Các yếu tố ảnh hưởng đến việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn

cac-yeu-to-anh-huong-den-viec-chung-song-nhu-vo-chong-khong-dang-ky-ket-hon

Yếu tố tâm lý có tác động lớn đến việc nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Bởi vì, tâm lý là tất cả những hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc của con người và gắn liền với mọi hoạt động từ nhỏ đến lớn. Tâm lý con người là nhận thức, trí thức, tình cảm, ý chí đến tích cách, ý thức và tự ý thức về chính mình. Tâm lý cũng là nhu cầu, năng lực, cách đối nhân xử thế, hành vi và cả những định hướng giá trị của một người. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn.

1. Các yếu tố chủ quan

1.1. Yếu tố về tâm lý

Trong sự phát triển của lịch sử xã hội loài người, khi chế độ một vợ một chồng mới được hình thành luôn hướng tới trước tiên là mục đích kinh tế, sau là đảm bảo cho con cái sinh ra phải là con của người chồng và được thừa kế tài sản từ người đó. Điều đó ảnh hưởng tới tâm lý của người chồng đối với đứa con mà vợ sinh ra. Người chồng luôn mong muốn được thỏa mãn rằng đứa con mà người vợ sinh ra phải là con của chính mình. Đây cũng là một trong những cơ sở đầu tiên, quan trọng thể hiện sự thống trị của người đàn ông trong gia đình. Tâm lý của người vợ lúc ban đầu, luôn muốn hiến thân chỉ với một người đàn ông và coi đó là sự giải phóng. Họ luôn phải tuyệt đối chung tình với chồng, sinh con nhằm thỏa mãn đời sống tâm lý của người chồng. Tuy nhiên, sự chung thủy chỉ đặt ra đối với người vợ mà không đặt ra đối với người chồng, vì vậy trên thực tế lúc bấy giờ người chồng vẫn có thể chung sống với những người phụ nữ khác. Chính tâm lý được thống trị gia đình của người đàn ông đã tạo ra những mối quan hệ “như vợ chồng” cũng nhằm thỏa mãn tâm lý đó của mình. Người đàn ông được phép chung sống với người phụ nữ khác nhưng người phụ nữ thì không. Sau đó, yêu cầu về sự chung thủy trở thành nghĩa vụ đối với cả hai bên vợ chồng nhưng có lẽ vì tâm lý ăn sâu trong người đàn ông nên việc người đàn ông chung sống với người phụ nữ khác dễ xảy ra hơn so với đàn bà chung sống với người đàn ông khác.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, điều kiện kinh tế xã hội ảnh hưởng nhiều tới yếu tố tâm lý của cá nhân bao gồm cả phụ nữ và đàn ông. Xã hội hiện đại, các cá nhân được quyền tự quyết định về cuộc sống của mình, trên thực tế có nhiều sự lựa chọn về cuộc sống nên một bộ phận không nhỏ giới trẻ mang tâm lý bị ám ảnh về hôn nhân. Họ coi hôn nhân, kết hôn là điều không cần thiết nên họ lựa chọn chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Nếu người phụ nữ không kết hôn trước đây thường bị xã hội thương hại, thậm chí là mỉa mai, tuy nhiên số lượng phụ nữ chọn sống độc thân đang ngày càng tăng và trở thành xu thế.

Như vậy, yếu tố tâm lý tác động lớn đến việc nam, nữ quyết định chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Ở xã hội hiện nay, giới trẻ vẫn đưa ra rất nhiều lý do để lựa chọn hình thức chung sống này thay cho kết hôn. Nhưng trên hết là tâm lý sợ hôn nhân, tâm lý được bình đẳng, tự do lựa chọn quyết định cuộc sống của mình mà không bị tác động bởi lịch sử, hoàn cảnh xã hội như trước kia.

1.2. Yếu tố về ý thức pháp luật

Ý thức pháp luật có thể được hiểu là những quan điểm, quan niệm hình thành trong xã hội thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật và sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp đối với các hành vi pháp lí thực tiễn. Hiện nay, phải khẳng định rằng pháp luật đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo thiết lập trật tự một xã hội an toàn văn minh và tốt đẹp, đảm bảo cho mọi hoạt động đời sống người dân. Để phát huy được hiệu quả của pháp luật thì ý thức pháp luật của người dân chính là nhân tố quan trọng hàng đầu. Hiện nay, việc người dân thể hiện ý thức pháp luật của mình có nhiều bước chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu của đời sống. Bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở nước ta đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng nhiều hơn. Những hoạt động của các cấp các ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân, hầu hết người dân đã nắm rõ được tầm quan trong của pháp luật trong đời sống từ đó mà nhìn nhận đúng và tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật mà nhà nước đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ý thức pháp luật trong một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận không nhỏ nhân dân trình độ nhận thức pháp luật kém. Kiến thức pháp luật của nhân dân, đặc biệt những vùng nông thôn, miền núi còn rất thấp. Rất nhiều người tham gia pháp luật mà không biết những quy định của pháp luật mặc dù nó rất gần gũi, phổ biến trong cuộc sống.

Và đây chính là ảnh hưởng tiêu cực mà ý thức pháp luật của người tham gia chung sống gây ra. Họ có thể hiểu hoặc không hiểu quy định pháp luật, nhưng do không có sự tôn trọng pháp luật, không có ý thức chấp hành pháp luật mà vẫn tiến hành các hành vi chung sống như vợ chồng. Nếu việc chung sống này không thuộc nhóm các trường hợp trái pháp luật thì vẫn được quyền tiến hành. Tuy nhiên, việc chung sống như vợ chồng ngày càng phổ biến đã và đang gây ra ảnh hưởng xấu tới không chỉ người tham gia quan hệ mà còn tới cả quan điểm của cả một lớp người dân. Họ không còn nhận thấy tầm quan trọng sự chứng nhận hôn nhân của nhà nước, không còn thấy vai trò của nhà nước nữa. Và đây là ảnh hưởng nguy hiểm, không chỉ làm gia tăng tình trạng chung sống như vợ chồng mà còn làm mất lòng tin của người dân vào pháp luật.

Thứ hai, ý thức pháp luật còn liên quan đến chủ nghĩa tự do cá nhân trong các quan hệ xã hội thì quyền kết hôn còn được hiểu là quyền không kết hôn. Quyền không kết hôn được thể hiện dưới hai hình thức: sống độc thân hoặc chỉ nam, nữ chung sống như vợ chồng với người có điều kiện phù hợp kết hôn nhưng lại không đăng ký kết hôn.

Với suy nghĩ rằng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn chỉ là một tờ giấy nếu một trong hai người không thật tâm muốn vĩnh viễn chung sống, thì có hay không đăng ký kết hôn cũng không ý nghĩa. Họ cho rằng, nền tảng của hôn nhân là tình yêu thực sự giữa hai cá nhân. Nếu có tình yêu bền vững, họ sẽ chung sống lâu dài và thương yêu nhau. Nếu đăng ký kết hôn được công nhận là cặp vợ chồng hợp pháp, nhưng chỉ sau một thời gian họ lý hôn thì thủ tục phức tạp, có thể mất tiền án phí, phí luật sư…Tức là, nếu họ cảm thấy không thể hòa hợp được nữa thì cũng dễ dàng chia tay, không bị nhức đầu vì những thủ tục cũng như chi phí pháp lý,… các bên đã không tiến hành việc đăng ký kết hôn.

Bên cạnh đó, tính răn đe của pháp luật trong vấn đề này còn chưa cao và ít được áp dụng trên thực tế. Chế tài xử lý các vi phạm về HN&GĐ hiện nay tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; HN&GĐ; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã nâng mức phạt lên cao hơn và đã liệt kê khá đầy đủ các trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Mặc dù mức xử phạt tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã cao hơn nhiều nhưng trên thực tế vẫn chưa đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm này. Trong lĩnh vực Hình sự thì các tội xâm phạm về chế độ HN&GĐ có mức hình phạt cao hơn nhưng trên thực tế lại rất khó để xét xử các tội phạm này.

Như vậy, trong tương lai để ý thức pháp luật của người dân cao hơn cần có sự quan tâm hơn của Đảng về việc tuyên truyền phổ biến có hiệu quả về pháp luật tới sâu, rộng mọi người dân. Bên cạnh đó, chính các văn bản quy phạm pháp luật cần có nội dung cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu để người dân thuận lợi tiếp cận hơn.

2. Các yếu tố khách quan

2.1. Yếu tố phong tục tập quán

Dân tộc Việt Nam dù ở bất kì giai đoạn lịch sử nào, truyền thống tôn trọng cha mẹ, đề cao tình cảm trong gia đình là một nét văn hóa không thay đổi. Bên cạnh đó Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ mà mỗi dân tộc có những nét văn hóa, phong tục tập quán riêng và ảnh hưởng đến quan hệ hôn nhân và gia đình hay việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Theo phong tục của nhiều dân tộc, việc nam nữ cưới nhau trước sự chứng kiến của họ hàng, làng xóm, bạn bè hai bên thì mới được coi là kết hôn mới được coi là vợ chồng còn quan trọng hơn việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Họ quan tâm đến hình thức kết hôn mà không quan tâm tới việc phải đăng ký kết hôn hay các quy định về điều kiện kết hôn. Quan niệm này phần lớn tập trung ở các vùng, miền dân tộc thiểu số. Họ cho rằng việc nam, nữ cưới nhau chung sống với nhau là theo sự tự nguyện và mong muốn của cả hai bên nhằm tạo nguồn lao động cho gia đình và sinh con đẻ cái, không cần chờ đến khi nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi. Đây chính là trường hợp chung sống trước tuổi luật định hay chính là trường hợp tảo hôn. Ví dụ phong tục “hỏi chồng” của người Ê Đê. Cộng đồng người Ê Đê mang đậm chế độ mẫu hệ, nên người con gái chủ động đi hỏi và cưới chồng, việc thách cưới là do nhà trai yêu cầu. Qua thời gian, đôi trai gái tìm hiểu nhau, nếu thấy “ưng cái bụng” thì người con gái về báo cho cha mẹ biết, để nhờ người mai mối và tiến hành lễ hỏi chồng. Đây là nét văn hóa thể hiện rõ nét vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân, truyền thống độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng.

Do đó, việc chung sống như vợ chồng trước tuổi luật định nói riêng và quan hệ hôn nhân và gia đình nói chung không cần căn cứ vào pháp luật mà chỉ cần phong tục cho phép là họ làm theo. Từ đó sẽ tạo rào cản làm cho pháp luật rất khó đi vào đời sống thực tế.

2.2. Yếu tố điều kiện kinh tế – xã hội

Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay có nhiều yếu tố tác động chi phối đến đời sống, đến quan điểm của mỗi cá nhân từ đó dẫn đến sự lựa chọn mô hình sống của họ nhất là trong môi trường toàn cầu hóa. Toàn cầu hoá (globalization) đã mau chóng trở thành xu thế thời đại. Có thể nói, toàn cầu hoá là một hiện tượng đột phá, mang tính cách mạng, làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhân loại trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội…Như vậy, khoảng cách về không gian địa lý được thu hẹp tối đa. Điều đó đồng nghĩa với việc mối giao lưu, quan hệ giữa con người với con người được mở rộng. Các cộng đồng, các dân tộc, các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn. Trong mỗi cộng đồng, văn hóa, lối sống của các cá nhân cũng chịu tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Sự đan xen này trực tiếp góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, nhưng cũng làm phát sinh tình trạng văn hóa lai căng khiến việc bảo vệ bản sắc trong đa dạng văn hóa trở thành nhiệm vụ không dễ dàng của mọi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, dưới tác động của toàn cầu hóa, lối sống của người Việt Nam hiện nay đang có nhiều thay đổi. Sự du nhập văn hoá phương Tây với những quan niệm về giá trị sống, phong cách sống, lối sống mới, một mặt, tác động tích cực đến việc làm thay đổi lối sống khép kín, cam chịu, phụ thuộc vốn có của người Việt Nam sang một lối sống cởi mở, năng động, tự lập, dám chịu trách nhiệm, phù hợp với xu thế thời đại. Mặt khác, làm phương hại đến giá trị sống truyền thống và văn hoá truyền thống của người Việt. Đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Nhiều bài viết, hội thảo, tọa đàm, trao đổi về vấn đề sự xuống cấp đạo đức, sự lệch lạc trong lối sống của một bộ phận người dân. Nhưng ngay cả đối với người dân có trình độ học vấn cao, có nghề nghiệp ổn định thu nhập cao thì việc lựa chọn chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn với họ lại là một sự lựa chọn phù hợp. Bởi lẽ, họ không cần vật chất để phải dựa dẫm, phụ thuộc nhau, họ tự tin với khả năng kiếm tiền và độc lập của mình nên họ thích lựa chọn bạn tình hơn là bạn đời bởi hai bên không có sự ràng buộc. Hoặc có thể xuất phát từ tình yêu, tình thương chân thành nhưng cũng chính vì họ độc lập được về kinh tế nên họ ngại những thủ tục pháp lý mà họ coi là phức tạp và mất thời gian. Hay chăng, yêu thương thì bên nhau sống hết tình hết nghĩa lúc không còn duyên nợ thì cũng nhẹ nhàng đường ai nấy đi không cần ra Tòa xin ly hôn theo thủ tục tố tụng.

Vậy là, trong những hoàn cảnh nêu trên việc nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn hoàn toàn có thể xảy ra thậm chí với số lượng lớn và phức tạp.

2.3. Yếu tố về sự phát triển khoa học, công nghệ thông tin

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều các trang mạng xã hội đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Bên cạnh nhiều tiện ích, các trang mạng xã hội cũng đã gây ra những hệ lụy không tốt, khó lường.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng, nhất là Internet phát triển rất mạnh, nó đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính kết nối Internet, chúng ta có thể truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram, Tik Tok… trong đó, phổ biến nhất là Facebook và Instagram. Mặc dù mục đích, cách thức, mức độ tham gia các trang mạng xã hội của mỗi người khác nhau nhưng có một điểm chung đó là xem nó như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.

Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số người sử dụng internet, mạng xã hội lớn và ngày càng tăng. Theo thống kê, đến tháng 1/2020 Việt Nam có số người sử dụng internet lên đến 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Kết quả một số điều tra cũng cho thấy, một bộ phận người trẻ hiện nay đang bị phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng tự kiểm soát của một bộ phận người trẻ trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội còn chưa cao.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy rằng một bộ phận không nhỏ người dân ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội như một nguồn tìm kiếm thông tin tình dục một cách dễ dàng và là phương tiện để thể hiện ham muốn tình dục. Chính các thông tin mở trên các kênh thông tin không bị giới hạn về độ tuổi về nhận thức của người truy cập càng khiến cho họ đặc biệt là giới trẻ tò mò và mong muốn được tiếp cận sâu hơn về tình dục và quan hệ tình dục. Chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn đôi khi cũng là một xu hướng là hệ lụy cho những tiêu cực mà công nghệ thông tin gây ra.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon