Giáo dục tại trường giáo dưỡng là một trong những biện pháp tư pháp được đặt ra cho người dưới 18 tuổi phạm tội khi đủ các điều kiện nhất định nhằm mục đích giáo dục, giúp cho họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Vậy dưới góc độ quy định của pháp luật hình sự về biện pháp tư pháp, giáo dục tại trường giáo dưỡng được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- Luật thi hành án hình sự năm 2019
1. Giáo dục tại trường giáo dưỡng là gì?
Trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục đặc biệt được Nhà nước lập ra để giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi khi họ phạm tội, có hành vi vi phạm pháp luật.
Dưới góc độ pháp luật, đưa vào giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp đưa người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội vào giáo dục nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Biện pháp này ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt, đóng vai trò thay thế, hỗ trợ cho hình phạt, từ đó giáo dục ngăn ngừa đối tượng tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội.
Các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự
2. Đối tượng áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
2.1. Đối tượng bị áp dụng
Khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “1. Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ…”
Như vậy, có thể thấy biện pháp này được áp dụng đối với cá nhân dưới 18 tuổi phạm tội mà không phải chịu hình phạt tù có thời hạn. Bên cạnh đó, những người này thuộc trường hợp phạm tội có tính chất nghiệm trọng, có nhân thân và môi trường sống không tốt (không có nơi học tập, lao động hoặc có nhưng không lành mạnh dễ gây ảnh hưởng đến người phạm tội; có nhân thân là người có tiền án hoặc thường xuyên vi phạm pháp luật,…).
2.2. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Độ tuổi áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là dưới 18 tuổi. Do đó nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 91 Bộ luật hình sự 2015 cũng là một phần nguyên tắc áp dụng trong việc đưa người phạm tội vào trường giáo dưỡng. Cụ thể:
Trước hết, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật hình sự 2015, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật hình sự năm 2015:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134; Điều 141; Điều 171; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252 của Bộ luật này;
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123; Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6; Điều 141, Điều 142; Điều 144; Điều 150; Điều 151; Điều 168; Điều 171; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252 của Bộ luật này;
- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương XII Bộ luật hình sự năm 2015 không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
3. Các trường hợp hoãn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
Điều 142 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định về hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng như sau:
“1. Người dưới 18 tuổi có thể được hoãn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;
b) Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.
2. Đối với trường hợp hoãn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ làm thủ tục đề nghị Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng xem xét, quyết định hoãn. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc của người đại diện của họ;
b) Kết luận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên về tình trạng bệnh của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
c) Giấy bảo lãnh của người đại diện của người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, có xác nhận của chính quyền địa phương.
3. Trường hợp học sinh trường giáo dưỡng bị bệnh nặng thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng lập hồ sơ và có văn bản đề nghị Tòa án cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng xem xét, quyết định tạm đình chỉ. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án cấp huyện phải xem xét, quyết định.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:
a) Người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, người đại diện của người đó;
b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
c) Viện kiểm sát cùng cấp;
d) Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong trường hợp tạm đình chỉ.
6. Khi không còn lý do hoãn, tạm đình chỉ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cư trú phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định và đưa người đó vào trường giáo dưỡng.”
Như vậy, người dưới 18 tuổi có thể được hoãn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong trường hợp sau đây:
– Bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;
– Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.
4. Thẩm quyền và trình tự thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
4.1. Thẩm quyền:
Thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thuộc về Toà án.
Trường hợp người chấp hành biện pháp tư pháp bỏ trốn thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó cư trú phải ra quyết định truy tìm đưa lại người đó vào trường giáo dưỡng và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ công an.
4.2. Trình tự, thủ tục:
Theo quy định tại Điều 430 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được thực hiện như sau:
“1. Khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
2. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chữ ký các thành viên Hội đồng xét xử đã ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị cáo;
đ) Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;
e) Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
g) Trách nhiệm của trường giáo dưỡng nơi giáo dục người bị áp dụng biện pháp này.
3. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được giao ngay cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và trường giáo dưỡng nơi giáo dục họ.”
5. Chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
Theo quy định tại Điều 97 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 97. Chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
Nếu người được giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của trường giáo dưỡng được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng.”
- Thứ nhất, người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành được ít nhất một phần hai thời hạn;
- Thứ hai, trong thời gian tại trường giáo dưỡng họ đã có nhiều tiến bộ;
- Thứ ba, được trường đề nghị chấm dứt giáo dục tại trường giáo dưỡng trước thời hạn.
Thẩm quyền quyết định chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thuộc về Tòa án. Điều luật không quy định cụ thể Tòa án nào có thẩm quyền ra quyết định. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án trước đó đã quyết định áp dụng biện pháp này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 1900.6586 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.