Kiểm tra viên là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên?

kiem-tra-vien-la-gi-nhiem-vu-va-quyen-han-cua-kiem-tra-vien

Kiểm tra viên là một chức danh tố tụng mới được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ nội dung về chức danh Kiểm tra viên là gì, pháp luật quy định như thế nào về nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

– Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13;

1. Kiểm tra viên là gì?

Điều 90 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã đưa ra khái niệm khẳng định: “Kiểm tra viên là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”.

Kiểm tra viên có các ngạch sau đây:

– Kiểm tra viên;

– Kiểm tra viên chính;

– Kiểm tra viên cao cấp.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên?

Điều 90 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định Kiểm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Nghiên cứu hồ sơ vụ, việc và báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;

– Lập hồ sơ kiểm sát vụ, việc;

– Giúp Kiểm sát viên thực hiện hoạt động khác khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

– Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng.

Kiểm tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Kiểm sát viên và trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ quy định trên có thể nhận thấy rằng, nhiệm vụ của Kiểm tra viên chủ yếu là giúp việc cho Kiểm sát viên trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tất cả những việc họ được làm đều dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Kiểm sát viên hoặc chịu sự phân công từ Viện trưởng nên họ sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên là trước các Kiểm sát viên và Viện trưởng. Điều này cho thấy thẩm quyền của họ chỉ bó gọn trong những phần việc được giao mà không được phép chủ động thực hiện bất kì một nhiệm vụ nào nếu chưa được sự đồng ý của những người mà họ giúp việc.

Quy định trên của Luật tổ chức Viện kiểm sát về nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm sát viên một cách chung nhất chung nhất. Do đó, muốn tìm hiểu và đi sâu vào nội dung cụ thể quy định về nhiệm vụ quyền hạn của kiểm sát viên thì dựa trên cơ sở đó được quy định cụ thể trong các Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, tại Điều 43 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm tra viên gồm có:

“1. Kiểm tra viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Kiểm sát viên:

a) Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự;

b) Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

c) Giúp Kiểm sát viên trong việc lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành hoạt động tố tụng khác.

d) Kiểm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên về hành vi của mình.”

Từ những quy định trên thì có thể thấy rằng cùng với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cũng là người tiến hành tố tụng, bởi vậy nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm tra viên trong tố tụng hình sự là rất quan trọng. Do đó, nhiệm vụ quyền hạn của Kiểm tra viên chủ yếu là những công việc hành chính, tổng hợp phục vụ công tác điều tra, trực tiếp giúp kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát và thực hành việc công tố với tư cách đại diện Viện Kiêm sát được phân công.

Nhiệm vụ quyền hạn chính của Kiểm tra viên là ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tổ tụng hình sự. Kiểm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình khi có vi phạm, và chịu trách nhiệm cá nhân về mảng công việc cùa mình trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát viên, Kiểm sát viên về hành vi cùa mình. Về điểm này, do chưa có quy định chi tiết nên cần có hướng dẫn chi tiết phân định nội dung chịu trách nhiệm của Kiểm tra viên trước các cá nhân cấp trên của mình là Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát là gì.

Đối với nhiệm vụ của Kiểm tra viên là được tham gia ghi chép biên bản, chuyển giao các văn bản tố tụng do đó, trong quá trình này kiểm tra viên đã được làm những nhiệm vụ như lập hồ sơ kiểm sát, Kiểm tra viên đã tiếp xúc với hầu hết các công việc của Kiểm sát viên phải thực hiện khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.  Để quy định rõ hơn về Điều luật trên thì tại Điều 59 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên:

“Khi được phân công tiến hành hoạt động tố tụng, Kiểm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;

Lập hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự theo phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát;

Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự”.

Từ quy định của pháp luật được nêu ra ở trên có thể thấy rằng pháp luật luôn có quy định về thẩm quyền của Kiểm tra viên trong từng công việc thì có quy định về một số nhiệm vụ của Kiểm tra viên dần dần hoàn thiện để phù hợp với chức năng của Viện kiểm sát trong từng ngành luật, từng lĩnh vực khác nhau theo như quy định của pháp Luật tổ chức Viện kiểm sát mà Viện kiểm sát thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh việc quy định về nhiệm vụ của Kiểm tra viên cũng có phần tương đồng với chức năng nhiệm vụ của kiểm sát viên thì pháp luật cũng có quy định về việc giới hạn phạm vi giúp việc của Kiểm tra viên chỉ đến trước xét xử. Bởi vì, trong quy định về nhiệm vụ của Kiểm tra viên thì có quy định về Kiểm tra viên không thể giúp việc Kiểm sát viên tham gia phiên tòa hình sự, dân sự hay phiên họp dân sự vì đây là một giai đoạn độc lập được pháp luật tố tụng quy định thuộc về nhiệm vụ của Kiểm sát viên và kiểm tra viên chỉ được giúp việc trong quá trình điều tra và lại không được quy định chức năng này.

Bởi lẽ, pháp luật quy định trong tố tụng không có sự tham gia giúp sức của kiểm tra viên đối với Kiểm sát viên mà chỉ được tham gia trước phiên Tòa xét xử là do khi tham gia tố tụng Kiểm sát viên phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau nên việc cần người cùng tham gia giúp những hoạt động tố tụng giản đơn sẽ khiến công việc Kiểm sát viên hiệu quả hơn đồng thời cũng giúp những cán bộ trẻ, cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm có thể tích lũy kĩ năng, kiến thức khi làm việc dưới sự chỉ đạo của Kiểm sát viên. Mặt khác việc kiểm tra viên được cùng Kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp sẽ giúp Kiểm tra viên học tập, rèn luyện đối với kĩ năng xét xử đồng thời cũng có thể giúp Kiểm sát viên một số công việc như ghi ghép, tìm kiếm tài liệu chứng cứ trong hồ sơ,… để Kiểm sát viên có thể tập trung hơn vào các hoạt động tranh tụng hoặc đưa ra những ý kiến đánh giá chứng cứ xác đáng hơn.

3. Tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên

Theo Điều 2 Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 thì tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên là:

– Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực; có bản lĩnh chính trị vững vàng; có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

– Có trình độ cử nhân luật trở lên.

– Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.

– Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Nghị quyết này.

– Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 2 tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên cơ bản giữ các tiêu chuẩn của Quyết định số 73, Quyết định số 208, trong đó không quy định về trình độ ngoại ngữ, nhưng bắt buộc phải thi tuyển, trong đó có môn ngoại ngữ.

Đối với tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Kiểm tra viên, ngoài tiêu chuẩn chung tại Điều 2 còn phải có đủ 3 điều kiện thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân nếu đang làm việc tại các Viện kiểm sát quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên của Viện kiểm sát quân sự: Đang là công chức; Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên; Có khả năng giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự.

Đối với Kiểm tra viên chính, ngoài tiêu chuẩn chung phải có đủ các điều kiện sau mới có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên chính của Viện kiểm sát nhân dân; nếu đang làm việc tại các Viện kiểm sát quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên chính của Viện kiểm sát quân sự: Đã là Kiểm tra viên ít nhất 05 năm; Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ Kiểm tra viên và đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch Kiểm tra viên chính.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên cao cấp ngoài đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2, phải có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân, nếu đang làm việc tại các Viện kiểm sát  quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự gồm: Đã là Kiểm tra viên chính ít nhất 05 năm; Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với Kiểm tra viên cấp dưới và đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch Kiểm tra viên cao cấp.

Để được bổ nhiệm Kiểm tra viên cao cấp và Kiểm tra viên chính bắt buộc phải trúng tuyển kỳ thi vào ngạch tương ứng.

Trên đây là bài viết về nội dung Kiểm tra viên là gì, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon