Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con

quyen-va-nghia-vu-cua-cha-me-doi-voi-con

Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con bao gồm các yếu tố vật chất và lợi ích tinh thần bảo đảm cho con được học hành, chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển trong điều kiện tốt nhất có thể. Việc hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con không chỉ hướng đến hành vi ứng xử của mỗi chủ thể trong quan hệ pháp luật này mà còn góp phần củng cố, duy trì các giá trị gia đình trong mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Hôn nhân và gia đình 2014

1. Quyền và nghĩa vụ nhân thân của cha, mẹ đối với con

Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ “thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội” (khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ sống chung với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình để “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con.

Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” (khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Cha mẹ phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của con đã thành niên.

Trong trường hợp con chưa thành niên thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con. Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì cha, mẹ là người giám hộ đương nhiên của con. Cha, mẹ không được phân biệt đối xử giữa con trai, con gái, con chung, con riêng. Cha, mẹ không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đại đức xã hội.

Cha, mẹ thực hiền quyền và nghĩa vụ nhân thân đối với con phải bằng hành đồng. Thông qua các hành vi của mình, cha, mẹ thể hiện tình yêu thương, sự trông nom, chăm sóc con, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con và chăm lo việc học tập cho con. Cha, mẹ phải công bằng trong hành vi ứng xử đối với con trai, con gái, con đẻ, con nuôi, con trong giá thú, con ngoài giá thú. Thông qua hành vi của mình, cha, mẹ thể hiện sự tôn trọng thân thể, nhân phẩm, danh dự, uy tín của con. Hành vi của cha, mẹ phải hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, uy tín của con đều là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật.

Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ đối với con là bằng hành động và cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ đối với con là bình đẳng với nhau. Để cha, mẹ có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thì một điều kiện cần thiết phải có là cha, mẹ và con phải sống chung với nhau. Tuy nhiên, trong thực tế không phải tất cả những người làm cha, mẹ đều được sống chung với con. Trong trường hợp cha, mẹ ly hôn thì con chỉ được sống chung với một bên cha hoặc mẹ, do điều kiện công việc, người cha hoặc mẹ đó không thể sống chung với con. Vì vậy, mà họ khó có thể thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ nhân thân đối với con của mình.

2. Nghĩa vụ và quyền tài sản giữa cha, mẹ và con

2.1. Nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa cha, mẹ và con

Nuôi dưỡng là việc đảm bảo các nhu cầu vật chất cho một người để họ có thể tồn tại và phát triển. Nghĩa vụ nuôi dưỡng là nghĩa vụ tài sản chỉ phát sinh giữa các chủ thể có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng với nhau. Nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa cha, mẹ và con là nghĩa vụ mang tính chất tự nhiên. Xuất phát từ sự gắn bó thiêng liêng của yếu tố huyết thống mà từ khi sinh con ra, cha, mẹ yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định “cha, mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng con” và kèm theo đó con cũng phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha, mẹ khi cha, mẹ đau ốm, già yếu, không có khả năng lao động. Nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa cha, mẹ và con luôn gắn liền với nhân thân của mỗi chủ thể, không thể chuyển giao cho người khác và cũng không thay thế bằng nghĩa vụ khác.

– Nghĩa vụ nuôi dưỡng của cha, mẹ đối với con

Trên nguyên tắc một người chỉ có quyền được nuôi dưỡng khi họ không có khả năng tự đảm bảo cuộc sống của mình. Do vậy, nghĩa vụ của cha, mẹ là nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Con đã thành niên có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình thì cha, mẹ không có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Con chưa thành niên và con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự được xác định rõ ràng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con thông qua việc chăm lo đời sống vật chất của con, cung cấp dinh dưỡng để con duy trì sự sống và phát triển về thể chất. Cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con bằng tất cả khả năng kinh tế mà họ có thể, vừa mang tính chất là đáp ứng nhu cầu cho con nhưng đồng thời còn là sự chia sẻ.

Xuất phát từ quan hệ tình cảm tự nhiên nên cha, mẹ thường tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Trong hoàn cảnh đặc biệt, khi cha, mẹ không sống chung với con để nuôi dưỡng con thì họ thực hiện nghĩa vụ của mình thông qua nghĩa vụ cấp dưỡng. Khi một bên cha hoặc mẹ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con thì Tòa án có quyền ra quyết định buộc người này phải cấp dưỡng cho con khi có yêu cầu. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng; cơ quan bảo vệ trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định này.

2.2. Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với tài sản riêng của con

Về nguyên tắc, chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của mình. Tuy nhiên, thực hiện các quyền của chủ sở hữu còn phụ thuộc vào năng lực hành vi dân sự của chủ sở hữu đó. Để bảo vệ quyền sở hữu tài sản riêng của con, pháp luật quy định nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ đối với tài sản của con.

Theo đó, cha, mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự. Cha, mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha, mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha, mẹ và con có thỏa thuận khác.

Cha, mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc người tặng cho tài sản hoặc người để lại tài sản thừa kế theo di chúc đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định pháp luật. Trong trường hợp, cha, mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của BLDS 2015.

Cha, mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.

2.3. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con gây ra

Nghĩa vụ của cha, mẹ là trông nom, chăm sóc, giáo dục con. Do đó, nếu cha, mẹ không thực hiện nghĩa vụ này hoặc cha, mẹ có lỗi trong việc trông nom, giáo dục con chưa thành niên mà con gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ có nghĩa vụ bồi thường.

– Cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do con chưa thành niên dưới 15 tuổi gây ra. Nếu cha, mẹ không đủ tài sản để bồi thường mà người con gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng của con để bồi thường phần còn thiếu.

– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản riêng của mình. Nếu người gây thiệt hại không có tài sản thì cha, mẹ phải bồi thường, nếu người gây thiệt hại có tài sản nhưng không đủ để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.

– Con mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà cha, mẹ là người giám hộ thì cha, mẹ được lấy tài sản của người con để bồi thường. Nếu con mất năng lực hành vi dân sự không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ là người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình.

– Con dưới 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, trường học, bệnh viện, pháp nhân khác không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý. trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

2.4. Quyền thừa kế tài sản giữa cha, mẹ và con

– Thừa kế theo di chúc: Nếu cha, mẹ chết trước có để lại di chúc cho con thì con sẽ được hưởng phần di sản theo nội dung di chúc hợp pháp đó. Trong trường hợp, cha hoặc mẹ lập di chúc nhưng không để lại di sản cho con thì con vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Với điều kiện con phải là người chưa thành niên hoặc người đã thành niên không có khả năng lao động hoặc

– Trường hợp thừa kế theo pháp luật: Cha, mẹ và con được nhận thừa kế theo pháp luật của nhau thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Nếu cha hoặc mẹ chết trước thì con thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ để lại.

3. Hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Là việc không cho cha, mẹ thực hiện một số quyền đối với con chưa thành niên khi họ có hành vi nghiêm trọng xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của con. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên thuộc thẩm quyền của Tòa án khi có yêu cầu của cha, mẹ, người giám hộ, người thân thích của con chưa thành niên, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ.

3.1. Các trường hợp hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Căn cứ theo khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

– Cha, mẹ bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

– Cha, mẹ phá tán tài sản của con

– Cha, mẹ có lối sống đồi trụy

– Cha, mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

3.2. Hậu quả pháp lý

Khi Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha hoặc mẹ đối với con chưa thành niên thì cha hoặc mẹ đó không có quyền được trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn Luật định. Nếu cả cha và mẹ cùng bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì con chưa thành niên sẽ được giao cho người giám hộ chăm sóc, trông nom, giáo dục và quản lý tài sản. Người cha hoặc mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Trên đây là một số quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con. Nếu có bất kỳ thắc mắc, câu hỏi nào xin vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon