Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự

nang-cao-chat-luong-cong-tac-kiem-sat-thi-hanh-an-dan-su

Công tác kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) là một trong những khâu công tác thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 6 và Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Điều 12 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Và trong những năm qua, công tác THADS có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả giải quyết thi hành án năm sau cao hơn năm trước và việc áp dụng pháp luật trong công tác THADS cơ bản được thực hiện đúng theo quy định tại Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Công tác kiểm sát THADS của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nghiệp vụ của năm; chất lượng công tác kiểm sát dần đi vào chiều sâu và có nhiều chuyển biến tích cực; việc phối hợp trong công tác THADS được chú trọng, qua đó góp phần cùng Cơ quan THADS nâng hiệu quả công tác THADS và ổn định tình hình chính trị địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong những năm qua công tác THADS nói chung và công tác kiểm sát THADS nói riêng vẫn còn tồn tại những thiếu sót, hạn chế như: số việc thi hành án xong đạt tỉ lệ cao, nhưng chất lượng giải quyết về tiền còn thấp, án chưa có điều kiện thi hành chuyển sang năm sau còn cao, nhất là các vụ việc liên quan đến “nợ xấu” của các ngân hàng; chất lượng công tác kiểm sát chưa được cao, nhất là kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan THADS quận, chủ yếu phát hiện vi phạm về thủ tục thi hành án.

Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát THADS, nhất là chất lượng việc kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan THADS quận là một yêu cầu cấp thiết, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác THADS của Cơ quan THADS quận và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

1. Thực trạng công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Công tác kiểm sát THADS của VKSND quận vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như: Viện kiểm sát chưa chủ động trong việc yêu cầu Cơ quan THADS quận tiến hành cưỡng chế, kê biên đối với những vụ việc có điều kiện thi hành mà không tổ chức thi hành; qua công tác kiểm sát cũng như việc xác minh điều kiện thi hành án, Viện kiểm sát vẫn chưa chủ động lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm đối với các khoản phải thi hành là tiền phạt còn lại; chưa làm tốt công tác kiểm sát việc hạ giá đối với các tài sản đã kê biên, cưỡng chế chuyển cho trung tâm bán đấu giá… Mặt khác, hiện nay cán bộ làm công tác kiểm sát THADS còn ít (02 cán bộ), chỉ có 01 Kiểm sát viên và 01 Kiểm tra viên nhưng đều phải kiêm nhiệm công tác khác như: Kiểm sát viên chủ yếu làm công tác kiểm sát dân sự, kiêm thêm công tác kiểm sát THAHS và THADS, mới làm công tác kiểm sát THADS và chưa được tập huấn công tác kiểm sát THADS lần nào nên còn thiếu kinh nghiệm; Kiểm tra viên ngoài công tác kiểm sát THADS còn giúp Kiểm sát viên (Phó Viện trưởng) làm công tác kiểm sát giải quyết án hình sự.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thường xuyên

– Cần nắm vững và bám sát Quy chế Công tác kiểm sát THADS (ban hành kèm theo Quyết định số: 255/2013/QĐ-VKSTC-V10 ngày 19/6/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao); Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Nghị định số: 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác về THADS để nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác THADS.

– Yêu cầu các bộ phận nghiệp vụ của đơn vị (Dân sự và các Kiểm sát viên hình sự) photo cho bộ phận kiểm sát THADS những bản án, quyết định của Tòa án đã ban hành, sau đó, mở sổ ghi chép nội dung thuộc việc chủ động ra quyết định thi hành án của Cơ quan THADS để theo dõi. Qua đó, sẽ kiểm sát được việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan THADS theo quy định tại các Điều 27 và 28 Luật THADS.

– Vô sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát 100% các quyết định thi hành án của Cơ quan THADS quận chuyển sang. Trong quá trình lập phiếu kiểm sát, cần đối chiếu đối chiếu nội dung trong quyết định thi hành án với bản án, quyết định của Tòa án nhằm đảm bảo việc thi hành án đảm bảo đúng nội dung bản án, đúng pháp luật.

– Mở sổ theo dõi và tập hợp các vi phạm trong công tác THADS để trong quá trình kiểm sát các quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án nếu phát hiện các vi phạm thì vào sổ theo dõi, sau đó làm việc với Cơ quan THADS, Tòa án… để nắm cụ thể vụ việc rồi thùy theo mức độ vi phạm, Viện kiểm sát kháng nghị hoặc kiến nghị, yêu cầu các quan để xảy ra vi phạm khắc phục, sửa chữa.

– Chủ động tăng cường phối hợp với Chi cục THADS quận trong công tác kiểm sát THADS như việc định kỳ phân loại điều kiện thi hành án, giải quyết một số việc tồn đọng của các năm trước chuyển sang và các vụ việc phức tạp, khó thi hành.

– Trong quá trình kiểm sát, khi xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan THADS quận cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi hành án để kiểm sát, nhất là các vụ việc có quyết định đình chỉ, trả đơn yêu cầu thi hành án hoặc hoãn thi hành án.

– Khi có giấy mời tham gia cưỡng chế thi hành án, Kiểm sát viên và cán bộ làm công tác kiểm sát THADS chủ động yêu cầu Chấp hành viên cung cấp toàn bộ hồ sơ việc thi hành án để nghiên cứu. Nếu phát hiện vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm, Kiểm sát viên tham mưu cho lãnh đạo Viện yêu cầu Chấp hành viên dừng việc cưỡng, chế kê biên hoặc tập hợp kiến nghị sau khi đã cưỡng chế kê biên.

– Hằng tháng, chủ động phối hợp với Cơ quan THADS quận nắm chắc số vụ việc đã tổ chức thi hành xong trong tháng, số việc còn lại, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, để qua đó lấy số liệu làm báo cáo, gạch sổ thụ lý và xây dựng chương trình công tác tháng sau.

3. Giải pháp nâng cao chât lượng công tác kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan THADS quận

Để nâng cao chất lượng cuộc kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan THADS, cần tập trung vào các giải pháp sau:

– Trước khi tiến hành kiểm sát trực tiếp tại Chi cục THADS quận, Kiểm sát viên và cán bộ làm công tác thi hành án phải tập hợp được số liệu trong thời điểm kiểm sát; dự kiến các dạng vi phạm (Vi phạm điều khoản nào của Luật THADS và các văn bản pháp luật khác), mảng kiểm sát; ban hành quyết định, kế hoạch kiểm sát gửi cho Cơ quan THADS ít nhất trước 10 ngày công bố quyết định để cho Cơ quan THADS chuẩn bị; họp đoàn, phân công nhiệm vụ và đặt ra yêu cầu với từng thành viên đoàn kiểm sát… Trong kế hoạch kiểm sát, Viện kiểm sát cần yêu cầu Cơ quan THADS báo cáo cụ thể việc tổ chức thi hành án trong kỳ (Tình hình thụ lý, phân loại, xác minh điều kiện thi hành án, kết quả giải quyết việc thi hành án; tình hình số liệu về việc thu chi tiền, tài sản thi hành án; những thuận lợi, khó khăn trong công tác THADS; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong công tác THADS…).

– Khi tiến hành kiểm sát trực tiếp, đoàn kiểm sát nghe Thủ trưởng Cơ quan THADS báo cáo bằng văn bản đối với các yêu cầu đã nêu trong kế hoạch. Sau đó, đoàn kiểm sát cần nghiên cứu kỹ báo cáo của Cơ quan THADS, đối chiếu với số liệu của Viện kiểm sát và yêu cầu Cơ quan THADS giải trình ở những điểm chưa rõ.

– Sau đó, đoàn kiểm sát nên làm việc theo phương pháp “cuốn chiếu”, tức là kiểm tra hồ sơ đang tổ chức thi hành của từng Chấp hành viên, án đã kết thúc thi hành án và các mảng công tác khác. Mỗi hồ sơ thi hành án cần nghiên cứu từ khi Chấp hành viên tiếp nhận quyết định thi hành án đến thời điểm kiểm sát, lập phiếu kiểm sát cho từng hồ sơ, phiếu kiểm sát cần thể hiện rõ bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án, họ và tên đương sự, nội dung thi hành và vi phạm phát hiện (cần chỉ rõ điều luật vi phạm để tạo thuận lợi cho công tác làm biên bản với Chấp hành viên, lãnh đạo Cơ quan THADS và viết kết luận sau này); sau đó, tập hợp các vi phạm, yêu cầu Chấp hành viên giải trình và ký xác nhận những vi phạm đã phát hiện.

– Trong quá trình kiểm sát, xét thấy có những vấn đề chưa rõ, Viện kiểm sát yêu cầu giải trình và có thể tiến hành xác minh thực tế nhằm xác định sự thật.

– Trước khi kết thúc cuộc kiểm sát, đoàn kiểm sát tập hợp tình hình, làm việc lần cuối với lãnh đạo Cơ quan THADS để nghi giải trình và ký xác nhận các vi phạm đã phát hiện. Biên bản làm việc cuối cùng với lãnh đạo Cơ quan THADS xem như dự thảo kết luận.

– Căn cứ vào biên bản làm việc cuối cùng với lãnh đạo Cơ quan THADS quận, Viện kiểm sát sẽ ban hành kết luận trực tiếp kiểm sát và tùy vào mức độ vi phạm sẽ kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục.

4. Hiệu quả mang lại từ giải pháp

Thực hiện tốt và có hiệu quả những giải pháp nêu trên, thì chắc chắn trong thời gian đến sẽ khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong những năm qua của công tác kiểm sát THADS và sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng việc kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan THADS quận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon