Xác định quan hệ tranh chấp để áp dụng luật

xac-dinh-quan-he-tranh-chap-de-xac-dinh-luat-ap-dung-luat-trong-giai-quyet-tranh-chap-ve-tai-san-tai-toa-an

Trong quá trình giải quyết tranh chấp về tài sản tại Tòa án, việc xác định đúng quan hệ tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng các quy định pháp luật phù hợp. Mỗi loại quan hệ tranh chấp, từ dân sự, kinh doanh, thương mại đến thừa kế hoặc hôn nhân gia đình, đều có những nguyên tắc và quy định pháp luật riêng.

Do đó, việc phân định rõ ràng bản chất của quan hệ tranh chấp không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan mà còn bảo đảm tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong hoạt động xét xử. Bài viết này sẽ làm rõ cách xác định quan hệ tranh chấp và vai trò của nó trong việc lựa chọn luật áp dụng trong các vụ án liên quan đến tài sản tại Tòa án.

1. Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp

Trong hệ thống cơ quan nhà nước, theo yêu cầu nhiệm vụ chức năng điều chỉnh xã hội, Nhà nước phân công cho các cơ quan nhà nước khác nhau giải quyết một số vụ việc có tính chất giống nhau, theo hướng chuyên môn hóa phục vụ các mục tiêu khác nhau của Nhà nước và điều chỉnh xã hội. Tòa án với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ việc dân sự chỉ có thẩm quyền giải quyết những việ do pháp luật tố tụng dân sự quy định, do đó, nếu Tòa án không xác định được chính xác mối quan hệ tranh chấp là tranh chấp gì thì rất khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại Việt Nam, các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự (BLDS), Luật Đất đai, Bộ luật Lao động. Luật Thương mại, Luật Hôn nhân và gia đình… Tuy nhiên, các quan hệ pháp luật này đều cs cùng tính chất là các quan hệ tài sản hoặc các quan hệ nhân thân được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và tự định đoạt của các chủ thể.

Do đó, xác định quan hệ tranh chấp nói chung và tranh chấp về tài sản nói riêng là một trong những vấn đề quan trọng trong pháp luật tố tụng dân sự, là tiền đề và là căn cứ để Tòa án thực hiện việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong tranh chấp về tài sản theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trên thực tế, do quan hệ pháp luật đa dạng, tồn tại đan xen nên việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong các vụ án dân sự không hề dễ dàng, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến tài sản.

Để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, Tòa án cần căn cứ vào yêu cầu của đương sự và quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội mà đương sự tham gia, để từ đó xác định phạm vi quyền hạn của mình trong việc tiếp nhận, giải quyết những vụ việc tranh chấp. Vậy tranh chấp tài sản được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự gồm có những loại tranh chấp nào? Hiện nay, có hai ý kiến khác nhau về vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, tranh chấp tài sản là tranh chấp ai là người có quyền sở hữu sử dụng tài sản. Theo ý kiên này, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật tài sản phải là tranh chấp giữa các chủ thể về việc xác định quyền đối với tài sản đó.

Quan điểm thứ hai cho rằng, tranh chấp tài sản bao gồm những loại tranh chấp: tranh chấp về thừa kế, tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự liên quan đến tài sản, tranh chấp về tài sản sở hữu trí tuệ, tranh chấp về thừa kế tài sản, tranh chấp đất đai… Theo quan điểm này, tranh chấp ai là người có quyền sở hữu, sử dụng đương nhiên là tranh chấp tài sản. Còn các tranh chấp khác mặc dù có liên quan đến một số ngành luật nhất định như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai… nhưng trong quan hệ tranh chấp vẫn cần xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sở hữu tài sản nên nó là tranh chấp về tài sản.

2. Phân loại tranh chấp tài sản

Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả tiếp cận tranh chấp về tài sản theo ý kiến thứ nhất, theo đó, tranh chấp về tài sản phải hiểu theo nghĩa hẹp là tranh chấp ai là người có quyền sở hữu tài sản, tức là tranh chấp về các quyền chiếm hữu, sửu dụng, định đoạt tài sản. Tranh chấp về tài sản hay là tranh chấp về việc kiện đòi tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

Đây là trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân xác định họ là chủ sở hữu tài sản, chủ thể có quyền khác đối với tài sản hoặc là đồng sở hữu tài sản với người khác và do các bên không tự giải quyết được nên yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc xác định đúng quan hệ pháp tranh chấp giúp Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc này hay không? Nếu những vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì quan hệ tranh chấp do quy phạm pháp luật nào điều chỉnh? Nếu Tòa án xác định không chính xác vẫn đề này sẽ dẫn đến những sai sót trong quá trình giải quyết vụ án.

Tùy theo loại tài sản thuộc loại gì mà tranh chấp tài sản chia ra các trường hợp sau:

2.1 Tranh chấp tài sản là động sản

Theo quy định tại Điều 166, Điều 167, Điều 168 BLDS năm 2015, tranh chấp về tài sản về động sản là tranh chấp sau:

Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu coq quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trương hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó đuộc chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

2.2 Tranh chấp tài sản là bất động sản

Khoản 1 Điều 107 BLDS năm 2015 quy định bất động sản bao gồm:

– Đất đai;

– Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

– Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

– Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Theo nhóm tác giả, việc xác định tranh chấp tài sản là bất động sản cũng tương tự như đối với tài sản là động sản, đó là xác định tranh chấp chủ thể có quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Các tranh chấp phổ biến trong trường hợp này là: tranh chấp về ranh giới đất liền kề, ngõ đi, cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bị trùng diện dích, người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chủ cũ đòi lại đất hoặc chủ cũ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng người sử dụng đất cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng…

Như vậy, dù tài sản đó là động sản (phải đăng ký hay không phải đăng ký) hay bất động sản thì người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và việc chiếm hữu đó là chiếm hữu không ngay tình vẫn phải hoàn trả. Điều này thể hiện “sự bảo vệ tuyệt đối của Nhà nước đối với quyền sở hữu”.

3. Thực tiễn áp dụng và những vấn đề pháp lý liên quan trong giải quyết tranh chấp tài sản

3.1 Thực tiễn áp dụng trong giải quyết tranh chấp tài sản

Ví dụ minh họa: Bản án phúc thẩm số 40/2022/HNGĐ-PT ngày 23/12/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh L về vụ án “Chia tài sản sau khi ly hôn” giữa nguyên đơn là anh Võ Văn Cường E với bị đơn là chị Trương Thị Huỳnh T.

Anh Võ Văn Cường E và chị Trương Thị Huỳnh T đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2021/QĐST- HNGĐ ngày 04/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh L. Về phần tài sản chung khi ly hôn không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trước đó, theo biên bản thỏa thuận phân chia tài sản lập ngày 24/12/2020, giữa anh và chị T đã thống nhất tài sản chung của anh chị gồm có 04 chỉ vàng 24K (trị giá 5,400.000đồng/chỉ) và 4,5 chỉ vàng 18K (trị giá 3.500.000 đồng/chỉ), tất cả số vàng trên do chị T giữ. Chị T có nghĩa vụ trả cho anh 02 chỉ vàng 24K (trị giá 10.800.000 đồng) và 2,25 chỉ vàng 18K (trị giá 7.878.000 đồng), tổng giá trị quy đổi thành tiền là

18.675.000 đồng. Chị T có trách nhiệm trả tiền cho anh trong 03 lần, cụ thể: ngày 24/4/2021 trả 6.000.000đồng; ngày 24/8/2021 trả 6.000.000 đồng và ngày 24/12/2021 trả 6.675.000 đồng.

Anh E đã nhiều lần yêu cầu chị T trả số tiền theo thỏa thuận nhưng chị T không thực hiện. Do đó, anh khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc chị T phải trả cho anh số tiền là

18.675.000 đồng, không yêu cầu tính tiền lãi.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 38/2022/HNGĐ-ST ngày 22/7/2022, Tòa án nhân dân huyện T đã xử:

“Buộc chị Trương Thị Huỳnh T có nghĩa vụ trả cho anh Võ Văn Cường E số tiền 18.675.000 đồng (mười tám triệu sáu trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

Buộc anh Võ Văn Cường E phải chịu án phí về chia tài sản chung sau khi ly hôn là 933.750 đồng nộp ngân sách nhà nước”.

Tại Quyết định kháng nghị số 159/QĐ-VKS-HNGĐ ngày 03/8/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện T đề nghị sửa một phần bản án sơ thẩm về quan hệ tranh chấp và án phí, xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp dân sự về đòi tài sản và buộc chị Trang phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Trong trường hợp này, căn cứ khoản 2 Điều 164, khoản 1 Điều 166, khoản 2 Điều 26 BLTTDS năm 2015, Tòa phúc thẩm quyết định sửa một phần Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 38/HNGĐ-ST ngày 22/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh L về quan hệ pháp luật tranh chấp là tranh chấp về đòi tài sản.

Như vậy, trong vụ án trên, Tòa án sơ thẩm đã có nhận định sai về quan hệ tranh chấp. Trong vụ án trên, khi giải quyết tranh chấp, có 2 quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng: vợ chồng đã có thỏa thuận hợp pháp về phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nhưng thỏa thuận này chưa được thực hiện. Sau khi ly hôn, người chưa nhận được tài sản có đơn yêu cầu thực hiện việc phân chia tài sản theo thỏa thuận. Trường hợp này, Tòa án không xác định quan hệ pháp luật là “chia tài sản khi ly hôn” mà phải xác định quan hệ pháp luật là “Đòi lại tài sản”. Quan điểm thứ hai cho rằng: phải xác định đây là tranh chấp về hôn nhân và gia đình như Tòa án cấp sơ thẩm mới đúng.

Vì khi ly hôn, các bên không yêu cầu Tòa án chia tài sản chung, trường hợp này thuộc “chia tài sản sau khi ly hôn”, thuộc tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo khoản 1 Điều 28 BLTTDS năm 2015. Nhóm tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ, khi ly hôn mặc dù các bên không có yêu cầu Tòa án giải quyết, nhưng các bên đã tự thỏa thuận về vấn đề này. Do đó, từ thời điểm các bên thỏa thuận thì tài sản thuộc quyền sở hữu theo thỏa thuận các bên. Do đó, tài sản kiện đòi thuộc quyền sở hữu của bên kiện đòi nên tranh chấp này phải xác định là tranh chấp “Đòi lại tài sản”.

3.2 Những vấn đề pháp lý liên quan trong giải quyết tranh chấp tài sản

Về nguyên tắc, nếu quan hệ dân sự đã được giải quyết thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các bên. Theo quan điểm của nhóm tác giả thì điều này là hợp lý để tránh một quan hệ pháp luật mà có nhiều phán quyết của cơ quan có thẩm quyền giải quyết và tránh sự quá tải về khối lượng công việc mà Tòa án phải giải quyết nếu các bên yêu cầu quá nhiều lần. T

uy nhiên, cần lưu ý rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai mà đối với thửa đất đó cơ quan, tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 có quyền lựa chọn Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết tranh chấp. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền và cơ quan đó đang giải quyết tranh chấp thì vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án. Tuy nhiên, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Sở dĩ pháp luật quy định như vậy vì tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân – cơ quan quản lý đất đai chính là chủ thể có điều kiện thuận lợi nhất trong việc giải quyết tranh chấp. Do đó, đối với loại tranh chấp này, để giảm bớt áp lực cho Tòa án, các đương sự chưa thực hiện thủ tục hòa giải thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án được bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và kết thúc khi Tòa án mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Khi tiến hành hòa giải, Tòa án giữ vị trí đặc biệt quan trọng để giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, không phải bất kỳ vụ án dân sự nào Tòa án cũng phải tiến hành hòa giải, các vụ án dân sự không được hòa giải và vụ án không tiến hành hòa giải được thì Tòa án không tiến hành hòa giải.

Nhập và tách đối với vụ án tranh chấp tài sản: Đối với tranh chấp liên quan đến tài sản có thể có nhiều quan hệ pháp luật để giải quyết, vì vậy việc nhập hoặc tách vụ án có thể đặt ra nhằm bảo đảm đúng pháp luật và không ảnh hướng tới kết quả giải quyết các quan hệ pháp luật đó hoặc giúp vụ án giải quyết độc lập, nhanh chóng và đúng pháp luật các yêu cầu của đương sự. Việc nhập, tách vụ án dân sự được quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, theo đó:

“1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

2. Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật ”.

Quan hệ tranh chấp liên quan đến tài sản như: yêu cầu chia thừa kế tài sản và tranh chấp đòi quyền sử dụng đất là hai quan hệ pháp luật khác nhau nhưng có liên quan đến nhau trong cùng vụ án. Ví dụ: ông A khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản, Tòa án có thụ lý yêu cầu độc lập của ông A. Sau đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu kiện đòi 50m2 đất nằm trong diện tích đất yêu cầu chia thừa kế. Như vậy, Tòa án có giải quyết trong cùng vụ án hay phải tách ra giải quyết yêu cầu kiện đòi tài sản trước sau đó mới có căn cứ chia thừa kế sau? Trong trường hợp được quy định chung chung tại Điều 42 BLTTDS năm 2015 và này chưa được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật.

Để hướng dẫn một số vướng mắc trong công tác xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 206/TANDTC-PC ngày 27/12/2022, cụ thể trong vụ án trên, Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn: đối với việc giải quyết quan hệ tranh chấp đòi tài sản là căn cứ để Tòa án xác định di sản thừa kế khi giải quyết yêu cầu chia thừa kế tài sản. Do vậy, để giải quyết chính xác, nhanh chóng và đúng pháp luật; trên cơ sở chứng cứ thu thập được và yêu cầu của đương sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án có thể giải quyết trong cùng một vụ án hoặc tách thành hai vụ án riêng biệt.

Theo quan điểm của nhóm tác giả, vụ án trên Tòa án nhân dân tối cao nên hướng dẫn nhập vụ án để có thể giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao cần có lưu ý cho các Tòa án địa phương đối với trường hợp nếu các quan hệ pháp luật tranh chấp về tài sản mặc dù có liên quan đến nhau nhưng việc nhập vụ án gây khó khăn cho tòa án giải quyết chóng, đúng đắn vụ án thì không tiến hành nhập vụ án mà giải quyết trong các vụ án khác nhau.

Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về “Xác định quan hệ tranh chấp để xác định luật áp dụng luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản tại Tòa án”. Trong trường hợp bạn còn đang thắc mắc hoặc muốn sử dụng dịch vụ, hãy liên hệ thông tin dưới đây để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất:

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon