Bảo hộ quyền tác giả

bao-ho-quyen-tac-gia

Trong thời đại phát triển của khoa học công nghệ, càng có nhiều hành vi tinh vi hơn để “đánh cắp” tài sản trí tuệ của người khác. Theo đó, để thiết lập một cách chặt chẽ cũng như hạn chế tối đa những tranh chấp liên quan đến quyền tác giả, đã có những quy định pháp lý ra đời để bảo vệ quyền và lợi ích tối đa cho các tác giả – những chủ thể sáng tạo. Vậy bảo hộ quyền tác giả được quy định như thế nào? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khái niệm quyền tác giả

Quyền tác giả, theo tiếng Anh thực chất là quyền sao chép vì từ “copyright” được ghép từ “copy” (sao chép) và “right” (quyền).

Trong Nghị định 142/HĐBT ngày 14/11/1986 văn bản đầu tiên điều chỉnh quyền tác giả và tiếp đó Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền SHCN”. Trên cơ sở đó, Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự 2005 và Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đều sử dụng thuật ngữ quyền tác giả.

Bộ luật Dân sự 2005 không quy định thế nào là quyền tác giả và quyền liên quan. Luật SHTT 2005 lần đầu tiên quy định về khái niệm quyền tác giả, tạo được sự minh bạch, cụ thể, rõ ràng về các đối tượng đó, đây là những quy định mới rất tiến bộ: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (Khoản 2, Điều 4).

Trước hết, về chủ thể quyền tác giả bao gồm tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo Điều 736 Bộ luật Dân sự 2005, tác giả là người sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (dưới đây gọi chung là tác phẩm) là tác giả của tác phẩm đó. Trong trường hợp có hai người hoặc nhiều người cùng sáng tạo ra tác phẩm thì những người đó là các đồng tác giả. Người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của người khác, bao gồm tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn là tác giả của tác phẩm phái sinh đó.

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm như nhạc sỹ sáng tác bài hát, nhà văn công bố tiểu thuyết,… có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm đó, nếu vừa là tác giả vừa là chủ sở hữu tác phẩm. Các cá nhân, tổ chức hỗ trợ, đóng góp ý kiến hay cung cấp tài liệu, phương tiện, tài chính cho người khác sáng tạo không phải là tác giả.

Những trường hợp cá nhân sáng tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo đơn đặt hàng của một cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả sáng tạo hoặc thuê tác giả sáng tạo sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả. Nếu như tác giả nắm giữ các quyền tinh thân (nhân thân) thì chủ sở hữu quyền tác giả là người nắm giữ các quyền kinh tế, có quyền khai thác giá trị thương mại từ tác phẩm.

Thứ hai, về khách thể của quyền tác giả cũng dựa trên cơ sở khách thể của quan hệ pháp luật, là kết quả của quá trình sáng tạo của tác giả tạo ra một sản phẩm (tác phẩm). Bộ luật Dân sự 2005 chỉ quy định đối tượng quyền tác giả bao gồm mọi sản phẩm sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện dưới bất kỳ hình thức và bằng bất kỳ phương tiện nào, không phân biệt nội dung, giá trị và không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục nào.

Thứ ba, nội dung của quyền tác giả bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản của các chủ thể.

Quyền nhân thân

Theo pháp luật dân sự, quyền nhân thân đuợc hiểu là những quyền luôn gắn liền với các chủ thể, không thể chuyển giao. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quyền tác giả, bên cạnh những quyền nhân thân luôn gắn liền với tác giả, quyền công bố tác phẩm là tiền đề để có thể thực hiện được các quyền tài sản, nên có thể chuyển giao cho chủ thể khác.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành ở nước ta ghi nhận và bảo vệ quyền nhân thân của tác giả. Khoản 1, 2, 4 Điều 19 Luật SHTT 2005 quy định quyền nhân thân không thể chuyển giao bao gồm: ddặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản

Quyền tài sản (pháp luật một số nước còn gọi là quyền kinh tế) là độc quyền khai thác hoặc cho người khác khai thác tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả.

