Thực trạng sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn

thuc-trang-song-chung-nhu-vo-chong-nhung-khong-dang-ky-ket-hon

Luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, đến nay đã được hơn 6 năm. Trong điều kiện kinh tế xã hội có nhiều đổi mới, Luật đã dự liệu được khá toàn diện các quan hệ HN&GĐ cần được điều chỉnh; trong đó có các quy định giải quyết hệ quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật. Các quy định trong Luật là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Tòa án nhân dân (TAND) giải quyết các vụ việc này trong thực tiễn; vừa bảo đảm tuân thủ nguyên tắc pháp chế, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, nhất là quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Chuyên đề này nghiên cứu về quy định của pháp luật và thực trạng giải quyết các vụ việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014 tại các TAND.

1. Thực trạng hôn nhân thực tế, chưa đăng ký kết hôn

1.1. Hôn nhân thực tế là gì?

Từ khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thi hành, pháp luật về HN&GĐ đã không sử dụng cụm từ “hôn nhân thực tế” nữa; mà sử dụng cụm từ “có” hay “không có” quan hệ vợ chồng đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Khi đương sự – hai bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, có yêu cầu Tòa án giải quyết về quan hệ nhân thân của họ và hệ quả pháp lý từ việc chung sống như vợ chồng (giải quyết về tài sản chung, về con chung (nếu có), về thừa kế…) thì TAND căn cứ theo Nghị quyết số 35/2000/QH10, Nghị định số 77/2001/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT để giải quyết.

1.2. Số liệu thực tế

Trước khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thi hành, qua điều tra, khảo sát, lập danh sách từ các địa phương thì ở nước ta có khoảng một triệu cặp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Sau 02 năm thi hành Luật (đến ngày 01/01/2003), các cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành đăng ký kết hôn cho hơn 600.000 trường hợp; vẫn còn khoảng 400,000 trường hợp vì các lý do khác nhau mà chưa tiến hành đăng ký kết hôn theo thủ tục luật định.

Vậy nên, Chỉ thị số 02/2003/CT – BTP ngày 14/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã hướng dẫn về việc tiếp tục đăng ký kết hôn cho các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001.

Chỉ thị đã hướng dẫn: Thực hiện Điểm b Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10, trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan tư pháp địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như thực hiện nhiều hình thức đăng ký kết hôn phong phú như tổ chức ngày đăng ký kết hôn, đăng ký lưu động tại thôn, ấp, bản, làng… nên đã rà soát, lập danh sách và đăng ký kết hôn cho phần lớn các trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà có đủ điều kiện kết hôn.

Tuy nhiên, do số lượng các trường hợp phải đăng ký kết hôn theo Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 quá lớn, một số địa phương còn thiếu tích cực, chủ động nên cho đến nay, trong cả nước vẫn còn không ít trường hợp đã được rà soát, lập danh sách nhưng chưa được đăng ký kết hôn. Nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký kết hôn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt là quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, Chính phủ đã có Tờ trình số 520/CP-TTr ngày 28 tháng 4 năm 2003 đề nghị Quốc hội gia hạn thời hạn thực hiện Điểm b Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10. Ngày 29 tháng 4 năm 2003, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có Kết luận số 84a/UBTVQH11 về vấn đề nói trên. Để kịp thời triển khai việc tiếp tục đăng ký kết hôn theo Điểm 2 Kết luận của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ thị:

“1. Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nêu tại Chỉ thị này, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung hoàn thành việc đăng ký kết hôn cho các trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và đã xin đăng ký kết hôn (đã được rà soát và lập danh sách) nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận kết hôn trong thời hạn quy định tại Điểm b Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10. Đối với các trường hợp này, việc đăng ký kết hôn vẫn được thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ và quan hệ vợ chồng của họ được pháp luật công nhận kể từ thời điểm bắt đầu chung sống với nhau trên thực tế.

1.3. Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001.

Các trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng  ó đủ điều kiện kết hôn trong giai đoạn này theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nhưng chưa xin đăng ký kết hôn trong thời hạn quy định tại Điểm b Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10, chưa được rà soát, lập danh sách trước ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà nay họ tự nguyện xin đăng ký kết hôn thì vẫn được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn cho các trường hợp này được thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và quan hệ vợ chồng của họ chỉ được pháp luật công nhận kể từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Uỷ ban nhân dân và cơ quan tư pháp địa phương các cấp hoàn tất việc đăng ký kết hôn cho các trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng và đã xin đăng ký kết hôn (đã được rà soát và lập danh sách). Đối với các trường hợp hồ sơ đăng ký kết hôn rõ ràng, hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn, thì hoàn thành việc đăng ký kết hôn cho họ trong năm 2003. Đối với các trường hợp phức tạp, cần xác minh hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì cần cố gắng, tích cực hoàn thành việc đăng ký kết hôn trước ngày 01 tháng 08 năm 2004”.

Theo các văn bản quy định, hướng dẫn trên đây, thời hạn cuối cùng các cặp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn từ ngày 03/01/1987 (ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực pháp luật), đến ngày 01/01/2001 (ngày Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực pháp luật), phải thực hiện việc đăng ký kết hôn là vào ngày 01/8/2004.

Cho đến nay, thời hạn này đã qua từ lâu. Đối với các trường hợp quá thời hạn này mà không đăng ký kết hôn thì sẽ không được công nhận là có quan hệ vợ chồng. Nếu đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ được tính là xác lập từ ngày đăng ký kết hôn đó.

2. Quy định hiện hành về việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015, các vụ việc liên quan đến vấn đề nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND4.

Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.

Theo quy định này, về nguyên tắc, nhà nước bằng pháp luật không thừa nhận có quan hệ vợ chồng trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn áp dụng một số điều của Luật HN&GĐ năm 2014, vẫn tiếp tục dẫn chiếu đến Nghị quyết số 35/2000/QH10 và Thông tư số 60 – DS ngày 22/02/1978 của TANDTC5.

Theo đó, đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn từ trước ngày 03/01/1987; hiện nay vẫn đang chung sống như vợ chồng thì vẫn được công nhận “là vợ chồng”. Có thể coi đây là trường hợp “ngoại lệ”, không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận là vợ chồng.

Ví dụ: Anh T và chị H được gia đình tổ chức lễ cưới theo phong tục, tập quán (hoặc về chung sống với nhau như vợ chồng) từ ngày 10/10/1985, chưa đăng ký kết hôn. Hiện nay, hai bên vẫn đang chung sống với nhau như vợ chồng thì trường hợp này vẫn được công nhận là vợ chồng. Quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng được pháp luật công nhận, bảo hộ như trường hợp có đăng ký kết hôn (vẫn gọi là hôn nhân hợp pháp).

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon