Hiện nay, tội phạm về tham nhũng diễn biến hết sức phức tạp, gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý và sự vững mạnh của nhà nước pháp quyền, làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn và xoá bỏ tệ nạn tham nhũng là một trong những vấn đề cấp bách ở giai đoạn hiện nay, đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm cao của của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân. Trong nhóm tội phạm tham nhũng, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là loại tội phạm đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp cả về quy mô và tính chất, nổi lên nhiều trong các lĩnh vực như kinh tế, tài chính ngân hàng, đất đai, xây dựng cơ bản và thậm chí cả lĩnh vực giáo dục,… BLHS đã quy định chế tài xử lý tội phạm này rất nghiêm khắc. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
1. Cấu thành tội phạm của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
BLHS hiện hành quy định về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như sau:
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
* Mặt khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước. Cụ thể, hành vi phạm tội của tội này đã xâm phạm đến tính đúng đắn trong công tác quản lý nhà nước, khiến cho uy tín, hình ảnh của các cơ quan, tổ chức này bị giảm sút, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền, gây thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong xã hội. Mặt khác, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, cho quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Đối tượng tác động của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chính là hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.
* Mặt khách quan của tội phạm:
– Hành vi khách quan của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Hành vi làm trái công vụ có thể là không làm một việc nhất định trong khi yêu cầu công vụ là phải làm và có đủ điều kiện cần thiết để làm hoặc có làm nhưng không đầy đủ về nội dung, tính chất công việc theo yêu cầu nhiệm vụ, công vụ, hoặc làm ngược lại với yêu cầu công vụ.
– Hậu quả là dấu hiệu định tội bắt buộc của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Cụ thể, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản dưới 10.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì mới được coi là phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vì vậy, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng chưa gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại về tài sản dưới 10.000.000 đồng, đồng thời chưa gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Thiệt hại về phi vật chất có thể biểu hiện ở thiệt hại về an ninh chính trị, tư tưởng, làm mất lòng tin của nhân dân và chính quyền, cơ quan, tổ chức.
– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả:
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có mô tả hành vi khách quan và hậu quả trong CTTP cơ bản, nên người bị truy cứu TNHS về tội này phải là người đã thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ dẫn đến thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Động cơ phạm tội của tội này là “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”.
* Mặt chủ thể của tội phạm:
Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chủ thể phạm tội là chủ thể đặc biệt, nghĩa là ngoài những dấu hiệu có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì cần phải đáp ứng dấu hiệu là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Chủ thể được giới hạn là người có chức vụ, quyền hạn được giao thực hiện công vụ nhất định và họ có quyền hạn khi thực hiện công vụ đó. Hoạt động công vụ ở đây được xác định là hoạt động nhân danh nhà nước, đúng pháp luật, do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc nhà nước giao cho người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.
Ngoài ra, người không có chức vụ, quyền hạn có thể phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với vai trò người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức.
2. Hình phạt của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
* Hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 356:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Đây là khung hình phạt cơ bản của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ với mức cao nhất của khung hình phạt là 05 năm tù nên đây là tội phạm nghiêm trọng.
* Hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 356:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 356, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng thứ nhất với mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm tù nên đây là tội phạm rất nghiêm trọng. Cụ thể:
– Có tổ chức: Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ và phân chia vai trò, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa những người đồng phạm. Tùy từng trường hợp cụ thể mà vụ án có những người giữ vai trò khác nhau như người thực hành, người giúp sức, người xúi giục và người tổ chức. Với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, người có chức vụ, quyền hạn nhất thiết phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Đối với vụ án có đồng phạm thì họ phải là người thực hành, còn những người khác không có chức vụ, quyền hạn có thể là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức.
– Phạm tội 02 lần trở lên: Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thuộc trường hợp phạm tội hai lần trở lên, mỗi lần đều có đủ yếu tố CTTP nhưng chưa bị truy cứu TNHS.
– Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng: Đây là trường hợp ngoài hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thì người phạm tội đã gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
* Hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 356:
Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng thứ hai với mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù nên đây là tội phạm rất nghiêm trọng. Đây là trường hợp ngoài hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thì người phạm tội đã gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
* Quy định về hình phạt bổ sung:
“4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm” hoặc có thể bị “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sẽ củng cố và tăng cường cho kết quả đạt được do việc áp dụng hình phạt chính. Hình phạt bổ sung giúp cho việc xử lý tội phạm được toàn diện, hỗ trợ cho hình phạt chính đảm bảo việc thực hiện được mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung, củng cố thêm kết quả cho hình phạt chính.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.