Các quyền tài sản thuộc quyền tác giả bao gồm: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Bảo hộ quyền tác giả

2.1. Tác phẩm và các loại hình tác phẩm được bảo hộ

2.1.1. Tác phẩm

Luật SHTT 2005, tại Khoản 7, Điều 4 định nghĩa tác phẩm như sau: Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Khoản 3 Điều 14 bổ sung: Tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Tác phẩm phải là những sáng tạo tinh thần của tác giả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được thể hiện dưới một phương tiện hay hình thức nhất định. Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải đảm bảo các yếu tố sau:

Một là, tác phẩm phải là thành quả của quá trình lao động trí tuệ mang tính chất sáng tạo.

Chủ thể của hoạt động sáng tạo là các tác giả (con người cụ thể) thông qua quá trình hoạt động của trí não, kinh nghiệm của bản thân và các yếu tố hỗ trợ khác tạo ra thành quả chính là tác phẩm. Sự lao động sáng tạo trong lĩnh vực khoa học có những khám phá mới về đời sống xã hội, khám phá về cuộc sống, con người, phát hiện những chủ đề mới, nhân vật mới hay vấn đề mới thể hiện tính sáng tạo, tính độc đáo trong quan niệm, phương thức biểu hiện tư tưởng hay tình cảm. Vì vậy, tác phẩm hết sức đa dạng và phong phú, chứa đựng những giá trị tinh thần. Thời gian sáng tạo ra tác phẩm có thể dài, ngắn, phụ thuộc vào những hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh của bản thân tác giả.

Tác phẩm làm cho công chúng tiếp nhận được những nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định hay nói cách khác là thể hiện dấu ấn của cá nhân. Tuy nhiên, ngoài những giá trị tinh thần thì tác phẩm còn có khả năng mang lại những giá trị kinh tế – thương mại nên cần phải có sự bảo hộ đặc biệt.

Hai là, tác phẩm phải mang tính nguyên gốc

Tiêu chí để xác định một tác phẩm gốc dựa trên cơ sở:

(1) Nếu tác phẩm chứa đựng sự sao chép từ một hoặc một số tác phẩm có trước mà dấu ấn cá nhân hoặc tính cách riêng của tác giả không còn thể hiện trong tác phẩm nữa thì tác phẩm không coi là tác phẩm gốc;

(2) Nếu toàn bộ hoặc một phần quan trọng của một tác phẩm có trước và đang được bảo hộ bị chiếm đoạt để sử dụng trong một tác phẩm khác, tức là bị sao chép sang một tác phẩm khác thì trong trường hợp này có sự xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm trước đó.

Mặc dù đã có các tiêu chí xác định tác phẩm mang tính nguyên gốc nhưng khi có tranh chấp, tác giả phải chứng minh tác phẩm được sáng tạo độc lập hoặc nếu có sử dụng tác phẩm của người khác thì phải chỉ rõ phần sử dụng này để có thể xác định tính nguyên gốc tác phẩm của mình và đảm bảo quyền của tác giả khác.

Ba là, tác phẩm phải được định hình trong một “phương tiện thể hiện” cụ thể

Phương tiện để thể hiện tác phẩm dưới dạng văn bản hay vật thể. Hình thức thể hiện bằng văn bản rất đa dạng tùy thuộc vào loại hình tác phẩm như tác phẩm văn học (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ…), tác phẩm nghệ thuật (tranh, ảnh, thư pháp…).

Bốn là, tác phẩm là kết quả sáng tạo của tác giả

Kết quả sáng tạo của tác phẩm trong từng lĩnh vực xác định dựa trên cơ sở đánh giá của các nhà chuyên môn gắn với “sự sáng tạo của tác giả”. Xác định tính “mới” tùy thuộc vào từng yêu cầu của tác phẩm hay lĩnh vực nhất định, có những trường hợp chỉ là sự sắp đặt, tuyển chọn lại những tác phẩm đang tồn tại và được bảo hộ (tuyển tập truyện ngắn, tuyển tập thơ, nghệ thuật sắp đặt…).

2.1.2. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ

Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả là các tác phẩm được chia thành tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật SHTT.

2.1.3. Các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả

Đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả là tin tức thời sự thuần tuý đưa tin, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức các văn bản đó; quy trình, hệ thống phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu. Đây là các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Điều 15 của Luật SHTT.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon