Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên?

han-che-quyen-cua-cha-me-doi-voi-con-chua-thanh-nien

Trong cuộc sống, bên cạnh những người cha, người mẹ luôn dành tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chu đáo, thì cũng có những người cha, người mẹ không làm tốt quyền và nghĩa vụ của mình đối với con, thậm chí còn có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của con hoặc có lối sống đồi truỵ; xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của con. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích của con chưa thành niên, pháp luật đã quy định biện pháp chế tài là hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên để bảo vệ quyền và lợi ích của con chưa thành niên. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về nội dung hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2015.

1. Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên là gì?

Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên được hiểu là một biện pháp chế tài được thể hiện bằng quyết định của Toà án khi cha, mẹ có hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, khi cha, mẹ có lối sống đồi trụy hoặc xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên không làm chấm dứt mối quan hệ giữa cha, mẹ và con mà chỉ không cho cha, mẹ thực hiện một số quyền đối với con chưa thành niên trong một thời hạn nhất định.

Việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên có một số đặc điểm sau:

– Thứ nhất, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên là một biện pháp chế tài của Luật hôn nhân và gia đình.

Pháp luật quy định cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, làm gương tốt cho con về mọi mặt. Khi cha, mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đối với con chưa thành niên hoặc có lối sống đồi trụy… thì cha, mẹ sẽ bị áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm, đó là bị hạn chế một số quyền đối với con chưa thành niên.

Như vậy, có thể thấy hạn chế quyền của cha, mẹ là một chế tài mà pháp luật quy định để áp dụng đối với cha, mẹ thông qua một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Toà án. Khi cha, mẹ bị Toà án ra quyết định hạn chế quyền thì cha, mẹ không được thực hiện một số quyền nhất định như: Không được quản lý tài sản riêng của con, chăm sóc, giáo dục, đại diện cho con chưa thành niên trong một khoảng thời gian nhất định.

Việc hạn chế quyền của cha, mẹ thể hiện thái độ của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của con chưa thành niên.

– Thứ hai, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên là một biện pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên.

Con chưa thành niên là lứa tuổi còn đang trong độ tuổi hình thành, phát triển về thể chất và nhân cách. Vì vậy, các em cần được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh có sự chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng của cha mẹ. Tuy nhiên, khi cha, mẹ có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của con chưa thành niên, môi trường sống của con không còn được an toàn thì hạn chế quyền của cha, mẹ là cần thiết.

Thứ ba, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên chỉ làm hạn chế một số quyền của cha, mẹ chứ không làm chấm dứt mối quan hệ giữa cha, mẹ và con.

Khi cha, mẹ bị Toà án ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên thì họ sẽ không được thực hiện một số quyền đối với con của mình, chẳng hạn như không được chăm sóc, giáo dục, quản lý tài sản riêng của con, đại diện theo pháp luật cho con… Cha, mẹ chỉ không được thực hiện một số quyền này trong một khoảng thời gian nhất định, chứ không kéo dài mãi mãi và không làm chấm dứt mối quan hệ giữa cha, mẹ với con. Khi hết thời hạn hạn chế đó, cha, mẹ lại được thực hiện các quyền của mình đối với con chưa thành niên.

2. Căn cứ hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên

Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

– Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

+ Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý.

Mỗi người đều có quyền đối với sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của mình. Quyền này được nhà nước bảo vệ thông qua quy định pháp luật. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác là nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Đối với con chưa thành niên cha, mẹ là người có trách nhiệm đầu tiên tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm.

Cha, mẹ cố ý xâm phạm sức khoẻ của con chưa thành niên là những hành vi cố ý, có thể bằng hành động hoặc không hành động xâm phạm tới quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khoẻ của con chưa thành niên. Hành vi của cha, mẹ cố ý xâm phạm sức khỏe đối với con chưa thành niên có thể là: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc những hành vi khác gây tổn hại tới sức khỏe cho con chưa thành niên. 

Cha, mẹ cố ý xâm phạm danh dự, nhân phẩm đối với con chưa thành niên là hành vi cố ý xâm phạm tới quyền được tôn trọng về danh dự, nhân phẩm của con chưa thành niên. Những hành vi đó có thể là: Lăng mạ, chửi mắng, mạt sát… làm cho con xấu hổ trước đám đông.

Do đó, khi cha mẹ có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý thì bên cạnh việc bị kết án, phải chịu trách nhiệm hình sự còn phải bị áp dụng chế tài là hạn chế quyền đối với con để bảo vệ con chưa thành niên khỏi sự xâm hại đó.

+ Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Cha, mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc đối với con chưa thành niên là việc cha, mẹ không quan tâm, quản lý con, không bảo vệ con một cách tốt nhất, làm cho con chưa thành niên bị thiệt hại về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Cha, mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc, trông nom con được thể hiện dưới những hình thức như cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên; cha, mẹ bắt con lao động sớm dẫn đến con rơi vào tình trạng bị lạm dụng và bị bóc lột sức lao động; cha, mẹ thiếu sự quan tâm làm cho con bị tai nạn thương tích…

Cha, mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với con chưa thành niên là trường hợp cha, mẹ đã không cung cấp vật chất để đảm bảo cuộc sống thường ngày của con chưa thành niên. Hậu quả của hành vi này gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khoẻ của con chưa thành niên.

Cha, mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giáo dục con chưa thành niên là việc cha, mẹ đã không thực hiện nghĩa vụ giáo dục con hoặc quá lạm dụng quyền giáo dục con, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất, về trí tuệ, tinh thần, đạo đức của con chưa thành niên. Hậu quả dẫn tới là con có những hành động gây hại cho chính bản thân, cho người khác và cho xã hội.

Do đó, việc cha mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dẫn đến bị hạn chế quyền đối với con là cần thiết.

– Phá tán tài sản của con.

Có thể hiểu, hành vi phá tán tài sản của con là hành vi cha, mẹ cố ý không bảo quản, giữ gìn khối tài sản của con chu đáo, làm cho khối tài sản đó bị mất mát, hư hỏng, giảm sút giá trị, hay bị tiêu hao, như: trường hợp cha, mẹ dùng tài sản của con vào phục vụ cho mục đích riêng của mình mà không vì lợi ích, nhu cầu của con, dùng tài sản riêng của con để đánh bạc, ăn chơi, để người khác chiếm đoạt tài sản của con mà không bảo vệ khối tài sản đó hoặc cha, mẹ có tài sản nhưng không dùng tài sản của mình mà lại dùng tài sản của con để đáp ứng những nhu cầu của gia đình… Do đó, trong trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích của con thì việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con là cần thiết.

– Có lối sống đồi trụy.

Cha, mẹ chính là những người dạy cho con lời hay, cách sống đúng, phù hợp với pháp luật, phong tục, đạo đức truyền thống. Cha, mẹ là người dạy cho con những kiến thức cơ bản của cuộc sống, giúp con học cách giải quyết và vượt qua những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Cha, mẹ chính là tấm gương sáng cho con soi và học hỏi. Đồng thời cha, mẹ chính là những người có trách nhiệm tạo cho con có một môi trường sống lành mạnh, để con phát triển chuẩn về nhân cách, đạo đức.

Khi cha, mẹ có lối sống đồi trụy, tức cha, mẹ có lối sống lệch lạc, có những hành vi thiếu văn hoá, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, nếu con sống chung với cha, mẹ sẽ tạo cho con có môi trường sống không lành mạnh, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách của con. Nếu cha, mẹ có lối sống lệch chuẩn, rất dễ tạo cho con bị ảnh hưởng chính lối sống đó của cha mẹ.

Khi đó, có thể con sẽ có những suy nghĩ sai lầm, đạo đức xuống cấp. Nguy hiểm hơn, lối sống không lành mạnh của cha, mẹ còn có thể là nguyên nhân dẫn tới những hành vi phạm tội của con. Do đó, trong trường hợp này, việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con là cần thiết.

– Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Cha, mẹ xúi giục, ép buộc con làm trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, đó là việc cha, mẹ có hành vi, lời nói, thái độ thể hiện sự kích động, dụ dỗ, lừa phỉnh,… tác động tới ý chí, tư tưởng của con chưa thành niên, dẫn đến con có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hành vi trái đạo đức xã hội. Hậu quả của việc xúi giục, dụ dỗ này có thể làm cho con có hành vi phạm tội hay vi phạm pháp luật hành chính.

Chẳng hạn, cha, mẹ ép con bán dâm; lợi dụng con vận chuyển, buôn bán ma tuý, buôn bán hàng lậu, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác; ép con đi ăn xin… Những hành vi này của cha, mẹ không những gây tổn hại trực tiếp tới tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm của con mà còn huỷ hoại tương lai của con, gây ra những tổn thương khó chữa lành nên việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con là cần thiết.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon