Quyền của người giám hộ

quyen-cua-nguoi-giam-ho

Để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người được coi là “yếu thế” trong xã hội, Bộ luật Dân sự đã ghi nhận chế định về giám hộ, đây là nền tảng pháp lý quan trọng để những người “yếu thế” có thể tham gia các giao dịch dân sự một cách bình đẳng, công bằng và xa hơn nữa sẽ giúp họ có niềm tin vào cuộc sống, vào chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giám hộ là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự Việt Nam, các quy định của chế định thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và xã hội ta đối với người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt, người mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trọng nhận thức, làm chủ hành vi. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về giám hộ và quyền của người giám hộ trong quan hệ giám hộ.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015

1. Giám hộ là gì?

Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 46. Giám hộ

“Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”.

Từ quy định của Bộ luật Dân sự có thể hiểu giám hộ là quan hệ pháp luật được xác lập giữa người được giám hộ và người giám hộ theo quy định của pháp luật, do Ủy ban nhân dân cấp xã cử, do Tòa án chỉ định hoặc theo lựa chọn của người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Mục đích của việc giám hộ nhằm đảm bảo cho những người thuộc đối tượng được giám hộ được chăm sóc, giáo dục và được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.

Thuật ngữ giám hộ trong tiếng Anh là “Guardian”.

Giám hộ mang một số đặc điểm sau:

– Thứ nhất, trong quan hệ giám hộ thì người được giám hộ luôn luôn là cá nhân và ở trong tình trạng yếu thế.

– Thứ hai, trong quan hệ giám hộ thì người được giám hộ chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

– Thứ ba, quan hệ giám hộ làm phát sinh quan hệ đại diện của người giám hộ với người thứ ba.

– Thứ tư, trong quan hệ giám hộ thì người giám hộ không có nghĩa vụ dùng tài sản của mình để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Việc giám hộ có một số ý nghĩa sau:

– Giám hộ là chế định nhằm giúp cho người được giám hộ thực hiện tốt các quyền dân sự, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ một cách tốt nhất có thể.

– Chế định giám hộ đã góp phần bảo đảm tính bình đẳng giữa các công dân trong xã hội về việc được hưởng các quyền năng do luật định và thực thi hóa các quyền đó trên thực tế.

– Chế định giám hộ cũng góp phần phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, xây dựng và củng cố tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, tình người trong xã hội, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Nhà nước đối với những người yếu thế trong xã hội.

2. Người giám hộ

Người giám hộ là cá nhân hoặc pháp nhân, thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ người được giám hộ và đại diện cho người giám hộ trong các giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ. Người giám hộ được xác định theo quy định của pháp luật nhưng đề cao tính tự nguyện, bởi ngoài nghĩa vụ làm người đại diện thì việc chăm sóc, bảo vệ, chữa bệnh cho người được giám hộ muốn đạt hiệu quả cao thì cần đến cái tâm của người giám hộ.

– Giám hộ là cá nhân:

Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có đủ các điều kiện sau được làm người giám hộ:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

+ Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

+ Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

+ Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

– Giám hộ là pháp nhân:

Bộ luật dân sự 2015 đã lần đầu tiên quy định pháp nhân là người giám hộ và điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ.

Điều 50 Bộ luật dân sự 2015 quy định về điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ như sau:

+ Pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.

+ Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người giám hộ.

Năng lực pháp luật của pháp nhân không bị hạn chế nhưng còn phụ thuộc và quy định của các văn bản pháp luật chuyên biệt về loại hình pháp nhân, trong quyết định thành lập và Điều lệ của pháp nhân. Vì vậy để đảm bảo tính hiệu quả của giám hộ thì pháp nhân làm người giám hộ phải có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2015 chưa có quy định hướng dẫn chi tiết như thế nào là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ cũng như điều kiện cần thiết để pháp nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ giám hộ là gì.

Ngoài ra Bộ luật dân sự 2015 cũng phân chia pháp nhân thành hai loại: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Trong đó, pháp nhân thương mại là doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế; còn pháp nhân phi thương mại là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Có thể thấy, chức năng, hoạt động pháp nhân phi thương mại sẽ phù hợp với vai trò làm người giám hộ hơn là pháp nhân thương mại.

3. Quyền của người giám hộ

Quyền của người giám hộ đối với người được giám hộ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự Người giám hộ có các quyền theo quy định của khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Điều 58. Quyền của người giám hộ

“1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:

a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền quy định tại khoản 1 Điều này.”

– Quyền của người giám hộ đối với người được giám hộ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự:

+ Quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ.

Người giám hộ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chỉ dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giam hộ như nhu cầu ăn uống, chi phí chữa bệnh, chi phí mua đồ dùng học tập … Quy định như vậy của pháp luật dân sự là hợp lý vì người giám hộ không có nghĩa vụ dùng tài sản của mình để chi phí cho việc chăm sóc người được giám hộ.

+ Quyền được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ.

Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình. Trong quá trình quản lý tài sản của người được giám hộ, nếu người giám hộ phải chi phí cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ như chi phí thuê người trông coi tài sản, bảo trì tài sản … thì người giám hộ được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ.

+ Quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm hảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Người giám hộ có quyền và nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp người được giám hộ là người chưa thành niên có thể tự mình thực hiện giao dịch dân sự đó. Người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ. Do đó, người giám hộ có quyền đại diện cho người được giám hộ để tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

– Quyền của người giám hộ đối với người được giám hộ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:

Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người thành niên là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Tòa án sẽ xác định người giám hộ có các quyền theo quy định của khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thông thường Tòa án xác định người giám hộ có quyền đại diện cho người được giám hộ. Người giám hộ có thể có quyền đối với tài sản của người được giám hộ nếu người được giám hộ có tài sản hoặc không có quyền đối với tài sản nếu người được giám hộ không có tài sản. Và xác định người giám hộ có các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về quyền của người giám hộ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon