Các quy định về thủ tục tố tụng đối với bị can dưới 18 tuổi

cac-quy-dinh-ve-thu-tuc-to-tung-doi-voi-bi-can-duoi-18-tuoi

Việc bắt, tạm giữ, tạm giam và quá trình tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt. Quy định này phần nào thể hiện thái độ của Nhà nước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng đối với người chưa thành niên. BLTTHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi trong quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi.

1. Quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tuỳ tiện

BLTTHS năm 2003 khi quy định về việc bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên đưa ra các điều kiện đặc biệt khác với các đối tượng đã thành niên về loại tội và hình thức lỗi. Ngoài ra còn quy định về việc phải thông báo ngay cho gia đình, người đại diện hợp pháp khi bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người thành niên. Quy định này phần nào thể hiện thái độ của Nhà nước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, các quy định này đặt trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay đã không còn phù hợp do chưa thể hiện được sự tương thích cần thiết với nội dung các Điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. BLTTHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi trong quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi.

Thứ nhất, nguyên tắc chung xuyên suốt khi quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, biện pháp ngăn chặn thể hiện tại Khoản 1 Điều 419 BLTTHS năm 2015 là: “Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả.”

Nội dung này lần đầu tiên được luật hoá trong BLTTHS, phù hợp với khuyến nghị trong các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người ghi nhận tại Điều 37, Công ước về quyền trẻ em 1989 như sau: “Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải được tiến hành phù hợp với pháp luật và chỉ coi là biện pháp cuối cùng và áp dụng trong thời hạn thích hợp ngắn nhất”.  

Thứ hai, rút ngắn thời hạn tạm giam và kịp thời huỷ bỏ biện pháp tam giữ,tạm giam khi không còn cần thiết, cụ thể: Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại BLTTHS. Quy định này nhằm đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án, tránh những hậu quả tiêu cực do người bị buộc tội dưới 18 tuổi bị tách khỏi môi trường gia đình, gián đoạn việc học hành cũng như nguy cơ tái phạm do ảnh hưởng xấu bởi phải tiếp xúc với những người bị giam, giữ khác.

Thứ ba, xác định rõ điều kiện áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam. Cụ thể:

Căn cứ áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn quy định trên nguyên tắc phù hợp với BLHS về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đó là trường hợp: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS.

Việc áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS (không thay đổi so với BLTTHS năm 2003).

Mặc dù, BLTTHS năm 2015 đưa ra nguyên tắc hạn chế tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi nhằm bảo vệ tối đa nhóm đối tượng này nhưng để bảo đảm giải quyết được vụ án hình sự, Khoản 4 Điều 419 BTTHS quy định: Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Như vậy, nếu so với BLTTHS năm 2003 thì quy định này mở rộng phạm vi được áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam. Việc mở rộng này không trái với nguyên tắc đã định ra tại khoản 2 điều 419 và dưới góc độ phòng tội phạm quy định này bảo đảm giải quyết được vụ án, từ đó áp dụng các biện pháp chế tài phù hợp, giáo dục người phạm tội dưới 18 tuổi thành người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, một trong những thay đổi khi quy định về thủ tục áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam là quy định về việc thông báo cho người đại diện của người bị buộc tội. Từ quy định phải “thông báo ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam” chuyển sang quy định “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam… người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết”. Điều 116 BLTTHS năm 2015 phần thủ tục chung quy định: “Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt.”

Như vậy, việc tiến hành thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội dưới 18 tuổi không được tiến hành sớm hơn so với thủ tục chung. Đối chiếu với các khuyến nghị quốc tế, cụ thể tại mục 10.1 Các quy tắc Bắc Kinh có quy định: “Trong những trường hợp bắt giam người chưa thành niên, cha mẹ hay người giám hộ người chưa thành niên đó phải được thông báo ngay về sự bắt giữ đó. Trong những trường hợp không thể thông báo ngay thì cha mẹ hay người chưa thành niên đó phải được thông báo trong thời gian sớm nhất có thể sau khi bắt giữ” thì sửa đổi trong quy định tại Khoản 5 Điều 420 cần phải xem xét lại.     

2. Quy định về thủ tục tiến hành một số hoạt động điều tra, xét xử, bào chữa bảo đảm quyền về xét xử công bằng trong tố tụng hình sự của người bị buộc tội dưới 18 tuổi

Nguyên tắc thứ 7 trong phần nguyên tắc chung về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên quy định quyền của người chưa thành niên: “Trong tất cả các giai đoạn tố tụng, cần bảo đảm các biện pháp bảo vệ mang tính thủ tục cơ bản, như giả định vô tội, quyền được thông báo về các lời buộc tội, quyền được giữ yên lặng, quyền được có luật sư bào chữa, quyền được sự có mặt của cha mẹ hay người giám hộ, quyền đối chất và thẩm vấn chéo các nhân chứng, quyền kháng cáo lên một cơ quan có thẩm quyền cao hơn”. Để bảo đảm quyền của người bị buộc tội dưới 18 tuổi, BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể các thủ tục khi tiến hành một số hoạt động điều tra, cụ thể Điều 421 BLTTHS quy định:

Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.

Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Đặc biệt BLTTHS năm 2015 giới hạn thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp: Phạm tội có tổ chức; Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn; Ngăn chặn người khác phạm tội; Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án; Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp. Quy định này nhằm bảo đảm sức khoẻ, phù hợp với thể trạng và tâm lý lứa tuổi của người bị buộc tội dưới 18 tuổi.

Về bảo đảm thực hiện quyền bào chữa cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi, BLTTHS năm 2015 giữ nguyên quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa trong trường hợp nếu người bị buộc tội dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào cho họ tại Điều 76 và Điều 422. Đồng thời quy định bắt buộc phải có người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền lợi khi tham gia tố tụng để bảo đảm tính minh bạch, tạo tâm lý an tâm cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng các quy định hiện nay liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi có những nội dung chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc mà BLTTHS đã ghi nhận tại khoản 4 Điều 414 đó là nguyên tắc “Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi”. Có thể diễn giải sự thiếu phù hợp này cụ thể trong các nội dung sau:

Thứ nhất, Khoản 1 Điều 77 BLTTHS quy định: “Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa: Người bị buộc tội; Người đại diện của người bị buộc tội; Người thân thích của người bị buộc tội. Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của BLTTHS”. Như vậy, có thể hiểu khi người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi, người thân thích của người bị buộc tội dưới 18 tuổi từ chối hoặc thay đổi người bào chữa không cần có sự đồng ý của người bị buộc tội.

Thứ hai, Khoản 3 Điều 77 BLTTHS năm 2015 quy định: Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa. Như vậy có thể dẫn đến cách hiểu chấm dứt việc bào chữa chỉ định khi chỉ cần có việc từ chối của một trong hai chủ thể: người bị buộc tội dưới 18 tuổi hoặc người đại diện, người thân thích của họ.

Trong khi có nghiên cứu chỉ ra rằng không phải mọi trường hợp người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội dưới 18 tuổi đều bảo vệ lợi ích cho người bị buộc tội. Và vì vậy việc chấm dứt bào chữa chỉ định trong trường hợp chỉ cần người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội dưới 18 tuổi yêu cầu chấm dứt không thực sự bảo vệ quyền bảo chữa của người bị buộc tộ dưới 18 tuổi.

Thứ ba, khoản 2 Điều 219 quy định: Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của BLTTHS mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Như vậy việc xét xử vắng mặt người bào chữa không cần sự đồng ý của bị cáo dưới 18 tuổi mà chỉ cần sự đồng ý của người đại diện của bị cáo. Cũng như hai quy định trên quy định này cho thấy nhà làm luật chưa thực sự thể hiện đúng nguyên tắc đã được ghi nhận, không bảo đảm quyền được có luật sư bào chữa – một trong những quyền con người cơ bản của người bị buộc tội nói chung, người bị buộc tội dưới 18 tuổi nói riêng ghi nhận trong các văn kiện quốc tế về quyền con người.  

Vì vậy, theo tác giả để bảo đảm quyền của người bị buộc tội dưới 18 tuổi nên quy định theo hướng tôn trọng ý kiến cá nhân (có tính độc lập) của họ và vì vậy trong các trường hợp từ chối, thay đổi người bào chữa hoặc quyết định đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội dưới 18 tuổi.  

Ngoài ra BLTTHS năm 2015 còn bổ sung nhiều quy định bảo đảm quyền con người của người bị buộc dưới 18 tuổi như: Quy định việc xét hỏi, tranh luận tại phiên toà phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của người dưới 18 tuổi, phòng xử án được bố trí thân thiện; Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp khiển trách, hoà giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã phường nhằm phù hợp với chính sách trong Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của hội thảo tác giả chỉ dừng lại phân tích một vài quy định sửa đổi nhưng còn gây tranh cãi, cần xem xét để tiếp tục hoàn thiện, những nội dung khác có liên quan đến bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội dưới 18 tuổi sẽ tiếp tục được đề cập trong các nghiên cứu khác./.    

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon