Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân

toi-cuong-ep-ket-hon-ly-hon-hoac-can-tro-hon-nhan

Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân và quyền con người trong đời sống xã hội hiện đại. Những hành vi này không chỉ xâm phạm đến quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân trong việc quyết định hôn nhân và ly hôn mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực sâu sắc về tâm lý, tình cảm, và xã hội.

Cưỡng ép kết hôn hay ly hôn là hành vi trái với đạo đức và pháp luật, đi ngược lại với những giá trị nhân văn và tiến bộ mà xã hội đang hướng tới. Chính vì vậy, việc nhận diện và xử lý nghiêm minh những hành vi này không chỉ bảo vệ quyền lợi của cá nhân mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tiến bộ.

Căn cứ pháp lý

1. Căn cứ pháp lý của tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.” (Điều 181)

2. Cấu thành tội phạm của tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện.

2.1. Chủ thể

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Bộ luật hình sự. Đối với Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội này không thuộc các tội phạm được liệt kê tại Điều 12 Bộ luật Hình sự.

2.2. Mặt khách quan

  • Hành vi phạm tội:

Người phạm tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện có thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:

– Cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn trái với sự tự nguyện của họ là thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với nguyện vọng của họ.

Về hành vi cưỡng ép người khác trong tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện cũng tương tự như hành vi hành hạ, cưỡng ép trong một số tội phạm chỉ khác nhau ở mục đích của người phạm tội. Người bị hành hạ, cưỡng ép chủ yếu là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp giữa người phạm tội với người bị hành hạ, cưỡng ép không có mối quan hệ lệ thuộc.

Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội với người bị hành hạ là lệ thuộc về vật chất, về tinh thần. Mối quan hệ này, bắt nguồn quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ với các con, ông bà với các cháu), quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi với con nuôi, người đỡ đầu với người được đỡ đầu), quan hệ công tác ( thủ trưởng với nhân viên ), quan hệ thầy trò, quan hệ tôn giáo, quan hệ giữa người làm công với chủ, nhất là đối với một số nhà hàng khách sạn tư nhân… Tuy nhiên, người bị hành hạ trong tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ chủ yếu bắt nguồn từ quan hệ huyết thống.

Cưỡng ép là cưỡng bức và ép buộc người khác phải làm theo ý mình; đối với hành vi cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn trái với sự tự nguyện của họ, tính chất của và mức độ nguy hiểm của hành vi chỉ giới hạn ở chỗ hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần mà chưa trực tiếp xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người bị cưỡng ép.

– Cản trở người khác kết hôn hoặc ly hôn tự nguyện là ngăn cấm không cho nam và nữ kết hôn hoặc ly hôn với nhau mặc dù họ có đủ điều kiện kết hôn, ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Hành vi cản trở kết hôn, ly hôn cũng có thể được thực hiện bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc thủ đoạn khác, nhưng chủ yếu bằng thủ đoạn yêu sách của cải (thách cưới, đặt điều kiện rất khó thực hiện để cản trở việc kết hôn của hai người nam và nữ hoặc giữ giấy tờ ngăn cản việc ly hôn…).

Trong điều kiện xã hội ngày một văn minh, thì hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ lại bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn trước, ngay việc yêu sách của cải cũng không còn trắng trợn, mang tính chất phong kiến như trước, mà nó tinh vi, khó nhận thấy.

– Cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyên, tiến bộ là tìm mọi cách chấm dứt quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đang tồn tại. Nếu ở hai hành vi trên, người phạm tội tìm mọi cách ngăn cấm kết hôn, thì ở hành vi này người phạm tội lại tìm cách phá vỡ quan hệ hôn nhân đang tồn tại, hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ có thể dẫn đến quan hệ hôn nhân tan vỡ, nhưng cũng có thể quan hệ hôn nhân đó không bị tan vỡ nhưng cũng làm cho cuộc sống chung vợ chồng xáo trộn.

Tất cả hành vi các hành vi cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn cản trở người khác kết hôn, ly hôn cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ nếu chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này thì chưa cấu thành tội phạm. Dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng là dấu hiệu để phân biệt hành vi phạm tội với hành vi vi phạm.

  • Hậu quả:

Hậu quả của hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là những thiệt hại về vật chất, tinh thần mà người phạm tội gây ra cho người khác và cho xã hội. Hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ có thể gây ra một trong những thiệt hại sau: Làm cho việc kết hôn, ly hôn trái với sự tự nguyện của một bên hoặc cả hai bên nam và nữ; Làm cho việc kết hôn, ly hôn tự nguyện tiến bộ không thực hiện được;Làm cho quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ không được duy trì, bị tan vỡ; Gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích;Gây ra dư luận xấu trong xã hội ảnh hưởng xấu đến chính sách của Đảng và Nhà nước về các quyền của công dân, nhất là đối với chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, không có ý nghĩa trong việc xác định hành vi phạm tội nhưng có ý nghĩa trong việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt, nếu hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả thì người phạm tội sẽ phải chịu một hình phạt nặng hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện thực hiện hành vi của mình do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện của họ, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Đối với tội cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

2.4. Khách thể

Khách thể của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là sự tự nguyện của nam và nữ khi kết hôn và việc duy trì hôn nhân tự nguyện tiến bộ theo Luật hôn nhân và gia đình.

3. Hình phạt đối với người phạm tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể như sau:

Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn khác cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Làm cho nạn nhân tự sát; b) Đối với người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.

Ngoài ra, các hành vi này còn có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:

Điều 55. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Cưỡng ép kết hôn, ly hôn; b) Cản trở kết hôn tự nguyện, tiến bộ hoặc cản trở ly hôn tự nguyện.

Các mức xử phạt trên nhằm bảo vệ quyền tự do hôn nhân của cá nhân, đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo trật tự xã hội và quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.

Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm… mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng “hành chính hóa” hoặc “dân sự hóa” hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon