Các loại vật quyền theo quy định hiện hành

cac-loai-vat-quyen

Có nhiều cách phân loại vật quyền bởi có thể dựa vào quá nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại và theo mỗi cách phân loại thì các loại vật quyền lại có những tên gọi khác nhau. Chẳng hạn, nếu dựa vào nguồn gốc hình thành vật quyền thì người ta có thể phân loại vật quyền thành vật quyền gốc, vật quyền phái sinh; nếu dựa vào mức độ tác động vật chất mà chủ thể được phép thực hiện đối với vật, người ta chia vật quyền thành hai nhóm là vật quyền chính và vật quyền phụ thuộc; nếu dựa vào nội dung quyền của chủ thể và đối tượng của vật quyền thì vật quyền được gọi theo từng tên cụ thể như vật quyền sở hữu, vật quyền bảo đảm, vật quyền địa dịch, vật quyền hưởng dụng, vật quyền bề mặt.

1. Khái niệm vật quyền

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện thì trong truyền thống học thuyết pháp lý châu Âu, cách phổ biến nhất để phân loại vật quyền là thiết lập vật quyền thành hai nhóm là nhóm các vật quyền chính và nhóm các vật quyền phụ. Đây là cách phân loại vật quyền dựa vào mức độ tác động vật chất mà chủ thể được phép thực hiện đối với vật trong khuôn khổ tìm kiếm lợi ích. Theo cách phân loại này thì Vật quyền chính bao gồm: Quyền sở hữu và các vật quyền chính khác như quyền địa dịch, quyền hưởng dụng… trong đó quyền sở hữu đứng đầu nhóm vật quyền này do tính chất hoàn hảo của quyền năng. Vật quyền phụ, còn gọi là vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chỉ có tác dụng tạo ra sự an toàn cho người có quyền trong quá trình tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ với tư cách trái chủ. Trong đó quyền của chủ nợ nhận thế chấp, nhận cầm cố là những ví dụ tiêu biểu cho các vật quyền thuộc nhóm này.[1]

Chúng tôi thấy rằng, mỗi một cách phân loại về vật quyền theo các quan điểm như đã nói trên đều có những ưu điểm và những bất cập nhất định và cách phân loại về vật quyền của chúng tôi trong chuyên đề này chắc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, đầu tiên, vật quyền nên hiểu theo một nghĩa chung nhất là quyền của chủ thể trong việc thực hiện các hành vi để chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, hưởng dụng, sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, sử dụng bề mặt đối với tài sản tùy theo mối liên hệ pháp lý giữa họ với tài sản. Cũng chính vì thế, trong phạm vi các quyền nói trên đối với vật, chúng tôi căn cứ vào mối liên hệ giữa người có quyền với tài sản và sự được phép của họ đối với tài sản đó để phân loại vật quyền. Mặt khác, theo tinh thần của Bộ luật dân sự 2015 được thể hiện thông qua tên gọi Phần thứ hai của Bộ luật là: “Quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản” thì các quyền khác là các quyền đối với tài sản nằm ngoài quyền sở hữu, nhưng khi liệt kê các quyền này bằng các điều luật cụ thể thì các nhà làm luật không liệt kê vật quyền của bên nhận bảo đảm nên chúng tôi tạm chia vật quyền thành: Vật quyền sở hữu; vật quyền bảo đảm; vật quyền khác.

2. Vật quyền sở hữu

Là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của họ, các quyền này chính là nội dung của quyền sở hữu. Đây được coi là vật quyền chính, vật quyền gốc, loại vật quyền mà từ đó phái sinh ra các vật quyền khác với các tên gọi khác nhau mà có quan điểm cho rằng chúng đều được coi là vật quyền hạn chế: “Quyền trên tài sản của người khác thì gọi là vật quyền hạn chế.” [2] bao gồm: quyền hưởng dụng; quyền đối với tài sản là vật bảo đảm; quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề; quyền bề mặt.

Chúng tôi cho rằng không chỉ vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới là vật quyền phụ mà còn bao gồm tất cả các vật quyền phái sinh từ vật quyền sở hữu, bởi lẽ người có quyền này đều không phải là chủ sở hữu của tài sản và vì vậy, họ có quyền này hay không, trong phạm vi nào, phần lớn phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu tài sản đó. Chẳng hạn, quyền hưởng dụng của một người đối với tài sản của người khác phần lớn là do sự chuyển giao của chủ sở hữu. Ngay cả vật quyền được xác lập theo quy định của pháp luật thì phạm vi hưởng quyền đó cũng phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu tài sản. Chẳng hạn, quyền về lối đi qua bất động sản liền kề là quyền mà người có bất động sản hưởng quyền được xác lập theo quy định của pháp luật nhưng lối đi đó rộng hay hẹp (tất nhiên là không được hẹp hơn mức tối thiểu mà pháp luật đã quy định) vẫn phụ thuộc vào ý chí của người có bất động sản chịu hưởng quyền. Các vật quyền phái sinh còn được gọi là vật quyền hạn chế bởi các vật quyền này có phạm vi quyền hẹp hơn so với vật quyền sở hữu.

Khác với các vật quyền phái sinh (quyền trên tài sản của người khác), người có vật quyền sở hữu luôn là chủ sở hữu của tài sản nên vật quyền sở hữu có phạm vi rộng hơn thể hiện ở chỗ luôn có đầy đủ ba quyền: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản. Mặt khác, quyền chi phối trên vật trong vật quyền sở hữu bao giờ cũng cao hơn so với quyền của chủ thể có vật quyền phái sinh, thể hiện ở chỗ chủ sở hữu thực hiện các quyền của mình hoàn toàn theo ý chí của mình mà không phụ thuộc vào người khác.

3. Vật quyền bảo đảm

Thuật ngữ vật quyền bảo đảm là tên gọi tắt của vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Loại vật quyền này chỉ có tác dụng tạo ra sự an toàn cho người có quyền trong quá trình tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ với tư cách trái chủ. Thay vì phải lệ thuộc vào vai trò chủ động của thụ trái để có được sự thực hiện nghĩa vụ thoả đáng, người có vật quyền có thể tác động vào giá trị tiền tệ của tài sản.[3]

Vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quyền của chủ thể nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm được hình thành từ quan hệ bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm.

Quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quan hệ trái quyền được hình thành do sự thỏa thuận của các bên. Đặc trưng chung của quan hệ trái quyền là mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ giữa các bên chủ thể đã được xác định, trong đó quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia, và ngược lại. Nghĩa là quyền của bên này chỉ có thể được đáp ứng nếu bên kia thực hiện nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, nếu các quyền của bên nhận bảo đảm chỉ đơn thuần là quyền đối nhân như các quan hệ trái quyền khác thì quyền của bên nhận bảo đảm vẫn mang tính phụ thuộc và do đó, mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ sẽ không đạt được. Để bảo đảm tính chủ động trong hưởng quyền dân sự của bên nhận bảo đảm, biện pháp kỹ thuật trong quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đã tạo ra cho bên nhận bảo đảm các quyền đối vật nhất định. Đó chính là sự vận dụng lý thuyết vật quyền và theo đó, trong đa số các quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bên nhận bảo đảm vừa có các quyền đối nhân, vừa có các quyền đối vật.

Các quyền đối vật trong quan hệ bảo đảm được gọi là vật quyền bảo đảm, bao gồm:

Quyền tác động trực tiếp lên tài sản

Quyền tác động trực tiếp lên tài sản là quyền của bên nhận bảo đảm được thực hiện các hành vi tác động trực tiếp đến tài sản bảo đảm. Bao gồm các quyền cơ bản sau đây: chiếm hữu tài sản bảo đảm (quyền này chỉ có trong các quan hệ bảo đảm mà theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, bên giữ tài sản bảo đảm là bên nhận bảo đảm); quyền khai thác công dụng, và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố của bên nhận cầm cố (chỉ có nếu các bên thỏa thuận); quyền xử lý tài sản bảo đảm. Trong các quyền này thì quyền xử lý tài sản bảo đảm là quyền mang ý nghĩa quan trọng nhất việc thực hiện chức năng bảo đảm. Nếu vận dụng triệt để lý thuyết vật quyền thì quyền xử lý tài sản bảo đảm sẽ đem đến cho bên nhận bảo đảm một sự chủ động tuyệt đối, không phụ thuộc vào thái độ hợp tác hay không của bên bảo đảm trong việc định đoạt đối với tài sản bảo đảm.

– Quyền theo đuổi

Quyền theo đuổi trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là quyền của bên nhận bảo đảm trong việc duy trì, lập lại quyền chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm để bảo đảm cho việc hưởng quyền dân sự của mình.

Trong thực tế, có nhiều trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bằng một tài sản nhưng vì những lý do nhất định nên bên nhận bảo đảm không giữ tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, tài sản bảo đảm là loại hàng hóa mà việc bảo quản nó phải được thực hiện trong một môi trường đặc biệt như môi trường đông lạnh, môi trường an toàn cho việc phòng, chống cháy, nổ… hoặc có thể là do bên bảo đảm cần phải sử dụng tài sản đó trong thời hạn bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hoặc sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, có thể tài sản bảo đảm do bên nhận bảo đảm giữ nhưng bị người khác chiếm hữu bất hợp pháp.

Trong các trường hợp trên, quyền theo đuổi cho phép bên nhận bảo đảm luôn có quyền yêu cầu giao tài sản cho mình dù tài sản đó đang nằm trong sự chiếm hữu của bất kỳ ai. Có thể liệt kê một số quyền theo đuổi sau đây: Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó; quyền thu hồi tài sản thế chấp từ người thuê tài sản; quyền thu hồi tài sản thế chấp từ người mua tài sản trong trường hợp bên thế chấp bán tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp; uyền đối với với hàng hóa theo vận đơn;[4] yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

– Quyền kiểm soát lưu thông tài sản

Quyền kiểm soát lưu thông tài sản trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là quyền của bên nhận bảo đảm được phép thực hiện các hành vi nhất định để ngăn chặn việc định đoạt trái phép tài sản bảo đảm hoặc hành vi làm mất, làm giảm sút giá trị của tài sản bảo đảm.

Tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân luôn là khoản tài chính dự phòng cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Vì thế, bên nhận bảo đảm phải kiểm soát được tài sản đó sao cho khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản đó bị vi phạm, họ có thể bằng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Trong thực tế, nếu tài sản bảo đảm bị người bảo đảm bán, tặng cho người khác, bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì nghĩa vụ không còn khoản tài chính dự phòng cho việc thực hiện nữa và do đó, lợi ích của bên nhận bảo đảm bị đe doạ.

4. Vật quyền khác

Là quyền của chủ thể đối với tài sản thuộc sở hữu của người khác mà quyền đó không hình thành từ việc nhận bảo đảm. Như vậy, vật quyền khác chính là quyền khác đối với tài sản theo quy định tại chương XIV của Bộ luật dân sự 2015. Bao gồm các quyền sau:

Quyền đối với bất động sản liền kề

Điều 245, Bộ luật dân sự 2015 xác định:

“Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).”

Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập theo quy định của pháp luật; theo thoả thuận hoặc theo di chúc trong trường hợp do địa thế tự nhiên mà một bất động sản bị vây bọc bởi một bất động sản khác. Trong đó, bất động sản vây bọc được gọi là bất động sản chịu hưởng quyền, bất động sản bị vây bọc được gọi là bất động sản hưởng quyền. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì người có bất động sản hưởng quyền có các quyền sau đây đối với bất động sản chịu hưởng quyền: quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề; quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác; quyền về lối đi qua; mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác.

– Quyền hưởng dụng

Điều 257, Bộ luật dân sự 2015 xác định:

“Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.” và theo Điều 258 thì “Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc theo di chúc.”

Với các quy định trên thì nội dung của quyền hưởng dụng giống với nội dung quyền sử dụng trong vật quyền sở hữu. Tuy nhiên, quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của họ còn quyền hưởng dụng là quyền của một chủ thể nhất định đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Chủ thể có quyền hưởng dụng có thể là người do pháp luật quy định, chẳng hạn như một pháp nhân có quyền trưng dụng tài sản của người khác theo quy định của pháp luật; có thể là người được chủ sở hữu tài sản trao quyền theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

– Quyền bề mặt

Theo Điều 267, Bộ luật dân sự 2015 thì: “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác.” và theo Điều 268 thì: “Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.”

Quyền bề mặt bao gồm quyền xây dựng công trình, trồng cây, canh tác trên mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất nhưng không được trái với quy định của Bộ luật dân sự 2015, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chủ thể có quyền bề mặt có thể là người theo quy định của pháp luật, chẳng hạn, một pháp nhân thương mại đầu tư kinh phí để bê tông hóa mương, cống nổi thành mương, cống ngầm thì có quyền bề mặt đối với diện tích mặt đất có mương cống được bê tông hóa, trên đó, pháp nhân này có quyền xây dựng công trình phục vụ cho lợi ích của mình; có thể là người thuê khoán tài sản, chẳng hạn như thuê khoán mặt nước để làm nhà hàng nổi; có thể là người được chủ sở hữu trao quyền theo di chúc.

[1] Nguyễn Ngọc Điện. Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự.

[2] PGS.TS. Dương Đăng Huệ, tlđd

[3] Xem Nguyễn Ngọc Điện. Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự.

[4] Trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn theo lệnh, vận đơn vô danh (bộ vận đơn đầy đủ) theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì bên nhận cầm cố có quyền đối với hàng hóa ghi trên vận đơn đó.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon