Phân tích yếu tố cấu thành Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

phan-tich-cau-thanh-toi-pham-cua-toi-van-chuyen-trai-phep-hang-hoa-tien-te-qua-bien-gioi

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới ở nước ta có xu hướng tăng dần về cả số lượng lẫn tính chất, mức độ, phương thức, thủ đoạn đa dạng, phức tạp, khó phát hiện. Các đối tượng hoạt động liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ .. đã gây ra nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh. Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới là một trong những tội phạm nguy hiểm, không chỉ làm thiệt hại đến nền kinh tế đất nước, gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn đe dọa phá vỡ chính sách kinh tế đất nước, xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người tiêu dùng. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về cấu thành tội phạm của tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1. Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới như sau:

Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

“1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới là hành vi của cá nhân, pháp nhân thương mại vận chuyển trái phép qua biên giới quốc gia các loại hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử văn hóa không nhằm mục đích bán lại kiếm lời.

2. Cấu thành tội phạm của tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

* Mặt khách thể của tội phạm:

– Khách thể của tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới là trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khí đá quý, vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa.

– Đối tượng tác động của vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa.

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Về hành vi khách quan: Có hành vi đưa (mang) hàng hoá, tiền tệ qua biên giới Việt Nam một cách trái phép. Biểu hiện vận chuyển trái phép là đưa hàng hóa qua cửa khẩu mà không khai báo hoặc khai báo một cách gian dối, giấu giếm hàng hóa, tiền tệ, không có giấy tờ hợp lệ, sử dụng các giấy tờ giả mạo của các cơ quan có thẩm quyển; vận chuyển hàng hóa bí mật, lén lút không qua cửa khẩu để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Hải quan, Bộ đội biên phòng, các lực lượng tuần tra, kiểm soát khác…). 

– Phương thức vận chuyển có thể bằng sức người (mang, vác), sức kéo của súc vật hoặc bằng các loại phương tiện vận tải.

– Hình thức vận chuyển có thể bằng đường bộ, đường hàng không, đường thuỷ hoặc qua đường bưu điện.

– Thủ đoạn phạm tội có thể là vận chuyển một cách công khai nhưng cũng có thể là vận chuyển một cách bí mật. Cụ thể:

+ Thông đồng với Hải quan cửa khẩu để vận chuyển hàng hóa không đúng với giấy phép;

+ Nhập hàng hóa núp dưới hình thức tạm nhập tái xuất nhưng khi hàng đã nhập về rồi thì không xuất mà tiêu thụ ngay trong nước; 

+ Lợi dụng hành lý xách tay để vận chuyển hàng hóa, tiền tệ với số lượng vượt quá mức cho phép mà không khai báo với Hải quan.

– Về giá trị hàng phạm pháp: Đối với đối tượng là hàng hóa, tiền tệ Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý phải có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Tuy nhiên, nếu giá trị hàng phạm pháp có giá trị dưới một trăm triệu đồng thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc một trong các hành vi buôn lậu, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, sản xuất buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, kinh doanh trái phép, đầu cơ; trốn thuế, hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 BLHS năm 2015.

– Địa điểm thực hiện hành vi phạm tội cũng là dấu hiệu bắt buộc đối với cấu thành của tội phạm này. Điều 189 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa…, theo đó, địa điểm phạm tội là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Nếu người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ không qua biên giới thì không cấu thành tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

+ Khái niệm khu phi thuế quan được định nghĩa tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, cụ thể:

“Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh nhập cảnh quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”.

+ Biên giới theo quy định này được hiểu theo nghĩa rộng là hàng rào biên giới thuế quan, vùng kiểm soát của bộ đội biên phòng, an ninh cửa khẩu, vùng kiểm tra của Hải quan trên tất cả các tuyến đường (đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không, đường xe lửa, đường bưu điện quốc tế) ở mọi khu vực (kể cả các khu chế xuất). “Khu vực phi thuế quan” được các nước lập ra tại các cửa khẩu nhằm mục đích phát triển kinh tế, do đó việc buôn bán trái phép hàng hóa, tiền tệ, kim khi quý, đá quý từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại là dấu hiệu bắt buộc trong quy định về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ của Điều 189 BLHS năm 2015.

Chỉ khi nào người vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ đưa hàng hóa qua biên giới quốc gia, qua khu phi thuế quan thì mới cấu thành Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

– Hậu quả của tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới là những thiệt hại gây ra cho trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự quản lý việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ, kim khi đá quý, vật phẩm thuộc đi tích lịch sử, văn hóa đã bị xâm phạm, gây lũng đoạn thị trường trong nước dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được hàng hóa xuất nhập khẩu, gây thất thoát thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu hàng hóa…

* Mặt chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm vận chuyển trái phép hàng hoa, tiền tệ qua biên giới là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên và pháp nhân thương mại.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp vì người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới nhận thức rõ hành vi do mình thực hiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm và người phạm tội cũng thấy trước được thiệt hại cho xã hội do hành vi phạm tội đó gây ra nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.

Đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc cũng như không được quy định trong Điều 189 Bộ luật dân sự năm 2015. Người phạm tội vận chuyển hàng hóa không có mục đích buôn bán hoặc người vận chuyển thuê, giúp người khác hàng hóa, tiền tệ, qua biên giới trái phép mà không biết và không buộc phải biết mục đích buôn bán của người nhờ, thuê vận chuyển.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về cấu thành tội phạm của tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon