Xác định thiệt hại

xac-dinh-thiet-hai

Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường là thiệt hại. Cần xác định được thiệt hại một cách chính xác và cụ thể mới có thể làm rõ trách nhiệm bồi thường. Chính vì vậy, việc xác định thiệt hại còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc ấn định mức bồi thường cho người gây thiệt hại đối với người bị thiệt hại. Bài viết này nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cách xác định thiệt hại và những vấn đề liên quan.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;

1. Thiệt hại là gì?

Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính bằng tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy, tài sản của cá nhân, tổ chức. Thiệt hại được xác định bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà việc xác định thiệt hại được tính toán khác nhau. 

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. (Điều 584 Bộ luật dân sự 2015)  Điều 584 BLDS 2015 thừa nhận một số giá trị của cá nhân được bảo vệ, phạm vi giá trị của cá nhân được bảo vệ rộng hơn so với giá trị của pháp nhân được bảo vệ.  

Được quy định cụ thể tại Điều 605 BLDS 2015. Nguyên tắc chung là thiệt hại phải bồi thường toàn bộ, kịp thời, xuất phát từ đặc trưng của bồi thường là thiệt hại. Tất cả các hành vi nào đó gây ra cụ thể là bao nhiêu sẽ phải bồi thường cho hành vi đó. Ví dụ: A đang đi trên đường thì bị B đi ngược đường đâm vỡ đèn pha ô tô, theo đó B phải bồi thường toàn bộ thiệt hại từ hành vi của mình là đèn pha ô tô đó. Bản chất của quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một quan hệ dân sự, có thể được phát sinh dựa trên ý trí thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho phép các bên chủ thể được thỏa thuận về việc bồi thường như mức bồi thường (nhỏ hơn giá trị thiệt hại thực tế), phương thức bồi thường (1 lần hay nhiều lần), thiệt hại cụ thể…

Đối với nguyên tắc giảm bồi thường được luật ghi nhận trong trường hợp người gây thiệt hại do lỗi vô ý hoặc không có lỗi mà gây ra một thiệt hại thực tế quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì sẽ có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường. Ví dụ: đang đi xe máy trên đường vì tránh xe đi ngược chiều mà đâm phải xe ô tô mới đỗ ở vệ đường khi bị yêu cầu bồi thường thiệt hại căn cứ vào lỗi vô ý gây ra thiệt hại kinh tế quá lớn có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường.

Ngoài ra pháp luật còn cho phép thay đổi mức bồi thường phù hợp với thực tế, căn cứ vào khả năng của người có trách nhiệm phải bồi thường, tình trạng, chuyển biến thực tế của người được bồi thường cụ thể.

Ví dụ: xe tải vượt đèn đỏ đâm phải một người làm cho người đấy bị mất khả năng lao động, phải bồi thường thiệt hại như viện phí, cấp dưỡng hàng tháng…. Khi ra tòa, tòa sẽ cho các bên thỏa thuận trước, quy định về mức cấp dưỡng cụ thể phụ thuộc vào khả năng kinh tế của người gây thiệt hại, nhu cầu sống tối thiểu của người được cấp dưỡng. Nếu không phù hợp có thể yêu cầu thay đổi mức bồi thường.

2. Xác định thiệt hại

Xác định thiệt hại là hoạt động đóng vai trò quan trọng nhằm tính toán chính xác những tổn thất đã xảy ra với người bị thiệt hại, là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và mức bồi thường thiệt hại nói riêng. Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, mặc dù BLDS năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan đã có quy định về xác định thiệt hại nhưng chưa có quy định nào đưa ra quy phạm định nghĩa cụ thể về xác định thiệt hại. Những văn bản này chỉ dừng lại ở việc liệt kê cách khách thể được bồi thường khi bị xâm phạm, những chi phí phải bồi thường mà không có quy định về chủ thể xác định thiệt hại, phương thức, hình thức xác định thiệt hại, công cụ hỗ trợ hoạt động xác định thiệt hại.. .

Thuật ngữ “xác định thiệt hại” lần đầu tiên được đưa ra trong Luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Văn Hợi năm 2011. Theo đó, tác giả Nguyễn Văn Hợi có đưa ra định nghĩa: “Xác định thiệt hại là hoạt động do các cơ quan nhà nước hoặc chủ thể khác thực hiện bằng các cách thức, biện pháp khác nhau nhằm tính toán những tổn thất đã xảy ra đối với một chủ thể khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm”.

Chúng tôi cho rằng với định nghĩa trên tác giả Nguyễn Văn Hợi đã làm sáng tỏ những nội dung liên quan đến chủ thể thực hiện hoạt động xác định thiệt hại có thể là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ thể khác. Định nghĩa này được xây dựng khá là hợp lý, trọn vẹn bởi chủ thể xác định thiệt hại có thể là cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể là chính chủ thể bị thiệt hại khi có yêu cầu tòa án xác định mức bồi thường.

Việc xác định thiệt hại sẽ được tiến hành dưới các phương thức khác nhau tùy vào quan hệ xã hội bị xâm phạm, tùy vào nhóm khách thể bị thiệt hại. Mục đích của hoạt động xác định thiệt hại là đưa ra được tổn thất mà người bị thiệt hại đã phải gánh chịu nhằm bù đắp sự mất mát, thiệt thòi cho chủ thể này. Định nghĩa này hoàn toàn phù hợp, duy chỉ có thuật ngữ “một” trong cụm từ “một chủ thể” theo chúng tôi cần được thay thế bằng từ “mỗi” bởi nếu giữ nguyên, người đọc sẽ dễ nhầm là hoạt động xác định thiệt hại chỉ tiến hành với một chủ thể, nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là xác định thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra thì khách thể bị xâm phạm rất phong phú và cùng một lúc hoạt động xác định thiệt hại có thể được tiến hành với nhiều chủ thể, trong đó mỗi chủ thể sẽ được tách riêng độc lập để xem xét nguyên nhân – thiệt hại và tính toán thiệt hại.

Hoạt động xác định thiệt hại mang đầy đủ các đặc điểm sau:

(1) Được tiến hành khi có thiệt hại xảy ra.

(2) Do chủ thể có năng lực đánh giá, thẩm định thiệt hại thực hiện hoặc có quyền, lợi ích liên quan thực hiện.

(3) Mục đích của hoạt động xác định thiệt hại nhằm bù đắp tổn thất cho người bị thiệt hại.

(4) Kết quả của hoạt động xác định thiệt hại phải cụ thể hóa mức bồi thường mà người chịu trách nhiệm bồi thường phải thực hiện cho người bị thiệt hại.

3. Ý nghĩa của việc xác định thiệt hại

Một là, đối với người bị thiệt hại: Kết quả của hoạt động xác định thiệt hại sẽ là cơ sở để khắc phục hậu quả xấu mà hành vi đã gây ra. Từ đó, tái thiết lập trạng thái ban đầu của các quan hệ xã hội chịu tác động tiêu cực do hành vi phạm gây ra. Như vậy, đối với người bị thiệt hại, việc xác định thiệt hại là cơ hội để khắc phục, bù đắp, hỗ trợ sự tổn thất đã mất.

Hai là, đối với việc xác định trách nhiệm hình sự: kết quả của hoạt động xác định thiệt hại còn có thể là yếu tố định tội danh và khung hình phạt đối với người thực hiện hành vi trái pháp luật.

Ba là, đối với Nhà nước và xã hội: hoạt động xác định thiệt hại tạo môi trường đầu tư an toàn, đáng tin cậy của Việt Nam, thúc đầy quan hệ giao lưu thương mại với các đối tác trên thế giới. Khi hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại, nếu hoạt động xác định thiệt hại được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả sẽ đảm bảo cho nền kinh tế được vận hành một cách thông suốt không bị trì hoãn, không gián đoạn. Kết quả của hoạt động xác định thiệt hại là cơ sở xác định mức thiệt hại được bồi thường và cơ sở để phục hồi những quan hệ xã hội đã chịu sự thiệt hại.

4. Một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật của Bộ luật dân sự năm 2015 về thiệt hại và xác định thiệt hại

Nhìn chung các quy định về thiệt hại và xác định thiệt hại của BLDS năm 2015 là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu nhóm tác giả cho rằng một số quy định cần có hướng dẫn chi tiết để hoạt động áp dụng và bảo về pháp luật của các chủ thể có liên quan được thống nhất và hiệu quả.

Trong thời đại ngày nay, khoa học ngày càng phát triển, một số kết quả nghiên cứu cho rằng con người ngày càng ý thức được vai trò của một số loài động vật (những thực thể có hệ thống thần kinh phát triển, có sự tương tác với con người). Một số quốc gia, động vật không chỉ được sử dụng như thú cưng mà còn được “tin tưởng” như hộ lý chữa bệnh tâm lý, tự kỷ. Do đó, khi tài sản này bị xâm phạm rất có thể tạo ra sự mất mát rất lớn về mặt tinh thần của chủ sở hữu, người dành tình cảm đặc biệt cho những tài sản này. Vì thế, những nhà nghiên cứu khoa học pháp lý cần xem xét bổ sung thử nghiệm quy định về bù đắp tổn thất tinh thần cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp khi tài sản bị xâm phạm.

Cần có hướng dẫn về các loại “thiệt hại khác”, những thiệt hại này được nhận diện bởi tiêu chí nào? Phải có quy định pháp luật thừa nhận hay chỉ cần được cộng đồng người thừa nhận? Pháp luật về xác định thiệt hại có những quy định dự liệu về các thiệt hại tiềm ẩn một thời gian dài mới biểu hiện dưới các dấu hiệu mà con người quan sát được, ví dụ như: trường hợp cháy công ty sản xuất bóng đè Rạng Đông, hóa chất độc hại ngấm vào lòng đất, mạch nước, một thời gian sau thời điểm sự kiện cháy xảy ra mới có những dấu hiệu rõ rệt. Do đó, pháp luật cần bổ sung quy định về thời hạn xác định thiệt hại trong những trường hợp đặc thù này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng tránh sự tùy tiện trong hoạt động thu thập chứng cứ, giám định thiệt hại của cơ quan giám định.

Nhìn chung định danh thiệt hại và xây dựng quy trình xác định thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một công việc phức tạp, đòi hỏi có sự tham gia của các chuyên gia bộ nghành, lĩnh vực khác nhau. Bài việt này chỉ thể hiện góc nhìn của chúng tôi về các vấn đề lý luận trong việc xác định thiệt hại và nhận định quy định pháp luật về xác định thiệt hại. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp quý báu của quý bạn đọc để hoàn thiện nội dung nghiên cứu trong tương lai.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về xác định thiệt hại. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon