Thời hạn là một thuật ngữ khá quen thuộc và hay sử dụng trong thực tiễn nhưng không phải ai cũng có thể hiểu rõ và biết cách áp dụng thời hạn để phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Pháp luật quy định về thời hạn và cách tính thời hạn như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau.
Căn cứ pháp lý
1. Quy định pháp luật về thời hạn
1.1. Khái niệm thời hạn
Thời hạn là khoảng thời gian được kéo dài từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn luôn được xác định trong giao dịch dân sự, trong các quy định pháp luật hoặc trong các Bán án. Bộ luật Dân sự quy định cách tính thời hạn trong từng trường hợp nhất định.
Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm, hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra (Điều 144 Bộ luật Dân sự 2015). Thời hạn không đơn thuần chỉ là một khoảng thời gian, mà thời hạn được xác định là một sự kiện pháp lý đặc biệt làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong những trường hợp do luật định hoặc các bên thỏa thuận. Thời hạn là khoảng thời gian trôi qua hay thời điểm khi mà nó kết thúc hoặc xuất hiện thì làm phát sinh hậu quả pháp lý.
Ví dụ theo Điều 278 Bộ luật Dân sự 2015 thì người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình đúng thời hạn theo thỏa thuận của các bên, theo Luật định hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian đó, thì người có nghĩa vụ mới phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Việc xác định thời hạn trong giao dịch dân sự cũng như trong các quan hệ pháp luật có nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội được xác định về thời gian, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch.
1.2. Các loại thời hạn
Tùy theo tính chất đặc trưng của từng loại thời hạn, có thể phân loại theo từng tiêu chí cụ thể sau đây:
– Căn cứ theo chủ thể xác định thời hạn thì thời hạn được chia làm ba loại:
+ Thời hạn do luật định: Đây là thời hạn không thể thay đổi, tùy theo ý chí của các bên khi tham gia các giao dịch, việc áp dụng thời hạn theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ của mọi chủ thể. Thời hạn này có ý nghĩa bắt buộc đối với các chủ thể tham gia giao dịch. Như trường hợp tại Điều 71 BLDS 2015, Tòa án ra quyết định tuyên bố một người đã chết, nếu sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống, hoặc trường hợp biệt tích trong chiến tranh thì sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà không có tin tức xác thực là còn sống.
+ Thời hạn thỏa thuận theo ý chí của các bên giao dịch. Đây là thời hạn thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể, thời hạn do các chủ thể tự xác định, nó có thể được các bên thay đổi, kéo dài hay rút ngắn. Ví dụ như thời hạn thuê nhà, các bên có thể tự thỏa thuận thời hạn thuê hoặc hợp đồng không xác định thời hạn thuê. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận và ý chí của các bên tham gia quan hệ hợp đồng, tuy nhiên phải tuân thủ quy định pháp luật.
+ Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định khi xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể. Đây là trường hợp pháp luật trao quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện việc xác định thời hạn khi xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể tùy theo tính chất của từng loại giao dịch, từng loại quan hệ pháp luật.
2. Cách tính thời hạn
Về nguyên tắc, việc tính thời hạn được áp dụng theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Dân sự trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Thời hạn được tính theo dương lịch , trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong một số trường hợp cụ thể, việc xác định thời hạn có thể được thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Quy định này nhằm bảo đảm chó các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự tự mình thỏa thuận việc lựa chọn thời hạn để bảo đảm thuận tiện trong việc thực hiện.
2.1. Thời điểm tính thời hạn
Nếu các bên thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
Nửa năm là sáu tháng;
Một tháng là ba mươi ngày;
Nửa tháng là mười lăm ngày;
Một tuần là bảy ngày;
Một ngày là hai mươi tư giờ;
Một giờ là sáu mươi phút;
Một phút là sáu mươi giây.
Nếu các bên thỏa thuận không cụ thể về thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn mà thỏa thuận chung chung như đầu tháng, cuối tháng, đầu năm,… thì phải áp dụng quy định về thời điểm, theo Điều 146 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;
Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;
Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;
Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;
Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
Nếu các bên thỏa thuận về thời hạn mà khoản thời gian liền nhau thì thời hạn được tính từ thời điểm bắt đầu cho đến kết thúc của thời hạn. Nếu các bên thỏa thuận về thời hạn và khoảng thời gian không liền nhau thì có thể cộng dồn thời gian cho đủ với thời gian đã được thỏa thuận. Ví dụ, B thỏa thuận làm cho A một công việc trong 01 tuần mà thời gian thực hiện không liền nhau thì thời hạn B phải làm cộng dồn đủ 07 ngày.
Ngoài việc xác định thời hạn theo thời gian, thời hạn còn có thể được xác định bằng một sự kiện có thể xảy ra nhưng không xác định được thời điểm cụ thể. Ví dụ như thỏa thuận giao hàng rơi vào dịp tết, do số lượng đơn hàng vận chuyển tăng cao nên thời hạn giao hàng có thể phải kéo dài.
2.2. Cách tính thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn
– Thời điểm bắt đầu thời hạn
Căn cứ theo Điều 147 BLDS 2015, thời điểm bắt đầu thời hạn được xác định bằng ba cách thức sau:
+ Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu bằng thời điểm đã xác định. Ví dụ: Các bên thỏa thuận về thực hiện một hợp đồng may đo quần áo với thời hạn là 4 giờ và bắt đầu từ 7 giờ 30 phút, thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn là 7 giờ 30 phút.
+ Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của thời hạn đã xác định. Ví dụ: Các bên thỏa thuận thời hạn trong hợp đồng thuê nhà là 06 tháng, kể từ ngày 01/01/2023, thì thời điểm bắt đầu thời hạn được xác định từ ngày 02/01/2023.
+ Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.
– Thời điểm kết thúc thời hạn
Căn cứ theo Điều 148 BLDS 2015 quy định:
+ Thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng cùng thời hạn
+ Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
+ Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
+ Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
+ Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
+ Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó (Điều 148 BLDS năm 2015).
Trên đây là nội dung chi tiết về quy định của pháp luật về thời hạn và cách tính thời hạn theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.