Phần lớn các vụ, việc ly hôn là Tòa án công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về việc nuôi dưỡng và cấp dưỡng cho con chung chưa thành niên. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật HN&GĐ năm 2014: Vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Qua thực tế xét xử cho thấy đa số các trường hợp, sự thỏa thuận của vợ chồng là dựa trên sự tự nguyện thực sự của họ và bảo vệ được quyền, lợi ích của con nên khi có kết quả xét xử sơ thẩm, rất ít trường hợp có yêu cầu thay đổi người nuôi con hoặc mức cấp dưỡng. Những kháng cáo về các vấn đề này cũng ít xảy ra. Để có được sự thỏa thuận của vợ chồng về con chung, nhiều trường hợp Hội đồng xét xử phải kiên trì hòa giải, thuyết phục.
Việc Tòa án công nhận sự thỏa thuận về người nuôi con sẽ tránh được khó khăn trong việc thi hành bản án giao con chung theo phán quyết của tòa án. Bởi trên thực tế, nếu Tòa án quyết định người nuôi con mà các bên không tự nguyện thi hành phải cưỡng chế thi hành án thì việc giao con thường sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ gây tổn thương về tâm lý cho con.
1. Công nhận thỏa thuận chưa đúng quy định
Tuy nhiên, vẫn còn những vụ, việc mà sự thỏa thuận của vợ chồng về con chung chưa phù hợp pháp luật, không bảo đảm được quyền lợi của con nhưng Tòa án vẫn công nhận. Mặc dù không có yêu cầu thay đổi gì nhưng để bảo đảm quyền lợi của con thì cần nhìn nhận, đánh giá để khắc phục. Chúng tôi cho rằng có một số tồn tại sau đây cần khắc phục:
1.1. Tồn tại thứ nhất là chấp nhận sự thỏa thuận của các bên về việc không cấp dưỡng cho con
Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khi ly hôn, “cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con” (khoản 2).
Theo quy định này thì về nguyên tắc, khi ly hôn, con chung chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sảntự nuôi mình phải được giao cho một bên trực tiếp nuôi, bên không trực tiếp nuôi có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các bản án hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho thấy có nhiều bản án, quyết định công nhận thuận tình ly hôn quyết định công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng giao con cho một bên nuôi và bên kia không phải cấp dưỡng.
Chúng tôi cho rằng Tòa án công nhận sự thỏa thuận trong trường hợp này là không phù hợp với với luật và không bảo vệ được quyền lợi về mọi mặt của con khi cha mẹ ly hôn. Bởi lẽ, pháp luật quy định nghĩa vụ cấp dưỡng một mặt là để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, mặt khác là khẳng định nghĩa vụ và cũng là quyền của cha, mẹ khi không sống chung với con. Quyền được cấp dưỡng là quyền của con, không phải là quyền của người trực tiếp nuôi con.
Người trực tiếp nuôi con chỉ là người đại diện cho con nhận khoản cấp dưỡng để sử dụng cho nhu cầu của con, bảo đảm quyền được sống, phát triển về mọi mặt của con sau khi cha mẹ ly hôn. Hơn nữa, qua thực tiễn cho thấy có không ít trường hợp vì muốn được trực tiếp nuôi con, vì tự ái cá nhân hoặc vì muốn chấm dứt hoàn toàn mối liên hệ với vợ hoặc chồng sau khi ly hôn nên người được giao nuôi con chung không yêu cầu hoặc “không cần” bên kia cấp dưỡng, bên kia cũng không ý thức được trách nhiệm của mình đối với con nên đồng tình mà không quan tâm đến lợi ích của con.
Do đó, khi giải quyết các vụ, việc ly hôn, trong Quyết định công nhận thuận tình ly hôn hay Bản án ly hôn thì Tòa án quyết định về việc giao con chung cho một bên nuôi và kèm theo nghĩa vụ cấp dưỡng của bên không nuôi con chung.
Trường hợp vợ chồng thỏa thuận bên không trực tiếp nuôi con không phải cấp dưỡng thì Tòa án cần xem xét, nếu thấy bên không trực tiếp nuôi con thực sự không có khả năng để cấp dưỡng cho con thì trong Bản án hay quyết định công nhận thuận tình ly hôn phải nói rõ điều này và chỉ quyết định tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
1.2. Công nhận thỏa thuận khi chưa được đảm bảo được quyền và lợi ích của con
Tồn tại thứ hai là công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về nuôi con, cấp dưỡng cho con đôi khi chưa được đảm bảo được quyền và lợi ích của con.
Pháp luật quy định vợ chồng thỏa thuận về việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung khi ly hôn nhưng phải bảo đảm quyền lợi của con. Do đó, Tòa án phải xem xét việc thỏa thuận có bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của con hay không.
Bởi vì, trên thực tế, nhiều khi một trong hai bên muốn nhanh chóng ly hôn, muốn được nuôi con nên không đặt ra vấn đề cấp dưỡng cho con hoặc bên kia cấp dưỡng bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên, trong nhiều bản án Tòa án đều nhận định chấp nhận sự thỏa thuận nuôi con của vợ chồng, giao con cho một bên nuôi và bên kia không phải cấp dưỡng hoặc cấp dưỡng một mức rất thấp mà chưa xem xét đầy đủ đến quyền lợi của con.
2. Một số ví dụ cụ thể
2.1. Ví dụ thứ nhất
Anh Hứa Văn C và chị Mông Thị H cùng cư trú tại huyện T, tỉnh Cao Bằng, tự nguyện kết hôn năm 2009, có đăng ký kết hôn. Anh chị có 2 con chung là Hứa Minh Q, sinh ngày 07/3/2009 và Hứa Quốc H, sinh ngày 11/01/2011. Anh chị ly thân được khoảng 01 năm thì có đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Ngày 23/11/2020, Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Về con chung: Anh C, chị H thỏa thuận giao 02 con chung cho anh C trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; chị H không phải cấp dưỡng nuôi con chung.
Trường hợp này, anh C và chị H đều làm ruộng, thu nhập thấp, hai con đang trong độ tuổi đi học, chi phí rất tốn kém, một mình anh C nuôi cả 2 con và chị H không đóng góp tiền nuôi con sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của con.
2.2 Ví dụ thứ hai
Bản án số: 01/2019/HNGĐ-PT ngày 21/02/2019 của TAND tỉnh N15. Nguyên đơn: Bà Mai Thị Ánh P. Bị đơn: Ông Lâm Quốc B.
Quyết định số 70/2012/QĐST-HNGĐ ngày 28/9/2012 của TAND huyện Đ đã công nhận thuận tình ly hôn. Về con chung: Công nhận sự thỏa thuận của bà P và ông B giao 03 con chung là cháu Lâm Bảo K, sinh năm 1996, cháu Lâm Thị Mỹ D, sinh năm 2002, cháu Lâm Thị MD, sinh năm 2010 cho ông Lâm Quốc B trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng, bà P không phải cấp dưỡng nuôi con.
Đối với ví dụ này, ông B nuôi cả 3 con mà Tòa án công nhận sự thỏa thuận của họ để bà P không phải cấp dưỡng cho con là chưa thỏa đáng.