Trong hoạt động giải quyết các vụ việc dân sự, sự thành công của chủ thể giải quyết là tìm được công cụ để giải quyết yêu cầu của đương sự, giải quyết được mâu thuẫn phát sinh. Trong nội dung bài viết sẽ phân tích, làm rõ khái niệm đặc điểm của nguyên tắc cơ bản trong pháp luật dân sự
1. Khái niệm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
Dưới góc độ lý luận nhà nước và pháp luật: Nguyên tắc cơ bản được hiểu là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo then chốt (xuất phát điểm), thể hiện bản chất, nội dung, ý nghĩa, mục tiêu và nhiệm vụ của nhà nước, tạo cơ sở cho việc tổ chức và triển khai các hoạt động của bộ máy nhà nước[1]. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật được xem là những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, mang tính xuất phát điểm, định hướng, chịu sự quy định của những quy luật khách quan của xã hội, xuyên suốt nội dung, hình thức pháp luật, toàn bộ thực tiễn pháp luật, hoạt động xây dựng, áp dụng pháp luật.[2]
Dưới góc độ khoa học Luật Dân sự: Nguyên tắc của một ngành luật nói chung và nguyên tắc cơ bản của luật dân sự nói riêng là những khung pháp lý chung, những quy tắc chung được pháp luật ghi nhận có tác dụng định hướng và chỉ đạo toàn bộ các quy phạm pháp luật của ngành đó. Các nguyên tắc của một ngành luật không chỉ là những quy phạm khi điều tiết mà còn là phương châm chỉ đạo khi áp dụng pháp luật, đặc biệt là hoạt động áp dụng tương tự pháp luật. Việc định ra các nguyên tắc cơ bản của Luật Dân sự dựa trên cơ sở những nguyên tắc chung của pháp luật, căn cứ vào đối tượng và phương pháp điều chỉnh của luật dân sự.[3]
Như vậy, từ các quan điểm trên về nguyên tắc cơ bản nói chung và nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nói riêng có thể rút ra cách hiểu thống nhất về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là “những tư tưởng chủ đạo, khung pháp lý chung được pháp luật ghi nhận nhằm định hướng nội dung của toàn bộ các quy phạm pháp luật của ngành luật dân sự, đồng thời là phương châm chỉ đạo hoạt động áp dụng pháp luật dân sự đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể được tôn trọng, bảo vệ”.
2. Đặc điểm của nguyên tắc cơ bản trong pháp luật dân sự
Từ định nghĩa trên về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự cho thấy nguyên tắc cơ bản của ngành luật này có thể được nhận diện thông qua các dấu hiệu cơ bản sau:
Thứ nhất, nguyên tắc cơ bản là những tư tưởng chủ đạo, những khung pháp lý chung cho các vấn đề được quy phạm pháp luật của ngành luật đó điều chỉnh. Ví dụ: Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự các bên chủ thể sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ sự tự nguyện thể hiện ý chí hợp pháp của mình. Ví dụ cụ thể, trong chế định thừa kế, người để lại di sản thừa kế có quyền chỉ định người được quyền hưởng di sản, truất quyền hưởng di sản thừa kế của bất kỳ chủ thể nào mà họ muốn.
Thứ hai, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được hình thành từ việc kế thừa những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và các nguyên tắc chung của pháp luật nhằm đảm bảo việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Ví dụ: Nguyên tắc mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử.
Thứ ba, vai trò của nguyên tắc cơ bản trong pháp luật dân sự là định hướng nội dung của toàn bộ quy phạm pháp luật của ngành luật dân sự và chỉ đạo hoạt động áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình áp dụng pháp luật, thực hiện pháp luật dân sự vào hoạt động giải quyết các vụ việc dân sự. Có thể nói, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự có vai trò vô cùng quan trọng, là những quy phạm nền tảng, định hướng và xác lập một khung pháp lý điều chỉnh toàn bộ đời sống dân sự.
3. Quy định về nguyên tắc cơ bản tại Bộ Luật Dân sự năm 2015
Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về nguyên tắc cơ bản trong Chương II gồm 09 điều luật, từ Điều 4 đến Điều 12 và Điều 13 quy định căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự, nguyên tắc cơ bản này được áp dụng cho tất cả các chế định trong bộ luật. Bên cạnh đó, tuỳ vào các quan hệ pháp luật dân sự có tính chất đặc thù, mỗi chế định BLDS năm 2005 lại quy định nguyên tắc đặc trưng riêng thể hiện những quy định chung hoặc ghi nhận thành một nguyên tắc, ví dụ như nguyên tắc giao kết hợp đồng (Điều 389); Nguyên tắc bồi thường thiệt hại (Điều 605)…. Những nguyên tắc này chỉ được áp dụng cho chế định cụ thể đó mà không áp dụng cho các chế định khác. Trải qua hơn 10 năm thi hành, các nhà khoa học pháp lý nhận thấy có nhiều nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2005 được quy định nhưng không thực sự phát huy hiệu quả, ví dụ như: Nguyên tắc tại điều 6,8, BLDS năm 2005 gần như không được áp dụng. Bên cạnh đó nhiều nguyên tắc mang tính lặp lại từ những nguyên tắc cơ bản được áp dụng chung. Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động áp dụng pháp luật trên thực tế, BLDS năm 2015 đã quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự chỉ trong Điều 3 của văn bản này. Điều 3, BDLS năm 2015 quy định các nguyên tắc cụ thể sau:
Một là, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản: So với Điều 5 BLDS năm 2005 thì khoản 1 Điều 3 trên đây bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, đầy đủ về nội dung của yếu tố bình đẳng trong quan hệ dân sự. Quy định tại khoản 1 Điều 3 đã cụ thể hóa các quy định Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, gồm: Quyền tự do, bình đẳng về nhân thân và tài sản của cá nhân và một cơ chế bảo hộ như nhau không có sự phân biệt đối xử. Nghĩa là, đã là chủ thể trong các quan hệ dân sự đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc giải quyết các tranh chấp (nếu có), không có bất kỳ sự phân biệt nào trong các quan hệ dân sự nhân thân và tài sản.
Nguyên tắc “bình đẳng” đã được ghi nhận trong Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước ta cùng nhiều đạo luật khác; rộng hơn là các chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật. Trong quan hệ dân sự, bản chất là bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xác lập, thực hiện quan hệ dân sự. Bình đẳng và không phân biệt đối xử có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm công bằng xã hội, hạn chế đặc quyền, đặc lợi hoặc cạnh tranh không lành mạnh khi lợi dụng sự yếu thế về kinh tế. Quan hệ dân sự không bảo đảm yếu tố bình đẳng có thể bị coi là vô hiệu. Nguyên tắc bình đẳng giúp định hướng nội dung các quy phạm khi điều chỉnh các quan hệ pháp luật mang tính đặc thù như trong quan hệ thừa kế: Mọi cá nhân dù là con trai hai con gái của người để lại di sản thừa kế đều là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người này và được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau (xem điều 651, BDLS năm 2015).
Hai là, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Nguyên tắc tôn trọng sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là tiêu chí quan trọng để xác định các quan hệ xã hội do pháp luật dân sự điều chỉnh. Nguyên tắc này đảm bảo cho các bên đương sự được xác lập quan hệ dân sự hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép. Quy định này cũng định hướng các quy định khác về điều kiện phát sinh hiệu lực của giao dịch dân sự tại điều 116, BDLS năm 2015 và điều kiện để di chúc hợp pháp (điều 630, BDLS năm 2015). Vì lẽ đó, những quan hệ được xác lập thông qua các giao dịch dân sự không dựa trên sự tự nguyện sẽ không được bảo đảm phát sinh hiệu lực. Nguyên tắc tôn trọng ý chí của các bên chủ thể được xem là dấu hiệu đặc trưng nhằm phân biệt quan hệ xã hội do Luật Dân sự điều chỉnh với các quan hệ pháp luật hình sự và các quan hệ pháp luật hành chính. Bởi Luật Hình sự chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh giữa người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ Luật Hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Để điều chỉnh quan hệ này, pháp luật hình sự sử dụng nguyên tắc mệnh lệnh, quyền uy mà không phải tự do, tự nguyện thoả thuận. Trong một vụ án hình sự ví dụ như vụ án về nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, pháp luật dân sự cho phép các đương sự được tự do thoả thuận phương thức bồi thường, mức bồi thường, thậm chí người được bồi thường còn có thể miễn việc thực hiện trách nhiệm dân sự cho người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng người bị thiệt hại hay người thân người bị thiệt hại không thể nào loại trừ trách nhiệm hình sự cho người thực hiện hành vi phạm tội. Thực tế, ý chí của người bị thiệt hại chỉ có ý nghĩa là tình tiết giảm nhẹ cho người thực hiện hành vi phạm tội tại vụ án hình sự.
Ba là, cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
Thiện chí, trung thực là không gian dối và luôn có ý thức thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với các bên chủ thể khác. Trong các quan hệ pháp luật dân sự các bên chủ thể không thể chỉ chú ý đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà còn phải tôn trọng lợi ích của chủ thể khác, lợi ích của nhà nước, lợi ích công đồng. Trong quá trình xác lập, thực hiện quan hệ dân sự, các bên không được lừa dối, cung cấp thông tin không chính xác, trì trệ việc thực hiện nghĩa vụ mà phải giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khác được thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào. Việc các bên chủ thể xác lập giao dịch mà lừa dối chủ thể khác thì giao dịch đó có thể vô hiệu. Nguyên tắc này đảm bảo cho các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự có thể tiếp cận được với những nguồn thông tin chân thực để xác lập, thực hiện, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người có hành vi không trung thực khi xác lập, thực hiện, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự có thể phải chịu trách nhiệm dân sự.
Bốn là, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nguyên tắc quan trọng này thể hiện giới hạn quyền hành xử của các cá nhân, pháp nhân khi xác lập, thực hiện quan hệ dân sự. Pháp luật dân sự tôn trọng quyền tự định đoạt theo tự do ý chí của chủ thể nhưng không phải là không bị bất kỳ một hạn chế nào. Để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của dân tộc, lợi ích cộng đồng và lợi ích hợp pháp của người khác, khoản 4 Điều 3 BLDS năm 2015 đã quy định rõ giới hạn “không được xâm phạm”. Nghĩa là, trong quan hệ dân sự (bao gồm cả việc xác lập, thực hiện) vì lợi ích của một chủ thể mà làm ảnh hưởng hoặc xâm phạm đến “lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” thì quan hệ dân sự đó không được pháp luật dân sự công nhận, bảo hộ. Như vậy, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ dân sự không phải luôn được thực hiện tùy nghi theo ý chí và mong muốn của chủ thể. Quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ dân sự phải chú ý giới hạn cấm không được xâm phạm và thực hiện theo sự hướng dẫn của quy phạm pháp luật dân sự thể hiện tại các điều luật tương ứng. Do các quan hệ dân sự phong phú, đa dạng nên pháp luật dân sự cho phép các chủ thể trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ dân sự có thể cam kết, thỏa thuận những nội dung mà BLDS không có quy định nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của BLDS; không làm thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Năm là, cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự. Có thể thấy, BLDS là bộ “Luật tư” gắn liền với trách nhiệm của các chủ thể (chủ yếu là trách nhiệm tài sản), nên nguyên tắc đặc trưng là chủ thể trong quan hệ dân sự phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự do chính chủ thể đã xác lập. Trong pháp luật dân sự thì trách nhiệm tài sản là trách nhiệm của chủ thể này trước chủ thể khác khi có hành vi vi phạm nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc khắc phục những hậu quả xấu do hành vi vi phạm gây ra. Đặc trưng của trách nhiệm pháp lý trong luật dân sự tuy cũng là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước nhưng bản chất pháp lý hoàn toàn khác và chỉ mang tính chất tài sản. Tự chịu trách nhiệm dân sự có thể được quy định trong pháp luật dân sự nhưng cũng có thể do các chủ thể thỏa thuận trong quá trình cam kết, thỏa thuận xác lập giao dịch dân sự (chủ yếu là đối với các quan hệ về hợp đồng). Tự chịu trách nhiệm dân sự là cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm cho mọi quan hệ dân sự đã được các chủ thể xác lập luôn luôn được thực hiện nghiêm minh trong một hành lang pháp lý an toàn. Khi có một bên trong giao dịch dân sự không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các điều khoản mà chủ thể đó đã tự nguyện cam kết, thỏa thuận, thì họ phải tự chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền bị vi phạm. Khi một chủ thể có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến các quyền tuyệt đối của một chủ thể khác thì chủ thể có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần do hành vi gây thiệt hại trái pháp luật của mình gây ra. Trong các quan hệ dân sự mỗi chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự cụ thể phải chịu trách nhiệm về các hành vi và hậu quả của hành vi đó. Nếu bên vi phạm không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện. Trong quan hệ dân sự thì trách nhiệm dân sự thường là trách nhiệm tài sản. Trách nhiệm tài sản là trách nhiệm của chủ thể này trước chủ thể khác khi có hành vi vi phạm nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc khắc phục những hậu quả xấu do hành vi vi phạm gây ra. Tuy cũng là biện pháp cưỡng chế của nhà nước nhưng bản chất pháp lý hoàn toàn khác bởi nguyên tắc là chủ thể phải tự chịu trách nhiệm về cam kết, thỏa thuận xác lập quan hệ dân sự (vẫn đảm bảo sự tự do ý chí). Do các quan hệ dân sự phong phú, đa dạng nên pháp luật dân sự cho phép các chủ thể trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ dân sự có quyền chuyển giao quyền và nghĩa vụ đó cho chủ thể khác. Khi đó, trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự tùy thuộc vào nội dung cam kết, thỏa thuận giữa các chủ thể. Việc để chủ thể khác phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phụ thuộc vào nội dung ủy quyền theo các quy định về đại diện (từ Điều 134 đến Điều 143 BLDS năm 2015); hoặc các quy định về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ theo quy định tại phần nghĩa vụ và hợp đồng (từ Điều 365 đến Điều 371 BLDS năm 2015).
[1] Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB. CAND, 2010, tr 46.
[2] Xem: Hoài Bắc, “ Tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự năm 2015 – Cách tiếp cận nghiên cứu, học tập và áp dụng pháp luật dân sự đúng đắn”.
[3] Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1, NXB.CAND, 2019, tr. 56.