Người bị buộc tội dưới 18 tuổi được xác định thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương theo luật quốc tế và sự bảo vệ đặc biệt của nhóm đối tượng này được quy định trong luật quốc tế và luật pháp của tất cả quốc gia chỉ khác nhau về cách thức và mức độ.[1] Trong các điều ước quốc tế bảo vệ quyền con người, Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên khi tham gia các công ước quốc tế: Công ước về quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước về các quyền kinh tế và văn hoá năm 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Công ước quốc tế về xoá bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1966… Việc nội luật hoá quy định trong các công ước này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong cam kết thực thi công ước với cộng đồng quốc tế.
1. Một số điểm mới trong nguyên tắc xử lý người bị buộc tội dưới 18 tuổi
Hoạt động tố tụng tiến hành nhằm bảo vệ quyền con người nhưng cũng chính trong hoạt động tố tụng này mà quyền con người dễ bị vi phạm nhất.[2] Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi thể hiện sâu sắc yêu cầu dân chủ, pháp quyền, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận là tư tưởng xuyên suốt trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.[3]
Đối với người dưới 18 tuổi (Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 sử dụng thuật ngữ người chưa thành niên), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 xây dựng trên cơ sở quán triệt nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” với các thủ tục chuyên biệt, thể hiện mức độ ưu tiên, hướng tới bảo đảm lợi ích tốt nhất cho nhóm đối tượng này. Chuyên đề này hướng tới việc là rõ một số thay đổi trong BLTTHS năm 2015 về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đặt trong mục tiêu bảo đảm quyền con người đồng thời phát hiện và đưa ra trao đổi về hạn chế trong những quy định này, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội dưới 18 tuổi trong pháp luật tố tụng hình sự.
2. Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội người dưới 18 tuổi
Khoản 3 Điều 40 Công ước về quyền trẻ em 1989 ghi nhận:
“Các quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy việc thiết lập những đạo luật, thủ tục, các cơ quan và thể chế áp dụng riêng cho những trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là vi phạm pháp luật hình sự”.
BLTTHS năm 2015 kế thừa những điểm tiến bộ, phù hợp với luật pháp quốc tế xây dựng thủ tục tố tụng riêng đối với người dưới 18 tuổi áp dụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Ngoài việc bổ sung về phạm vi áp dụng đối với cả người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, BLTTHS năm 2015 bổ sung một nội dung quan trọng định hướng cho hoạt động tố tụng tiến hành đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, đó là quy định về nguyên tắc tiến hành tố tụng tại Điều 414. Khi tiến hành giải quyết vụ án hình sự có người bị buộc tội, người làm chứng, người bị hại dưới 18 tuổi ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, còn phải tuân theo các nguyên tắc sau:
– Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
– Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.
– Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.
– Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.
– Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
– Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
– Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Việc ghi nhận các nguyên tắc này được đánh giá là điểm đổi mới rất cơ bản về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên… tạo điều kiện tối đa bảo đảm việc bảo vệ quyền và lợi ích của người chưa thành niên trong hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự, vốn là các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, có tính cưỡng chế và nghiêm khắc.[4]
Tuy nhiên, với tính chất định hướng cho hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, khi so sánh với các nguyên tắc khác tại Chương II của BLTTHS năm 2015 có thể nhận thấy các nguyên tắc này có tính khái quát cao nhưng một số nguyên tắc không cho thấy được trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong thực thi pháp luật, chưa thể hiện được sự thống nhất trong xây dựng pháp luật giữa các phần.
Nhằm bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi bình đẳng với người lớn về các quyền năng tố tụng, bảo đảm thực thi được thống nhất nên cân nhắc bổ sung nội dung này vào nguyên tắc. Đồng thời cụ thể nguyên tắc bảo đảm bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi để tránh vi phạm do quy định vẫn đang có tính chất định hướng như hiện nay.[5]
Bổ sung này có thể coi như cụ thể hoá nội dung các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên, 1985 (Các quy tắc Bắc Kinh) nhằm bảo đảm quyền riêng tư của người chưa thành niên trong tất cả các giai đoạn tố tụng, tránh những tổn hại gây ra do sự công khai hoá quá mức về người bị buộc tội dưới 18 tuổi.
Điều 414. Nguyên tắc tiến hành tố tụng
“1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
2. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.
3. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.
4. Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.
5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
6. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi”.
[1] Khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội (2011), Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr.20.
[2] Nguyễn Văn Tuân (2010), “Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là quốc gia thành viên và vấn đề nội luật hoá”, Tạp chí Luật học, (5), tr.44.
[3] Nguyễn Hoà Bình (2016), “Bảo đảm quyền con người, quyền công dân – tư tưởng xuyên suốt trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015” trong sách Những nội dung mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nguyễn Hoà Bình (chủ biên), Nxb chính trị quốc gia, tr.40.
[4] Nguyễn Xuân Hà (2016), “Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên”, trong sách Những nội dung mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nguyễn Hoà Bình (chủ biên), Nxb chính trị quốc gia, tr.352.
[5] Thực tế hiện nay nhiều các bài viết kèm hình ảnh về các đối tượng bị buộc tội dưới 18 tuổi trên các báo điện tử,
VD: https://thanhnien.vn/thoi-su/bat-bang-trom-tuoi-teen-nghien-game-111203.html;
Hình ảnh được cung cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Điều này vi phạm quyền riêng tư– quyền con người được ghi nhận và bảo đảm trong tố tụng, đặc biệt với người dưới 18 tuổi dễ gây tổn thương, tác động bất lợi.