Phân chia di sản theo di chúc

phan-chia-di-san-theo-di-chuc

Như các bạn cũng đã biết việc phân chia di sản là một việc khá phổ biến hiện nay, có hai hình thức phân chia di sản đó là: Phân chia di sản theo di chúc và phân chia di sản theo pháp luật. Thừa kế là một trong những quy định quan trọng được nêu tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Và một trong những quy định không thể thiếu là thừa kế theo di chúc và các vấn đề xung quanh. Vậy, bài viết trên của Luật Dương Gia sẽ giải đáp cho các bạn các thông tin cụ thể của việc phân chia di sản theo di chúc để các bạn hiểu hơn đối với vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

1. Di chúc là gì?

Tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Căn cứ các điều từ 627 đến điều 631 của bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc được thể hiện dưới hình thức sau:

+ Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (Điều 627).

+ Di chúc bằng văn bản (điều 628), bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng, Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

+ Di chúc miệng: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng và sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

+ Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;  Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc; Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.; Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

2. Nội dung của di chúc phải đảm bảo có những thông tin gì?

Căn cứ vào Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Nội dung của di chúc

1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Như vậy, nội dung của di chúc phải đảm bảo có những thông tin như ngày tháng năm lập di chúc, họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc, thông tin bên được hưởng di sản và di sản được để lại, nơi có di sản.

3. Di chúc sẽ có hiệu lực vào thời điểm nào? Di chúc có hiệu lực trong bao lâu?

3.1. Di chúc có hiệu lực vào thời điểm nào?

Căn cứ vào Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hiệu lực của di chúc, như sau:

Hiệu lực của di chúc

+ Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

+ Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

+  Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

– Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế, nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

– Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

– Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Như vậy, chỉ khi người để lại di chúc chết và di chúc hợp pháp tại thời điểm mở thừa kế thì di chúc mới có hiệu lực.

3.2. Di chúc có hiệu lực trong bao lâu

Căn cứ tại điều 643 Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc  sẽ có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế và đồng thời Khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự khẳng định: “Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực”

Đồng thời, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập bất cứ lúc nào. Đặc biệt: “Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ”

Ngoài ra, nếu trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.

Trong đó, thời hiệu yêu cầu chia di sản được quy định cụ thể tại Điều 623 Bộ luật Dân sự như sau:

– Thời hiệu yêu cầu chia di sản là bất động sản: 30 năm,  động sản là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

– Thời hiệu để yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình, bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

– Thời hiệu yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

Từ những quy định trên có thể thấy, di chúc có hiệu lực từ thời điểm người để lại di chúc chết và có hiệu lực đến hết thời hiệu chia thừa kế (30 năm với bất động sản, 10 năm với động sản). Đặc biệt, nếu trong thời hiệu này, dù di sản đã được chia thì vẫn có thể yêu cầu chia lại theo di chúc.

4. Thừa kế theo di chúc là gì? Trường hợp hưởng thừa kế theo di chúc?

4.1. Thừa kế theo di chúc

Thừa kế được hiểu là việc chuyển dịch tài sản của người đã mất cho người còn sống. Tài sản mà người đã mất để lại được gọi là di sản thừa kế. Người còn sống hay còn được gọi là người hưởng di sản thừa kế sẽ được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế tuỳ thuộc vào di chúc hoặc quy định của pháp luật trong trường hợp không có di chúc. Người được hưởng di chúc chỉ được hưởng di sản thừa kế sau khi người để lại di sản mất đi.

Thừ kế theo di chúc được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 từ điều 624 đến điều 648. Trong đó quy định cụ thể về các hình thức di chúc như: Di chúc miệng, di chúc bằng văn bản, di chúc bằng văn bản có người làm chứng và không có người làm chứng … Theo đó, di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người được thừa kế sẽ được ghi cụ thể vào nội dung có trong di chúc thông qua việc thể hiện ý chi vào nội dung có trong di chúc.

Thừa kế theo di chúc là hình thức được ưu tiên cao nhất về thừa kế. Tức là, chỉ khi không có di chúc hoặc di chúc bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ thì mới xem xét đến việc định đoạt tài sản của người lập di chúc bằng hình thức khác (thừa kế theo pháp luật).

4.2. Trường hợp được hưởng thừa kế theo di chúc

Theo như quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 thì những người có tên trong di chúc sẽ được hưởng thừa kế theo di chúc.

Tuy nhiên, không chỉ những người có tên trong di chúc mà căn cứ Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người sau đây sẽ vẫn được hưởng thừa kế dù nội dung di chúc không để lại tài sản cho họ:

– Con chưa thành niên của người để lại di chúc.

– Cha, mẹ, vợ hoặc chồng của người để lại di chúc.

– Con dù đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.

Lưu ý: Nếu những đối tượng trên từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản thì không được hưởng di sản theo quy định này.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế – thời điểm người để lại di chúc chết.

Do đó, khi người có tài sản vẫn còn sống thì tài sản vẫn thuộc về người đó. Chỉ đến khi chết, nếu người này có lập di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di chúc theo ý nguyện lúc còn sống của người để lại di chúc.

Như vậy, có thể hiểu, thừa kế theo di chúc là việc người thừa kế được hưởng di sản do người khác để lại theo di chúc (ý nguyện mà người có tài sản đã lập khi còn sống).

5. Giải quyết tranh chấp về chia di sản thừa kế

5.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế

Theo quy định tại Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Căn cứ quy định tại Điều 35, 38 BLTTDS năm 2015 thì những tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Lưu ý:

Đối với những tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế là bất động sản, thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết;

Trường hợp di sản thừa kế là động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Các bên cũng có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc giải quyết tranh chấp.

5.2. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế

Theo quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 thì “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời hiệu mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (Điều 611 BLDS năm 2015).

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến “Phân chia di sản theo di chúc”. Nếu có bất kỳ thăc mắc liên quan đến việc phân chia di sản hoặc tranh chấp sinh liên quan đến vấn đề phân chia di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật cần sự tư vấn về mặt pháp lý, hãy liên hệ đến chúng tôi theo số Hotline 19006568 để nhận được sự tư vấn tốt nhất!

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon