Trong hệ thống pháp luật thừa kế Việt Nam, quy định về truất quyền hưởng di sản là một trong những vấn đề pháp lý phức tạp và gây nhiều tranh cãi do những cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất. Các vướng mắc thường gặp khi thực thi các quy định này bao gồm từ cách thể hiện cụ thể nội dung truất quyền trong di chúc đến những hệ quả pháp lý mà luật pháp chưa quy định rõ ràng. Hãy cùng Luật Dương Gia phân tích và làm rõ những vướng mắc trong việc áp dụng quy định truất quyền hưởng di sản trong hoạt động công chứng.
1. Không thống nhất trong cách thể hiện việc truất quyền hưởng di sản trong di chúc
Theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế có thể được xác định theo pháp luật hoặc di chúc. Thừa kế theo pháp luật gồm ba hàng thừa kế dựa trên mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng, và mỗi hàng thừa kế sau chỉ có quyền hưởng di sản khi không còn ai ở hàng trước do đã chết, bị truất quyền hoặc từ chối nhận di sản. Theo đó, những người thừa kế theo pháp luật hoàn toàn có thể không được công nhận là người thừa kế nếu người lập di chúc không chỉ định họ. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu những người này có được coi là bị truất quyền hưởng di sản hay không?
Ví dụ, ông B sở hữu mảnh đất 2.000 m² tại tỉnh X, và có 5 người con. Ông lập di chúc để lại tài sản cho hai người bạn là ông D và ông E, đồng thời mong muốn truất quyền thừa kế của các con. Khi ông B yêu cầu công chứng viên lập di chúc theo ý nguyện của mình, có hai cách xử lý khác nhau:
- Cách thứ nhất: Công chứng viên ghi rõ nội dung truất quyền trong di chúc, nêu cụ thể “truất quyền hưởng di sản của 5 người con.” Điều này đảm bảo rõ ràng và cụ thể ý nguyện của ông B, rằng các con của ông không được hưởng di sản.
- Cách thứ hai: Công chứng viên cho rằng không cần ghi rõ truất quyền, vì việc không chỉ định các con là người thừa kế đã gián tiếp thể hiện ý định truất quyền. Theo cách hiểu này, việc không liệt kê các con trong di chúc là đủ để xác định rằng họ không có quyền hưởng di sản.
Trên thực tế, các công chứng viên có cách làm khác nhau do khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 có đưa ra quy định truất quyền hưởng di sản là quyền của người lập di chúc, nhưng không đưa ra quy định cụ thể thế nào là truất quyền hưởng di sản. Việc truất quyền hưởng di sản phải được thể hiện như thế nào trong di chúc?
Việc truất quyền hưởng di sản phải được người lập di chúc thể hiện rõ ràng, cụ thể trong nội dung của di chúc. Không thể coi việc người lập di chúc không chỉ định người thừa kế theo pháp luật là người thừa kế trong di chúc thì có nghĩa là đã truất quyền hưởng di sản thừa kế của người đó. Bởi, việc chỉ định người thừa kế là quyền của người lập di chúc. Khi chỉ định người thừa kế, người lập di chúc có thể chỉ định bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào mà không bắt buộc phải lựa chọn trong số những người thừa kế theo pháp luật.
Quy định này là tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, việc xác định người thừa kế theo pháp luật là chỉ được áp dụng đối với trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp, di chúc không có hiệu lực pháp luật… Do vậy, nếu di chúc rơi vào một trong những trường hợp này, người thừa kế theo pháp luật sẽ được xác định là người được hưởng di sản thừa kế.
Vì thế, nếu xác định việc không chỉ định người thừa kế theo pháp luật là người thừa kế thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế là không phù hợp với quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Người thừa kế không được hưởng di sản có phải là trường hợp bị truất quyền hưởng thừa kế?
Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp không có quyền hưởng di sản, bao gồm những người đã phạm tội với người để lại di sản hoặc vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ với người đó. Tuy nhiên, nếu người lập di chúc biết về các hành vi này nhưng vẫn chỉ định người thừa kế trong di chúc, thì người đó vẫn có quyền hưởng di sản. Điều này tạo ra sự mâu thuẫn khi xét xem người không được hưởng di sản có phải là trường hợp bị truất quyền hay không.
Quan điểm thứ nhất cho rằng người không được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật cũng thuộc diện bị truất quyền, vì truất quyền là việc pháp luật hoặc người lập di chúc tước đi quyền hưởng di sản của người thừa kế.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng truất quyền là quyền của người lập di chúc, và các trường hợp không được hưởng di sản theo quy định của pháp luật không thuộc diện bị truất quyền. Theo đó chỉ khi người lập di chúc quyết định không để lại di sản cho ai đó và ghi rõ điều này vào di chúc thì mới gọi là truất quyền.
Có sự không thống nhất khi xác định người không được quyền hưởng di sản thừa kế, nguyên nhân là do quy định của pháp luật chưa rõ ràng về khái niệm truất quyền hưởng di sản. Đối chiếu với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về hai vấn đề này, nhóm tác giả cho rằng, việc người lập di chúc truất quyền hưởng di sản của một người và pháp luật không cho phép một người được hưởng di sản có điểm chung đó là đều có một hậu quả pháp lý là không có quyền được hưởng di sản thừa kế mà người chết để lại. Điểm khác nhau cơ bản của hai trường hợp này là: Truất quyền hưởng di sản thì sẽ do người lập di chúc quyết định. Còn người không được quyền hưởng di sản do pháp luật quy định.
Do vậy, nếu hiểu truất quyền hưởng di sản theo nghĩa hẹp, đó là quyền chỉ thuộc về người lập di chúc thì trường hợp người không được quyền hưởng di sản thừa kế được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 không phải là trường hợp truất quyền hưởng di sản thừa kế. Còn nếu hiểu truất quyền hưởng di sản theo nghĩa rộng, đó là: Truất quyền hưởng di sản là trường hợp người lập di chúc hoặc pháp luật tước đi quyền hưởng di sản của người thừa kế thì trường hợp người không được quyền hưởng di sản thừa kế được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 là trường hợp truất quyền hưởng di sản.
3. Pháp luật không quy định rõ ràng về hậu quả pháp lý của truất quyền hưởng di sản
Một là, người bị truất quyền hưởng di sản là cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, vậy hiểu thế nào là “không cho hưởng di sản”? Người lập di chúc không cho một người nào đó hưởng di sản được hiểu là người lập di chúc không chỉ định người đó là người thừa kế. Như vậy, những người là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động không được người lập di chúc chỉ định là người thừa kế chính là việc người lập di chúc không cho họ được hưởng di sản.
Vậy, việc người lập di chúc ghi nhận rõ việc truất quyền hưởng di sản của những người là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động có được coi là trường hợp “không cho hưởng di sản”?. Liên quan đến vấn đề này, trong hoạt động công chứng hiện nay có hai quan điểm xử lý khác nhau.
Quan điểm xử lý thứ nhất cho rằng: Quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ áp dụng cho trường hợp mà người lập di chúc không chỉ định và không truất quyền hưởng di sản của những chủ thể là cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động. Do vậy, nếu người lập di chúc đã truất quyền thừa kế của những người này, thì những người này không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 644, nên sẽ không được xác định là người thừa kế. Những công chứng viên theo quan điểm này, khi giải quyết những việc thừa kế có con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động mà người lập di chúc truất quyền hưởng di sản thì các công chứng viên xác định những người bị truất quyền sẽ không được hưởng thừa kế.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Những người là cha, mẹ, vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động của người lập di chúc dù bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản, thì họ vẫn được hưởng di sản với tư cách là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644. Khi giải quyết việc công chứng về thừa kế, các công chứng viên theo quan điểm này vẫn xác định con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động trong trường hợp người lập di chúc truất quyền hưởng di sản thừa kế trong di chúc thì họ vẫn là người thừa kế và được hưởng phần di sản với phần được hưởng bằng 2/3 một suất mà theo quy định pháp luật họ được hưởng.
Hai cách hiểu khác nhau dẫn đến hai cách xử lý khác nhau trong thực tế, và mỗi cách đều có những điểm chưa hợp lý. Nếu hiểu theo cách thứ nhất, ý chí của người lập di chúc được đảm bảo, nhưng lại mâu thuẫn với Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, vì điều này quy định rằng những người thuộc diện cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động sẽ hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc. Cách thứ hai bảo đảm quy định của Điều 644, nhưng lại không tôn trọng ý chí người lập di chúc. Sự mâu thuẫn này gây khó khăn cho công chứng viên khi xử lý các giao dịch thừa kế và xuất phát từ việc pháp luật chưa làm rõ điều kiện và hậu quả pháp lý của truất quyền hưởng di sản.
4. Di chúc không có hiệu lực do người được chỉ định thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm
Di chúc không có hiệu lực do người được chỉ định thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người thừa kế mà nội dung của di chúc có việc truất quyền được hưởng di sản. Quay trở lại ví dụ tại phần thứ nhất, với giả định cả hai người được chỉ định thừa kế là ông D và ông chết trước ông B. Trong trường hợp này, di chúc sẽ áp dụng điểm a khoản 2 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc không có hiệu lực khi “người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc”.
Trong trường hợp này, di chúc không còn người thừa kế. Vì vậy, di chúc không có hiệu lực. Vậy di chúc không có hiệu lực có đồng nghĩa với việc nội dung 05 người con của ông B bị truất quyền hưởng di sản thừa kế cũng không có hiệu lực hay không? Hiện nay, liên quan đến tình huống này, quan điểm của các công chứng viên khi thực hiện chứng nhận các giao dịch về thừa kế cũng có quan điểm khác nhau không thống nhất.
Quan điểm nhứ nhất cho rằng: Di chúc không có hiệu lực thì nội dung về truất quyền hưởng di sản cũng không có hiệu lực. Và như vậy, khi chia di sản của ông B theo pháp luật thì 05 người con của ông B sẽ là người thừa kế theo pháp luật của ông B.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Di chúc chỉ không có hiệu lực đối với phần chia di sản và phần chỉ định người thừa kế, còn nội dung về truất quyền hưởng di sản vẫn có hiệu lực pháp luật. Do đó, những công chứng viên theo quan điểm này cho rằng, 05 người con của ông B vẫn không được công nhận là người thừa kế do đã bị ông B truất quyền.
Như vậy, hai cách hiểu và vận dụng quy định của pháp luật về truất quyền đã cho ra hai hướng xử lý hoàn toàn khác nhau, xung đột trong cách xử lý này là do pháp luật dân sự hiện hành chưa đưa ra quy định cụ thể về điều kiện của việc truất quyền có hiệu lực.
Những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về truất quyền hưởng di sản thừa kế chủ yếu xuất phát từ việc pháp luật chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung này. Sự thiếu rõ ràng này dẫn đến các cách hiểu và vận dụng khác nhau, gây khó khăn cho công chứng viên và các bên liên quan trong quá trình thực hiện và giải quyết các tranh chấp thừa kế. Vì vậy, việc bổ sung các hướng dẫn cụ thể và sửa đổi pháp luật là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các bên cũng như tránh tình trạng áp dụng pháp luật thiếu đồng nhất.
Trên đây là bài viết tìm hiểu về một số vướng mắc khi áp dụng quy định truất quyền hưởng di sản trong công chứng. Cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ Luật sư của Luật Dương Gia.
Trong trường hợp cần tư vấn thêm, vui lòng liên hệ Luật Dương Gia qua số hotline 19006568 để được hỗ trợ.