Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ

quyen-va-nghia-vu-cua-cha-me

Hiện nay, xã hội phát triển nhanh chóng làm cho con người phải thích ứng với chúng một cách mạnh mẽ. Nhiều vấn đề còn tồn tại xung quanh chúng ta, đặc biệt là đối với trẻ em những người cần được quan tâm, chăm sóc và giáo dục từ gia đình. Điều này được xếp vào trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ kể cả cha nuôi, mẹ nuôi. Mọi hành vi, cách cư xử trong xã hội của trẻ em phần lớn phụ thuộc vào gia đình, cụ thể hơn là cha mẹ của chúng. Vì gia đình chính là tế bào của xã hội là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ em. Cho nên pháp luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của cha mẹ. Những phân tích cụ thể dưới đây sẽ phần nào giúp bạn giải đáp những thắc mắc mà bạn đang gặp phải.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Xuất phát từ tầm quan trọng của từng “tế bào” trong xã hội mà pháp luật đã dành một điều để bảo vệ quyền của cha mẹ, nhấn mạnh nghĩa vụ của họ đối với con cái và nhằm nâng cao ý thức, giá trị của mỗi cá nhân đối với xã hội. Theo điều 68 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quyền và nghĩa vụ của cha mẹ không chỉ được tôn trọng, bảo vệ trong Luật này mà còn quy định trong Bộ Luật dân sự và các luật khác có liên quan. Cụ thể, dù tình trạng hôn nhân của cha mẹ như thế nào thì đều không ảnh hưởng đến quyền của con cái, dù con cái là con nuôi và cha mẹ là cha nuôi, mẹ nuôi đều được pháp luật bảo vệ, tôn trọng trong những quy định trên và còn được điều chỉnh trong Luật nuôi con nuôi.

Ngoài ra, con cái thuộc các chủ thể là con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì những vấn đề liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản do cha mẹ thỏa thuận không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Như vậy, con do cha mẹ sinh ra, con nuôi hay con thuộc những trường hợp khác đều được pháp luật bảo vệ về quyền và nghĩa của cha mẹ đối với họ.

2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ:

2.1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với nhân thân:

Quyền nhân thân là quyền quan trọng của con cái cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, cha mẹ là những người có mối quan hệ huyết thống, mật thiết với họ, vì vậy cha mẹ có trách nhiệm, nghĩa vụ vừa phải bảo vệ, vừa phải tôn trọng quyền nhân thân của con cái. Những quy định tại điều 69, 71,72 và 73 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định về vấn đề này.

Theo như điều 69, quyền nhân thân của con cái là quyền con cái được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển về mặt thể chất lẫn tinh thần và trí tuệ, đạo đức thông qua việc cha mẹ dành thời gian, công sức, tài chính để giúp con cái phát triển an toàn và tốt nhất. Song, cha mẹ phải tôn trọng ý kiến của con họ, dành sự yêu thương cho con của mình đó là minh chứng cho tình cảm thiêng liêng của cha mẹ đối với con cái, điều này không bị ai có quyền ngăn cấm. Đặc biệt đối với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình được trông nom, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự được cha mẹ giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự. Những quy định về việc tôn trọng và bảo vệ quyền nhân thân không được phân biệt đối xử về mặt giới tính hoặc tình trạng hôn nhân của cha mẹ, cha mẹ không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Như vậy, con cái có trở thành người con hiếu thảo cho gia đình, người có ích cho xã hội thì hoàn toàn phụ thuộc vào việc cha mẹ có hoàn thành tốt những nghĩa vụ, quyền của họ hay không.

Thứ nhất, về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 71)

Cha mẹ có nghĩa việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối với con chưa thành niên con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Cả cha lẫn mẹ đều có nghĩa vụ ngang nhau và cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng.

Nghĩa là đối với con cái thuộc đối tượng con chưa trưởng thành, con đã trưởng thành nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự, không may có những khiếm khuyết trên cơ thể hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình là những đối tượng rất cần sự quan tâm trong cuộc sống như vấn đề ăn mặc, chỗ ở, sức khỏe,…Tuy nhiên pháp luật cũng nghiêm cấm một số trường hợp cha mẹ lợi dụng việc chăm sóc, nuôi dưỡng để làm những việc bạo hành, đối xử không tốt với con mình hoặc trong một số trường hợp cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc.

Thứ hai, về nghĩa vụ và quyền giáo dục con của cha mẹ (Điều 72)

Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Cụ thể, khi nói đến việc giáo dục, pháp luật xuất phát từ nền tảng giáo dục cơ bản nhất là gia đình, nghĩa là cha mẹ phải tạo điều kiện sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận, làm gương tốt cho con cái về mọi mặt, ngược lại nếu một gia đình đầy sự mâu thuẫn, không khí sinh hoạt căng thẳng sẽ làm con cái thu mình lại, con không có nhiều cơ hội để phát triển bản thân về mặt giáo dục. Đồng thời, song hành cùng với gia đình thì nền giáo dục tại nhà trường, cơ quan, tổ chức, địa phương cũng là một yếu tố quan trọng nhằm nâng cao những kỹ năng, kiến thức thực tế của xã hội. Cả gia đình và các tổ chức trên đều phải phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ với nhau, có như vậy con cái mới phát triển toàn diện về mọi mặt.

Ngoài ra, cha mẹ cũng làm người hướng dẫn cho con cái của mình chọn nghề để làm việc. Tuy nhiên cha mẹ không được ép buộc con cái mình mà phải cho con mình tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con mình. Ngoài việc tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với con thì cha mẹ có thể  đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.

Thứ ba, quyền đại diện cho con (Điều 73)

Đối với con cái là con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật. Cụ thể, cha mẹ sẽ là người đại diện cho con cái của mình tham gia vào các giao dịch của con mình nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Tức là các nhu cầu về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và các nhu cầu thông thường khác.

Mặt khác, liên quan đến các giao dịch về tài sản là bất động sản như đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà công trình,…hoặc động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh như tàu biển, tàu bay, tàu cá, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, di vật, cổ vật,…của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ. Cha mẹ không được tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến các tài sản trên vì đó là những tài sản có giá trị lớn, dễ gây ra các vụ tranh chấp dẫn đến những bất lợi, rủi ro cho tài sản cũng như con của mình.

Vì cha mẹ chính là những người đại diện thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của con mình nên về mặt trách nhiệm pháp lý thì cha, mẹ cùng nhau chịu trách nhiệm liên đới về những hậu quả của những giao dịch tại khoản 2, khoản 3 Điều 74 và theo quy định của Bộ luật dân sự.

2.2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với tài sản:

– Quản lý tài sản riêng của con:

Con được quyền có tài sản riêng của mình và nguồn tài sản này xuất phát từ nhiều trường hợp. Tuy nhiên, độ tuổi của con cái còn quá nhỏ, chưa biết giá trị, cất giữ tài sản đó nên tài sản của con là vấn đề đặc biệt quan trọng vì thế cần có sự can thiệp, quản lý của cha mẹ. Pháp luật đã phân ra từng độ tuổi khác nhau, cũng như những trường hợp đặc biệt để quy định phạm vi quản lý tài sản của con đối với cha mẹ, cụ thể theo điều 76 của Luật này quy định 2 trường hợp như sau:

Đới với con dưới 15 tuổi,  con mất năng lực hành vi dân sự tài sản sẽ do cha mẹ quản lý. Ngoài ra nếu cha mẹ không thể quản lý thì cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con mình. Tuy nhiên kể từ khi con đủ 15 tuổi trở lên hoặc con khôi phục lại năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì lúc này tài sản riêng do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con để con tự quản lý trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa cha mẹ và con.

Như vậy dễ dàng suy ra được trường hợp con từ đủ 15 tuổi trở lên thì tài sản riêng của con do chính con quản lý. Ngoài ra, con có thể nhờ cha mẹ quản lý.

Ngoài những trường hợp trên, pháp luật cũng đã định rõ một số trường hợp cha mẹ không được quản lý tài sản riêng của con:

(1) con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự;

(2) người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó;

(3) trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

(4) trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

– Định đoạt tài sản riêng của con:

Định đoạt tài sản là việc thực hiện chuyển giao quyền sở hữu cho cá nhân, tổ chức khác, từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản, tiêu dùng vào các mục đích khác nhau hoặc tiêu hủy tài sản trong từng trường hợp đó. Việc đưa ra những quyết định để định đoạt tài sản riêng của con vô cùng cần thiết sự kiểm soát, ý kiến từ cha mẹ, cho nên tại điều 77 Luật này quy định:

(1) Con dưới 15 tuổi;

Cha mẹ hoặc người giám hộ chính là những người có quyền định đoạt tài sản riêng của con nhưng với mục đích mang lại lợi ích cho con của mình, không được dùng vào những việc nhằm lợi dụng để giúp ích, mua lợi cho bản thân của cha mẹ. Trong trường hợp này đối với con từ đủ 09 tuổi trở lên thì con cái có quyền đưa ra nguyên vọng của mình đối với tài sản đó vì đây là độ tuổi con có thể nhận biết được giá trị của tài sản, nhu cầu của bản thân và cha mẹ chính những người phải xem xét nguyện vọng đó. Cha mẹ cũng được quyền tư vấn, giúp con hiểu rõ được nhiều mặt từ nguyện vọng của con để việc định đoạt tài sản mang lại lợi ích tốt nhất cho con của mình.

(2) Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi;

Con từ đủ 15 tuổi trở lên có quyền quản lý tài sản riêng của mình, nhưng xét về mặt định đoạt tài sản riêng thì độ tuổi này được giới hạn lại từ đủ 15 đến 18 tuổi, con có tài sản riêng trong độ tuổi này có quyền tự mình định đoạt tài sản riêng. Tuy nhiên, đối với những tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì cần có sự đồng ý, chấp thuận từ cha mẹ hoặc người giám hộ bằng hình thức văn bản. Vì độ tuổi này của con cái chưa biết rõ ràng, chưa hiểu sâu rộng về những tài sản trên nên việc tự con định đoạt tài sản là một bất lợi, khó khăn và nhiều hậu quả khó lường.

(3) Con thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Con thành niên từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn đến việc con không thể làm chủ được hành vi của mình cũng như không thể nhận biết, nhận thức được các việc xung quanh bao gồm cả việc định đoạt tài sản riêng của mình. Trong trường hợp này, pháp luật quy định tài sản riêng của con thành niên mất năng lực hành vi dân sự sẽ do người giám hộ thực hiện, người giám hộ có thể là cha mẹ hoặc một cá nhân, tổ chức nào khác theo quy định pháp luật.

Trên đây là toàn bộ những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, từ vấn đề nhân thân đến tài sản của con. Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được nhiều thắc mắc. Nếu trong trường bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon