Phân tích nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

nghia-vu-chung-ve-tai-san-cua-vo-chong

Luật HN&GĐ năm 2014 có những quy định riêng, cụ thể về nghĩa vụ chung, về tài sản của vợ chồng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để vợ chồng thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình liên quan đến các giao dịch do vợ chồng tham gia xác lập, thực hiện đồng thời còn góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người thứ ba trong giao dịch với vợ chồng. Vậy, để nắm được nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014;

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

1. Nghĩa vụ chung là gì?

Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng là những nghĩa vụ về tài sản mà vợ chồng có cùng trách nhiệm phải thực hiện, phát sinh trên cơ sở thỏa thuận của vợ, chồng hoặc theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo lợi ích chung của gia đình, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, được thực hiện bằng tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng của mỗi bên nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ. 

2. Nghĩa vụ chung về tài sản, nợ chung của vợ chồng?

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

– Thứ nhất, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm.

Nghĩa vụ này được quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật HN&GĐ năm 2014, gồm có hai trường hợp:

* Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập:

Căn cứ xác định trách nhiệm tài sản của vợ chồng trong giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập là dựa vào sự thể hiện ý chí của vợ chồng, hay nói cách khác sự thể hiện đồng thuận ý chí của hai vợ chồng trong việc xác lập giao dịch là cơ sở làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Hệ quả của sự thỏa thuận này là vợ chồng phải cùng chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Sự thể hiện ý chí của vợ chồng thường được thể hiện dưới hai hình thức: cả hai vợ chồng cùng tham gia xác lập, thực hiện giao dịch hoặc một bên vợ, chồng tham gia xác lập, thực hiện giao dịch với tư cách là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của bên chồng hoặc vợ.

Trong cả hai trường hợp này, vợ chồng được xác định là một bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ (người có nghĩa vụ) phải đáp ứng yêu cầu của người có quyền. Giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng có thể là giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của mỗi bên. 

Khi phát sinh trách nhiệm liên đới của vợ chồng thì vợ chồng sẽ cùng nhau gánh chịu nghĩa vụ bằng tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. Chủ thể có quyền có quyền yêu cầu vợ chồng hoặc yêu cầu vợ hoặc yêu cầu chồng thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Nếu tài sản chung của vợ chồng không đủ thực hiện nghĩa vụ thì vợ, chồng phải có trách nhiệm dùng tài sản riêng của mình thực hiện cho đủ.

Trong trường hợp vợ, chồng uỷ quyền cho nhau thực hiện giao dịch thì sẽ phụ thuộc vào phạm vi uỷ quyền. Nếu nằm trong phạm vi uỷ quyền thì bên đã dùng tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ không được đòi lại tài sản đó. Nhưng nếu không có sự ủy quyền mà một bên vợ hoặc chồng lại thực hiện những giao dịch bắt buộc phải có sự đồng ý của vợ chồng hoặc một bên vợ hoặc chồng thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi ủy quyền mà phát sinh hậu quả thì phải gánh chịu những hậu quả đó theo quy định của pháp luật dân sự.

* Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm.

Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được xác định là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng cùng gây thiệt hại. Do vậy, trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hỗn, không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng, khi họ cùng gây thiệt hại, giữa họ không tồn tại quan hệ hôn nhân nên không thể coi đó là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, mà việc bồi thường được thực hiện bằng tài sản riêng của mỗi người.

Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được xác định là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng cùng gây thiệt hại. Do vậy, trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn, không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng, khi họ cùng gây thiệt hại, giữa họ không tồn tại quan hệ hôn nhân nên không thể coi đó là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, mà việc bồi thường được thực hiện bằng tài sản riêng của mỗi người.

– Thứ hai, nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Khi một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện các giao dịch mà không có sự thỏa thuận của người kia thì về nguyên tắc, giao dịch được xác lập chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ về tài sản riêng của người đã xác lập giao dịch.

Tuy nhiên đối với những giao dịch hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì chỉ cần một bên vợ hoặc chồng xác lập, không cần có sự thỏa thuận của vợ chồng vẫn làm phát sinh trách nhiệm liên đới về tài sản của cả vợ chồng mà không phụ thuộc vào giá trị của giao dịch là lớn hay nhỏ.

Quy định này nhằm quy kết trách niệm (nghĩa vụ) chung của hai vợ chồng đối với các giao dịch dân sự hợp pháp do một bên vợ hoặc chồng thực hiện vì nhu cầu thiết yếu của gia đình. Đồng thời cũng khẳng định quyền tự chủ của vợ, chồng trong việc thực hiện các giao dịch dân sự nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình.

– Thứ ba, nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

Về mặt pháp lý vợ chồng có quyền bình đẳng với nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung nên trong quá trình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, vợ chồng đều trách nhiệm ngang nhau trong việc xử lý những nghĩa vụ phát sinh đó. Nếu tài sản chung gây ra thiệt hại, cả vợ và chồng đều phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Do đó, khoản 3 Điều 37 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định đây là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.

Ví dụ: Khi tài sản chung là nhà cửa, xe cộ, tàu thuyền…cần sửa chữa thì trách nhiệm thanh toán khoản tiền sửa chữa là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, được thanh toán bằng tài sản chung.

– Thứ tư, nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.

Về nguyên tắc, nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng của vợ, chồng sẽ do khối tài sản riêng của người đó chi trả. Tuy nhiên, trong quy định tại khoản 4 Điều 37 Luật HN&GĐ năm 2014, tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng được sử dụng không phải để đáp ứng nhu cầu cá nhân của người có tài sản riêng đó, mà tài sản riêng được sử dụng để duy trì, phát triển khối tài sản chung – tức là tài sản riêng được sử dụng vào mục đích chung của gia đình, nhằm duy trì, làm phát triển, tăng thêm giá trị của khối tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, trong trường hợp này, khối tài sản chung của vợ chồng đang được hưởng lợi từ tài sản riêng của một bên. Vì thế, nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung được xác định là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng và sẽ do khối tài sản chung bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Căn cứ phát sinh nghĩa vụ chung trong quy định này là mục đích của việc sử dụng tài sản riêng, không nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân mà đáp ứng nhu cầu chung của gia đình, vì lợi ích chung của gia đình.

Ví dụ: Trước khi kết hôn, anh B có mua một căn nhà. Sau khi kết hôn, anh cùng vợ sống tại ngôi nhà đó và dành một phần căn nhà cho thuê. Hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, tiền thuê nhà là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Do vậy, khi cần sửa chữa căn nhà thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được sử dụng để thanh toán chi phí cho việc này.

– Thứ năm, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường.

Đây là trách nhiệm bổ sung của cha mẹ bên cạnh nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con được Luật HN&GĐ năm 2014 quy định. Cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra dựa vào lỗi của cha mẹ vì đã thiếu trách nhiệm trong việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, quản lý con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự để con gây thiệt hại.

Vì vậy, khoản 5 Điều 37 quy định cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra. Khi con đẻ hoặc con nuôi gây thiệt hại thì “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự”. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của cha mẹ đối với hành vi gây thiệt hại của con được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích rõ về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon