Quyền hưởng dụng theo Bộ luật Dân sự 2015

quyen-huong-dung

Quyền hưởng dụng là một trong những quyền mới được bổ sung trong Bộ luật dân sự năm 2015. Quyền hưởng dụng ra đời giúp cho người dân có được lựa chọn tốt hơn trong việc khai thác, bảo vệ tài sản của mình đồng thời giúp Nhà nước có được cơ chế pháp lý phù hợp hơn để bảo vệ người yếu thế trong quan hệ dân sự. Vậy dưới góc độ pháp luật, quyền hưởng dụng được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Quyền hưởng dụng là gì?

Quyền hưởng dụng là một sự vận dụng pháp luật nước ngoài, tuy nhiên không phải là nội dung mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nó được ghi nhận trong Bộ luật Nam Kỳ, Trung kỳ với tên gọi là quyền dụng ích, “Quyền dụng ích là một vật quyền cho phép hưởng dụng và thu lợi một tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác trong một thời gian không quá đời sống của người hưởng dụng, với trách vụ giữ nguyên tài sản ấy”(Điều thứ 417 Bộ Dân Luật Sài Gòn 1973).

Theo luật La Mã, ban đầu quyền dụng ích chỉ áp dụng đối với đất đai (đất nông nghiệp và chuyển dần đến đất ở) dần dần được chuyển sang áp dụng đối với các tài sản khác, không những chỉ áp dụng đối với láng giềng mà còn áp dụng đối với những người khác. Ví dụ, một người viết di chúc để lại cho người khác một ngôi nhà là di sản thừa kế đồng thời cho một người thứ ba sử dụng ngôi nhà đó đến khi họ chết. Xuất phát từ đây Servitus (quyền sử dụng tài sản của người khác trong quan hệ này hay quan hệ khác) được chia thành quyền địa dịch và dụng ích cá nhân.

Trong bộ luật Napoleon được gọi với tên gọi là usufruct  – là sự tích hợp của hai quyền là quyền sử dụng được ghi nhận trong pháp luật các nước (trong đó nội hàm của quyền sở hữu không giống quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm ba phần là quyền sử dụng, quyền thu hoa lợi và quyền định đoạt), theo đó quyền sở hữu là quyền trọn vẹn cho phép chủ sở hữu có đầy đủ các quyền năng tuyệt đối đối với tài sản. Còn quyền dụng ích được hiểu là sự tách hai thành phần đầu tiên của quyền sở hữu tạo ra một quyền độc lập là quyền sử dụng và quyền thu hoa lợi. Một khi quyền này được tách ra thì chủ sở hữu chỉ giữ lại cho mình quyền định đoạt đối với tài sản còn quyền sử dụng và thu hoa lợi thì thuộc về người khác.

Trong Bộ Luật Dân Sự năm 2015 (BLDS), quyền hưởng dụng được quy định tại Điều 257: “ Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời gian nhất định”. Lần đầu tiên, BLDS ghi nhận thuật ngữ quyền hưởng dụng thay cho cụm từ “quyền của người không phải là chủ sở hữu”. Điều này giúp các quy định của BLDS về quyền hưởng dụng có sự tương đồng hơn đối với pháp luật các quốc gia có hệ thống pháp luật thành văn.

2. Đặc điểm của quyền hưởng dụng

Về bản chất, quyền hưởng dụng mang một số đặc điểm pháp lý sau đây:

Thứ nhất, quyền hưởng dụng cũng giống như quyền địa dịch hay quyền bề mặt là một vật quyền hạn chế dành cho người không phải là chủ sở hữu của tài sản.

Thứ hai, quyền hưởng dụng được hiểu là một loại vật quyền theo người tức là nó luôn gắn liền với một chủ thể nhất định.

Thứ ba, vào cùng một thời điểm, không tồn tại đồng thời nhiều chủ thể khác nhau cùng thực hiện quyền hưởng dụng trên một tài sản của một chủ sở hữu.

Thứ tư, quyền hưởng dụng mang đặc tính thời hạn, gắn bó với chủ thể hưởng dụng không mang tính vĩnh viễn mà chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định.

Thứ năm, giá trị tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng mang tính bảo toàn.

3. Bàn luận về quyền hưởng dụng

3.1. Có tồn tại xung đột về quyền lợi giữa người hưởng dụng và người thừa kế đối với tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể khác không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định nhưng tối đa là “một đời” của chủ thể hưởng quyền. Chính vì vậy, sự tồn tại của quyền hưởng dụng phụ thuộc vào sự tồn tại của chủ thể hưởng dụng chứ không phụ thuộc vào chủ sở hữu của tài sản. Bên cạnh đó, khi chủ sở hữu chuyển giao quyền hưởng dụng cho một chủ thể khác thì không đồng nghĩa chủ sở hữu bị mất đi quyền sở hữu vốn có của mình đối với tài sản. Do đó, chủ sở hữu vẫn có quyền định đoạt đối với tài sản độc lập với quyền hưởng dụng của chủ thể hưởng dụng.

Bản chất của quyền hưởng dụng là vật quyền (là quyền trên tài sản) nên nó phụ thuộc vào tài sản mang quyền đó chứ không phụ thuộc vào hành vi của chủ thể trên tài sản đó (trái quyền). Trong luật một số quốc gia cũng ghi nhận quyền của người hưởng dụng không bị thay đổi trong trường hợp tài sản đó bị bán; người hưởng dụng vẫn tiếp tục thực hiện quyền của mình, trừ khi họ từ bỏ quyền đó.

3.2. Vấn đề đăng ký quyền hưởng dụng?

Về nguyên tắc, tự quyền hưởng dụng không cần phải đăng ký mới phát sinh hiệu lực. Hiện nay, trong quy định của Bộ luật dân sự mới ghi nhận việc tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu có luật định là nghĩa vụ của người hưởng dụng. Tuy nhiên, việc đăng ký quyền hưởng dụng trên thực tế vẫn chưa được ghi nhận một cách phù hợp bởi cho đến nay chưa có luật nào quy định việc đăng ký quyền hưởng dụng, kể cả đối với bất động sản. Điều đó kéo theo rất nhiều bất cập khi xử lý các giao dịch mà chủ sở hữu đã cho phép chủ thể khác có quyền hưởng dụng.

Khi một người thực hiện quyền hưởng dụng trên tài sản của chủ sở hữu thì quyền sở hữu của chủ sở hữu vẫn được bảo đảm, do đó, chủ sở hữu có quyền mang tài sản của mình đi thực hiện các giao dịch bảo, ví dụ trong trường hợp này là mang tài sản đi thế chấp để đảm bảo một nghĩa vụ vay tiền ngân hàng. Đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay này, chủ sở hữu (bên bảo đảm) không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ. Về nguyên tắc, khi nghĩa vụ bảo đảm không thực hiện được thì bên ngân hàng (bên nhận bảo đảm) phải xử lý tài sản, tuy nhiên tài sản đó lại đang là đối tượng của quyền hưởng dụng của một chủ thể khác; ngân hàng chỉ có thể xử lý được tài sản này khi thời hạn của quyền hưởng dụng chấm dứt, điều này là vô cùng khó khăn cho bên nhận bảo đảm vì có những thỏa thuận về quyền hưởng dụng trên tài sản kéo dài đến suốt đời người hưởng dụng.

Vấn đề ở đây là khi việc đăng ký quyền hưởng dụng không áp dụng lên cho mọi chủ thể hưởng dụng cũng như quy định của luật chưa rõ ràng thì việc ghi nhận tính pháp lý của việc chủ thể có quyền hưởng dụng trên tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể khác là rất khó xác nhận, hơn nữa, chủ sở hữu tài sản chỉ cần chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tài sản (giấy đăng ký tài sản, giấy chứng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất,…) một cách hợp pháp thì giao dịch giữa chủ sở hữu và chủ thể còn lại đã có cơ sở pháp lý. Trong khi đó, chủ sở hữu chỉ còn quyền sở hữu về mặt pháp lý chứ không phải về mặt thực tế.

3.3. Khi người hưởng dụng đầu tiên không phải là một chủ thể duy nhất?

Trường hợp quyền hưởng dụng được trao cùng lúc cho hai người trở lên (không phải trường hợp được cấp cho người đầu tiên sau đó người này cho người khác thực hiện quyền hưởng dụng để hưởng lợi) thì các quy định về quyền hưởng dụng như Bộ luật hiện nay sẽ gặp ít nhiều khó khăn.

Cụ thể không thể xác định được thời hạn của quyền hưởng dụng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu đó là hai cá nhân trở lên. Theo quan điểm tác giả thì trong trường hợp này, thời hạn của quyền hưởng dụng xác định theo cá nhân hưởng dụng sống sau cùng. Ngoài ra việc chấm dứt quyền hưởng dụng sẽ được coi là chấm dứt toàn bộ quyền hưởng dụng với tất cả mọi người hay chỉ chấm dứt với chủ thể tương ứng với sự kiện được xác định là căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng.

3.4. Về thời hạn hưởng dụng

Thực tế, việc thực hiện quyền hưởng dụng trong thời gian dài hay ngắn sẽ có ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sở hữu. Do đó, Bộ luật Dân sự đã đặt ra thời hạn tối đa của quyền hưởng dụng để bảo đảm dung hòa lợi ích giữa các chủ thể đối với cùng một tài sản. Khi thời hạn đó kết thúc thì quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, việc xác định thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết trong nhiều trường hợp phù hợp với quy định của luật nhưng không phù hợp với thực tiễn của việc khai thác quyền hưởng dụng.

Việc giới hạn thời hạn tối đa của quyền hưởng dụng chỉ phù hợp với trường hợp các bên không có thỏa thuận và luật không có quy định. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định thì phải tuân theo sự thỏa thuận hoặc quy định đó. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc tự định đoạt và thoả thuận của các bên trong quan hệ dân sự, chúng tôi cho rằng khoản 1 Điều 260 nên được quy định theo hướng: “Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định. Trường hợp các bên không thỏa thuận và luật không quy định thì thời hạn hưởng dụng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và …”.

3.5. Về quyền của người hưởng dụng

Theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền của người hưởng dụng bao gồm:

“1.Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng….

….

3. Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.”

Quy định của khoản 1 và khoản 3 của Điều luật nêu trên dẫn đến vấn đề cần bàn luận sau đây:

Tại khoản 1 việc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng có bao gồm việc chuyển giao có đền bù như chuyển nhượng, trao đổi, cho thuê không?

Nếu câu trả lời ở đây là có thì việc quy định khoản 3 của điều luật là không cần thiết bởi lẽ nội hàm của khoản 1 đã bao gồm khoản 3.

Nếu câu trả lời là không thì quy định này dường như không phù hợp với lý thuyết về vật quyền và cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự Việt Nam về vật quyền khi mà chúng ta đang muốn thừa nhận việc tồn tại các quyền tài sản khác nhau trên cùng một đối tượng để bảo vệ và phát huy giá trị kinh tế của tài sản trong nền kinh tế thị trường. Quy định về quyền hưởng dụng không được phép chuyển nhượng chỉ phù hợp với “quyền dụng ích cá nhân” là một quyền hưởng dụng mang tính pháp định mà thôi. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng Điều luật 261 cần được sửa đổi theo hướng xoá bỏ khoản 3. Tuy nhiên, để đảm bảo phạm vi của quyền hưởng dụng phù hợp với từng trường hợp cụ thể khác nhau đặc biệt là trong trường hợp các bên thoả thuận không được chuyển giao chúng tôi kiến nghị khoản 1 của Điều luật này bổ sung thêm cụm từ “trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Bên cạnh Điều 261 quy định về quyền của người hưởng dụng thì Bộ luật Dân sự năm 2015 lại có quy định về quyền hưởng hoa lợi, lợi tức tại Điều 264. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng người có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức theo Điều 264 cũng chính là người hưởng dụng. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải gộp hai nội dung này thành một và việc tách quyền của người hưởng dụng ra thành hai điều luật khác nhau là không cần thiết.

3.6. Về nghĩa vụ của người hưởng dụng

Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành thì nghĩa vụ của người hưởng dụng được ghi nhận bao gồm: (i) Nghĩa vụ khai thác, sử dụng tài sản đúng công dụng, mục đích; (ii) Giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản,… (nghĩa vụ đảm bảo tính ổn định và toàn vẹn của tài sản như khi tiếp nhận tài sản) ; (iii) Nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng, với phạm vi quyền của người hưởng dụng tương đối lớn thì sự quy định về nghĩa vụ của người hưởng dụng vẫn còn nhiều thiếu sót, cụ thể:

– Có một số loại nghĩa vụ mà trong Bộ luật Dân sự không đề cập tới đối với cả chủ sở hữu và người hưởng dụng, ví dụ: trong thời gian tồn tại quyền hưởng dụng, có những nghĩa vụ hàng năm như thuế, các khoản đóng góp được coi là nghĩa vụ tài chính đối với tài sản (thuế đất, thuế kinh doanh, các khoản chi phí trong quá trình khai thác, sử dụng tài sản…). Vậy trong những trường hợp này có mặc nhiên coi chủ sở hữu tài sản phải thực hiện các nghĩa vụ này không? Theo chúng tôi, việc thực hiện nghĩa vụ này phải thuộc về bên có quyền hưởng dụng thì phù hợp hơn. Luật một số quốc gia cũng có quy định nghĩa vụ này thuộc về người hưởng dụng.

– Đối với nghĩa vụ “sửa chữa tài sản”, chúng tôi nhận thấy trong quy định của Bộ luật Dân sự, đó là nghĩa vụ của cả người hưởng dụng và chủ sở hữu. Đây là điều rất dễ tạo nên sự trùng lặp về nghĩa vụ khi cả hai bên đều nhận thực hiện nghĩa vụ này hoặc ngược lại, hai bên đều cho rằng đó là nghĩa vụ của bên còn lại nên đùn đẩy nếu quy định của luật chưa rõ ràng và nhất quán như hiện nay; từ đó dẫn đến không xác định được phạm vi nghĩa vụ của từng chủ thể này. Theo chúng tôi, cần phải có sự xác định rõ phạm vi nghĩa vụ của các bên chủ thể trong việc sửa chữa, bảo đảm tính ổn định giá trị của tài sản.

3.7. Về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng là một vật quyền có tính độc lập tương đối so với các vật quyền khác, tuy nhiên, xét về bản chất thì vật quyền này là vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác. Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, khi người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình thì chủ sở hữu chỉ có quyền “yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng” mà không có một cơ chế tự bảo vệ nào dành cho chủ sở hữu. Ngoài ra, chỉ khi người hưởng dụng có sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hưởng dụng của mình thì chủ sở hữu mới có thể yêu cầu truất quyền người hưởng dụng, mà không đặt ra trường hợp, chủ sở hữu có thể chấm dứt quyền hưởng dụng của chủ thể hưởng dụng trong các trường hợp khác.

Để điều chỉnh về vấn đề này một cách trọn vẹn chúng tôi đề xuất tách quyền hưởng dụng thành hai loại: (i) quyền hưởng dụng là vật quyền xác lập theo ý chí của chủ sở hữu (theo thỏa thuận hoặc theo di chúc) và (ii) quyền hưởng dụng là vật quyền pháp định (theo luật định).

Theo đó, quyền hưởng dụng theo ý chí của chủ sở hữu sẽ mang tính tuyệt đối, việc yêu cầu chấm dứt hoặc thay đổi không vì lý do vi phạm của bên hưởng dụng là không được ghi nhận bởi lẽ, bản thân chủ sở hữu phải xác định được từ đầu mục đích của mình cũng như phải xác định phạm vi quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng, tránh trường hợp tự ý chấm dứt quyền hưởng dụng, gây cản trở và ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người hưởng dụng trên tài sản hưởng dụng. Còn đối với quyền hưởng dụng theo luật định thì trong quy định của luật cần xác định rõ các trường hợp người hưởng dụng không được phép làm cũng như cơ chế pháp lý trong những trường hợp vi phạm đó. Việc xác định các trường hợp hạn chế quyền hưởng dụng theo luật định cũng chính là cách thức bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu cũng như bảo đảm tính toàn vẹn giá trị của tài sản hưởng dụng.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 260 “Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này”, dẫn đến cách hiểu Khoản 2 Điều 260 đang đề cập đến một quyền của người hưởng dụng là quyền cho thuê quyền hưởng dụng chứ không chỉ đơn thuần là đề cập đến thời hạn của quyền hưởng dụng. Để tránh gây ra hiểu nhầm thì khoản cần được quy định hợp lý hơn theo hướng: “Thời hạn mà người hưởng dụng cho thuê quyền hưởng dụng cũng phải phù hợp với thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Trên đây là những phân tích về “Quyền hưởng dụng”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon