Quyền xác định lại giới tính là một trong những quyền nhân thân quan trọng của cá nhân. Bộ luật dân sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận quyền xác định lại giới tính của cá nhân, thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam, qua đó giúp cho những người chuyển giới, người có giới tính thực tế khác với giới tính sinh học bẩm sinh hoặc giới tính chưa được định hình chính xác có được sự bảo vệ của pháp luật, được sống đúng với giới tính của mình. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích quyền xác định lại giới tính của cá nhân, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BYT năm 2019 quy định về xác định lại giới tính;
1. Khái niệm giới tính và xác định lại giới tính
– Giới tính của con người là tổng hợp những đặc điểm, dấu hiệu riêng biệt tạo ra sự khác biệt giữa nam và nữ. Sự khác biệt chủ yếu giữa nam và nữ là về các đặc điểm giải phẫu sinh lý, từ đó dẫn đến sự khác biệt rõ rệt về tâm lý. Giới tính có nguồn gốc từ tự nhiên và xã hội, mỗi cá nhân đều là những chủ thể chủ động trong quá trình hình thành những đặc điểm, dấu hiệu về giới tính của mình.
– Xác định lại giới tính được hiểu là những thủ tục dùng để điều chỉnh lại giới tính của một người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Nói một cách cụ thể hơn đó là một người có biểu hiện bên ngoài không hoàn toàn phù hợp với cặp nhiễm sắc thể giới tính do đó họ phải trải qua một số xét nghiệm, giám định để biết chắc rằng mình là nam hay nữ từ đó có sự can thiệp của y học để tìm lại đúng giới tính.
Các hoạt động y khoa để xác định lại giới tính cũng sẽ được gọi chung là “can thiệp y tế”. Như vậy, có thể thấy việc xác định lại giới tính là trả lại giới tính thực cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác được pháp luật bảo vệ chặt chẽ.
Quyền xác định lại giới tính là một quyền nhân thân có điều kiện do pháp luật quy định. Một người chỉ có thể được xác định lại giới tính theo quy định hiện hành khi thuộc một trong hai trường hợp đó là: người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác còn các đối tượng khác thì không được pháp luật cho phép.
Hậu quả pháp lý của việc xác định lại giới tính: Người xác định lại giới tính được pháp luật thừa nhận và bảo vệ trong các quy định của pháp luật. Do đó, một người xác định lại giới tính sau khi họ thực hiện can thiệp y tế thì họ được làm các thủ tục cải chính, có quyền đăng ký hộ tịch, được đổi tên, giới tính trong các giấy tùy thân như chứng minh thư, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu… và theo đó thì họ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới với một cái tên mới, một hình hài mới, một giới tính mới.
Thuật ngữ “giới tính” trong tiếng Anh là “Gender”.
Khuynh hướng giới tính: sexual orientation
Bản năng giới tínhL sexuality
Sự thành kiến về giới tính: sexism
Sự phân biệt đối xử do giới tính: sexism
2. Ý nghĩa của quyền xác định lại giới tính
– Thứ nhất, việc ghi nhận quyền xác định lại giới tính chứng tỏ nhà nước ngày càng quan tâm đến quyền lợi, sức khỏe của nhân dân, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào nhà nước, đánh dấu sự đi lên của trình độ lập pháp, điều chỉnh kịp thời đối với những quan hệ mới phát sinh trong đời sống xã hội. Các quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quyền xác định lại giới tính cho người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.
– Thứ hai, việc quy định quyền xác định lại giới tính thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và mang đậm dấu ấn của bản sắc dân tộc, đạo đức con người đồng thời thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, bảo vệ quyền tự do của mỗi cá nhân.
– Thứ ba, việc quy định quyền xác định lại giới tính trong BLDS 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quyền này được thực hiện trên thực tế. Đây được coi là chỗ dựa về mặt luật pháp và có tính quyết định đến việc cho phép những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác tìm lại và được sống đúng với giới tính của mình.
– Thứ tư, đối với người bệnh, việc thừa nhận quyền xác định lại giới tính đã mở ra cơ hội cho những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác tìm lại chính mình, hòa nhập với xã hội, tạo cho họ niềm tin vào cuộc sống. Quy định này cũng đã hạn chế những tiêu cực dẫn đến hậu quả đáng tiếc như sống buông thả, bất cần, trở thành tội phạm, thậm chí có trường hợp là tự tử để giải thoát mình đối với những người không tìm lại được tinh thần của mình.
– Thứ năm, việc ghi nhận quyền xác định lại giới tính cũng có ý nghĩa lớn lao trong việc tuyên truyền, khuyến khích lòng nhân ái của con người trong việc chia sẻ, đồng cảm với những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, giúp họ hòa nhập với cộng đồng xã hội. Việc này cũng góp phần vào giáo dục cho thanh, thiếu niên trong thời đại mới sống tốt hơn, có lý tưởng hơn để trở thành những người có ích cho xã hội. Và hơn hết là tạo một tâm lý ổn định, tin tưởng vào chế độ của chúng ta, tin tưởng vào con đường của Đảng và Nhà nước đã chọn là đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, một đất nước Việt Nam trong tương lai giàu mạnh, tiến bộ, dân chủ và văn minh.
3. Nguyên tắc xác định lại giới tính
Điều 3 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BYT năm 2019 quy định về nguyên tắc xác định lại giới tính như sau:
Điều 3. Nguyên tắc xác định lại giới tính
1. Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.
2. Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính.
3. Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.
– Bảo đảm mỗi người được sống đúng với giới tính của mình.
Mục tiêu cao nhất của Điều 36 BLDS 2015 và Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BYT về xác định lại giới tính là nhằm “bảo đảm quyền được sống theo đúng giới tính của mình” đối với mỗi người, đem đến cơ hội, tạo nên hạnh phúc cho những người vốn bị xem là bất hạnh – do có khiếm khuyết về giới tính.
Theo quy định những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, người giới tính chưa được định hình chính xác được quyền xác định lại giới tính của mình bằng cách nhờ sự can thiệp của y khoa – phẫu thuật, sử dụng hormone, điều trị nội tiết sau phẫu thuật…
– Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính.
Sự khuyết tật về giới tính cũng như nhu cầu được xác định lại giới tính là vấn đề mang tính cá nhân, thể hiện quyền nhân của mỗi người. Vì vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc xác định lại giới tính nhất thiết phải được tiến hành dựa trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực và khoa học.
Không một cá nhân, tổ chức nào có quyền bắt buộc người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác phải tiến hành xác định lại giới tính bằng cách can thiệp y tế, nếu không phải do tự thân, ý chí của người đó quyết định, họ mong muốn được trở về đúng với giới tính, đúng với con người thực.
– Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.
Quyền xác định lại giới tính là một vấn đề mang tính cá nhân, tương đối nhạy cảm nên “bí mật về các thông tin” liên quan đến người được xác định lại giới tính sẽ được pháp luật bảo vệ, trừ những trường hợp đặc biệt, bất khả kháng do pháp luật quy định.
Do đó, các cơ quan chức năng có liên quan phải tuyệt đối giữ bí mật các thông tin liên quan đến họ; trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định như:
Trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành yêu cầu những người đã được xác định lại giới tính cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính của họ. Bất kỳ hành vi tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác hoặc phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật.
4. Trình tự, thủ tục xác định lại giới tính, thủ tục làm lại giấy tờ cá nhân cho người chuyển giới
Bước 1: Nộp hồ sơ: Người yêu cầu đăng ký việc xác định lại giới tính trực tiếp nộp hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến UBND huyện mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây.
Hồ sơ xác định lại giới tính gồm có:
– Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính trong Giấy khai sinh (theo mẫu);
– Bản chính Giấy khai sinh của người cần xác định lại giới tính;
– Giấy chứng nhận y tế do Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính theo quy định;
– Trường hợp ủy quyền cho người khác làm thay phải có văn bản ủy quyền được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xác định lại giới tính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc xác định lại giới tính. Chủ tịch UBND cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định về việc xác định lại giới tính. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự.
Nội dung và căn cứ xác định lại giới tính phải được ghi chú vào cột ghi chú hoặc cột ghi những thay đổi sau này của Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.
Sau khi việc xác định lại giới tính đã được ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, thì nội dung ghi về giới tính trong bản sao Giấy khai sinh từ Sổ đăng ký khai sinh sẽ ghi theo giới tính đã được xác định lại.
Bước 3: Trả kết quả đính chính, xác định giới tính cho người yêu cầu.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về quyền xác định lại giới tính của cá nhân. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.