Tình thế cấp thiết là gì?

tinh-the-cap-thiet-la-gi

Không phải trường hợp nào có hành vi gây thiệt hại, xâm phạm đến những khách thể được Luật Hình sự bảo vệ cũng là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì thế, pháp luật của các quốc gia trên thế giới hầu như đều có quy định về tình thế cấp thiết là một tình tiết loại trừ tính chất phạm tội. Đây được xem là một phương thức bảo vệ lợi ích của xã hội. Việt Nam cũng không ngoại lệ trong quy định về tình thế cấp thiết. Nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu rõ bản chất tình thế cấp thiết là gì và những vấn đề xoay quanh trường hợp này. Nhận thức được điều đó, Luật Dương Gia đưa đến bài viết này nhằm giúp bạn đọc hiểu và có nhận thức đúng đắn về tình thế cấp thiết.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

1. Tình thế cấp thiết là gì?

Căn cứ theo Điều 23 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tình thế cấp thiết như sau:

Điều 23. Tình thế cấp thiết

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây ra thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Qua đây có thể hiểu tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh nguy cơ thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải hành động gây ra thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Chế định tình thế cấp thiết được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý, khuyến khích mọi người có hành động có ích, phù hợp với yêu cầu của xã hội khi đứng trước thực tế một thiệt hại đang xảy ra hoặc đang bị đe doạ xảy ra ngay. Tương tự với phòng vệ chính đáng, hành động trong tình thế cấp thiết là quyền của mỗi cá nhân. Nhằm hướng mọi người thực hiện đúng quyền này của mình, Điều 23 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định khá rõ về cơ sở, nội dung và phạm vi của quyền hành động trong tình thế cấp thiết.

2. Đặc điểm của tình thế cấp thiết

Để một hành vi được xem là thực hiện trong tình thế cấp thiết thì cần phải được thực hiện và có bối thực cảnh thực hiện có những dấu hiệu sau:

Hành vi được thực hiện gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa mà không còn cách nào khác. Lợi ích ở đây có thể là thiệt hại về tài sản, về sức khoẻ, tính mạng của con người, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia…

Hành vi được thực hiện trong khi tình thế cấp thiết xảy ra vừa là quyền của công dân vừa là nghĩa vụ pháp lý. Nhận thức được tình thế xảy ra, người thực hiện hành vi khi có tình thế cấp thiết vì họ muốn tránh những thiệt hại thực tế sẽ xảy ra với cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước với trách nhiệm của một người công dân nên đã thực hiện hành vi này. Việc làm đó không chỉ có ý nghĩa với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, và người khác mà còn có ý nghĩa đối với chính bản thân của một người công dân, một nhân tố cấu thành nên xã hội. Để đảm bảo xây dựng một xã hội tốt đẹp, việc nâng cao ý thức trách nhiệm từ chính bản thân mỗi công dân là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vì thế, Nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương nên tổ chức các buổi phổ biến chính sách pháp luật, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Người dân có thể nắm được chủ yếu tinh thần, định hướng quy định của pháp luật để hiểu và áp dụng.

Việc gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp này là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích hợp pháp khác. Bởi vì ngoài việc lựa chọn là gây thiệt hại khi có tình thế cấp thiết xảy ra thì không còn cách nào khác để có thể ngăn chặn, hạn chế, bảo vệ được lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước khi sự việc xảy ra. Đây vừa là lựa chọn và sự đánh giá của bản thân dựa trên bối cảnh xảy ra, cùng với sự am hiểu quy định của pháp luật để áp dụng một cách chính xác, hợp pháp, hợp hiến. Hành vi thực hiện dưới một mức độ vừa đủ không kéo theo trách nhiệm của bản thân khi thực hiện hành vi này. Yêu cầu đặt ra là người thực hiện phải có phán đoán chính xác, nhanh chóng,…

Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của mình và người khác. Hành vi được thực hiện khi có tình thế cấp thiết đem lại những giá trị, lợi ích to lớn hơn không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả về mặt vật chất cho những cá nhân, cơ quan, tổ chức và Nhà nước. Đánh giá cao tinh thần và thái độ của người thực hiện hành vi, cách thực hiện quyết đoán, kịp thời, đúng và chuẩn về mức độ. Đó là kết quả mong muốn đạt được và mục đích quy định của điều luật….

Người thực hiện hành vi trong khi tình thế cấp thiết xảy ra không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa và ngược lại. Đây chính là giới hạn, mức độ mà pháp luật đặt ra cho người thực hiện hành vi, nếu đảm bảo đúng giới hạn này, thì quy phạm mới đạt được mục đích của người làm luật muốn hướng đến.

3. Điều kiện không phải chịu trách nhiệm hình sự trong tình thế cấp thiết

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:

– Phải có sự nguy hiểm đang đe doạ gây ra thiệt hại ngay tức khắc.

Thiệt hại đó không đòi hỏi phải do hành vi của con người gây ra, như ở trường hợp phòng vệ chính đáng, mà có thể do các nguồn khác nhau. Mối nguy hiểm đang đe doạ gây ra thiệt hại có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như: thiên tai, sự tấn công của súc vật, những trục trặc kỹ thuật,…. Sự nguy hiểm đang đe doạ gây ra thiệt hại phải là sự nguy hiểm đe doạ ngay tức khắc thì mới được coi là trong trường hợp tình thế cấp thiết. Và đương nhiên rằng nếu sự nguy hiểm đó chưa xảy ra hoặc đã kết thúc thì không được coi là gây ra thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

– Sự nguy hiểm đang đe doạ phải là sự nguy hiểm thực tế.

Sự nguy hiểm không chứa đựng khả năng thực tế gây ra hậu quả cho xã hội mà chỉ do người gây thiệt hại tưởng tượng ra thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Mối quan hệ nhân quả giữa sự nguy hiểm với các lợi ích cần bảo vệ là mối quan hệ tất yếu. Và nếu không có biện pháp thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra. Chẳng hạn, một ngôi nhà đang cháy mạnh trong thời tiết hanh khô, nếu không dỡ bỏ tất cả các nhà lân cận thì đám cháy sẽ lan rộng gây thiệt hại. Đây được xem là một điểm khác so với phòng vệ chính đáng. Hành vi chống trả trong phòng vệ chính đáng thực chất là hành vi trực tiếp chống hành vi phạm tội cũng như hành vi vi phạm pháp luật và do vậy là cần thiết trong mọi trường hợp. Đối với tình thế cấp thiết, lợi ích bị gây thiệt hại và lợi ích cần bảo vệ đều là lợi ích hợp pháp. Do vậy, khi còn biện pháp khác không gây thiệt hại mà vẫn có thể bảo vệ được lợi ích đang bị đe doạ thì việc gây thiệt hại là không cần thiết và hành động trong tình thế cấp thiết chỉ phát sinh khi chỉ còn biện pháp phải gây thiệt hại để tránh thiệt hại đang bị đe doạ xảy ra ngay.

– Việc gây thiệt hại để tranh một thiệt hại khác là sự lựa chọn duy nhất.

Vấn đề này đòi hỏi người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải tính toán một cách chuẩn xác và nhanh chóng khả năng đe doạ ngay tức khắc của sự nguy hiểm. Bởi nếu không chọn được phương pháp gây thiệt hại thì tất yếu không thể tránh khỏi được thiệt hại lớn hơn. Phương pháp mà người có hành vi sử dụng khi đánh giá một hành vi gây thiệt hại có thuộc trường hợp trong tình thế cấp thiết hay không có phải là phương pháp duy nhất hay không thì phải căn cứ vào tình hình cụ thể lúc xảy ra sự việc, đánh giá toàn diện sự việc một khách quan. Và khi đã kết luận phương pháp mà có hành vi gây thiệt hại là phương pháp duy nhất thì hành vi gây thiệt hại của họ là trong tình thế cấp thiết.

– Thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh.

Người có hành vi trong tình thế cấp thiết gây ra có những thiệt hại chủ yếu là thiệt hại về tài sản và người bị gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là nười có hành vi gây ra sự nguy hiểm đe doạ gây ra thiệt hại cho xã hội mà là một người khác. Về nguyên tắc của pháp luật hình sự nước ta không thừa nhận thiệt hại về tính mạng trong tình thế cần thiết.

Những thiệt hại muốn tránh phải lớn hơn những thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết. Cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện khi đánh giá so sánh giữa hai loại thiệt hại này. Các hành động trong tình thế cấp thiết không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mọi người nên được khuyến khích và được pháp luật bảo vệ. Một điều cần nhấn mạnh là hành động gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp thiệt hại gây ra vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

4. Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

Tại khoản 2 Điều 23 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rằng nếu trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp mà chủ thể có cơ sở để hành động trong tình thế cấp thiết nhưng đã vượt quá phạm vi cho phép.

Theo khoản 1 Điều này quy định thì người hành động trong tình thế cấp thiết chỉ được phép gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Điều đó có nghĩa khi thiệt hại gây ra không nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì không còn là trường hợp tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, việc so sánh giữa hai loại thiệt hại trong tình thế cấp thiết là vấn đề không đơn giản, dễ dàng và điều này càng khó khăn hơn đối với người đang đứng trước sự đe doạ gây thiệt hại mà phải lựa chọn biện pháp ngăn chặn sự đe doạ đó. Chính vì vậy, pháp luật hình sự Việt Nam chỉ coi việc gây thiệt hại là không hợp pháp khi thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu và chủ thể có lỗi đối với việc vượt quá đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về tình thế cấp thiết. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon