Tội bức tử

toi-buc-tu

Bức tử là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền cơ bản của người khác: sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm mà theo quy định của pháp luật cần bị xử lý hình sự. Người thực hiện hành vi phạm tội không trực tiếp giết người, nhưng lại hành hạ nạn nhân về tinh thần, thể xác bằng nhiều phương thức khác nhau, khiến nạn nhân không còn niềm tin để tiếp tục sống, từ đó đã lựa chọn cách tự tử, kết liễu cuộc đời. Vậy dưới góc độ pháp luật tội bức tử bị xử lý ra sao? Điều kiện và các yếu tố cấu thành tội bức tử như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

1. Bức tử là gì, tội bức tử được quy định như thế nào?

Theo từ điển Việt Nam bức tử được lấy từ nghĩa của hai từ là “cưỡng bức” và “tự tử”. Do đó, dưới góc độ xã hội bức tử được hiểu nôm na là hành vi cưỡng bức người khác tự tử.

Điều 130 Bộ luật hình sự quy định về tội bức tử:

“1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.”

Dưới góc độ pháp luật, tội bức tử được hiểu là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, làm người đó tự sát. Việc tự sát bắt nguồn từ hành vi có lỗi của người phạm tội gây ra cho họ.

Ví dụ: Anh A và chị B kết hôn với nhau được 7 năm. Trong cuộc sống hàng ngày do mâu thuẫn vì không tin tưởng nhau, A đã có nhiều hành động gây đau khổ cho chính vợ của mình là chị B bằng cách đánh đập gây đau đớn về thể xác, chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, danh dự, nhân phẩm. Những hành động đó lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm liền gây nên sự uất ức, bế tắc làm cho bị hại là chị B đã tự mình thực hiện việc tước đoạt tính mạng của chính mình bằng cách uống thuốc diệt cỏ dẫn đến tử vong.

Luật sư tư vấn pháp luật tại Đà Nẵng

2. Các yếu tố cấu thành tội bức tử

Trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 130 Bộ luật hình sự năm 2015 thì có thể hiểu các yếu tố cấu thành tội bức tử được thể hiện như sau:

2.1. Mặt khách quan

Về hành vi:

– Đối xử tàn ác: là hành vi đối xử tàn bạo, tàn nhẫn về mặt thể chất hoặc tinh thần, khiến nạn nhân suy sụp. Ví dụ: đánh đập, bỏ đói,…

– Thường xuyên ức hiếp, ngược đãi nạn nhân: là hành vi sử dụng sức mạnh, quyền hành của mình để đối xử bất công nhằm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân. Hành vi này có thể lặp lại nhiều lần. Ví dụ: cho nạn nhân ăn đồ ôi thiu,…

– Có hành vi làm nhục nạn nhân: là hành vi được tiến hành bằng lời nói hoặc hành động nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Ví dụ: dùng những lời lẽ nặng nề để chửi mắng nạn nhân,…

Cần lưu ý là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình… đã là một bộ phận cấu thành tội phạm bức tử nên người thực hiện hành vi không bị xử lý thêm về tội phạm khác nữa (Điều 140. Tội hành hạ người khác; Điều 155. Tội làm nhục người khác)

Về hậu quả:

Hậu quả của tội bức tử là nạn nhân trải qua quá trình bị đối xử như trên sẽ tự sát. Lưu ý: không quan trọng việc tự sát có dẫn đến việc nạn nhân chết hay không, mà chỉ cần có hành vi tự sát thì tội phạm được hoàn thành. Việc nạn nhân không chết mà được cứu sống chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt.

Mối quan hệ nhân quả:

Mối quan hệ nhân quả của tội bức tử là việc vì bị đối xử tàn ác, bị ức hiếp, ngược đãi, làm nhục nên trực tiếp dẫn đến việc nạn nhân tự sát. Nếu nạn nhân mặc dù bị đối xử như vậy, nhưng tự sát vì lý do khác thì cũng không được cấu thành tội bức tử.

2.2. Mặt chủ quan

Về lỗi:

Lỗi có thể hiểu là thái độ tâm lý của người phạm tối đối với hành vi và hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội mà họ gây ra. Đối với tội này, lỗi gồm có: lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý (vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin).

Lỗi cố ý gián tiếp: là lỗi của một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Trong trường hợp này, người phạm tội nhận biết được hành vi của mình (đánh đập, làm nhục, bỏ đói,…) là gây nguy hiểm, có thể nhận thức được nó sẽ gây đến việc nạn nhân tự sát, mặc dù không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho việc đó xảy ra. (Khoản 2, điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015).

Lỗi vô ý do quá tự tin: là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây đến hậu quả tự sát cho nạn nhân nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. (Khoản 1, điều 11 Bộ luật hình sự năm 2015).

Lỗi vô ý do quá cẩu thả: là lỗi mà người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. (Khoản 2, điều 11 Bộ luật hình sự năm 2015).

Mục đích:

Mục đích của tội bức tử xuất phát từ việc người phạm tội nhằm thoả mãn nhu cầu của bản thân từ đó đẩy nạn nhân đến chỗ tiêu cực, bế tắc.

2.3. Chủ thể

Chủ thể của tội này phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo đó, người phạm tội phải có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội và đáp ứng điều kiện về độ tuổi theo quy định tại khoản 1 điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể là người phạm tội phải từ đủ 16 tuổi trở lên.

Thứ hai, là người mà nạn nhân có mối quan hệ lệ thuộc (có thể coi là chủ thể đặc biệt) nhất định như: quan hệ về kinh tế, hôn nhân gia đình, quan hệ tín ngưỡng…

Theo hướng dẫn tại khoản 10, Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thể hiểu và vận dụng đối với quy định “Người lệ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 143 và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình quy định tại khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày…) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn…).”

2.4. Khách thể

Khách thể của tội bức tử là hành vi mà người phạm tội đã thực hiện nhằm xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng, quyền được sống của nạn nhân mà theo quy định của Bộ luật hình sự thì đây là quyền cơ bản của con người được pháp luật bảo vệ.

3. Đối với người bị hại

Bên cạnh điều kiện về người phạm tội thì người bị hại cũng phải đáp ứng các điều kiện sau mới được cấu thành tội bức tử:

Thứ nhất, nạn nhân phải là người lệ thuộc vào người phạm tội.

Người bị lệ thuộc là người dựa vào người phạm tội trong cuộc sống, có thể là về vật chất hoặc về tinh thần. Đây là yếu tố bắt buộc để xác định hành vi của một người có phạm tội bức tử hay không.

Ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng; người bị hại là lao động làm thuê cho người phạm tội,…

Thứ hai, người bị hại tự sát

Theo đó, người bị hại phải tự tước đoạt mạng sống của mình, không được nhờ người khác giúp mình tự sát. Nếu người bị hại nhờ người khác giúp mình tự sát thì hành vi trên không còn được xem là phạm tội bức tử mà có thể dẫn chiếu đến điều 131 Bộ luật hình sự năm 2015 là tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Việc tự sát có thể được tiến hành dưới nhiều dạng: thắt cổ, nhảy lầu, nhảy sông, uống thuốc độc,… mà không bắt buộc việc tự sát phải dẫn đến cái chết.

Thứ ba, nguyên nhân của việc tự sát là do hành vi của người phạm tội gây ra

Tội bức tử hoàn thành khi người bị hại tự sát và việc tự sát đó phải xuất phát từ việc không chịu nổi hành vi của người phạm tội đã gây ra cho mình. Như vậy, có thể hiểu nếu người bị hại bị đối xử tàn ác, bị ức hiếp, làm nhục nhưng không tự sát thì cũng không được xem là phạm tội bức tử hoặc người bị hại bị ức hiếp nhưng lại tự tử vì lý do khác ( lý do tình cảm hoặc tiền bạc…) không liên quan đến người ức hiếp thì cũng không cấu thành tội bức tử.

4. Khung hình phạt

Theo quy định tại điều 130 Bộ luật dân sự năm 2015, tội bức tử được chia làm hai khung hình phạt, phân loại từ tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Cụ thể:

“1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.”

Khung 1: từ 02 năm đến 07 năm. Được áp dụng trong trường hợp người phạm tội có đầy đủ các yếu tố tội phạm được nêu ở mặt khách quan.

Khung 2: từ 7 năm đến 12 năm. Được áp dụng trong trường hợp nghiêm trọng hơn như: từ hai người trở lên hoặc đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là họ đang có thai.

5. Phân biệt tội bức tử và tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát

Tiêu chí Tội bức tử Tội xúi giục hoặc giúp

người khác tự sát

Cơ sở pháp lý Tội bức tử được quy định tại điều 130 Bộ luật hình sự năm 2015. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát được quy định tại điều 131 Bộ luật hình sự năm 2015.
Chủ thể Chủ thể của tội bức tử là người mà nạn nhân lệ thuộc, từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt khách quan Hành vi: người phạm tội đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi, làm nhục người lệ thuộc mình.

Hậu quả: nạn nhân tự chấm dứt mạng sống của mình.

Hành vi: người phạm tội xúi giục người khác tự sát và giúp người khác tự sát.

Hậu quả: xúi giục, tạo điều kiện dẫn đến việc nạn nhân tự sát.

Khách thể Tội phạm trực tiếp xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác, đồng thời gián tiếp xâm phạm quyền sống của người đó. Tội phạm xâm phạm đến quyền được sống, bảo vệ tính mạng của nạn nhân.
Mặt chủ quan Lỗi của người phạm tội đối với hành vi là lỗi cố ý, còn đối với hậu quả tự sát là lỗi vô ý (vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả); lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp.
Hình phạt

Có hai khung hình phạt chính:

Khung cơ bản: 02 năm đến 07 năm.

Khung tăng nặng: 05 năm đến 12 năm được quy định cho trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên, hoặc nạn nhân là người dưới 16 tuổi hoặc phụ nữ mà biết là có thai.

Có hai khung hình phạt chính:

Hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung tăng nặng: 02 năm đến 07 năm được quy định cho  trường hợp hành vi phạm tội làm cho 02 người tự sát trở lên.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Tội bức tử”. Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, xin hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon