Thủ tục tố tụng cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh

thu-tuc-to-tung-canh-tranh-theo-luat-canh-tranh-2018

Thủ tục tố tụng cạnh tranh được hiểu là trình tự các giai đoạn liên tục nhau theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018 mà theo đó những người tiến hành tố tụng thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ và người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình để giải quyết, xử lý  vụ việc cạnh tranh. Thủ tục tố tụng cạnh tranh bao gồm ba giai đoạn cơ bản, đó là: điều tra vụ việc cạnh tranh; xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu kỹ hơn về giai đoạn trên nhé.

Căn cứ pháp lý

  • Luật cạnh tranh 2018

1.  Điều tra vụ việc cạnh tranh

Điều tra vụ việc cạnh tranh là giai đoạn mở đầu và giữ vai trò vô cùng quan trọng vì trong giai đoạn này, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh mà cụ thể là các điều tra viên vụ việc cạnh tranh áp dụng chuyên môn, nghiệp vụ của mình để xác định các tình tiết khách quan của vụ việc hoặc các chủ thể liên quan đến vụ việc cạnh tranh. Như vậy, có thể thấy rằng tính chính xác trong kết quả điều tra ảnh hưởng rất lớn đến tính chính xác trong việc giải quyết và xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trong quá trình thực hiện công tác điều tra vụ việc cạnh tranh, khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh xem xét, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chuyển một phần hoặc toàn bộ hồ sơ liên quan đến dấu hiệu của tội phạm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xác định không có căn cứ hoặc không khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về cạnh tranh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để tiếp tục điều tra theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Thời hạn điều tra được tính từ ngày Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận lại hồ sơ (Điều 85 Luật Cạnh tranh 2018).

Điều tra vụ việc cạnh tranh được khởi đầu bằng quyết định điều tra của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và kết thúc tại thời điểm Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc ra kết luận điều tra và chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh, báo cáo điều tra và kết luận điều tra đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để tổ chức xử lý.

1.1. Quyết định điều tra

Căn cứ vào Điều 80 Luật Cạnh tranh 2018, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, việc khiếu nại vụ việc cạnh tranh đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 77 của Luật Cạnh tranh 2018 và không thuộc trường hợp bị trả hồ sơ khiếu nại.

Theo Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018, các tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh có quyền thực hiện khiếu nại vụ việc cạnh tranh đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Thời hiệu khiếu nại là 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện đồng thời bên khiếu nại phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Hồ sơ khiếu nại bao gồm:

  • Đơn khiếu nại theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;
  • Chứng cứ để chứng minh các nội dung khiếu nại có căn cứ và hợp pháp;
  • Các thông tin, chứng cứ liên quan khác mà bên khiếu nại cho rằng cần thiết để giải quyết vụ việc.

Theo Điều 78 Luật Cạnh tranh 2018, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại; trường hợp hồ sơ khiếu nại đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo cho bên khiếu nại về việc tiếp nhận hồ sơ đồng thời thông báo cho bên bị khiếu nại.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra thông báo cho các bên liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét hồ sơ khiếu nại; trường hợp hồ sơ khiếu nại không đáp ứng yêu cầu luật định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo bằng văn bản về việc bổ sung hồ sơ khiếu nại cho bên khiếu nại.

Thời hạn bổ sung hồ sơ khiếu nại là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ khiếu nại. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể gia hạn thời gian bổ sung hồ sơ một lần nhưng không quá 15 ngày theo đề nghị của bên khiếu nại.

Trong các thời hạn nói trên, bên khiếu nại hoàn toàn có quyền rút hồ sơ khiếu nại và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia dừng việc xem xét hồ sơ khiếu nại.

Theo Điều 79 Luật Cạnh tranh 2018, ̉Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:

  • Thời hiệu khiếu nại đã hết;
  • Khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;
  • Bên khiếu nại không bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật này;
  • Bên khiếu nại xin rút hồ sơ khiếu nại.

Thứ hai, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, cần lưu ý trong trường hợp này, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.

Trong trường hợp này, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trên cơ sở các thông tin mà trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh hoặc trên cơ sở tiếp nhận, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp.

Theo quy định tại Điều 75 Luật Cạnh tranh 2018, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh có trách nhiệm thông báo và cung cấp thông tin, chứng cứ cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, chứng cứ trung thực cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Đồng thời,Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thêm thông tin, chứng cứ để làm rõ về hành vi vi phạm (khoản 2 Điều 76 Luật Cạnh tranh 2018). Trong trường hợp được yêu cầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện các biện pháp cần thiết để giữ bí mật về thông tin và danh tính của tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, chứng cứ.

1.2. Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh

Theo Điều 81 Luật Cạnh tranh 2018, thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh trong từng vụ việc cạnh tranh cụ thể sẽ phụ thuộc vào nội dung của vụ việc cạnh tranh đó, cụ thể:

  • Thời hạn điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh là 09 tháng kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.
  • Thời hạn điều tra vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 60 ngày.
  • Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 45 ngày.
  • Việc gia hạn điều tra phải được thông báo đến bên bị điều tra và các bên liên quan chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày kết thúc thời hạn điều tra

1.3. Nội dung hoạt động điều tra

  • Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 82 Luật Cạnh tranh 2018)

Trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính sau đây theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:

+ Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

+ Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

+ Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm.

Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh cần tuân thủ các quy định tại Mục 2 Chương VI Nghị định 35/2020/NĐ-CP.

  • Lấy lời khai (Điều 83 Luật Cạnh tranh 2018)

Điều tra viên vụ việc cạnh tranh tiến hành lấy lời khai của bên khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, tổ chức, cá nhân liên quan khác để thu thập và xác minh các thông tin, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ việc cạnh tranh.

Việc lấy lời khai quy định được tiến hành tại trụ sở của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Trong trường hợp cần thiết, việc lấy lời khai có thể được tiến hành bên ngoài trụ sở của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Biên bản ghi lời khai phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ vào từng trang. Người khai có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản còn phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản vào từng trang.

Trường hợp người được lấy lời khai từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản, điều tra viên vụ việc cạnh tranh tiến hành lấy lời khai phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

  • Triệu tập người làm chứng trong quá trình điều tra

Trong quá trình điều tra, các bên có quyền đề nghị Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh triệu tập người làm chứng. Bên đề nghị triệu tập người làm chứng có nghĩa vụ trình bày lý do cần thiết phải có người làm chứng để Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh quyết định và việc lấy lời khai của người làm chứng phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 83 của Luật Cạnh tranh 2018.

  • Đình chỉ điều tra, khôi phục điều tra
  • Khôi phục điều tra

Theo quy định tại Điều 86 Luật Cạnh tranh 2018, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ việc cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:

  • Trong quá trình điều tra không thể thu thập chứng cứ để chứng minh được hành vi vi phạm theo quy định của Luật này;
  • Bên khiếu nại rút hồ sơ khiếu nại và bên bị điều tra cam kết chấm dứt hành vi bị điều tra, cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh chấp thuận;
  • Trường hợp thực hiện điều tra do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh, bên bị điều tra cam kết chấm dứt hành vi bị điều tra, cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh chấp thuận.
  • Đình chỉ điều tra

Theo Điều 87 Luật Cạnh tranh 2018, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoặc theo đề nghị của các bên liên quan khôi phục điều tra trong các trường hợp sau đây:

  • Bên bị điều tra không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ cam kết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 86 của Luật này;
  • Việc chấp thuận cam kết của bên bị điều tra dựa trên các thông tin không đầy đủ, không chính xác hoặc thông tin sai lệch do các bên cung cấp.

Thời hạn điều tra sau khi có quyết định khôi phục điều tra là 04 tháng.

  • Báo cáo điều tra, kết luận điều tra
  • Báo cáo điều tra

Theo Điều 88 Luật Cạnh tranh 2018, sau khi kết thúc điều tra, điều tra viên vụ việc cạnh tranh lập báo cáo điều tra gồm các nội dung chủ yếu sau đây để trình Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh:

  • Tóm tắt vụ việc;
  • Xác định hành vi vi phạm;
  • Tình tiết và chứng cứ được xác minh;
  • Đề xuất biện pháp xử lý.
  • Kết luận điều tra

Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra kết luận điều tra và chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh, báo cáo điều tra và kết luận điều tra đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để tổ chức xử lý theo quy định.

2. Xử lý vụ việc cạnh tranh

2.1. Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh

Theo Điều 90 Luật Cạnh tranh 2018, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra một trong các quyết định sau đây:

  • Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh;
  • Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh điều tra bổ sung trong trường hợp nhận thấy các chứng cứ thu thập chưa đủ để xác định hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh. Thời hạn điều tra bổ sung là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định;
  • Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

Thời hạn xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong trường hợp điều tra bổ sung là 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, báo cáo điều tra và kết luận điều tra bổ sung.

2.2. Xử lý vụ việc tập trung kinh tế

Theo Điều 89 Luật Cạnh tranh 2018, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra một trong các quyết định sau đây:

  • Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh;
  • Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh điều tra bổ sung trong trường hợp nhận thấy các chứng cứ thu thập chưa đủ để xác định hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh. Thời hạn điều tra bổ sung là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định;
  • Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

Thời hạn xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong trường hợp điều tra bổ sung là 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, báo cáo điều tra và kết luận điều tra bổ sung.

2.3. Xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Theo Điều 91 Luật Cạnh tranh 2018, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có thể yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiến hành điều tra bổ sung trong trường hợp nhận thấy các chứng cứ thu thập chưa đủ để xác định hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh. Thời hạn điều tra bổ sung là 60 ngày kể từ ngày yêu cầu.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được thành lập hoặc ngày nhận được báo cáo điều tra và kết luận điều tra bổ sung, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh hoặc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trước khi ra quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh phải mở phiên điều trần theo quy định.

Theo Điều 93 Luật Cạnh tranh 2018, chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh phải mở phiên điều trần.

Phiên điều trần được tổ chức công khai. Trường hợp nội dung điều trần có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh thì có thể được tổ chức kín.

Quyết định mở phiên điều trần và giấy triệu tập tham gia phiên điều trần phải được gửi cho bên khiếu nại, bên bị điều tra và các tổ chức, cá nhân liên quan chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày mở phiên điều trần; trường hợp đã được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh triệu tập tham gia phiên điều trần mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc đã được triệu tập tham gia phiên điều trần hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh vẫn tiến hành xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định.

Những người tham gia phiên điều trần bao gồm:

  • Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
  • Bên khiếu nại;
  • Bên bị điều tra;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị điều tra;
  • Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và điều tra viên vụ việc cạnh tranh đã điều tra vụ việc cạnh tranh;
  • Thư ký phiên điều trần;
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những người khác được ghi trong quyết định mở phiên điều trần.

Tại phiên điều trần, người tham gia phiên điều trần trình bày ý kiến và tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các ý kiến và tranh luận tại phiên điều trần phải được ghi vào biên bản.

Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh ra quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trên cơ sở thảo luận, bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số.

3. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Theo Điều 94, Luật Cạnh tranh 2018, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tóm tắt nội dung vụ việc;
  • Phân tích vụ việc;
  • Kết luận xử lý vụ việc.

Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được tống đạt cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký.

Việc tống đạt quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải được thực hiện bằng một hoặc một số phương thức sau đây:

  • Trực tiếp;
  • Qua bưu điện;
  • Qua người thứ ba được ủy quyền.

Trường hợp không tống đạt được theo một trong các phương thức này thì quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải được niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày kết thúc thời hạn khiếu nại quy định tại Điều 96 của Luật này, trừ trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại và trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định đó. Quyết định tạm đình chỉ của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật (khoản 2 Điều 99 Luật Cạnh trang 2018).

4. Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh

Theo Điều 92 Luật Cạnh tranh 2018, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét việc quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế và vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong các trường hợp sau đây:

  • Bên khiếu nại rút đơn khiếu nại và bên bị điều tra cam kết chấm dứt hành vi bị điều tra, cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả;
  • Trường hợp thực hiện điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật này, bên bị điều tra cam kết chấm dứt hành vi bị điều tra, cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh xem xét việc quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:

  • Bên khiếu nại rút đơn khiếu nại và bên bị điều tra cam kết chấm dứt hành vi bị điều tra, cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả;
  • Trường hợp thực hiện điều tra quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật này, bên bị điều tra cam kết chấm dứt hành vi bị điều tra, cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh phải được gửi cho bên khiếu nại, bên bị điều tra và công bố công khai.

5. Giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

5.1. Khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Theo Điều 96 Luật Cạnh tranh 2018, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, tổ chức, cá nhân không nhất trí với một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Theo Điều 97 Luật Cạnh tranh 2018, đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;
  • Tên, địa chỉ của bên làm đơn khiếu nại;
  • Số, ngày, tháng, năm của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại;
  • Lý do của việc khiếu nại và yêu cầu của bên làm đơn khiếu nại;
  • Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên làm đơn khiếu nại.

Đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh kèm theo thông tin, chứng cứ bổ sung (nếu có) chứng minh cho khiếu nại của mình là có căn cứ và hợp pháp.

5.2. Thụ lý đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Theo Điều 98 Luật Cạnh tranh 2018, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thụ lý giải quyết, thông báo bằng văn bản cho bên khiếu nại và các bên liên quan đến nội dung đơn khiếu nại; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

  • Hậu quả của việc khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Theo Điều 99 Luật Cạnh tranh 2018, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại vẫn tiếp tục được thi hành, trừ trường hợp quy định trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định đó. Quyết định tạm đình chỉ của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật.

5.3. Giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Theo Điều 100 Luật Cạnh tranh 2018, việc giải quyết khiếu nại đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh được quy định như sau:

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và tất cả các thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trừ các thành viên đã tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
  • Việc ra quyết định giải quyết khiếu nại phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại tham gia. Quyết định giải quyết khiếu nại được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số; trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng giải quyết khiếu nại;
  • Thời hạn giải quyết khiếu nại là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại.

Việc giải quyết khiếu nại đối với vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh được quy định như sau:

  • Sau khi thụ lý đơn khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền;
  • Thời hạn giải quyết khiếu nại là 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại trong hai trường hợp nói trên có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

Theo Điều 101 Luật Cạnh tranh 2018, nội dung quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định như sau:

  • Giữ nguyên quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
  • Sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
  • Hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh để giải quyết lại trong các trường hợp sau đây:

+ Thành phần Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh không đúng quy định của Luật này;

+ Có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng cạnh tranh;

+ Có tình tiết mới dẫn đến khả năng thay đổi cơ bản quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không thể biết được.

Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị hủy, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giao lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh hoặc thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật này. Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, điều tra viên vi phạm không được tiếp tục tham gia điều tra, xử lý vụ việc này.

Theo Điều 102 Luật Cạnh tranh 2018, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải được gửi đến tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành.

Theo Điều 103 Luật Cạnh tranh 2018, trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh tại Toà án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp Tòa án thụ lý đơn khởi kiện, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon