Các biện pháp tư pháp quy định trong Bộ luật Hình sự là những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm nhằm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Vậy nội dung cụ thể của các biện pháp tư pháp được pháp luật quy định như thế nào? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau.
Căn cứ pháp lý
1. Các biện pháp tư pháp là gì?
Các biện pháp tư pháp là các biện pháp hình sự được áp dụng đối với người phạm tội, có tác dụng hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt.
Các biện pháp tư pháp mang tính chất hỗ trợ cho hình phạt trong trường hợp cần thiết phải xử lý cơ bản, toàn diện người phạm tội về hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, thể hiện sự công minh của pháp luật đồng thời loại bỏ những điều kiện phạm tội, đảm bảo trật tự, an toàn cho xã hội. Trong những trường hợp nhất định như trường hợp người mắc bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, các biện pháp tư pháp đóng vai trò loại bỏ khả năng dẫn đến hành vi nguy hiểm cho xã hội và là thể hiện cụ thể của nguyên tắc nhân đạo.
Các biện pháp tư pháp được áp dụng với những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, lợi ích chính đáng của công dân trong xã hội không nằm ngoài mục đích giáo dục, cải tạo họ và ngăn ngừa khả năng gây thiệt hại đến các lợi ích trong tương lại. Nhận thức và áp dụng đúng các biện pháp tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước trong cuộc sống, bảo đảm cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
2. Các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội
Biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi và bắt buộc chữa bệnh.
2.1. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
Theo Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được hiểu là việc tịch thu vật, tiền để sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu để tiêu huỷ.
Đối tượng bị áp dụng bao gồm: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Vật, tiền là tài sản của người khác chỉ có thể bị tịch thu nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm. Thông thường trong thực tiễn, lỗi của họ xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, trông coi, sử dụng và bảo vệ tài sản.
Tịch thu vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm không những loại bỏ điều kiện vật chất của tội phạm mà còn góp phần cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm, ổn định và đảm bảo trật tự xã hội.
2.2. Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại
Theo Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại là biện pháp tư pháp buộc người phạm tội phải trả lại tài sản hoặc tiến hành hoạt động khắc phục những thiệt hại vật chất gây ra cho người bị hại.
Nhằm khôi phục lại tình trạng sở hữu như trước khi tội phạm xảy ra, Bộ luật Hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trong trường hợp người phạm tội đã làm cho tài sản này bị hư hỏng thì phải sửa chữa. Nếu tài sản không hoàn trả lại được vì những lí do nhất định như đã mất, thất lạc hay không còn nữa thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
2.3. Buộc công khai xin lỗi
Theo Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, buộc công khai xin lỗi được hiểu là biện pháp tư pháp buộc người phạm tội chính thức, công khai nhận lỗi của mình về hành vi phạm tội và xin lỗi người bị hại.
Trong trường hợp gây thiệt hại về tinh thần như gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm… Toà án buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại và phải bồi thường về vật chất những thiệt hại về tinh thần đã gây ra cho họ.
2.4. Bắt buộc chữa bệnh
Theo Điều 49 Bô luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp, buộc người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải chữa bệnh tâm thần hoặc bệnh khác tại cơ sở điều trị chuyên khoa.
Bắt buộc chữa bệnh có mục đích phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần có hành vi gây thiệt hại cho xã hội. Đồng thời, biện pháp này cũng là biểu hiện cụ thể của sự nhân đạo.
Bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với:
– Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
– Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
– Người đang chấp hành hình phạt tù đã mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
3. Các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Nhằm mục đích hỗ trợ cho hình phạt, Toà án có thể áp dụng các biện pháp tư pháp sau đối với pháp nhân thương mại:
– Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
– Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại;
– Buộc công khai xin lỗi;
– Khôi phục lại tình trạng ban đầu;
– Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Toà án có thể áp dụng tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại tương tự như đối với cá nhân phạm tội. Khôi phục lại tình trạng ban đầu và thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra là biện pháp tư pháp có tính chất riêng và chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
3.1. Khôi phục lại tình trạng ban đầu
Theo Điều 82 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, khôi phục lại tình trạng ban đầu là biện pháp tư pháp, buộc pháp nhân thương mại phải trả lại nguyên trạng ban đầu của môi trường, công trình thuỷ lợi, đê điều, công trình phòng chống thiên tai, hệ sinh thái, cảnh quan rừng, khu bảo tồn thiên nhiên v.v… khi hành vi phạm tội đã biến đổi trạng thái các đối tượng trên.
Trong trường hợp pháp nhân thương mại khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản hoặc các tài nguyên thiên nhiên khác làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, diễn biến tự nhiên của rừng; gây ảnh hưởng xấu đến đời sống tự nhiên của các loài sinh vật rừng (Tội huỷ hoại rừng tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Toà án có thể buộc pháp nhân thương mại tiến hành hoạt động hoàn thổ và khôi phục nguyên trạng ban đầu của hệ sinh thái rừng.
Pháp nhân thương mại gây ra sự cố môi trường (Tội gây ô nhiễm môi trường tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể bị Toà án buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của môi trường bên cạnh cách hình phạt và biện pháp tư pháp khác.
3.2. Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra
Theo Điều 82 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra là biện pháp tư pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả của tội phạm.
Các biện pháp khắc phục, ngăn chặn hậu quả có thể là: Tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hoá nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm; tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu huỷ theo quy định của pháp luật; loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; thu hồi sản phẩm, hàng hoá vi phạm đang lưu thông trên thị trường.
Trên đây là nội dung liên quan đến “Các biện pháp tư pháp là gì” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.