pháp luật quy định cho các chủ thể áp dụng thời hiệu thì chỉ sau khi “thời hiệu đó kết thúc” việc hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực, cụ thể là:

Thời điểm bắt đầu thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời điểm thực tế chiếm hữu tài sản, trừ những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký (bất động sản và các động sản phải đăng ký khác) thì thời hiệu hưởng quyền bắt đầu từ thời điểm đăng ký.

Thời điểm bắt đầu thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời điểm người có quyền biết và buộc phải biết về quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc tranh chấp.

Bộ luật Dân sự quy định hai loại thời hiệu này có tính liên tục. Tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 153 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt. Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn từ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:

+ Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu.

+ Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Bản chất của quy định này là khi xảy ra các sự kiện nhất định thì thời hiệu tạm ngừng và giai đoạn tồn tại sự kiện đó không tính vào thời hiệu.

Ngoài ra, thời hiệu được tính liên tục trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác.

2.2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Quyền khởi kiện phát sinh khi có sự vi phạm quyền dân sự của chủ thể và được thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế thông qua quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo khoản 1 Điều 154 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc xác định thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được pháp luật quy định như sau:

+ Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm;

+ Trong trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình, thì sau thời hạn người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ không thực hiện sẽ được bắt đầu thời hiệu khởi kiện;

+ Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thì ngày đơn phương chấm dứt đó là ngày vi phạm;

+ Trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng,… thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm là ngày vi phạm;

+ Trong các trường hợp khác, thời điểm vi phạm là thời điểm xác lập quan hệ, hoặc là thời điểm xảy ra một sự kiện nào đó, như thời điểm mở thừa kế,…

Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm hành vi xâm phạm cuối cùng xảy ra, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hiệu khởi kiện.

https://danang.luatduonggia.vn/dich-vu-luat-su/thue-luat-su-khoi-kien-dan-su-tai-da-nang.html

2.3. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Trong một số trường hợp nhất định thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không được áp dụng. Việc này được quy định cụ thể tại Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm các trường hợp:

  “1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

  2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

  3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

  4. Trường hợp khác do luật quy định”.

2.4. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện bắt đầu từ khi người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nhưng trong thời hạn ấy, nếu xảy ra sự kiện làm cản trợ việc đưa đơn kiện của người có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thì theo quy định pháp luật, khoảng thời gian xảy ra sự kiện làm cho người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện không tính vào thời hạn của thời hiệu. Thời hiệu sẽ tiếp tục khi các sự kiện trên đã được khắc phục.

Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau:

+ Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

+ Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp: Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân hoặc người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

2.5. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án

Thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra một trong các sự kiện được quy định tại Điều 156 Bô luật Dân sự 2015.

Căn cứ bắt đầu lại khởi kiện được xác định là:

+ Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện

+ Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

+ Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Trong các trương hợp trên, thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện (Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015).

2.6. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 154 Bộ luật Dân sự 2015).

Như vậy, để việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện trong hoạt động giải quyết các tranh chấp về dân sự chính xác có căn cứ pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng cần cập nhật kịp thời và áp dụng đúng quy định của pháp luật trong từng thời điểm đối với từng vụ án cụ thể. Đồng thời, để các đương sự có nhận thức đầy đủ hơn về thời hiệu khởi kiện thì trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án cần giải thích cho đương sự biết các quy định mới của pháp luật về thời hiệu khởi kiện để họ kịp thời thực hiện quyền khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là nội dung chi tiết về quy định của pháp luật về cách tính thời hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon