Tặng cho là gì? Tặng cho xong có đòi lại được không?

tang-cho-la-gi-tang-cho-xong-co-doi-lai-duoc-khong

Tặng cho được xem là chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho bên được tặng cho. Thế nhưng trên thực tế không ít trường hợp tặng cho nhưng đến lúc lại muốn đòi lại. Vậy, tặng cho là gì, tặng cho xong có đòi lại được không. Bài viết dưới đây của luật Dương Gia sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Tặng cho là gì?

Tặng cho là một trong những hình thức nhằm chuyển giao quyền sở hữu trong các giao dịch dân sự. Tặng cho thường được thể hiện dưới hình thức là hợp đồng tặng cho tài sản.

Căn cứ tại Điều 457 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”

2. Đặc điểm của hợp đồng tặng cho

Hợp đồng tặng cho là hợp đồng không có đền bù. Thể hiện ở việc một bên chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng còn bên được tặng không có nghĩa vụ trả lại bên tặng cho bất kì lợi ích nào.

Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế. Khi bên được tặng cho nhận tài sản thì quyền của các bên mới phát sinh. Do vậy, mọi thỏa thuận chưa có hiệu lực khi chưa giao tài sản.

3. Quy định về hợp đồng tặng cho tài sản

3.1. Quy định của pháp luật về hợp đồng tặng cho tài sản

Tặng cho thể hiện ở dạng hình thức văn bản, hay còn thể hiện bởi lời nói hoặc hành vi cụ thể. Trong tùy trường hợp mà việc tặng cho bắt buộc phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.

Trong hợp đồng tặng cho tài sản sẽ gồm một số nội dung chính như: đối tượng của hợp đồng, điều kiện tặng cho (nếu có), thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, việc nộp thuế và lệ phí chứng thực,…

Tặng cho tài sản có thể là tặng cho động sản hoặc tặng cho bất động sản.

Về tặng cho động sản, căn cứ theo điều 458 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thì:

“1.Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”

Về tặng cho đối với bất động sản, căn cứ điều 459 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 “1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”

Đây được xem là một dạng hợp đồng tặng cho không có đền bù. Tuy nhiên, có hai dạng hợp đồng tặng cho là tặng cho không có điều kiện và tặng cho có điều kiện. Tặng cho tài sản có điều kiện được quy định tại Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015.

“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

3.2. Tặng cho xong có đòi lại được không?

Trên thực tế, không ít chuyện tặng cho tài sản nhưng sau đó đòi lại. Đối với động sản như tiền, quà thường được giao kết bằng hình thức như lời nói, hành vi cụ thể. Về nguyên tắc đây là hành động tặng cho tài sản, có sự chấp thuận của cả hai bên cho và bên nhận.

Đối với những động sản có giá trị lớn như xe hay bất động sản như nhà, đất thì cần phải có giấy tờ tặng cho có công chứng để sang tên giấy tờ hợp pháp. Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, bên tặng cho có thể yêu cầu bên nhận tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Nếu bên nhận không thực hiện thì người tặng cho có quyền đòi lại tài sản đã tặng cho và yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, nếu việc tặng cho đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết và đúng quy định của pháp luật thì không thể đòi lại được. Trừ trường hợp khi thực hiện hợp đồng tặng cho có điều kiện, và điều kiện tặng cho không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Thỏa thuận về điều kiện tặng cho được ghi trong hợp đồng và bên nhận không thực hiện theo thỏa thuận thì người tặng cho được quyền đòi lại tài sản. Ngoài ra, các bên sẽ được khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nếu bên tặng cho chứng minh được hợp đồng tặng cho vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp tài sản tặng cho gây thiệt hại cho người bên được tặng cho thì bên tặng cho chỉ có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo cho bên được tặng cho theo điều 461 Bộ luật dân sự năm 2015. Trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình và bên nhận không biết thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.

3.3. Trường hợp hợp đồng tặng cho không có điều kiện nhưng vô hiệu

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

– Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

– Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Giao dịch dân sự (hợp đồng) khi không có đủ các điều kiện nêu trên thì sẽ bị coi là vô hiệu. Tương tự, bố mẹ có thể đòi lại tài sản tặng cho con cái nếu chứng minh được hợp đồng tặng cho tài sản đó là vô hiệu.

4. Một số trường hợp tặng cho

Tặng cho mang tính giá trị cao được kể đến là tặng cho bất động sản. Dưới góc độ của Luật đất đai, tặng cho quyền sử dụng đất là một quyền tài sản trong giao lưu dân sự, kinh tê của thị trường bất động sản, Dưới góc độ Luật dân sự, tặng cho quyền sử dụng đất là một loại quyền khác ngoài quyền sở hữu. Quyền tặng cho quyền sử dụng đất là một vật quyền, quyền năng của nó không chỉ do pháp luật xác định mà còn được xác định do ý chí của chủ sở hữu là Nhà nước, nên nó bị hạn chế hơn so với quyền sở hữu.

Tặng cho thường sẽ đi kèm điều kiện như bố mẹ già tặng đất cho con, đồng nghĩa với việc con cháu có nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, người thân thuộc đến hết đời. Trường hợp, con cháu không thực hiện nghĩa vụ của mình thì người tặng cho có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (căn cứ theo khoản 1 Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015). Trên thực tế, người con, cháu đã thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, người thân thuộc nhưng có thể là thực hiện chưa tốt, chưa đầy đủ hoặc thực hiện tốt, nhưng cha mẹ cho rằng người con không làm tròn nghĩa vụ, nên yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất để lấy lại đất. Về mặt pháp lý, việc tặng cho đã hoàn thành, người con, cháu đã đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về mặt thực tế, người con, cháu đã nhận đất sử dụng; song các căn cứ để xác định đã thực hiện nghĩa vụ lại chưa có quy định. Ví dụ cụ thể như sau:

Theo bản án 197/2020/DS-ST ngày 22/09/2020 về tranh chấp đòi lại tài sản và hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Bà Tô Thị T được thừa kế tài sản của cha, mẹ phần đất có diện tích 12.245 m2 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do không có chồng, con nên bà nhận anh Huỳnh Công Th là con của người em ruột về làm con nuôi để anh Th chăm sóc, phụng dưỡng khi về già. Năm 2000, bà cưới chị Huỳnh Thị H về cho anh Th để anh, chị cùng chăm sóc, phụng dưỡng bà và sau này bà sẽ giao lại toàn bộ tài sản lại cho vợ, chồng anh Th thừa hưởng. Khoảng năm 2016, bà làm thủ tục giao diện tích 12.245 m2 cho anh Th, chị H nhưng chỉ có chị H đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, anh Th, chị H đã chuyển nhượng một phần diện tích đất cho người khác. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất anh Th, chị H thiếu sự quan tâm, chăm sóc đối với bà. Anh Th bỏ về sống tại ấp B, xã HT cùng với chị H để bà sống một mình không người chăm sóc khi ốm đau. Do anh Th, chị H không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc nên bà T yêu cầu hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 18-3-2016, chứng thực số 66, quyển số 01/2016/SCT/HĐ,GD đối với thửa số 185, tờ bản đồ số 53, diện tích 1.378,3 m2.

Trường hợp tặng cho động sản có giá trị cao như xe máy, phương tiện đi lại khi đòi lại phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng tặng cho được giao kết. Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 58/2020/TT-BCA, khoản 2 Điều 458 Bộ luật dân sự năm 2015 thì xe máy nói riêng và các phương tiện đi lại nói chung đều là tài sản phải đăng ký nên việc tặng cho chỉ có hiệu lực kể từ khi đăng ký thông tin chủ xe là người được tặng cho. Nếu người tặng cho chưa thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ thì phương tiện đó vẫn thuộc về người tặng cho.

Như vậy, trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến tặng cho là gì và tặng cho xong có đòi lại được không. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon