Giải pháp nâng cao hiệu quả việc trợ giúp pháp lý

giai-phap-nang-cao-hieu-qua-viec-tro-giup-phap-ly

Trợ giúp pháp lý là hoạt động có rất nhiều ý nghĩa trong thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình hoạt động còn có nhiều vướng mắc, khó khăn. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia đưa ra một số giải pháp chung chung nhằm nâng cao hiệu quả công tác trợ giáp pháp lý để các cá nhân, tổ chức tham khảo, vận dụng vào thực tiễn.

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động trợ giúp pháp lý

Sự lãnh đạo của Đảng vừa là nguyên tắc vừa là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho công tác TGPL phát triển có định hướng, thực hiện pháp luật TGPL không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị[1]. Qua thực tế triển khai hoạt động TGPL cho thấy, ở địa phương nào cấp ủy đảng nhận thức được vị trí, vai trò của TGPL thì ở địa phương đó kết quả TGPL tốt, ngược lại địa phương nào cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của TGPL thì kết quả TGPL kém hiệu quả.

Vì vậy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác TGPL là một nhiệm vụ đặc biệt cần thiết. Để công tác TGPL đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra[2], trong thời gian tới công tác lãnh đạo của Đảng cần tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, Nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội đối với công tác TGPL, phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, đưa các chỉ tiêu về TGPL là một trong những tiêu chí chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của địa phương.

Thứ hai, Đổi mới phong cách lãnh đạo của các cấp ủy, hoàn thiện quy trình xây dựng, ra nghị quyết và triển khai thực hiện nghị quyết; tăng cường chế độ làm việc có tính khoa học, có quy chế, chương trình, kế hoạch; cán bộ lãnh đạo cần phải tiên phong, làm gương trong thực hiện TGPL, phải sâu sát với nhân dân, gần với cơ sở, đẩy mạnh phân công, phân cấp, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Thứ ba, Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân thực hiện TGPL.Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện TGPL, coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cá nhân, tổ chức, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.

2. Tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý

TGPL là loại hình dịch vụ pháp lý đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng dịch vụ của Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong điều kiện đổi mới, thực hiện hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Đồng thời Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện TGPL, phát huy tính chủ động, tự giác, tích cực tham gia thực hiện của người thực hiện TGPL, làm cho công tác TGPL thực sự có ý nghĩa thực tiễn trong đời sống của nhân dân[3]. Vì thế, tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với hoạt động TGPL là một yêu cầu mang tính tất yếu và khách quan, điều đó được thực hiện qua các nội dung:

Thứ nhất, Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực công chức của cơ quan làm công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về TGPL ở tỉnh; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về TGPL ở cơ sở ứng với sự phát triển của mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL, đặc biệt phát triển mạng lưới tổ chức TGPL xã hội và cộng đồng. Mở rộng diện người được TGPL cho nhóm cận nghèo, nhóm yếu thế nói chung.

Thứ hai, Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tin học, nâng cấp các phần mềm trong thực hiện TGPL và quản lý tổ chức, hoạt động TGPL; đầu tư xây dựng hệ cơ sở dữ liệu vụ việc TGPL bảo đảm khoa học, linh hoạt, đầy đủ và chính xác các thông số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, thống kê, nghiên cứu khoa học[4]

Thứ ba, Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động TGPL tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, cán bộ đáp ứng có chất lượng đầy đủ nhu cầu của người dân phù hợp với vụ việc TGPL ở mọi lĩnh vực pháp luật.

Thứ tư, Rà soát tính hiệu quả hoạt động của Chi nhánh trung tâm TGPL, các Câu lạc bộ TGPL, tập trung kiện toàn, cũng cố, tăng cường năng lực đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí, năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, chấm dứt hoạt động đối với các Câu lạc bộ TGPL hoạt động không có hiệu quả.

Thứ năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, các phòng ban thuộc UBND cấp huyện tích cực phối hợp, hỗ trợ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh triển khai hoạt động TGPL lưu động, nghiệp vụ TGPL đối với đối tượng TGPL tại địa phương; giải quyết các kiếnnghị của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh theo quy định của pháp luật; chỉ đạo hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn phát triển Câu lạc bộ GPL; tạo điều kiện, hỗ trợ cho các câu lạc bộ TGPL hoạt động, đồng thời phát triển CTVTGPL, chú trọng phát triển CTVTPL là người có uy tín và am hiểu về pháp luật tại các vùng có đông dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn[5].

Thứ sáu, Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vụ việc TGPL để kịp thời phát hiện những sai sót, yếu kém trong hoạt động TGPL. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật, xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về TGPL.

3. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý

Trong công tác TGPL, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định kết quả hoạt động TGPL. Hiệu quả của hoạt động TGPL phụ thuộc vào trình độ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ TGPL. Vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ TGPL cần phải được tăng cường và quan tâm thường xuyên.

Thứ nhất,Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện TGPL cho đội ngũ người làm công tác TGPL từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng 100% nhu cầu TGPL của các đối tượng, nâng tỷ lệ các vụ việc được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng.

Thứ hai, Tiếp tục mở rộng mạng lưới CTVTGPL theo hướng nâng cao chất lượng, trong đó chụ trọng phát triển CTVTGPL là nữ giới và người đồng bào dân tộc thiểu số, CTVTGPL có kỹ năng hỗ trợ nhóm đối tượng đặc thù là người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số.

Cụ thể, các giải pháp đó được thực hiện như sau:

– Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, kỹ năng TGPL cho đội ngũ TGVPL, đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ năngchuyên sâu trong hoạt độngtham gia tố tụng.

– Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL cho đội ngũ TVVPL, CTVTGPL là cán bộ tại cơ sở (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh…), cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng thôn, buôn.

– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho người thực hiện TGPL, đặc biệt là những người thực hiện TGPL ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có đông dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Thứ nhất, phối hợp với các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về GPL trong hoạt động tố tụng (Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở tài chính) tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng (theo nội dung Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018), tạo điều kiện để người thuộc diện được TGPL tiếp cận được tổ chức TGPL và hỗ trợ TGVPL, Luật sư  – CTVTGPL hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, Sở Tư pháp tăng cường phối hợp với báo, Đài phát thanh – Truyền hình thực hiện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật TGPL và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động TGPL cho cán bộ, công chức, viên chức ở các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức thích hợp, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của mỗi người dân trong toàn tỉnh về công tác TGPL.

Thứ ba, Thường xuyên bổ sung tài liệu vào hộp tin TGPL tại cơ quan tố tụng, đặt bảng thông tin và hộp tin TGPL tại các xã, phường, thị trấn, nhà sinh hoạt cộng đồng buôn hoặc hội trường thôn của các thôn buôn đặc biệt khó khăn, trụ sở người khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận với thông tin TGPL.

Thứ tư, Đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa Trung tâm TGPL với Đoàn luật sư tỉnh, Hội luật gia và các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo 100% số vụ việc tham gia tố tụng mà có đối tượng thuộc diện được TGPL, được TGVPL, luật sư bảo chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho họ.

Thứ năm, Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể như: Hội cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc… triển khai kịp thời các hoạt động TGPL để đáp ứng nhu cầu cho những người được thụ hưởng chính sách.

5. Vận dụng linh hoạt, phù hợp các hình thức trợ giúp pháp lý

Các hình thức TGPL theo quy định của Luật TGPL năm 2017[6], bao gồm các hình thức: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng.

Từ thực tiễn cho thấy trong quá trình vận dụng triển khai các hình thức này vào hoạt động TGPL đã đem lại những kết quả khả quan nhất định. Tuy nhiên, do các đối tượng được thụ hưởng TGPL lại không đồng đều về nhận thức xã hội, nhận thức về pháp luật (người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, các nhóm người yếu thế: người già neo đơn, trẻ em, người khuyết tật…).

Hơn nữa đa phần lại tập trung ở các thôn, xã thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nên các hình thức TGPL chưa phát huy hết được tính năng của mình.Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người thực hiện TGPL cần phải lưu ý đến từng nhóm đối tượng cụ thể để vận dụng hình thức TGPL cho phù hợp hoặc kết hợp cùng nhiều hình thức khác nhau, ví dụ: kết hợp hoạt động TGPL lồng ghép với các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa; an sinh xã hội, chính sách dân vận và dân tộc…

Đồng thời hoạt động TGPL phải gắn với cơ sở, hướng về cơ sở (tăng cường TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, lớp pháp luật chuyên đề, phát tờ gấp pháp luật…) để công tác TGPL đến gần hơn với người dân, đặc biệt ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đảm bảothực hiện dân chủ, công bằng xã hội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giúp đỡ pháp luật cho nhân dân. Bên cạnh đó, TGPL phải tăng cường đầu tư, đổi mới các hình thức, phương thức TGPL theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong công tác trợ giúp pháp lý và tăng cường chất lượng dịch vụ[7].

[1]Đoàn Thị Ngọc Hải, luận văn thạc sỹ Luật học “thực hiện pháp luật trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách tại tỉnh Ninh Bình”, 2016, trang 75.

[2] Nghị quyết số 95/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2013 – 2020

[3] Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

[4]Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

[5] Chỉ thị số 03/2013/CT-UBND ngày 03/5/2013 của UBND tỉnh Đắk Lắk về tăng cường công tác trợ gúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

[6] Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

[7] Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duỵet chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon