Chuyển giới xong có được làm lại giấy tờ cá nhân không? Trình tự, thủ tục thay đổi?

chuyen-gioi-xong-co-duoc-lam-lai-giay-to-ca-nhan-khong-trinh-tu-thu-tuc-thay-doi

Mưu cầu hạnh phúc là quyền lợi chính đáng được ghi nhận trong Hiến pháp, quyền sống với giới tính thật của chính mình là một nội dung của quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền cơ bản của mỗi con người. Chỉ khi được sống với giới tính thật của mình, mọi người mới có thể tự do yêu thương, học tập và làm việc như những người khác.

Để đáp ứng yêu cầu xã hội, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thông qua nội dung chuyển đổi giới tính, được xem là một bước tiến rất lớn trong việc công nhận, bảo vệ quyền lợi cho những người chuyển đổi giới tính bởi họ sẽ có tư cách cá nhân mới, được xác định lại tên họ, thụ hưởng các quyền nhân thân giống như các công dân bình thường khác. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về vấn đề chuyển đổi giới tính xong có được làm lại giấy tờ cá nhân không, trình tự thủ tục thay đổi như thế nào.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Luật hộ tịch năm 2014;

1. Chuyển đổi giới tính là gì?

– Chuyển đổi giới tính là quyền nhân thân của cá nhân được ghi nhận tại Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

– Người chuyển đổi giới tính có hai dạng chuyển giới là: người chuyển đổi giới tính nam sang nữ và người chuyển đổi giới tính nữ sang nam. Ở góc độ xu hướng tính dục, có thể phân chia thành:

+ Người chuyển đổi giới tính đồng tính (ví dụ: người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và chỉ yêu nữ giới).

+ Người chuyển đổi giới tính song tính (ví dụ: người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và có thể yêu cả nam giới và nữ giới).

+ Người chuyển đổi giới tính dị tính (ví dụ: người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam và chỉ yêu nữ giới).

– Chuyển đổi giới tính đặt ra với nhóm người có giới tính sinh học hoàn toàn bình thường, tức là họ có bộ nhiễm sắc thể giới tính, cấu tạo bên trong cơ thể và tính trạng biểu hiện giới tính là thống nhất. Tuy nhiên, về mặt tâm lý họ lại không đồng ý với giới tính sinh học của mình, tức là nếu có giới tính sinh học là nam thì họ luôn muốn trở thành nữ giới, luôn muốn xã hội công nhận mình là nữ giới và khát khao chuyển đổi giới tính sinh học trong họ rất mãnh liệt. Chính vì vậy, để xác định một người có phải chuyển giới hay không phụ thuộc vào giới tính sinh học, giới tính xã hội.

– Chuyển đổi giới tính có một số đặc điểm sau:

+ Thứ nhất, chuyển đổi giới tính là một quá trình tương đối phức tạp bởi vì để chuyển đổi giới tính thành công thì cần tiến hành rất nhiều những công đoạn, thủ tục về y học và pháp lý.

Chuyển đổi thủ tục pháp lý có liên quan việc chuyển đổi giới tính là sự “thừa nhận” của Nhà nước, sự cho phép chủ thể được mang một tư cách mới sau khi đã trải qua các thủ tục y khoa mang tính bắt buộc để xác định một người có phải là người chuyển đổi giới tính hay không. Thủ tục pháp lý là khâu cuối cùng của quá trình chuyển đổi giới tính và có vai trò rất quan trọng.

+ Thứ hai, chuyển đổi giới tính chỉ có thể được tiến hành trên cơ sở sự thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Vì chuyển đổi giới tính là một quá trình nên nếu như không được pháp luật thừa nhận thì chuyển đổi giới tính không thể tiến hành được. BLDS năm 2015 ra đời đã ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân, đồng thời cũng cho phép cá nhân thay đổi giấy tờ hộ tịch phù hợp với tư cách cá nhân mới. Đây chính là sự thừa nhận của pháp luật Việt Nam đối với vấn đề chuyển đổi giới tính hiện nay.

2. Chuyển đổi giới tính xong có được làm lại giấy tờ cá nhân không?

Vấn đề chuyển đổi giới tính được ghi nhận trong BLDS năm 2015 như sau:

Điều 37. Chuyển đổi giới tính

“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Bộ luật Dân sự năm 2015 là văn bản pháp lý đầu tiên ghi nhận chính thức việc chuyển đổi giới tính của cá nhân. Với sự ghi nhận này, cơ hội để sống thật với tâm tư, nguyện vọng của những người chuyển đổi giới tính được mở ra. Việc chuyển đổi giới tính là một quá trình phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến chính bản thân của người chuyển đổi giới tính và gây ra những hệ lụy xã hội phức tạp. Do đó, việc chuyển đổi giới tính phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, với những điều kiện, thủ tục chặt chẽ.

Đặc biệt, BLDS năm 2015 đã thừa nhận cho cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Việc đăng ký hộ tịch của những cá nhân này vừa được coi là quyền và vừa là nghĩa vụ. Bởi lẽ, việc đăng ký hộ tịch của những cá nhân chuyển giới là mong mỏi, điều kiện để họ giải quyết các vướng mắc pháp lý trong cuộc sống khi họ chưa được ghi nhận quyền này. Đồng thời, đây cũng là nghĩa vụ phải đăng ký thay đổi hộ tịch để cơ quan nhà nước dễ dàng quản lý.

Thay đổi hộ tịch là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin, hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự… (khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014). Với ghi nhận này, những cá nhân đã tiến hành chuyển đổi giới tính trước ngày 01/01/2017 (ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực pháp luật) được quyền chuyển đổi giới tính trên các giấy tờ như: Chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,…

Đồng thời với việc chuyển đổi giới tính trên các giấy tờ tùy thân, người chuyển đổi giới tính thường còn có nhu cầu thay đổi họ tên. Bởi tên của mỗi cá nhân thường được đặt phù hợp với giới tính của mỗi người khi được sinh ra.

Việc ghi nhận cho cá nhân chuyển đổi giới tính được đăng ký thay đổi hộ tịch là một điểm tiến bộ, giải quyết được nhiều bất cập đang tồn tại trong thời gian qua góp phần tháo gỡ các vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự,… liên quan đến nhóm người này.

Như vậy, một cá nhân sau khi chuyển giới xong phải làm lại các loại giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,… Luật hộ tịch năm 2014 cần có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc đăng ký hộ tịch của người chuyển đổi giới tính cho tương thích với quy định trong BLDS năm 2015.

3. Trình tự, thủ tục thay đổi hộ tịch sau khi chuyển đổi giới tính

3.1. Quyền thay đổi tên của người chuyển đổi giới tính

Theo điểm e khoản 1 Điều 28 BLDS năm 2015, quyền thay đổi tên, cá nhân có quyền “Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính.”

Các cá nhân thực hiện thay đổi tên theo trình tự thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:

– Tờ khai (theo mẫu);

– Giấy tờ liên quan (Giấy chứng nhận kết hôn của bố mẹ, Sổ hộ khẩu gia đình, CMND hoặc thẻ căn cước công dân…);

– Giấy khai sinh bản chính của người được thay đổi;

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Uỷ Ban Nhân Dân

Người yêu cầu thay đổi họ tên nộp Tờ khai cải chính hộ tịch, Giấy khai sinh bản chính và các giấy tờ liên quan theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Trong thời hạn 03 ngày cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tính hợp lệ của các giấy tờ trên.

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

3.2. Thủ tục đăng ký thay đổi hộ tịch đối với người sau khi chuyển đổi giói tính 

Luật hộ tịch năm 2014 chưa có quy định về đăng ký hộ tịch liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính do việc chuyển đổi giới tính mới được ghi nhận từ BLDS năm 2015. Bên cạnh đó, Luật chuyển đổi giới tính mới đang trong tình trạng dự thảo, chưa có hiệu lực thi hành. Do đó, việc đăng ký thay đổi hộ tịch sau khi chuyển đổi giới tính có thể được thực hiện theo thủ tục về cải chính hộ tịch quy định trong Luật hộ tịch năm 2014 trước khi Luật chuyển đổi giới tính có hiệu lực để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân chuyển đổi giới tính.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Hồ sơ yêu cầu thay đổi họ, tên gồm:

– Tờ khai (theo mẫu quy định);

– Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch (Bản chính);

– Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.

Bước 3: Cơ quan đăng ký hộ tịch thụ lý hồ sơ cải chính hộ tịch

– Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch; cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.

– Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

– Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi giới tính. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon