Thừa kế thế vị

thua-ke-the-vi

Trong hệ thống pháp luật dân sự, thừa kế là một trong những chế định pháp luật có vai trò quan trọng trong việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người thừa kế của họ. Pháp luật về thừa kế bao gồm thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Thừa kế thế vị là một trong những trường hợp đặc biệt của thừa kế theo pháp luật. Trong quá trình áp dụng những quy định này trên thực tế cũng như trong việc giải quyết tranh chấp trong thừa kế vẫn có rất nhiều vấn đề xoay quanh chế định thừa kế thế vị. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về vấn đề trên!

Căn cứ pháp luật

1. Pháp luật về thừa kế

Căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định pháp luật có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Ngoài ra, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

2. Quy định về thừa kế thế vị

Căn cứ theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Theo quy định trên thì thừa kế thế vị là việc con thay thế vị trí của bố hoặc mẹ đẻ nhận di sản thừa kế từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cụ nội, cụ ngoại nếu bố mẹ đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với những người này. Phần di sản mà người con được hưởng trong di sản của người để lại thừa kế là phần di sản mà bố hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

2.1. Điều kiện được hưởng thừa kế thế vị

Một là, con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu lẽ ra được hưởng nếu còn sống. Nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt của họ sẽ được hưởng phần di sản đó.

Hai là, Những người thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thế vị luôn luôn ở vị trí đời sau. Tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản mà ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp ngược lại, là cha, mẹ thế vị con để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.

Ba là, giữa họ phải có quan hệ huyết thống trực hệ. Tức là, chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ đẻ.

Bốn là, người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp một người chưa sinh ra vào thời điểm mở thừa kế thì người đó phải là người đã thành thai trước khi người để lại di sản chết và phải sinh ra còn sống sau thời điểm mở thừa kế.

Năm là, khi còn sống cha hoặc mẹ của người nhận thừa kế thế vị phải có quyền được hưởng phần di sản của người chết để lại. Nếu ba hoặc mẹ của người đó thuộc các trường hợp không được hưởng thừa kế, bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì con hoặc cháu của những người này không được nhận thừa kế thế vị.

Sáu là, bản thân người được nhận thừa kế thế vị không bị tước quyền thừa kế theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, thừa kế thế vị chỉ xảy ra ở hàng thừa kế thứ nhất (Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015). Các đồng thừa kế nhận di sản với tư cách là người thế vị sẽ được chia ngang nhau phần di sản mà người cha hoặc mẹ, ông hoặc bà chúng sẽ được hưởng nếu còn sống.

2.2. Các trường hợp thừa kế thế vị

2.2.1. Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của ông hoặc bà để lại

Trường hợp cha chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông nội hoặc bà nội thì khi ông nội hoăc bà nội chết con sẽ thay thế vị trí của cha để thừa kế phần di sản của ông nội mà cha mình được hưởng nếu còn sống.

Trường hợp mẹ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông ngoại hoặc bà ngoại thì khi ông ngoại hoặc bà ngoại chết, con sẽ được hưởng phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống từ ông ngoại hoặc bà ngoại.

Vậy, con nuôi có được nhận thừa kế thế vị không?

Trường hợp 1, A nhận nuôi B và B nhận nuôi C thì thừa kế thế vị không được đặt ra trong trường hợp này. Vì con nuôi của B không đương nhiên trở thành cháu nuôi của A.

Trường hợp 2, A nhận nuôi B và B sinh ra C thì được thừa kế thế vị. Khi con nuôi chết trước cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì con của người con nuôi đó được hưởng phần di sản mà cha nuôi hoặc mẹ nuôi đáng lẽ được hưởng nếu còn sống.

Trường hợp quy định về hành vi cua người không có quyền hưởng thừa kế thì con của họ có được thừa kế thế vị không?

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản nhưng người con đó khi còn sống đã bị kết án về một trong những hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì cháu không được thừa kế. Bởi khi cha hoặc mẹ khi còn sống không có quyền hưởng phần di sản từ ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội thì cháu cũng không thể hưởng phần di sản đó. Trừ trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

2.2.2. Chắt thế vị cha hoặc mẹ hưởng di sản của cụ

Trường hợp, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) chết trước người để lại di sản là cụ nội, cụ ngoại (A) và cha hoặc mẹ của người đó (C) cũng chết trước người để lại di sản nhưng chết sau ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ (C) mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết.

Trường hợp, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) và cha hoặc mẹ (C) chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản (A) thì chắt (D) được hưởng phần di sản mà (C) được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) chết trước người để lại di sản (A) và cha hoặc mẹ (C) chết sau ông hoặc bà (B) nhưng chết cùng thời điểm với người để lại di sản (A) thì chắt (D) được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Có thể nói, thừa kế thế vị được diễn ra phụ thuộc vào một sự kiện pháp lý – sự kiện cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt đã chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông nội, bà nội, ông ngoại, và ngoại hoặc các cụ nội, cụ ngoại là điều kiện để cháu được hưởng thừa kế thế vị. Tuy nhiên, theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cháu hoặc chắt chỉ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt được hưởng nếu còn sống. Như vậy, dù cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản nhưng nếu cha hoặc mẹ khi còn sống không có quyền hưởng thì cháu hoặc chắt cũng không được hưởng thừa kế thế vị.

3. Bài tập chia thừa kế thế vị

Ông A có khối di sản để lại là 90 triệu đồng. Ông có vợ là B, có con là C và D. C có con M và N. C chết trước A. Ông A chết không để lại di chúc. Hãy chia thừa kế trong trường hợp này?

Vì ông A không để lại di chúc cho nên phần di sản của ông A sẽ được chia thừa kế theo pháp luật (Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015).

Hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm: bà B, con C và D. Tuy nhiên, do C chết trước A nên M và N được nhận thừa kế thế vị phần di sản từ ông A mà C lẽ ra được hưởng nếu còn sống.

Phần di sản được chia như sau:

B = M + N = D = 90 triệu : 3 = 30 triệu đồng

Trong đó:

                        Phần di sản B được hưởng là: 30 triệu đồng

                        Phần di sản D được hưởng là: 30 triệu đồng

M và N được hưởng phần di sản ngang nhau:

                        Phần di sản M được hưởng là: 30 triệu : 2 = 15 triệu đồng

                        Phần di sản N được hưởng là: 30 triệu : 2 = 15 triệu đồng

Trên đây là nội dung của Luật Dương Gia về quy định thừa kế kế vị. Nếu quý vị có bất kì thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon