Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền?

quyen-va-nghia-vu-cua-ben-uy-quyen

Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội thì các quan hệ dân sự cũng không ngừng gia tăng trên cả hai phương diện số lượng và mức độ phức tạp. Nếu mỗi chủ thể của pháp luật dân sự phải tự mình tham gia trực tiếp vào tất cả các giao dịch này thì rất khó khăn cho các chủ thể. Vì vậy, pháp luật dân sự nước ta đã ghi nhận chế định ủy quyền, chế định này có ý nghĩa quan trọng giúp các chủ thể giảm tải giao dịch phải tham gia trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo chúng được xác lập, thực hiện một cách liên tục, mạch lạc và ổn định thông qua bên được ủy quyền. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Ủy quyền là gì?

Pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm ủy quyền là gì mà chỉ quy định về hợp đồng ủy quyền.

Căn cứ theo điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng ủy quyền là hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, ủy quyền được hiểu là việc một bên (gọi là bên được ủy quyền) nhân danh một bên khác (gọi là bên ủy quyền) để xác lập, thực hiện các giao dịch trong phạm vi được ủy quyền.

Ủy quyền mang một số đặc điểm sau:

– Ủy quyền làm phát sinh hai mối quan hệ cùng tồn tại: Quan hệ thứ nhất là quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền và quan hệ thứ hai là quan hệ giữ người ủy quyền và người thứ ba.

– Người được ủy quyền xác lập quan hệ với người thứ ba là nhân danh (đại diện) người ủy quyền chứ không phải nhân danh chính họ.

– Mục đích người được ủy quyền xác lập quan hệ với người thứ ba là vì lợi ích của người ủy quyền. Hay nói cách khác là quyền (lợi ích) và nghĩa vụ trong quan hệ với người thứ ba là quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền.

– Ủy quyền được xác lập trên cơ sở thỏa thuận.

– Quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền tùy thuộc vào nội dung ủy quyền (phạm vi ủy quyền).

2. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền

Giao dịch ủy quyền cũng giống như những giao dịch dân sự thông dụng, việc ủy quyền được thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Bên ủy quyền có thể là cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác, ủy quyền cho người khác nhân danh mình tham gia một hoặc một số công việc nhất định. Do bản chất của ủy quyền là việc bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Những công việc này, về nguyên tắc bên ủy quyền hoàn toàn có khả năng và điều kiện thực hiện, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên bên ủy quyền không trực tiếp thực hiện, nên ủy quyền cho người khác thực hiện thay mình. Do đó, khi giao kết ủy quyền, bên ủy quyền ngoài việc có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự thì còn phải có năng lực giao kết ủy quyền. Năng lực giao kết ủy quyền có thể hiểu là những công việc, hành vi mà người ủy quyền được phép làm. Ví dụ: A ủy quyền cho B chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho thì A phải là chủ sử dụng đối với quyền sử dụng đất đó.

Như vậy, bên uỷ quyền là một chủ thể của uỷ quyền có thể là cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác. Khi tham gia giao kết hợp đồng ủy quyền nếu bên ủy quyền là cá nhân thì phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và năng lực giao kết, nếu là pháp nhân và chủ thể khác thì việc ủy quyền phải trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và có quyền thực hiện những công việc mà mình ủy quyền.

2.1. Nghĩa vụ của bên ủy quyền

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên ủy quyền như sau:

Điều 567. Nghĩa vụ của bên ủy quyền

“1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.

2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.

3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.”

– Thứ nhất: Theo khoản 1 Điều 567 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bên ủy quyền có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc. Những nghĩa vụ này của bên ủy quyền là nghĩa vụ hợp tác để bên được ủy quyền có thể thực hiện công việc ủy quyền. Đó là một phần của nghĩa vụ hợp tác của người ủy quyền được quy định trong luật chung về phần nghĩa vụ. Mặt khác, bên ủy quyền phải tạo điều kiện thuận lợi theo khả năng của mình để bên được ủy quyền thực hiện công việc được giao. Một khi bên ủy quyền xem xét thấy những thông tin, tài liệu và phương tiện mà mình có được có thể giúp cho bên được ủy quyền thì phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp theo quy định của pháp luật.

– Thứ hai, nghĩa vụ chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền là nghĩa vụ quan trọng của bên ủy quyền bởi vì, bản chất của ủy quyền là thực hiện công việc nhân danh người khác. Vì vậy, người ủy quyền phải cam kết chịu trách nhiệm về những công việc đã giao cho người được ủy quyền, nhận và giao kết trong hợp đồng. Do đó, khi thực hiện hợp đồng ủy quyền, bên được ủy quyền cũng phải chú ý đến phạm vi ủy quyền, có nghĩa là, bên ủy quyền sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với việc bên được ủy quyền thực hiện công việc ngoài phạm vi ủy quyền. Còn nếu người được ủy quyền vi phạm các cam kết, vượt quá phạm vi ủy quyền gây bất lợi cho mình thì người ủy quyền sẽ chịu trách nhiệm đối với người thứ ba, sau đó họ có quyền yêu cầu bên được ủy quyền bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 6 Điều 565 Bộ luật dân sự năm 2015.

– Thứ ba, nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền, trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao. Khác với người làm dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ, người uỷ quyền ngoài việc trả thù lao (nếu có thỏa thuận), người uỷ quyền có nghĩa vụ thanh toán cho người được uỷ quyền toàn bộ chi phí liên quan đến công việc uỷ quyền mà không nhất thiết phải được thỏa thuận trong khi giao kết ủy quyền. Những chi phí này là những chi phí hợp lý, cần thiết liên quan đến thực hiện công việc được uỷ quyền như: chi phí phương tiện đi lại, lệ phí công chứng, chứng thực, lệ phí trước bạ, … Những khoản chi phí khác không phục vụ cho công việc uỷ quyền thì người uỷ quyền có thể xem xét trả hoặc không phải trả cho người được uỷ quyền.

Ví dụ 1:

+ Anh A uỷ quyền cho anh B đi đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì sợ muộn giờ làm việc nên anh B đã vượt đèn đỏ và bị cảnh sát giao thông phạt 200.000 đồng. Trong trường hợp này, anh A có thể từ chối khoản chi phí do anh B vi phạm Luật giao thông.

+ Ví dụ 2: Anh A uỷ quyền cho anh B đi đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi nhận giấy chứng nhận B phải nộp tiền lệ phí địa chính, lệ phí đăng ký biến động và phí cấp đổi Giấy chứng nhận, phí gửi xe… hết 2 triệu đồng. Trong trường hợp này, anh B bỏ ra một khoản tiền để thực hiện công việc được ủy quyền thì A có nghĩa vụ phải thanh toán cho B, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác

Thanh toán chi phí là trách nhiệm của bên ủy quyền đối với bên được ủy quyền khi đã thực hiện xong công việc. Trên thực tế, nhiều trường hợp các chi phí đó được bên được ủy quyền ứng trước. Nếu không ứng trước thì bên được ủy quyền có thể bỏ ra tạm thời để thực hiện công việc và yêu cầu bên ủy quyền thanh toán sau.

Tiền thù lao là một khoản tiền mà người uỷ quyền có thỏa thuận trả cho người được uỷ quyền. Khác với người làm dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ, người được uỷ quyền nhận thù lao sau khi hoàn thành công việc mà không phụ thuộc vào kết quả của công việc có như mong muốn của người uỷ quyền hay không. Hình thức, địa điểm thanh toán chi phí và thù lao có thể do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì áp dụng các quy định chung về hợp đồng dịch vụ.

2.2. Quyền của bên ủy quyền

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên ủy quyền như sau:

Điều 568. Quyền của bên ủy quyền

“1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.”

– Thứ nhất, bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

Bên ủy quyền có quyền được biết về tình hình thực hiện công việc của bên được ủy quyền. Để thực hiện tốt công việc ủy quyền hai bên cần có sự hợp tác với nhau, hai bên phải cùng nắm bắt được tiến độ tình hình công việc để có thể kịp thời giải quyết những khó khăn có thể xảy ra. Bên ủy quyền có quyền “yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền”. Bởi vì mặc dù đã ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện công việc nhưng bản chất của ủy quyền là nhân danh người ủy quyền cho nên bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về tiến trình thực hiện công việc, để dễ dàng theo dõi, nắm bắt và xử lý kịp thời những sự việc phát sinh tránh tranh chấp xảy ra sau này.

– Thứ hai, bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

Quy định này có nghĩa là, nếu trước khi thực hiện ủy quyền, các bên trong ủy quyền không có thỏa thuận gì về việc giao lại tài sản khi công việc ủy quyền đã thực hiện xong thì bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản đã giao cùng với lợi ích thu được. Phương thức và địa điểm giao nhận do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

– Thứ ba, bên ủy quyền có quyền được bồi thường thiệt hại.

Bên ủy quyền sẽ được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật dân sự năm 2015. Người ủy quyền có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu người được ủy quyền vi phạm hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền gây thiệt hại cho mình.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về ủy quyền là gì, quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon