Cấp dưỡng là gì? Các trường hợp cấp dưỡng?

cap-duong-la-gi-cac-truong-hop-cap-duong

Cấp dưỡng là một thuật ngữ pháp lý thể hiện mối quan hệ ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa những người không sống chung với nhau nhưng đang có hoặc đã có quan hệ gia đình trong việc bảo đảm cuộc sống cho những người chưa thành niên, người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản hoặc tuy có nhưng không đủ để bảo đảm cuộc sống của mình. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về khái niệm cấp dưỡng, các trường hợp cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

1. Cấp dưỡng là gì?

1.1. Định nghĩa

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định.

1.2. Đặc điểm của quan hệ cấp dưỡng

– Thứ nhất, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Theo đó, tại khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã xác định rõ: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này”. Các chủ thể này có thể là thành viên trong gia đình hoặc không phải là thành viên trong gia đình nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 vẫn quy định đầy đủ về vấn đề cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình như: Khái niệm cấp dưỡng, điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng, phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng đã mở rộng phạm vi quy định về quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột (Điều 114), đây là quy định mới so với các văn bản Luật Hôn nhân và Gia đình trước đó.

– Thứ hai, quan hệ cấp dưỡng không chỉ là quan hệ nhân thân mà còn mang tính tài sản, song không mang tính đền bù ngang giá. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp một số tiền hoặc tài sản nhất định nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu cho người được cấp dưỡng. Khi thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, luôn có sự chuyển giao một phần lợi ích nhất định từ phía người cấp dưỡng sang người được cấp dưỡng. Trường hợp bên có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế, không thể thực hiện việc cấp dưỡng thì tuy nghĩa vụ cấp dưỡng chưa chấm dứt, nhưng ý nghĩa thực tế của nghĩa vụ này cũng hầu như không có, bởi vì lợi ích tài sản của nghĩa vụ không còn tồn tại.

Quan hệ cấp dưỡng không mang tính đền bù ngang giá do yếu tố tình cảm giữa các chủ thể. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện một cách tự nguyện, không tính toán đến giá trị tài sản đã cấp dưỡng, không đòi hỏi người được cấp dưỡng phải hoàn lại một số tiền tương ứng. Do nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ được đặt ra khi có những điều kiện nhất định. Vì vậy, quan hệ cấp dưỡng không mang tính đền bù tương đương.

– Thứ ba, nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Bên có nghĩa vụ cấp dưỡng không thể cam kết sẽ dùng nghĩa vụ khác để thay thế, bù trừ nghĩa vụ cấp dưỡng như là bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm. Nghĩa vụ cấp dưỡng này cũng không thể sử dụng làm cơ sở đảm bảo cho những nghĩa vụ khác; đồng thời, chủ thể có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không thể chuyển giao nghĩa vụ cấp dưỡng cho bất cứ ai. Đây cũng là một đặc trưng xuất phát từ tính chất của quyền nhân thân “…là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

– Thứ tư, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong điều kiện nhất định. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ phái sinh, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì lúc đó quan hệ cấp dưỡng mới xuất hiện. Trong thực tế, không chỉ do người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng không thực hiện nghĩa vụ đó thì nghĩa vụ cấp dưỡng mới phát sinh. Bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng có thể rơi vào hoàn cảnh không đầy đủ hoặc thiếu hụt về phương diện nào đó; song chỉ khi người đó có sự thiếu hụt về vật chất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ thì nghĩa vụ cấp dưỡng mới đặt ra. Điều này biểu hiện ở chỗ, người đó gặp khó khăn, túng thiếu hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trong quan hệ cấp dưỡng này, chủ thể không chỉ là thành viên gia đình trong mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng mà còn phải thoả mãn những điều kiện nhất định về độ tuổi, tình trạng nhân thân, tài sản…

– Thứ năm, việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thông qua lương tâm, đạo đức, dư luận xã hội và cả các biện pháp cưỡng chế thi hành. Quan hệ huyết thống là gốc rễ hình thành mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa các thành viên trong gia đình. Khi các thành viên trong gia đình không thể trực tiếp chăm sóc nhau thì họ thực hiện nghĩa vụ thông qua việc cấp dưỡng. Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trước hết xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của bên thực hiện cấp dưỡng. Pháp luật cũng đã đưa ra các chế tài nhằm xử lý những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, không chỉ trong pháp luật dân sự, Hôn nhân và Gia đình mà còn trong pháp luật hình sự…

2. Các trường hợp cấp dưỡng

2.1. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con

– Theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

– Như vậy, cha, mẹ không chỉ cấp dưỡng cho con khi ly hôn mà còn cấp dưỡng cho con cả trong thời kỳ hôn nhân nếu cha, mẹ không sống chung với con hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Đối với trường hợp cha, mẹ có con ngoài giá thú mà không sống cùng con thì cũng phải cấp dưỡng cho con.

2.2. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ

Trong quan hệ giữa con với cha, mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra đối với con đã thành niên và không sống chung với cha, mẹ. Tương tự, điều kiện đối với bên được nhận cấp dưỡng là cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ đặt ra khi con có khả năng về kinh tế, đủ đảm bảo được cuộc sống của chính mình; do đó, về nguyên tắc, nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ chỉ đặt ra đối với con đã thành niên. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định “con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập” (khoản 2 Điều 75). Trong thực tế, nhiều trường hợp cha, mẹ túng thiếu, không có khả năng lao động và không có đủ tài sản để tự nuôi mình mà người con đã từ 15 tuổi trở lên có tài sản riêng nhưng không sống chung với cha, mẹ. Nên chăng pháp luật cần quy định trong trường hợp này, con cũng có nghĩa vụ đóng góp vào nhu cầu sống thiết yếu của cha, mẹ, nhằm đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ hơn giữa các điều luật, đồng thời ràng buộc hơn trách nhiệm của con đối với cha, mẹ.

2.3. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

– Khi ly hôn, nếu một bên khó khăn, túng thiếu, có yêu cầu và bên kia có khả năng để cấp dưỡng thì giữa vợ chồng phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng.

– Người có khó khăn, túng thiếu phải do tình trạng sức khỏe hoặc các yếu tố khách quan khác mà không thể lao động được thì mới có quyền được cấp dưỡng.

2.4. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em được quy định tại Điều 112 Luật hôn nhân và gia đình 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em với nhau phát sinh khi: Không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con;

– Trong số anh chị em có người chưa thành niên và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc có người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2.5. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

– Nghĩa vụ cấp dưỡng của ông bà nội, ông bà ngoại đối với cháu:

Ông bà nội, ông bà ngoại cấp dưỡng cho cháu khi:

+ Cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

+ Cháu không còn cha mẹ, không có anh, chị, em hoặc tuy còn cha mẹ và có anh, chị, em nhưng những người này không có khả năng để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho cháu.

Về nguyên tắc, ông bà nội và ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu như nhau. Do vậy, ông bà nội, ông bà ngoại thoả thuận với nhau về mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sao cho phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của ông bà và phù hợp với nhu cầu thiết yếu của cháu. Nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

–  Nghĩa vụ cấp dưỡng của cháu đối với ông bà nội, ông bà ngoại:

Cháu cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại khi:

+ Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

+ Ông bà không còn con, không có anh, chị, em hoặc tuy còn con và có anh, chị, em nhưng những người này không có khả năng để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho ông bà.

+ Cháu nội, cháu ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại như nhau. Do đó, các cháu nội, cháu ngoại thoả thuận với nhau về mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sao cho phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và phù hợp với nhu cầu thiết yếu của ông bà nội, ông bà ngoại. Nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

2.6. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột và cháu

– Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng. Như vậy, khi cháu không còn cha, mẹ, anh, chị, em, ông, bà để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng thì cô, dì, chú, bác, cậu ruột mới phải cấp dưỡng cho cháu.

– Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, hác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng.

– Nghĩa vụ cấp dưỡng của cháu ruột đối với cô, dì, chú, bác, cậu ruột xếp sau nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ, của cháu đối với ông bà, của anh, chị, em với nhau.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về cấp dưỡng là gì, các trường hợp cấp dưỡng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon