Kỹ năng đàm phán trong tranh chấp dân sự

ky-nang-dam-phan-trong-tranh-chap-dan-su

Khi tham gia các quan hệ dân sự, việc xảy ra tranh chấp là điều không một ai mong muốn. Do đó, khi tranh chấp xảy ra, nên lựa chọn phương thức giải quyết nào là tốt nhất để bảo đảm quyền lợi và mối quan hệ giữa các bên, ít tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc. Hiện nay, có nhiều phương thức để giải quyết tranh chấp khác nhau.

Tuy nhiên, thực tiễn khoa học và pháp lý ghi nhận bốn phương thức giải quyết tranh chấp sau: thương lượng, hòa giải, Tòa án và trọng tài. Theo đó, trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, kỹ năng đàm phán được xem là một trong những kỹ năng, yếu tố quyết định tạo nên sự thành công của cả quá trình thương lượng. Vậy, kỹ năng đàm phán trong tranh chấp dân sự được hiểu như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia hy vọng sẽ giúp bạn đọc có thêm những kiến thức bổ ích về vấn đề này.

1. Đàm phán là gì?

1.1. Phương thức giải quyết tranh chấp dân sự là gì?

Trước khi đến với định nghĩa đàm phán trong tranh chấp dân sự, chúng ta cùng tìm hiểu phương thức giải quyết tranh chấp dân sự được hiểu như thế nào?

Phương thức giải quyết tranh chấp dân sự được định nghĩa là các hoạt động nhằm điều chỉnh sự bất đồng, xung đột qua đó khắc phục và loại trừ các tranh chấp đã phát định, từ đó nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ dân sự.

Dựa trên tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và các đặc điểm về phong tục, tập quán khác nhau mà các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự trong pháp luật của mỗi quốc gia quy định không giống nhau. Tuy nhiên, dù là phương thức nào, việc giải quyết tranh chấp dân sự không được trái với các quy định của pháp luật.

1.2. Đàm phán trong tranh chấp dân sự là gì?

Đàm phán được xem là một quá trình hay có thể gọi là một kỹ năng quan trọng được diễn ra trong tiến trình trao đổi, thảo luận giữa hai hay nhiều bên để đạt được những thỏa thuận. Quá trình đàm phán diễn ra khi có những mâu thuẫn hay có những mối quan tâm cần được giải quyết. Đàm phán chỉ được thực hiện khi và chỉ khi cần sự thống nhất về quyền và lợi ích giữa các bên. Nếu thuận lợi quá trình đàm phán có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc cũng có thể kéo dài trong vài năm.

Theo đó, trong các mối quan hệ dân sự việc xảy ra mâu thuẫn có lẽ là điều không thể tránh khỏi. Đàm phán được xem như là một phương pháp cần thiết khi các bên mong muốn giải quyết ổn thỏa những xung đột về mặt lợi ích. Trong quá trình tìm kiếm những lợi ích của mình, các bên có thể có những thỏa thuận về lợi ích gây xung đột, bất lợi cho lợi ích của các bên khác trong quan hệ dân sự.

Như vậy, người tham gia đàm phán phải có những kỹ năng cần thiết, cùng với đó là nắm vững mục đích của đàm phán là gì, tại sao cần phải đàm phán để từ đó có thể khẳng định một cuộc đàm phán được xem là thành công hay không.

2. Kỹ năng đàm phán của các nước trên thế giới

2.1. Đàm phán trong giải quyết tranh chấp tại Nhật Bản

Nhật Bản được xem là một quốc gia ưu tiên việc dùng đàm phán để giải quyết tranh chấp trong các mối quan hệ dân sự cũng như kinh doanh.

Bởi xuất phát từ những phong tục, tập quán cùng văn hóa đặc trưng của đất nước, Nhật Bản chọn đàm phán vừa đảm bảo giải quyết được những tranh chấp tồn tại cũng vừa đảm bảo lễ nghi, lịch sự theo đúng truyền thống của họ.

Thế giới nhìn nhận đàm phán trong cách giải quyết tranh chấp của Nhật Bản như những cuộc “đàm phán kín tiếng”. Bởi Nhật Bản là một xã hội luôn nhấn mạnh “Chúng tôi” thay vì “Tôi”. Người Nhật luôn coi đàm phán như một cuộc đấu tranh nhưng đồng thời người Nhật lại không thích tranh luận chính luận với đối thủ đàm phán.

Họ tránh xung đột bằng cách thỏa hiệp và không áp dụng hành động nếu như họ cho rằng họ chưa suy nghĩ được thấu đáo mọi vấn đề. Sự “kín tiếng” thể hiện trong thái độ khi đàm phán, khi đối mặt hoặc công khai đấu tranh với đối phương, họ sẽ không tỏ ra phản ứng ngày mà biết cách sử dụng khéo léo những tài liệu có trong tay để giải quyết những vấn đề sao cho có lợi nhất về phía họ.

Một trong những kỹ năng đáng học hỏi khác trong phong cách đàm phán của người Nhật là tìm hiểu rõ đối tác trước đàm phán. Người Nhật trước khi bước vào đàm phán luôn có thói quen tìm hiểu tình hình của đối phương, bởi họ quan niệm rằng “trước hết tìm hiểu rõ đối tác là ai mới ngồi lại đàm phán” chứ không phải “ngồi vào bàn đàm phán trước rồi mới tìm hiểu xem họ là ai”.

Họ không chỉ tìm hiểu đầy đủ thông tin về đối phương mà họ còn sẽ tiến hành điều tra cả những đối tác xung quanh. Ví như trong kinh doanh, người Nhật không chỉ tìm hiểu đối phương kinh doanh như thế nào và ai đang kinh doanh với họ đều rất quan trọng, có thể nói đó cũng là một phần quyết định phần trăm thắng lợi của một cuộc đàm phán.

2.2. Quy định về đàm phán trong pháp luật Việt Nam

Ví dụ về “Dân trong Hình” có thể kể đến việc đàm phán về vấn đề bồi thường cho bị hại trong các vụ án hình sự. Căn cứ theo khoản 2, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bị hại được quyền rút yêu cầu khởi tố. Đồng thời, căn cứ theo điểm g, khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định bị hại có quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường.

Theo đó, trong các vụ án có ranh giới giữa dân sự và hình sự, người bị hại và các bên liên quan có thể đàm phán về chi phí bồi thường thiệt hại. Từ đó, khi các bên đàm phán và đi đến thống nhất các khoản bồi thường về vật chất lẫn tinh thần thì vụ án đình chỉ giải quyết.

Vậy nên, đàm phán được xem là một phương thức giải quyết vừa đảm bảo cho các bên đưa ra các yêu cầu để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, vừa đảm bảo giảm thiểu các quá trình điều tra giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng nếu vụ án được đưa ra giải quyết.

3. Ưu điểm của đàm phán

Thứ nhất, khi lựa chọn đàm phán để giải quyết tranh chấp, không chỉ dễ dàng để áp dụng mà còn tiết kiệm được thời gian và chi phí của các bên.

Thứ hai, không như tố tụng dân sự, đàm phán sẽ không phải nộp tiền án phí hay tiền tạm ứng án phí.

Thứ ba, khi tranh chấp xảy ra việc các bên lựa chọn đàm phán không chỉ đem lại được những kết quả tốt nhất mà còn có thể giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên. Hay thậm chí từ những mối hệ từ trước các bên còn có thể phát triển thêm nhiều mối quan hệ khác, làm tiền đề cho những công việc hay hợp tác sau này.

Thứ tư, hiện nay, tại Việt Nam số lượng vụ việc liên quan đến tranh chấp dân sự trở nên quá tải. Do đó, việc lựa chọn đàm phán để giải quyết tranh chấp còn giúp cho các cơ quan tố tụng giảm áp lực về khối lượng công việc.

Cụ thể đối với các tranh chấp đất đai, hòa giải là thủ tục bắt buộc. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định:

Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.”

Theo đó, nếu hòa giải thành và các bên đi đến thống nhất quan điểm, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có thể giảm bớt khối lượng công việc và giảm bớt áp lực trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.

4. Những kỹ năng cần có khi đàm phán trong tranh chấp dân sự

Thứ nhất, người tham gia đàm phán phải nghiên cứu hồ sơ và nội dung vụ việc. Đồng thời tìm hiểu các quy định pháp lý có liên quan để có thể vận dụng linh hoạt trong quá trình đàm phán giữa các bên.

Thứ hai, người đàm phán phải có kỹ năng dẫn dắt vấn đề trong quá trình đàm phán.

Để xác định mức độ thành công của buổi đàm phán còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố kỹ năng giao tiếp của người đàm phán. Xuyên suốt buổi đàm phán, người đàm phán phải giữ cho mình một thái độ bình tĩnh, tư duy lời nói và hành động để dẫn dắt và thiết lập vấn đề theo đúng trình tự đã đề ra.

Thứ ba, người đàm phán phải có kỹ năng giải thích, thuyết phục các bên tự nguyện giải quyết tranh chấp

Đây được xem là một trong những kỹ năng quan trong trong quá trình đàm phán. Bởi từ đầu mục đích của đàm phán là để các bên có thể tự nguyện giải quyết tranh chấp, đi đến thống nhất các thỏa thuận mà không cần phải khởi kiện ra Tòa án.

Thứ tư, đưa ra phương án cũng như đề nghị giải quyết một cách chủ động, linh hoạt. Tùy vào tình hình, nội dung của từng vụ việc, từng thời điểm, đối tác… để ra quyết sách phù hợp, hướng tới lợi ích chung của tất cả các bên.

Trên đây là nội dung liên quan đến kỹ năng đàm phán trong tranh chấp dân sự. Hy vọng qua bài viết trên Luật Dương Gia đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon