Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng dân sự

boi-thuong-thiet-hai-do-vi-pham-hop-dong-dan-su

Trong đời sống hàng ngày, các giao dịch dân sự diễn ra vô cùng phổ biến, do đó, việc lường trước và phòng ngừa các rủi ro vi phạm hợp đồng là vô cùng quan trọng. Vì vậy, một trong những công cụ pháp lý hữu hiệu để đảm bảo thực hiện đúng các nghĩa vụ hợp đồng chính là thỏa thuận bồi thường thiệt hại.

Thông qua bài viết này, các khái niệm, căn cứ áp dụng, mức phạt và ý nghĩa của việc thỏa thuận sẽ được phân tích rõ ràng hơn nhằm giúp các bên khi tham gia giao dịch dân sự có một cái nhìn toàn diện và tổng quát nhất về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Dân sự 2015

1. Bồi thường thiệt hại là gì? Căn cứ để áp dụng bồi thường thiệt hại

1.1. Bồi thường thiệt hại là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 13. Bồi thường thiệt hại

Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Theo đó, bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Việc bồi thường được đặt ra khi có hành vi vi phạm xâm phạm đến các quyền và nghĩa vụ hoặc gây ra những tổn thất nhất định.

1.2. Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại

Căn cứ khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:”Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có quy định liên quan

Theo đó, thiệt hại thực tế được xác định dựa theo sự tổn thất về mặt vật chất như tài sản hoặc về mặt tinh thần như tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, cụ thể như sau:

Thiệt hại về vật chất: Đây là mức thiệt hại có thể xác định được bằng giá trị cụ thể dựa trên tổn thất về tài sản, chi phí để hạn chế, ngăn chặn hay khắc phục thiệt hại, thu thập thực tế bị giảm sút hoặc mất đi.

Thiệt hại về tinh thần: Thiệt hại này là sự tổn thất không thể định giá do bị xâm phạm đến quyền và những lợi ích hợp pháp đương nhiên như sức khỏe, tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm và các loại nhân thân khá.

2. Mức bồi thường thiệt hại

Vì các quy định pháp luật luôn ưu tiên đặt sự thỏa thuận của các chủ thể tham gia giao dịch dân sự, miễn là các thỏa thuận này không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Do đó, mức bồi thường thiệt hại này trước hết sẽ được xác định dựa trên sự thỏa thuận của các bên

Tuy nhiên, nếu các bên không thể thỏa thuận và thống nhất được mức bồi thường chung thì căn cứ theo quy định tại điều 13 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại thì cá nhân pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm sẽ được bồi thường toàn bộ thiệt hại.

“Điều 13. Bồi thường thiệt hại

Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

3. Các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Về bản chất, các trường hợp miễn trách nhiệm thường liên quan đến những tình huống mà yếu tố lỗi của bên vi phạm được loại trừ vì những nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của bên thực hiện hành vi, điều này sẽ được định nghĩa đúng hơn nếu sử dụng thuật ngữ loại trừ trách nhiệm dân sự hoặc loại trừ trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi vi phạm hợp đồng đều dẫn đến việc áp dụng chế tài.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Theo đó, người gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

– Sự kiện bất khả kháng (Khoản 2 Điều 351). Theo đó, “Để được xem là bất khả kháng, một sự kiện phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố: khách quan, không thể lường trước, không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Điển hình là các trường hợp như thiên tai, chiến tranh, sóng thần, hạn hán, dịch bệnh,.. hoặc các bên có thể thỏa thuận các trường hợp được coi là bất khả kháng.

– Thiệt hại xảy ra là lỗi của bên bị vi phạm (Khoản 3 Điều 351). Việc này đảm bảo người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm khi họ không có lỗi và lỗi hoàn toàn thuộc về phía bên bị thiệt hại.

– Miễn trách nhiệm do sự thỏa thuận của các bên (Điểm e khoản 2 Điều 398). Tính linh hoạt của hợp đồng dân sự được thể hiện qua nguyên tắc tự do thỏa thuận. Điều này cho phép các bên tự xây dựng những quy định phù hợp với lợi ích của mình, bao gồm cả việc thỏa thuận về miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp xảy ra vi phạm hợp đồng miễn là thỏa thuận đó không trái với những quy định pháp luật. Chính vì lẽ đó, các bên trong quan hệ hợp đồng có thể thỏa thuận trước các trường hợp miễn trách nhiệm dù có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015 còn có quy định thêm về trường hợp phòng về chính đáng sẽ không phải bồi thường thiệt hại

Điều 594. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”

Theo đó, người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Bởi vì, hành vi phòng vệ chính đáng không bị coi là hành vi trái pháp luật và người thực hiện không bị coi là có lỗi, nên dù hành vi đó gây ra hậu quả thì người thực hiện hành vi cũng không phải gánh chịu hậu quả đó. Tuy nhiên, nếu hành vi phòng về vượt quá giới hạn thì không được miễn trách nhiệm. HIện vấn đề này đang gây khá nhiều tranh cãi trong thực tế vì mức độ bồi thường cũng như những vấn đè phát sinh liên quan.

4. Phân biệt giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại đều là những chế tài pháp lý được áp dụng để bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng khi có vi phạm xảy ra. Cả hai hình thức này đều nhằm mục đích răn đe, bồi thường thiệt hại và đảm bảo sự công bằng trong thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, hai chế tài này có nhiều điểm khác biệt như sau:

Tiêu chí Phạt vi phạm Bồi thường thiệt hại
Mục đích – Phạt vi phạm nhằm mục đích phòng ngừa sự vị phạm. Các thỏa thuận được đưa ra nhằm tác động lên ý chí phải thực hiện đúng của các bên trong hợp đồng. – Bồi thường thiệt hại có mục đích là bù đắp lại các tổn thất mà bên bị vi phạm phải chịu do hành vi vi phạm gây ra.
Căn cứ áp dụng – Có hành vi vi phạm;

– Không cần có thiệt hại thực tế;

– Có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng.

– Có hành vi vi phạm;

– Hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại và phải chứng minh có thiệt hại;

– Không cần có thỏa thuận trong hợp đồng.

Mức phạt áp dụng – Do các bên thoả thuận không hạn chế mức tối đa

– Nếu các bên thỏa thuận áp dụng cả hai thì áp dụng cả hai nếu xảy ra vi phạm, nếu chỉ thỏa thuận phạt vi phạm mà không bao gồm bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ chịu phạt vi phạm.

– Mức bồi thường thiệt hại là toàn bộ thiệt hại mà bên bị vi phạm phải chịu do thành vi vi phạm và những lợi ích mà bên bị vi phạm đáng ra được hưởng do hợp đồng mang lại.

Như vậy, qua các tiêu chí trên đây, chúng ta có thể phân biệt rõ ràng hai loại chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Trường hợp có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trên đây là toàn bộ nội dung về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng dân sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất. 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon