Thủ tục thay đổi giám hộ, chuyển giao việc giám hộ khi thay đổi người giám hộ

thu-tuc-thay-doi-giam-ho-chuyen-giao-viec-giam-ho-khi-thay-doi-nguoi-giam-ho

Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Trong quá trình thực hiện việc giám hộ, người giám hộ có thế vì một số lý do mà cần thiết phải thay đổi người giám hộ. Do đó, Bộ luật dân sự đã có quy định về việc thay đổi người giám hộ và chuyển giao việc giám hộ khi thay đổi người giám hộ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về thủ tục thay đổi giám hộ, chuyển giao việc giám hộ khi thay đổi người giám hộ qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Giám hộ là gì?

Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 46. Giám hộ

“Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”.

Từ quy định của Bộ luật Dân sự có thể hiểu giám hộ là quan hệ pháp luật được xác lập giữa người được giám hộ và người giám hộ theo quy định của pháp luật, do Ủy ban nhân dân cấp xã cử, do Tòa án chỉ định hoặc theo lựa chọn của người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Mục đích của việc giám hộ nhằm đảm bảo cho những người thuộc đối tượng được giám hộ được chăm sóc, giáo dục và được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.

Thuật ngữ giám hộ trong tiếng Anh là “Guardian”.

2. Thủ tục thay đổi giám hộ

2.1. Trường hợp thay đổi người giám hộ

Các trường hợp thay đổi người giám hộ đã được liệt kê cụ thể tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật dân sự 2015.

Điều 60. Thay đổi người giám hộ

“1. Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp sau đây:

a) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 49, Điều 50 của Bộ luật này;

b) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;

c) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;

d) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.”

Việc pháp luật quy định về thay đổi người giám hộ là cần thiết vì mục đích của giám hộ là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ, do đó, nếu việc giám hộ không đáp ứng được các mục đích này có nguyên nhân từ người giám hộ thì cần phải thay đổi người giám hộ.

Trường hợp 1: Người giám hộ không còn đủ điều kiện để làm người giám hộ theo quy định của luật. Điều kiện để làm người giám hộ là căn cứ xác định cá nhân, pháp nhân có đủ tư cách trở thành người giám hộ hay không. Do đó, nếu người giám hộ không còn đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Bộ luật dân sự 2015 thì cần phải thay đổi.

Ví dụ như trường hợp cá nhân làm người giám hộ sau đó thì người này mất năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, do đó không thể thực hiện nghĩa vụ của một người giám hộ được. Thậm trí trong trường hợp này, người giám hộ lại trở thành người được giám hộ vì theo quy định của pháp luật người mất năng lực hành vi dân sự là người được giám hộ, cần xác định người giám hộ.

Trường hợp 2: Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; mất năng lực hành vi dân sự; mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại. Khi người giám hộ chết thì đương nhiên quan hệ giám hộ chấm dứt, do đó, người được giám hộ không còn người giám hộ.

Vì vậy, cần xác định người giám hộ mới cho người được giám hộ. Trường họp cá nhân mất tích, tuy quan hệ giám hộ về mặt pháp lý không đương nhiên chấm dứt nhưng trên thực tế, người được giám hộ cũng không có sự chăm sóc, bảo vệ của người giám hộ do đó, cũng cần có người giám hộ khác cho họ. Trường hợp pháp nhân làm giám hộ chấm dứt sự tồn tại cũng tương tự như trường hợp cá nhân là người giám hộ chết. Do đó, người được giám hộ cũng cần có người giám hộ khác.

Bên cạnh đó, năng lực hành vi dân sự đầy đủ cũng là một trong những điều kiện cần thiết để cá nhân có thể trở thành người giám hộ. Vì vậy, khi người giám hộ đang có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, theo quyết định của Tòa án trở thành tình trạng không đầy đủ về năng lực hành vi dân sự thì cần thay đổi người giám hộ vì bản thân họ trong những trường hợp này cũng cần được người khác giám hộ cho mình.

Trường hợp 3: Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ. Các quy định về nghĩa vụ giám hộ hướng tới mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người giám hộ. Do đó, khi người giám hộ vi phạm nghĩa vụ, đặc biệt là mức độ vi phạm là nghiêm trọng thì không thể đáp ứng được mục đích của việc giám hộ. Vì vậy, cần có sự thay đổi người giám hộ.

Trường hợp 4: Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ. Việc thay đổi người giám hộ cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân không liên quan đến các điều kiện giám hộ, tư cách đạo đức, năng lực hành vi dân sự của người giám hộ mà có thể xuất phát từ mong muốn của người giám hộ khi họ đề nghị được thay đổi và có người khác đồng ý thay họ làm người giám hộ.

Điều này là hợp lý và tương đồng với yêu cầu khi xác lập quan hệ giám hộ cần có sự đồng ý của người giám hộ. Có nghĩa là trong quan hệ giám hộ, bản thân người giám hộ phải hoàn toàn tự nguyện thì mới có thể thực hiện được tốt việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

2.2. Đăng ký thay đổi người giám hộ

Điều 23 Luật hộ tịch 2014 quy định về việc đăng ký thay đổi người giám hộ, cụ thể:

Điều 23. Đăng ký thay đổi giám hộ

“Trường hợp yêu cầu thay đổi người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và có người khác đủ điều kiện nhận làm giám hộ, thì các bên làm thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ trước đó và đăng ký giám hộ mới theo quy định tại Mục này.”

– Đăng ký chấm dứt giám hộ trước đó:

+ Người yêu cầu đăng ký chấm dứt giám hộ nộp tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ và giấy tờ làm căn cứ chấm dứt giám hộ cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ trên, nếu thấy việc chấm dứt giám hộ đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc chấm dứt giám hộ vào Sổ hộ tịch, cùng người đi đăng ký chấm dứt giám hộ ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục (tức cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại bản sao các giấy tờ, thông tin của cá nhân có yêu cầu) cho người yêu cầu.

– Đăng ký giám hộ mới:

+ Đăng ký giám hộ cử:

Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và văn bản cử người giám hộ cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ trên, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

+ Đăng ký giám hộ đương nhiên:

Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ trên, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

3. Chuyển giao giám hộ khi thay đổi người giám hộ

Chuyển giao giám hộ có thể xem là hậu quả pháp lý kèm theo của việc thay đổi người giám hộ. Việc chuyển giao giám hộ được quy định như sau:

Điều 61. Chuyển giao giám hộ

1. Khi thay đổi người giám hộ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có người giám hộ mới, người đã thực hiện việc giám hộ phải chuyển giao giám hộ cho người thay thế mình.

2. Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Cơ quan cử, chỉ định người giám hộ, người giám sát việc giám hộ chứng kiến việc chuyển giao giám hộ.

3. Trường hợp thay đổi người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều 60 của Bộ luật này thì cơ quan cử, chỉ định người giám hộ lập biên bản, ghi rõ tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ, quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ để chuyển giao cho người giám hộ mới với sự chứng kiến của người giám sát việc giám hộ.

Thời hạn người giám hộ cũ phải chuyển giao việc giám hộ cho người giám hộ mới là trong vòng 15 ngày kể từ ngày xác định được người giám hộ mới. Quy định này nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người được giám hộ bởi các cá nhân này cần nhanh chóng được chăm sóc, bảo đảm thông qua hành vi của người giám hộ. Nếu thời hạn chuyển giao càng dài thì càng ảnh hưởng đến người được giám hộ.

Việc giám hộ phải được lập thành văn bản, có ghi rõ nội dung:

– Lý do chuyển giao;

– Tình trạng tài sản;

– Vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao.

Việc chuyển giao giám hộ phải được thực hiện dưới sự chứng kiến của cơ quan cử, chỉ định người giám hộ và người giám sát việc giám hộ. Văn bản chuyển giao là cơ sở để xác định trách nhiệm của người giám hộ cũ cũng như người giám hộ mới khi xác định tình trạng của các vấn đề liên quan đến người được giám hộ. Sự chứng kiến của các chủ thể được yêu cầu đảm bảo tính khách quan, chân thực của các nội dung được chuyển giao.

Văn bản chuyển giao giám hộ nếu thuộc trường hợp phải thay đổi người giám hộ do không còn đáp ứng đủ điều kiện giám hộ thì được lập bởi cơ quan cử, chỉ định người giám hộ và ghi rõ các nội dung:

– Tình trạng tài sản.

– Vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ;

– Quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về thủ tục thay đổi giám hộ, chuyển giao việc giám hộ khi thay đổi người giám hộ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon