Quyền sống là quyền thiêng liêng và cao quý của con người. Vì thế, pháp luật quy định cụ thể về từng loại hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của các quan hệ xã hội được nhà nước bảo vệ. Trong đó, pháp luật hình sự ghi nhận hành vi “vô ý làm chết người” cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Vậy, pháp luật có quy định gì đối với tội “vô ý làm chết người”? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau đây.
- Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
1. Tội vô ý làm chết người là gì?
Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Tội vô ý làm chết người thường xảy ra trong 1 số trường hợp người thực hiện hành vi như: mắc điện vào ban đêm ở những nơi không có người qua lại và có canh gác, phòng ngừa, nhưng chẳng may có người dân đi qua, bị điện giật dẫn đến tử vong; cưa hoặc chặt cây khiến cây đổ vào người khác dẫn đến hậu quả người này tử vong,…Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi vô ý làm chết người trong đời sống sinh hoạt thông thường có thể xác định phạm vào tội vô ý làm chết người. Còn nếu hành vi làm chết người nhưng do họ vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc vi phạm quy tắc hành chính thì không phạm tội này mà phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
2. Các yếu tố cấu thành tội phạm
2.1. Khách thể
Là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người. Tội danh này xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, quyền sống của con người.
Theo đó, hành vi phạm tội này dẫn đến hậu quả làm chết người do không thấy trước được hoặc tuy rằng có thể nhận thức hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2.2. Mặt khách quan
Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả là làm người chết. Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi hành động có thể kể đến như việc trêu chọc một người quá mức dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, do cẩu thả trong việc thực hiện công việc khiến cho người khác tử nạn. Ví dụ: như cưa hoặc chặt cây khiến cây đổ vào người khác… Hành vi vô ý làm chết người cũng có thể diễn ra dưới dạng không hành động, tức là không làm việc mà bản thân cần làm để giúp đỡ một người khiến cho họ bị chết.
Đây là cấu thành tội phạm vật chất, có nghĩa là phải có hậu quả là chết người xảy ra thì mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Hậu quả chết người chưa xảy ra thì không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.
Ở đây phải có mối liên hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người một cách biện chứng. Hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả và hành vi phải có trước hậu quả làm chết người xảy ra trên thực tế.
Nạn nhân của tội vô ý làm chết người có thể là bất cứ người nào. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra. Ở đây, nạn nhân có thể là người thực hiện tội phạm nhưng vì sự vô ý hoặc quá tự tin của người phạm tội mà bản thân họ trở thành nạn nhân. Nạn nhân cũng có thể là một người hoàn toàn xa lạ, nhưng bị tác động bởi hành vi vô ý dẫn đến việc thiệt mạng.
2.3. Mặt chủ quan
Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa Tội vô ý làm chết người với Tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin mà không nghĩ rằng sẽ có hậu quả chết người xảy ra.
Có hai hình thức lỗi đối với tội vô ý làm chết người như sau:
– Làm chết người do vô ý vì cẩu thả là trường hợp do bất cẩn, thiếu thận trọng khi thực hiện hành vi mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghể. Ví dụ: Chị A dọn nhà trên tầng 5 khu tập thể, thấy viên gạch vỡ tiện tay ném qua cửa sổ. Dưới đó là lối đi chung của khu phố dẫn đến ông M đi qua bị tử vong. Cho thấy chị A thực hiện hành vi với lỗi vô ý. Lỗi vô ý cẩu thả giống với sự kiện bất ngờ nhưng khác ở chỗ người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả xảy ra.
– Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra. Lỗi vô ý do tự tin khác với lỗi cố ý gián tiếp ở dấu hiệu tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra và dấu hiệu bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Cách phân biệt là ở chỗ, trong lỗi vô ý vì tự tin người phạm tội đã có sự cân nhắc, tính toán lựa chọn cách xử sự để không gây ra hậu quả nhưng thực tế hậu quả vẫn xảy ra. Còn lỗi cố ý gián tiếp người phạm tội cân nhắc, tính toán để giảm bớt hay tránh hậu quả mà có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: hai người thợ săn đi săn thì nhìn thấy xa xa có bác nông dân đang hút thuốc. Hai người thách đố nhau xem ai bắn trúng cái tẩu của bác nông dân. Một người đã bắn trượt viên đạn trúng vào đầu bác nông dân khiến bác này tử vong. Đây là trường hợp làm chết người với lỗi vô ý do tự tin.
2.4. Chủ thể
Là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 trở lên.
Thứ nhất, tội giết người được thực hiện bởi bất kỳ người nào. Đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không quốc tịch.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội. Tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật này quy định một số tội mà người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không có tội vô ý làm chết người tại Điều 128 Bộ luật này. Như vậy, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội vô ý làm chết người.
Thứ ba, người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Tức là người đó phải có cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Nếu người đó phạm tội trong trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
3. Hậu quả của hành vi phạm tội
Đây là hành vi cấu thành tội phạm vật chất, có nghĩa là phải có hậu quả là chết người xảy ra thì mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Hậu quả chết người chưa xảy ra thì không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.
Ở đây phải có mối liên hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người một cách biện chứng. Hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả và hành vi phải có trước hậu quả làm chết người xảy ra trên thực tế.
4. Hình phạt của tội vô ý làm chết người
Người phạm tội vô ý làm chết người sẽ phải chịu hình phạt theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Trên đây là nội dung chi tiết về “Tội vô ý làm chết người” theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.