Xác định thiệt hại trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Những điểm mới của BLDS năm 2015

xac-dinh-thiet-hai-trong-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm,… danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm Để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc xác định thiệt hại quan trọng và rất ý nghĩa. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nhiều sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cụ thể về “Xác định thiệt hại trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – những điểm mới của BLDS năm 2015”

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Quy định về “tài sản bị mất”, “tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng” được đặt trong cùng một khoản thay vì đặt trong hai khoản khác nhau như trong Bộ luật dân sự năm 2005. Quy định này là hợp lý, bởi vì về bản chất, hai loại thiệt hại này đều là những thiệt hại trực tiếp do tài sản bị xâm phạm, nên việc tách ra là không cần thiết. . Hơn nữa, việc tách hai loại thiệt hại này ra hai khoản khác nhau sẽ có thể dẫn đến cách hiểu rằng những thiệt hại này độc lập với nhau, và khi xác định tính toán tất cả những thiệt hại này. Tuy nhiên, khi thiệt hại được biểu hiện dưới dạng “bị mất” thì chỉ tính giá trị của tài sản bị mất chứ không thể tính tiếp giá trị của thiệt hại về “tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng”.

Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung thêm quy định về “thiệt hại khác do luật quy định”. Quy định này cũng hợp lý, bởi vì khi tài sản bị xâm phạm có thể chủ sở hữu sẽ mất đi những lợi ích mà lẽ ra họ sẽ được hưởng. Do đó, việc liệt kê theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 sẽ không bao quát đầy đủ các thiệt hại mà chủ sở hữu phải gánh chịu khi tài sản bị xâm phạm. Ví dụ, một con trâu đang có mang đến tháng thứ 9 bị ô tô lao chết thì khi xác định thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, không thể tính đến giá trị của “con nghé sắp được sinh ra”. Đây rõ ràng là một lợi ích mà lẽ ra chủ sở hữu con trâu sẽ được hưởng nếu con trâu không bị gây thiệt hại. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, giá trị của con nghé có thể cũng được xác định là một trong những loại thiệt hại khác do pháp luật quy định khi tính toán mức bồi thường.

Quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm trong Bộ luật dân sự năm 2015 có những thay đổi so với Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:

Thứ nhất, bổ sung thêm điểm d khoản 1 với nội dung “thiệt hại khác do luật quy định”. Việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý, bởi vì trên thực tế khi cá nhân bị xâm phạm sức khỏe, ngoài những thiệt hại mà cá nhân phải gánh chịu như Bộ luật dân sự năm 2005 liệt kê thì họ còn có thể bị mất đi những lợi ích khác. Ví dụ, A đã ký hợp đồng khoán việc với thời hạn 1 tháng và mức thù lao 30 triệu. Tuy nhiên, A đã bị xâm phạm sức khỏe trước khi bắt đầu làm việc 1 ngày, khiến cho A không thể làm được công việc đó và mất đi khoản thu nhập mà lẽ ra có được.

Thứ hai, sử dụng cụm từ “người chịu trách nhiệm bồi thường” thay cho cụm từ “người xâm phạm sức khỏe của người khác” trong Bộ luật dân sự năm 2005. Sự thay đổi này hoàn toàn hợp lý, bởi vì thực tế không phải mọi trường hợp người xâm phạm sức khỏe của người khác đều phải chịu trách nhiệm bồi thường. Có rất nhiều trường hợp, người phải bồi thường không phải là người đã gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác. Ví dụ, bố mẹ bồi thường thiệt hại do con dưới 15 tuổi gây ra, pháp nhân bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, …

Thứ ba, xác định rõ mức bù đắp tổn thất về tinh thần nếu không thỏa thuận thì áp dụng cho từng người bị xâm phạm sức khỏe. Đây là một quy định mới và rõ ràng hơn Bộ luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, dường như quy định này là không cần thiết, bởi vì người bị tổn thất tinh thần trong trường hợp này chính là người bị xâm phạm sức khỏe. Đồng thời, mỗi người bị xâm phạm sức khỏe luôn độc lập với nhau trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do đó mức bù đắp tổn thất về tinh thần cũng đương nhiên được xác định một cách độc lập cho từng người.

Thứ tư, mức bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp các bên không có thỏa thuận được xác định tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở. Bộ luật dân sự năm 2005 sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ để tính mức bù đắp về tình. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 lại sử dụng mức lương cơ sở. Sự thay đổi của Bộ luật dân sự năm 2015 cũng hoàn toàn hợp lý, bởi vì thực tế giải quyết tranh chấp, các tòa vẫn áp dụng mức lương cơ sở để xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần. Hơn nữa, mức lương tối thiểu được quy định ở các cùng khác nhau là khác nhau. Do đó, những người bị gây thiệt hại sức khỏe như nhau thuộc các vùng khác nhau mà mức bù đắp tổn thất về tinh thần lại khác nhau là không công bằng.

Một điểm mới trong việc xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần đó là, thay vì xác định mức tối đa khi không thỏa thuận là 30 tháng lương tối thiểu như Bộ luật dân sự năm 2005, thì Bộ luật dân sự năm 2015 là quy định mức tối đa là 50 lần lương cơ sở. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa thực sự rõ ràng bởi vì vẫn chưa đưa ra căn cứ cụ thể áp dụng với từng trường hợp cụ thể (ví dụ: mức tối thiểu là bao nhiêu, căn cứ để áp dụng mức bù đắp bằng 10, 20 hay 30 lần … mức lương cơ sở là gì?).

2. Về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Thứ nhất, trong Bộ luật dân sự năm 2005, chỉ những chi phí cho việc “cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại” trước khi chết mới được bồi thường. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 lại quy định “Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này”, tức là theo quy định này, nếu người bị xâm phạm tính mạng chưa chết ngay thì mức bồi thường sẽ bao gồm cả bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Sự thay đổi này là hợp lý, bởi vì trong thời gian điều trị người bị thiệt hại mất thu nhập, hoặc phải có người chăm sóc, hoặc bị ảnh hưởng về tinh thần, … Do đó, những khoản thiệt hại này là để bồi thường cho chính người bị xâm phạm sức khỏe, còn những khoản bồi thường sau là bồi thường cho người thân thích của người chết.

Thứ hai, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng bổ sung và thay đổi mức bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm cũng tương tự như khi sức khỏe bị xâm phạm như:

(i) Bổ sung quy định “thiệt hại khác do pháp luật quy định”;

(ii) Sửa quy định “người xâm phạm tính mạng của người khác” thành “người chịu trách nhiệm bồi thường”;

(iii) Mức bù đắp tổn thất về tinh thần nếu không thỏa thuận thì được xác định tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở và áp dụng cho mỗi người có tính mạng bị xâm phạm.

Tất cả những thay đổi này đều hợp lý như đã phân tích ở phần trên. Đặc biệt, quy định về mức bù đắp tổn thất tinh thần được áp dụng cho mỗi người có tính mạng bị xâm phạm là rõ ràng và rất cần thiết. Trong trường hợp này, người được bù đắp tổn thất về tinh thần không phải là người bị xâm phạm tính mạng mà là người thân thích của họ. Có thể có nhiều người bị xâm phạm tính mạng nhưng chỉ có một người thân thích. Trên thực tế, nhiều trường hợp đã xảy ra mâu thuẫn giữa những người có thẩm quyền với nhau trong việc xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần chỉ tính một lần với tất cả những người bị xâm phạm tính mạng hay tính riêng với từng người. Sự bổ sung quy định này đã giải quyết được những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.

3. Về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Thứ nhất, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bỏ quy định về chủ thể bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Điều này là hợp lý bởi vì việc liệt kê này là không cần thiết. Bất kỳ chủ thể nào chứng minh được danh dự, nhân phẩm, hoặc uy tín của mình xâm phạm thì đều có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng có những sự điều chỉnh tương tự như đối với trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm như: bổ sung thiệt hại khác do pháp luật quy định; cơ sở để tính mức bù đắp tổn thất về tinh thần là lương cơ sở chứ không phải lương tối thiểu như Bộ luật dân sự năm 2005; mức bù đắp tổn thất về tinh thần được xác định đối với mỗi người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Những phân tích liên quan đến sự hợp lý của những quy định này cũng tương tự như đã phân tích ở phần trên. Tuy nhiên, có một điểm không hợp lý đó là không cần thiết phải xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần áp dụng cho mỗi người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Bởi vì, bởi vì người bị tổn thất tinh thần trong trường hợp này chính là người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Đồng thời, mỗi người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín luôn độc lập với nhau trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do đó mức bù đắp tổn thất về tinh thần cũng đương nhiên được xác định một cách độc lập cho từng người.

4. Về thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm

Thứ nhất, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định liên quan đến việc xác định thời điểm được hưởng bồi thường thiệt hại, cụ thể như: thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động; thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết; thời điểm sinh ra và còn sống đối với con đã thành thai. Sự bổ sung này là rõ ràng và hợp lý. Điều này sẽ giúp các Tòa có căn cứ để xác định mức bồi thường cũng như thời hạn hưởng bồi thường một cách cụ thể và chính xác.

Thứ hai, Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung quy định cho phép các bên được thỏa thuận về thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm. Đây cũng là quy định phù hợp với một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 đó là: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon